Hội thảo của Hiệp hội mang tầm cỡ quan trọng, đi đúng vấn đề điểm nghẽn của GDĐH

12/05/2023 10:28
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguồn lực quan trọng nhất đầu tư cho GDĐH là nguồn lực tài chính, bên cạnh đó là nguồn lực nhân lực, nguồn lực công nghệ - những nguồn lực phi vật chất.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, điều này đã được nhấn mạnh trong rất nhiều nhiệm kỳ của Đại hội Đảng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội trong nước cũng như quốc tế hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ tại Hội thảo.

Giáo dục đại học có vai trò hết sức quan trọng, vì giáo dục đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao quan trọng nhất, cũng là nơi tập trung nhiều nhất lực lượng khoa học công nghệ, nơi tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ lớn nhất ở mỗi quốc gia.

Vì vậy, phát triển giáo dục đại học chính là góp phần quyết định phát triển nguồn nhân lực cũng như phát triển khoa học công nghệ, tăng khả năng, năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Đầu tư cho giáo dục đại học không chỉ là lĩnh vực an sinh xã hội mà là đầu tư cho phát triển, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của việc đầu tư cho phát triển.

Giáo dục đại học là lĩnh vực dịch vụ công nhưng mang lại lợi ích rất lớn, tỷ suất lợi nhuận đã được chứng minh cao hơn rất nhiều các lĩnh vực đầu tư khác. Đầu tư cho giáo dục đại học không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn mà còn mang lại lợi ích trung hạn và dài hạn.

Những lợi ích này đã được tính toán, được chứng minh và được công bố trong nhiều văn bản, diễn đàn. Vì vậy, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cả quy mô và nâng cao về chất lượng, dịch chuyển và cơ cấu thì chúng ta phải có sự đầu tư tương xứng.

Những kết quả đã đạt được trong những năm qua đã chứng tỏ những định hướng, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn.

Việc cần làm trong thời gian tới đối với giáo dục đại học là phải tăng khả năng tiếp cận, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, dịch chuyển cơ cấu giữa các ngành nghề, giữa các trình độ đào tạo cũng như tối hữu hóa hoạt động của cả hệ thống.

Nhiều lần trên các diễn đàn, chúng ta đã bàn đến những điểm nghẽn trong giáo dục đại học, đặc biệt là điểm nghẽn về khơi thông và phát huy nguồn lực.

Theo Thứ trưởng, ở đây, nguồn lực quan trọng nhất là nguồn lực tài chính, bên cạnh đó là nguồn lực về nhân lực, nguồn lực công nghệ - những nguồn lực phi vật chất. Nhưng quan trọng và then chốt nhất vẫn là nguồn lực đầu tư về tài chính.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặt ra một số vấn đề cần quan tâm trong việc khai thác nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học.

Vấn đề thứ nhất là nguồn lực lấy từ đâu? Nguồn lực từ Nhà nước, nguồn lực từ xã hội (nhà đầu tư, người học, doanh nghiệp sử dụng lao động và các thành tố khác trong xã hội).

Vấn đề thứ hai là đầu tư nguồn lực đến mức độ nào? Hiện nay, đầu nguồn lực cho giáo dục đại học của Việt Nam đang ở mức độ như thế nào? Chúng ta cần phải tăng mức nào để đáp ứng yêu cầu mục tiêu đặt ra, để đến năm 2030, chúng ta trở thành nước có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, chúng ta là một nước có thu nhập cao.

Hội thảo khoa học quốc gia "Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ" thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu, lãnh đạo các trường đại học.

Hội thảo khoa học quốc gia "Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ" thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu, lãnh đạo các trường đại học.

Mục tiêu rất chi tiết để đến năm 2030, Việt Nam chúng ta có 260 sinh viên/vạn dân, và cũng như đặt trong mục tiêu tổng hợp quy hoạch tổng thể quốc gia, để giáo dục đại học Việt Nam nằm trong 10 nước có nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực Châu Á.

Vấn đề thứ ba là ưu tiên nguồn lực đầu tư vào đâu? Chắc chắn chúng ta có tăng nguồn lực từ Nhà nước, từ xã hội đến đâu đi chăng nữa thì cũng không bao giờ đáp ứng được yêu cầu phát triển, và như vậy, cần phải xác định rõ những lĩnh vực cần phải ưu tiên, các trình độ của giáo dục đại học cần phải ưu tiên.

Vấn đề thứ tư là đầu tư cho giáo dục đại học nên tiếp cận theo cơ chế thị trường hay cần có sự can thiệp của Nhà nước và sự can thiệp đó đến mức độ nào?

Hay những câu hỏi khác như nguồn lực cho giáo dục đại học, những quan niệm về xã hội, ví dụ phát triển khoa học công nghệ có tạo thêm nguồn lực cho giáo dục đại học không hay là phát triển khoa học công nghệ cũng là một nội dung cần phải đầu tư cho giáo dục đại học; quan hệ giữa các hình thức đầu tư, các nguồn lực đầu tư, làm sao để nguồn lực đầu tư của Nhà nước có thể tạo thành, dẫn dắt đầu tư công, để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, để đầu tư của Nhà nước tạo nên một sức bật và động lực để gia tăng các nguồn đầu tư khác.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo rất vui mừng khi Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức nhiều diễn đàn, tọa đàm, hội thảo. Hội thảo hôm nay mang tầm cỡ quan trọng, đi đúng vấn đề điểm nghẽn là nguồn lực cho giáo dục đại học.

Mong rằng, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng các thầy cô ở trường đại học cùng nhau có tiếng nói khách quan, khoa học, phản ánh đầy đủ, toàn diện, đi sâu vào những vấn đề trọng tâm trong việc phát huy, sử dụng tối ưu nguồn lực cho giáo dục đại học, để chúng ta cùng nhau có tiếng nói chung, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng xã hội để giáo dục đại học thực sự trở thành một động lực then chốt cho phát triển đất nước trong những năm tới", Thứ trưởng khẳng định.

Phạm Minh