Học sinh sáng tạo, xung phong giành điểm cao khi học môn Lịch sử ở CTGDPT mới

28/05/2023 06:31
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên giúp HS nỗ lực học tập, xung phong phát biểu, thể hiện quan điểm, năng lực sáng tạo để giành được điểm cao. 

Năm học 2022-2023 là năm học bản lề đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học phổ thông. Trong đó, môn Lịch sử là môn học bắt buộc.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Lê Quốc Học - Nhóm trưởng chuyên môn nhóm Lịch sử - Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã có những chia sẻ về quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lịch sử lớp 10.

Nhà giáo Lê Quốc Học - Nhóm trưởng chuyên môn nhóm Lịch sử - Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm trong giờ lên lớp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhà giáo Lê Quốc Học - Nhóm trưởng chuyên môn nhóm Lịch sử - Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm trong giờ lên lớp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo thầy Học, môn Lịch sử ban đầu được xếp vào các môn lựa chọn trong tổ hợp Khoa học xã hội nhưng sát thời điểm năm học mới 2022-2023 đã thay đổi thành môn học bắt buộc. Điều này đã tạo ra một số xáo trộn nhất định cho nhà trường, giáo viên.

Trong đó, về lựa chọn tổ hợp, ngay từ đầu, nhà trường xác định các học sinh khối C và D sẽ chọn tổ hợp khoa học xã hội nên không ảnh hưởng nhiều về việc môn Lịch sử là môn bắt buộc. Nhưng đối với khối lớp tự nhiên lại có một số xáo trộn. Bên cạnh đó, thời khoá biểu, đội ngũ giáo viên cũng được nhà trường sắp xếp, điều chỉnh lại sao cho phù hợp.

Sau một năm học triển khai dạy môn Lịch sử lớp 10 theo chương trình mới, thầy Học cho biết, ưu điểm thứ nhất là nội dung chương trình Lịch sử nhẹ nhàng hơn chương trình 2006 khi giảng dạy bắt buộc với nội dung 52 tiết.

Ưu điểm thứ hai, chương trình mới định hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh - điểm mới phù hợp với thời đại hiện nay. Học sinh không phải học kiến thức quá hàn lâm và không có mục tiêu mà các em được chủ động hơn trong việc học.

Ưu điểm thứ ba, so với chương trình 2006, chương trình mới giúp định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp các em có những nhận thức, lựa chọn ban đầu về các ngành, nghề liên quan đến lịch sử - văn hoá xã hội.

Ưu điểm thứ tư, trong chương trình mới, có những chủ đề lần đầu tiên được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông như chủ đề về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần hình thành phẩm chất, tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm của học sinh.

“So với trước đây, phương pháp dạy và học môn Lịch sử lớp 10 đã có thay đổi đáng kể với việc tiếp cận phát triển năng lực học sinh.

Phương pháp mới hướng học sinh tới việc học nội dung chỉ là công cụ để các em giải quyết vấn đề cụ thể. Học sinh được thực hành phát triển năng lực, không cần phải ghi nhớ, thuộc lòng các sự kiện, nội dung một cách máy móc. Thay đổi cách học từ việc chỉ ghi chép và phát biểu đơn thuần đến việc vận dụng nhiều hơn các tri thức để áp dụng trong thực tiễn”, nhà giáo Lê Quốc Học cho biết.

Sau quá trình đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo định hướng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Học ghi nhận kết quả nổi bật là khi áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như: lớp học đảo ngược và giải quyết vấn đề đã giúp học sinh hứng thú hơn trong các tiết học Lịch sử.

Thông qua quá trình đổi mới dạy và học, học sinh tích lũy được một số kỹ năng mềm liên quan đến thuyết trình, làm việc nhóm và một số kỹ năng quan trọng khác. Bên cạnh đó, việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá thường xuyên cũng giúp học sinh luôn xác định tâm thế nỗ lực học tập, xung phong phát biểu, thể hiện quan điểm cá nhân, phát huy năng lực sáng tạo để giành được điểm cao.

Tiết học Lịch sử lớp 10 của học sinh trở nên sinh động, sôi nổi và hấp dẫn hơn khi thầy Học đổi mới phương pháp giảng dạy. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiết học Lịch sử lớp 10 của học sinh trở nên sinh động, sôi nổi và hấp dẫn hơn khi thầy Học đổi mới phương pháp giảng dạy. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Song, cũng có một số học sinh quen với phương pháp học cũ nên còn bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình, cách dạy mới. Đặc biệt, những học sinh có lực học yếu sẽ khó khăn hơn trong việc vận dụng các tri thức để giải quyết vấn đề cụ thể.

Khắc phục những khó khăn này, thầy Học cho biết, giáo viên đã linh hoạt sử dụng các phương pháp đa dạng hơn trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và giúp đỡ học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục được giao. Giáo viên là người định hướng, làm rõ mục tiêu, năng lực và phẩm chất hướng tới trong từng nhiệm vụ của học sinh.

“Một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Với môn Lịch sử lớp 10, giáo viên tích cực kết hợp nội dung hướng nghiệp vào trong các chủ đề dạy học như: Vai trò của Sử học…

Thông qua các chủ đề lồng ghép, giáo viên có thể định hướng, hướng nghiệp cho học sinh một số ngành nghề liên quan đến lịch sử, văn hoá, du lịch… để mở rộng thế giới quan cho học sinh lựa chọn ngành học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông”, nhà giáo Lê Quốc Học chia sẻ.

Cũng theo nhà giáo Lê Quốc Học, tới năm 2025, môn Lịch sử sẽ là môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, nhà trường có định hướng kế hoạch đảm bảo đủ nhân lực giảng dạy, tiếp tục nâng cao trình độ giáo viên bộ môn Lịch sử; tập huấn, bổ sung kiến thức, phương pháp dạy học phù hợp với chương trình mới đặt ra. Xây dựng khung chương trình bộ môn Lịch sử phù hợp với mục tiêu chủ yếu là phát triển năng lực học sinh, tăng thực hành, trải nghiệm. Đặc biệt, giáo viên bộ môn Lịch sử sẽ tiếp tục đổi mới những phương pháp giảng dạy tích cực trong dạy và học, tránh cách dạy chỉ thiên về nội dung, một chiều từ giáo viên.

Ngọc Mai