Học sinh phổ thông giờ giỏi thật, điểm 9, điểm 10 như "mưa"!

25/05/2023 06:31
Hương Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ riêng chuyện làm giấy khen, gói quà để khen thưởng cho học sinh vào dịp cuối năm cũng khiến cho nhà trường, đội ngũ giáo viên, nhân viên tất bật.

Dịp cuối năm học, nhiều phụ huynh và học sinh thường khoe trên các trang mạng xã hội những giấy khen, bảng điểm khiến cho những người xem cứ phải trầm trồ thán phục vì những danh hiệu và những bảng điểm đẹp như mơ.

Nhìn qua, những bảng điểm mà phụ huynh hay học sinh đưa lên các trang mạng xã hội, chúng ta thấy học sinh bây giờ giỏi quá bởi toàn điểm 9, điểm 10 và điểm trung bình môn của nhiều em lên đến 9,7- 9,8.

Học sinh bây giờ nhiều em thông minh, được phụ huynh đầu tư từ nhỏ nên việc nhiều em học giỏi là điều dễ hiểu nhưng thực tế điểm 9, điểm 10 đang được một số thầy cô giáo hào phóng cho. Bảng điểm của học trò đẹp cũng đồng nghĩa bảng thành tích của thầy cô đẹp, số liệu báo cáo của nhà trường đẹp cũng đẹp theo.

Cứ thế, năm sau “phải bằng và cao hơn năm trước” nên bảng điểm của học trò ngày càng đẹp hơn, long lanh hơn. Thế nhưng, phía sau những bảng điểm như mơ ấy không chỉ là công sức, nỗ lực của học trò mà còn có cả một “nghệ thuật” đánh giá, cho điểm học trò của thầy cô giáo.

Điểm 9, điểm 10 bây giờ nhiều lắm (Ảnh: H.M)

Điểm 9, điểm 10 bây giờ nhiều lắm (Ảnh: H.M)

Tổng kết trên 9 phẩy vẫn không nằm trong tốp 10 của lớp

Một phụ huynh ở một tỉnh phía Nam cho biết, con gái anh đạt 9,2 điểm trung bình môn cả năm nhưng vẫn không được nằm trong tốp 10 vì trong lớp còn nhiều bạn học siêu hơn thế nữa. Chuyện học sinh có điểm tổng kết cả năm lên đến 9,7- 9,8 bây giờ không hiếm ở nhiều lớp học.

Nhìn bảng điểm của con bây giờ thích thì thích thật vì điểm thường xuyên, định kỳ đa số điểm 9, điểm 10 nhưng đôi lúc vẫn cảm thấy lo lắng, băn khoăn.

Bởi lẽ, điểm cao như thế mà trong lớp còn nhiều bạn cao hơn nữa thì đó có phải là điểm thực. Hơn nữa, khi kiểm tra một số kiến thức cơ bản của một số môn học thì phụ huynh này vẫn thấy con lúng túng.

Điều đặc biệt là nhà trường luôn nói đến việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò nhưng mỗi lần kiểm tra định kỳ thì học sinh vẫn học thuộc lòng, đề cương chi tiết vẫn được thầy cô cung cấp khá chu đáo.

Thực tế cho thấy, việc học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt được điểm 9, điểm 10 bây giờ nhiều lắm. Những em đang học chương trình 2006, đánh giá theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT thì rất hiếm có học sinh Trung bình mà đa phần là từ loại Khá trở lên.

Vì thế, cuối năm học sinh trong lớp đa phần được khen thưởng. Không được danh hiệu Học sinh Giỏi thì cũng đạt danh hiệu Học sinh Tiên tiến.

Những em học chương trình 2018, đang đánh giá theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông thì cũng điểm 9, điểm 10 như "mưa" nên cuối năm học sẽ có một số lượng lớn được xếp loại học lực Tốt và được khen danh hiệu Học sinh Xuất sắc, hoặc Học sinh Giỏi.

Chính vì thế, chỉ riêng chuyện làm giấy khen, gói quà để khen thưởng cho học sinh vào dịp cuối năm đối với những trường lớn cũng khiến cho nhà trường, đội ngũ giáo viên, nhân viên tất bật và phải chuẩn bị trong nhiều ngày mới xong.

Ngày tổng kết năm học, những thầy cô được phân công bê quà để các lãnh đạo nhà trường, địa phương phát thưởng cũng rất vất cả vì có rất nhiều quà được gói theo từng danh hiệu mà phát thưởng cả tiếng đồng hồ chưa hết danh hiệu Học sinh Xuất sắc và Học sinh Giỏi.

Những em đạt danh hiệu Học sinh Tiên tiến thì thường giáo viên chủ nhiệm nhận về và phát trước tại lớp- vì phát trong ngày tổng kết năm học sẽ không có thời gian.

Điểm tổng kết cao có tương đồng với lực học của học trò

Thực tế cho thấy, học sinh bây giờ nhiều em rất giỏi, các em được đầu tư từ nhỏ nên nhiều em không chỉ giỏi về các môn học ở nhà trường mà các em còn giỏi về ngoại ngữ, tin học và được trang bị rất nhiều kĩ năng cần thiết trong quá trình học tập phổ thông.

Song, bên cạnh đó thì cũng có một bộ phận không nhỏ học sinh ngày nay thờ ơ với chuyện học hành, thiếu động lực học tập. Vì thế, kết quả học tập không tốt và điểm số được thầy cô cho, tổng kết không tương xứng với năng lực thật của các em.

Điểm cao thì vẫn rất cao nhưng kiểm tra kiến thức cơ bản thì lơ mơ, không trả lời, không làm được. Vậy vì sao các em vẫn được điểm cao và tràn lan điểm 9, điểm 10?

Thứ nhất: thực tế nhiều em đạt được điểm cao là do năng lực thực sự của các em vì nhiều em có những mục tiêu cụ thể và các em có động lực để học tập nhằm chinh phục tri thức và hướng tới một tương lai rõ ràng, cụ thể.

Thứ hai: học sinh bây giờ gần như em nào cũng đi học thêm, không học ở trường thì học ở nhà thầy cô. Thậm chí, nhiều học sinh học thêm cả ở trường và cả ở nhà thầy cô. Vì thế, mỗi lần kiểm tra thường xuyên, định kỳ thì thầy cô ôn khá kĩ và nhiều khi còn “trúng đề” kiểm tra của nhà trường.

Khi tổ chức kiểm tra định kỳ, mặc dù nhà trường bố trí 2 giám thị 1 phòng nhưng đa phần các trường học thiếu phòng nên vẫn phải bố trí 2 em ngồi 1 bàn như lớp học bình thường và phần nhiều thầy cô cũng nhẹ nhàng nên bạn này làm được thì bạn khác cũng làm được bài. Chính vì thế, học sinh dễ dàng có được những điểm số cao nhất, đẹp nhất có thể.

Thứ ba: hiện nay đa phần các môn học đều do nhà trường ra đề nên cho dù không lộ đề thì giáo viên cũng biết trước vì những môn học nhiều tiết có thể vài ba giáo viên dạy cùng khối nhưng những môn ít tiết thì chỉ 1 giáo viên dạy cả khối.

Chính vì thế, đề của trường có thể chỉ 1 giáo viên ra, mà có 2 giáo viên ra thì cơ bản khi họp tổ cũng đã thống nhất với nhau và thậm chí khi ra đề xong thì vẫn âm thầm chuyền cho nhau để giáo viên thuận lợi trong ôn tập.

Vì thế, yếu tố bất ngờ trong đề kiểm tra định kỳ gần như không có. Đề thường xuyên thì lại càng dễ hơn.

Thứ tư: đầu năm học, giáo viên từng bộ môn sẽ được giao chỉ tiêu học lực cụ thể nên bắt buộc họ phải hoàn thành. Phương châm của trường nào cũng đều áp chỉ tiêu năm học mới sẽ bằng hoặc cao hơn năm học trước. Vì thế, điểm số ngày càng đẹp hơn.

Điểm số của học sinh gắn liền với quyền lợi của giáo viên. Giáo viên có điểm số giỏi càng cao, học sinh yếu kém càng ít tất nhiên sẽ có nhiều lợi thế trong xếp loại viên chức, xét thi đua cuối năm. Hơn nữa, để học sinh yếu, chưa đạt thì hè phải ôn, cho kiểm tra, đánh giá lại càng mệt mỏi hơn.

Vì thế, giáo viên họ cũng phải hướng tới quyền lợi của bản thân mình. Môn này cao, giáo viên này có tỉ lệ giỏi cao sẽ “thúc đẩy” các môn học khác có điểm số cao theo. Bởi vậy, những điểm số ngày một đẹp hơn và danh hiệu của học sinh đạt được cũng nhiều hơn.

Kinh phí khen thưởng thì nhà trường xã hội hóa nên cũng không áp lực trong việc khen thưởng học trò.

Cuối năm học, nhà trường, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh cùng vui vẻ “gặt hái” được nhiều thành tích. Nhưng, những em đạt điểm cao, đạt được danh hiệu, được nhà trường khen thưởng không phải em nào cũng xứng đáng. Bởi điểm số không phải đều tương đồng với học lực, năng lực thực sự của học trò mà còn có nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác để bảng điểm của học sinh long lanh.

Tuy nhiên, mỗi năm có kỳ thi tuyển sinh 10- cầu nối giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã bộc lộ nhiều hạn chế trong việc đánh giá học lực của học trò. Không nhiều trường học lấy điểm chuẩn tuyển sinh 10 có điểm trung mình 5,0 điểm/ 1 môn thi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Mai