Học sinh "mưa" điểm 9,10, thầy cô lẽ ra phải vui sao lại buồn?

30/05/2023 06:42
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ai cũng ước mơ, muốn được là chính mình, thầy cô giáo cũng vậy, muốn mình là người trung thực, làm tấm gương cho học sinh noi theo.

Cuối năm học, hiện tượng khoe điểm đánh giá kiểm tra toàn điểm 9, 10, hay học bạ phải điểm 9, 10 nhiều năm tiểu học mới “qua vòng gửi xe” khi tham gia xét tuyển, thi tuyển vào trưởng “điểm” đã làm cho nhiều người không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi.

Điểm tổng kết cuối năm của học sinh là thành quả lao động của học sinh, thành quả đó được thầy cô giáo đánh giá dựa trên các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Trên cơ sở kiến thức, kĩ năng cần đạt của mỗi lớp, mỗi môn học, giáo viên ra đề kiểm tra định kì, đánh giá thường xuyên, kết quả học sinh đạt được là khách quan, trung thực, công bằng.

Học sinh đạt kết quả “đẹp”, kết quả tốt, chúng ta phải vui vẻ, mừng rỡ cho những chủ nhân tương lai của đất nước mới đúng, sao lại hoài nghi, lo lắng?

Chúng ta đều đã đi học, đều biết trong một lớp không phải lớp chọn thì sẽ có học sinh điểm cao, học sinh điểm thấp.

Là giáo viên, tôi và nhiều thầy cô khi chấm điểm kiểm tra tập trung, gặp được bài 9 điểm, 10 điểm, chẳng khác gì khát cháy mà được ly nước chanh đá lạnh mà uống, giáo viên chuyền tay nhau đọc, chẳng khác "vớ" được vàng.

Hơn 30 năm dạy học, tôi đã gặp những học trò “siêu trí tuệ”, thầy cô, bạn bè thường gọi là “quỷ sống”, "ma học", "ông cụ non"... cũng chưa đạt được thành tích … toàn điểm 10.

Vậy tại sao học sinh giờ học giỏi thế, điểm đẹp thế, chương trình học nhẹ hơn hay học sinh học giỏi toàn diện nhiều hơn hay có điều gì khác ở đây?

Nói về chương trình học, là giáo viên tôi nhận thấy chỉ có chăng là tăng nặng hơn, yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn chứ không có giảm.

Một phụ huynh có con học tiểu học đã thốt lên băn khoăn: “Vẫn 1 câu hỏi, học sinh giờ giỏi hay xưa mình kém. Xưa đứa nào tổng kết 8,5 trở lên thì cao thủ, cũng ít, hiếm mà giờ toàn 9,10 thì siêu nhân à:))”.

Nếu chúng ta có những thế hệ học sinh “siêu nhân” như thế này phải mừng chứ, sao lại lo? Với các giáo viên, họ buồn hay vui khi học trò giờ đây rất nhiều em có điểm học bạ "đẹp không tì vết".

Đã có giáo viên viết trên mạng xã hội, nhận được sự đồng cảm của giáo viên: “Đôi lúc thấy mệt. Không phải vì công việc, mà bởi không dám đánh trượt học sinh, bởi học sinh kém ban giám hiệu sẽ đổ lỗi cho thầy cô”.

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội
Ảnh chụp màn hình chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội

Phần lớn bình luận của giáo viên đều đồng cảm với chia sẻ này, có người còn cho biết mình đi dạy gần 25 năm rồi mà chưa hề dám cho học sinh nào ở lại lớp, vì có cho học sinh ở lại lớp rồi cũng phải nâng lên theo yêu cầu của hiệu trưởng.

Người viết làm một cuộc khảo sát nhỏ với giáo viên đang trực tiếp dạy lớp về tỷ lệ học sinh xuất sắc, học sinh giỏi ở các lớp mà giáo viên đang dạy như thế nào? Kết quả thầy cô đánh giá cho ra các con số khá khiêm tốn. Tỷ lệ học sinh xuất sắc, học sinh giỏi theo nhiều thầy cô thì không quá được ngưỡng 20%. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy có những lớp 12 mà tỷ lệ học sinh giỏi đạt 100% với 37/37 em đều là học sinh giỏi.

Theo một số giáo viên chia sẻ, với chương trình mới yêu cầu toàn diện hơn nên tỷ lệ học sinh xuất sắc khó hơn chương trình cũ. Trong cùng bậc học, lớp nhỏ hơn đạt kết quả tốt hơn lớp lớn. Điều này cũng phù hợp với việc kiến thức càng lên cao thì càng khó, chuyên sâu. Vì thế, người viết cho rằng, lớp 12 mà lớp nào cả lớp đều đạt học sinh giỏi là quá bất thường.

Từ thực tế công tác, người viết đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xóa bỏ hoàn toàn việc đăng ký chỉ tiêu giáo dục đầu năm của nhà trường, của giáo viên.

Thứ hai, tuyệt đối không dùng, không so sánh kết quả bộ môn của giáo viên này với giáo viên khác.

Thứ ba, xóa bỏ tiêu chí chất lượng giáo dục “vượt chỉ tiêu, đạt chỉ tiêu, chưa đạt” trong đánh giá viên chức.

Thứ tư, xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn ở trung học cơ sở, vì theo Luật Giáo dục không có trường chuyên lớp chọn cấp trung học cơ sở, tiểu học.

Thực tế thì thế nào, ví dụ, khối trung học cơ sở nằm trong Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã tồn tại hàng chục năm nay nên phụ huynh cũng mặc định đó là "trường chuyên" và để có thể vào học sinh cũng phải trải qua kỳ thi được đánh giá là căng thẳng.

Trên địa bàn Hà Nội, còn có một số trường trung học cơ sở chất lượng cao khác như trung học cơ sở Cầu Giấy, trung học cơ sở Lê Lợi (Hà Đông), trung học cơ sở Thanh Xuân, trung học cơ sở Nam Từ Liêm… cũng áp dụng hình thức tuyển sinh căng thẳng tương tự Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, cũng là nơi chỉ có học bạ toàn điểm 10 mới “qua vòng gửi xe”.[1]

Việc bỏ trường chuyên, lớp chọn ở trung học cơ sở sẽ góp phần bỏ được nạn “cấy siêu nhân” ở tiểu học.

Thứ năm, bỏ hình thức xét tuyển đại học bằng học bạ, khi điểm tổng kết đánh giá chưa “thật” như hiện nay.

Ai cũng ước mơ, muốn được là chính mình, thầy cô giáo cũng vậy, muốn mình là người trung thực, là tấm gương cho học sinh noi theo.

Thầy cô giáo còn mong ước cháy bỏng, đó là trả lại "hình ảnh" thật của học trò cho chính người thân của học trò, thầy cô không lừa dối họ, thầy cô không thấy áp lực, không thấy mệt mỗi khi tổng kết cuối năm.

Chỉ cần giáo viên được làm thật: dạy thật; tổng kết, đánh giá thật, chất lượng giáo dục thật sẽ đi lên, mưa điểm 10 sẽ giảm dần.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/hoc-ba-toan-10-moi-duoc-thi-lop-6-truong-ams-va-noi-lo-chay-hoc-ba-185230523175738874.htm

Lê Mai