Học nửa ngày không bán trú, phụ huynh băn khoăn, Phòng Giáo dục bảo chờ chỉ đạo

12/02/2022 06:30
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tỷ lệ tiêm phủ Vắc xin của Việt Nam hiện nay là nhất thế giới, học sinh tiêm phòng cũng khá cao, nếu cho học nửa buổi không bán trú thì ta đã lãng phí Vắc xin.

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ ngày 8/2/2022, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 toàn thành phố sẽ đi học trở lại. Từ ngày 10/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành sẽ đến trường học trực tiếp.

Tuy nhiên, theo thông báo, học sinh chỉ học 1 buổi trực tiếp, các trường không tổ chức bán trú, không mở căng tin. Quyết định này nhằm đảm bảo an toàn trước dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên lại đang gây ra nhiều bất cập không nhỏ đến lịch trình của phụ huynh và học sinh khiến phụ huynh lo lắng.

Chị Trần Thị Thủy (Cầu giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi đang rất hoang mang lo lắng bởi nhà tôi có hai con, cô chị học lớp 7, cậu em học lớp 2. Bình thường trong thời gian học trực tuyến vừa qua, chị vừa học ở nhà vừa trông em, nay chị đến trường học, em lại ở nhà mà không có người trông, rồi có những môn học không đủ thời lượng học trực tiếp, buộc học sinh phải học bổ sung vào buổi chiều. Mấy hôm nữa chị học sáng, em học chiều thì cũng khá căng mà gia đình chưa biết phải làm thế nào. Tôi rất mong nhà trường tổ chức bán trú”.

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: Nguy cơ từ việc ăn bán trú có thể giải quyết được không hay không giải quyết được mà đẩy trách nhiệm đó lại cho các phụ huynh?”. Ảnh minh họa: T.D.
Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: Nguy cơ từ việc ăn bán trú có thể giải quyết được không hay không giải quyết được mà đẩy trách nhiệm đó lại cho các phụ huynh?”. Ảnh minh họa: T.D.

Cũng về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Hà (Mỹ Đình, Hà Nội) băn khoăn: “Con nhà tôi học lớp 7, buổi sáng tôi có thể đi làm kết hợp đưa cháu đến trường vì cùng giờ, nhưng buổi trưa cháu tan học lúc 11 giờ, mà giờ nghỉ trưa của cơ quan tôi là 11 giờ 45 lại cách rất xa trường, vậy tôi không biết phải làm thế nào để đến trường đón cháu.

Tôi cũng không thể thuê người lạ đến đón cháu đưa về nhà được, vậy tôi biết làm sao mà không cho con đi học thì không được. Hi vọng các ban ngành đã quyết định cho đi học thì các vị nên đặt vào vị trí của các bố mẹ. Nếu đã cho các con đi học thì cho học luôn bán trú, chứ học nửa buổi thì làm sao bố mẹ xoay sở kịp”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Nghĩa Đô, Hà Nội) cho biết: “Cháu lớn nhà tôi học lớp 10 vào buổi sáng, trong khi đó cháu nhỏ lớp 7 học buổi chiều lại khác trường và cách rất xa nhà nên phải đưa đón. 11 giờ 30 tôi phải xin nghỉ làm sớm chạy rất nhanh về đón cháu lớn, về nhà nấu cơm cho các cháu ăn rồi kịp đưa cháu nhỏ đến trường học ca chiều, việc này kéo dài mà nhà trường không có phương án học bán trú, thì thực sự gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác sẽ đảo lộn hết sinh hoạt, mà tôi không thể cứ hôm nào cũng xin nghỉ làm sớm và đến muộn vì đưa đón con được.

Tôi thấy nhà trường đã cam kết đến trường an toàn vậy sao chỉ cho học 1 buổi? Nguy cơ từ việc ăn bán trú có thể giải quyết được không hay không giải quyết được mà đẩy trách nhiệm đó lại cho các phụ huynh?”.

Rất nhiều phụ huynh cũng nêu thắc mắc: Các cháu ngồi trong lớp thì đó cũng là sinh hoạt chung rồi thì việc tổ chức bán trú cho các cháu có khác nhau bao nhiêu đâu mà không cho thực hiện để giảm bớt sự bất cập cho phụ huynh. Thật khó hiểu? Đã đến trường học trực tiếp vậy các học sinh có ngồi học gần nhau không? Nếu có thì việc xếp hàng giãn cách ở cổng trường, ngoài lớp chỉ là hình thức. Tôi thấy đến trường học nửa ngày cũng không khác gì học cả ngày. Hi vọng các con được học bán trú luôn cho đỡ vất vả.

Có người nói: Người lớn trong gia đình đi làm, đi chơi, đi du lịch,… thì không sao. Trẻ con trong gia đình đi chơi, đi du lịch cùng người lớn cũng không sao. Nhưng trẻ con đến trường thì cứ lăn tăn, nghĩ đủ cách để ngăn chặn virus mặc dù đều biết rằng không thể ngăn chặn và trẻ con là đối tượng ít bị ảnh hưởng nhất của dịch bệnh này, cùng với đó người lớn đã tiêm ngừa ít nhất 2 mũi. Chẳng lẽ để phụ huynh gửi trẻ con cho một nơi nào đó ngoài trường học thì trẻ không có nguy cơ bị bệnh sao, hay các nhà trường trốn trách nhiệm? Một quyết định mang tính nửa vời, không giải quyết được vấn đề mà còn gây thêm rối loạn.

Bác sĩ Trần Văn Phúc :"Thực tế hiện tại của Việt Nam thì hoàn toàn có thể được bởi tỷ lệ tiêm phủ Vắc xin của chúng ta hiện nay là nhất thế giới, tỷ lệ học sinh tiêm phòng cũng khá cao, nếu cho các con học nửa buổi và không bán trú thì vô tình gây lãng phí Vắc xin". Ảnh: T.D.
Bác sĩ Trần Văn Phúc :"Thực tế hiện tại của Việt Nam thì hoàn toàn có thể được bởi tỷ lệ tiêm phủ

Vắc xin của chúng ta hiện nay là nhất thế giới, tỷ lệ học sinh tiêm phòng cũng khá cao, nếu cho các con học nửa buổi và không bán trú thì vô tình gây lãng phí Vắc xin". Ảnh: T.D.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Khắc Thắng – Trưởng phòng Giáo dục huyện Quốc Oai cho biết: “Với khối lớp 7, lớp 9 đi học từ ngày 8/2 thì đã có 22/23 trường được đi học. Chỉ duy nhất có 1 trường thuộc xã cấp độ 3 thì phải nghỉ học trực tiếp. Còn vấn đề tổ chức học bán trú, chúng tôi đang đợi chỉ đạo của thành phố".

Ngày 11/2, báo điện tử Vietnamplus.vn của Thông Tấn xã Việt Nam đã dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc đi học trở lại.

Bộ trưởng khẳng định ngành giáo dục vẫn lấy đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu nhưng phải có sự ứng phó phù hợp. Tư lệnh ngành giáo dục thông tin khuyến cáo của các chuyên gia y tế về việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều.

Vì vậy, nếu các trường đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch thì cần đảm bảo đầy đủ các hoạt động học tập trực tiếp để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái cũng như sinh hoạt của học sinh được nề nếp. Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa đảm bảo việc dạy học của các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh. Tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội”. (1)

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).

Bác sĩ Phúc nêu quan điểm: “Trên thế giới, sau khi các trường học thực hiện việc học bán trú, họ nhận thấy không hề tăng tỷ lệ lây nhiễm. Việc tổ chức ăn bán trú một một cách khoa học, chia thành nhiều giờ đi ăn, một nửa ăn tại nhà ăn, một nửa ăn tại lớp, hoặc nếu thời tiết khô ráo có thể một vài lớp ra ăn tại sân, vườn trường. Kê bàn ăn để các em ngồi cùng quay về một hướng, không ngồi đối mặt, khi ăn không nói chuyện, chia thành 2 lối ra vào phòng để giảm tiếp xúc.

Tôi thấy sau một thời gian ngắn tổ chức cho học sinh đi học trở lại, đã nảy sinh ra nhiều bất cập. Vấn đề bất cập nhất là khi dịch Covid-19 xảy ra thì học sinh phải nghỉ học ở nhà, việc này đã gây đảo lộn về mặt sinh hoạt cũng như đảo lộn về công việc của cha mẹ các em. Hoàn cảnh bố mẹ phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình cũng rất khó khăn, nhưng vẫn phải chia ca chia kíp để ở nhà trông con, và không phải gia đình nào cũng có được điều kiện như vậy.

Nhưng giờ các em được đi học trở lại cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình, tuy nhiên nếu chỉ cho phép học nửa buổi và không bán trú, như vậy lại dẫn đến khó khăn khác cho các bậc phụ huynh, khi họ đang quen với việc các con tự ở nhà vừa học vừa trông nhau, thức ăn được bố mẹ làm sẵn, nhưng một lần nữa mọi việc lại bị đảo lộn.

Dịch Covid-19 đã trải qua 2 năm, và các nhà nghiên cứu nhận thấy việc trẻ bị nhiễm bệnh là rất thấp, và nếu có nhiễm thì hầu hết là triệu chứng nhẹ, và với tỷ lệ nhiễm nặng vẫn thấp hơn bị cúm mùa rất nhiều, cúm mùa như cúm A, cúm B là hai tuýp cúm gây bệnh rất nặng còn hơn Covid-19. Với đặc điểm như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể triển khai cho các con học bán trú cả ngày.

Thực tế hiện tại của Việt Nam thì hoàn toàn có thể học cả ngày được bởi tỷ lệ tiêm phủ Vắc xin của chúng ta hiện nay là nhất thế giới, tỷ lệ học sinh tiêm phòng cũng khá cao, nếu cho các con học nửa buổi và không bán trú thì vô tình gây lãng phí Vắc xin, các nước họ đâu có tiêm chủng được nhiều như chúng ta, học sinh của họ cũng vậy mà họ vẫn tổ chức học bán trú đấy thôi. Dịch Covid-19 là nguy hiểm nhưng cũng không đến mức chúng ta quá cẩn thận như vậy”.

Chuẩn bị suất ăn bán trú tại một trường Trung học phổ thông ở Hà Nội. Ảnh minh họa: T.D.
Chuẩn bị suất ăn bán trú tại một trường Trung học phổ thông ở Hà Nội. Ảnh minh họa: T.D.

Trả lời trên chuyên trang điện tử infonet của báo Vietnamnet ngày 09/2, Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc trẻ em mắc Covid-19 khó tránh khỏi vì người lớn nhiễm sẽ lây cho trẻ em, nên việc trẻ ở nhà hay đến trường đều có nguy cơ mắc Covid-19 như nhau.

Bác sĩ Khanh cho rằng việc cho trẻ đến trường ở thời điểm này hoàn toàn hợp lý, nhưng điều quan trọng nhất của nhà trường và phụ huynh đó là liên hệ chặt chẽ với nhau.

Cô giáo nên tổ chức hướng dẫn trẻ chơi với nhau theo nhóm. Ví dụ 5 em một nhóm cùng ngồi gần, cùng ăn, cùng ngủ với nhau điều này để hạn chế nguồn lây nhiễm.

Việc ăn bán trú hay không ăn bán trú thì nguy cơ lây nhiễm như nhau quan trọng là việc tổ chức thành nhóm nhỏ 5 - 6 em để chia nhỏ, kiểm soát dễ hơn.

Ở trẻ nhỏ, bác sĩ Khanh cho biết đặc điểm nhiễm Covid-19 khác người lớn, chu kỳ khỏi bệnh chỉ khoảng 3 - 5 - 7 ngày, trong khi ở người lớn là 5 - 7 - 10 - 14 ngày. Triệu chứng mắc Covid-19 ở trẻ như nóng, ho, sổ mũi, thậm chí không có triệu chứng nào. Khả năng lây bệnh ở trẻ cũng khó hơn và việc lây cho người khác cũng thấp hơn nhiều so với người lớn.

Nguyên nhân được bác sĩ Khanh chỉ ra là do người lớn thường xuyên khạc nhổ, trẻ con thì lại có xu hướng nuốt vào, hơn nữa virus bám dính ở vòm họng của trẻ con rất ít, chủ yếu có trong đường ruột nên thường thải ra qua hệ thống ruột nhiều hơn là văng ra ngoài. (1)

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.vietnamplus.vn/cac-truong-khong-to-chuc-ban-tru-bo-truong-bo-gddt-noi-gi/772461.vnp

2. https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/tre-em-den-truong-nguy-co-lay-nhiem-covid-19-nhu-the-nao-404229.html

Tùng Dương