"Hoa hồng đen" bay vào trường học khiến hoạt động trải nghiệm bị biến tướng

05/04/2023 09:17
Minh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần chấn chỉnh các nhà trường phổ thông lợi dụng học trải nghiệm thành tham quan du lịch thu tiền.

Vừa qua, nhiều trường phổ thông tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa (thực chất là đi du lịch) núp bóng hoạt động trải nghiệm có thu tiền, thậm chí thu ở mức cao, khiến phu huynh học sinh bức xúc.

Từ góc độ là giáo viên phổ thông, người viết xin được chia sẻ về thực trạng nhiều trường phổ thông lợi dụng việc học môn Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thành tham quan du lịch như hiện nay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hoạt động ngoại khóa khác với Hoạt động trải nghiệm

Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông cho biết:

“Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12; ở cấp tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp”. [1]

Theo đó, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Giai đoạn giáo dục cơ bản: Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình.

Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi.

Ở cấp trung học cơ sở, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp; đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp trung học phổ thông tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp.

Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

Như thế, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, chứ không có chuyện học sinh muốn thì tham gia còn không thì thôi.

Nội dung Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải được dạy và học theo quy định của chương trình, không phải theo kiểu đi du lịch trá hình như một số trường phổ thông đang thực hiện.

Còn hoạt động ngoại khóa, Báo Tuổi trẻ ngày 29/3/2023 dẫn lời ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết:

"Ngoại khóa là một hình thức nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Đây là hoạt động có thu phí trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, tức là không bắt buộc.

Hoạt động này không xác định được lượng kiến thức trong các môn học và không kiểm tra đánh giá học sinh. Vì vậy, học sinh không tham gia cũng không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập." [2]

"Lùa" học sinh các khối lớp đi "trải nghiệm" là trái Thông tư 32

Theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp áp dụng theo lộ trình như sau:

Từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Theo quy định này, nếu trường nào tổ chức cho học sinh các lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 đi “trải nghiệm” trong năm học 2022-2023 là sai. Hay nói cách khác, chỉ học sinh các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 mới được học Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh trong các mối quan hệ với bản thân, xã hội, môi trường tự nhiên và nghề nghiệp; được triển khai qua bốn mạch nội dung hoạt động chính: Hoạt động hướng vào bản thân, Hoạt động hướng đến xã hội, Hoạt động hướng đến tự nhiên và Hoạt động hướng nghiệp.

Giả sử, nhà trường cho học sinh đi thành phố Vũng Tàu tắm biển, sáng đi, chiều về - thời gian ngồi trên xe nhiều hơn thời gian "trải nghiệm", liệu các em có thể “phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh trong các mối quan hệ với bản thân, xã hội, môi trường tự nhiên và nghề nghiệp” theo định hướng của chương trình hay không?

Hoặc nhà trường tổ chức cho học sinh bậc trung học phổ thông đi thành phố Đà Lạt, lịch trình hoạt động chủ yếu là đến các địa điểm tham quan; lửa trại; mua sắm; nghỉ ngơi... thì giáo viên sẽ thực hiện hoạt động hướng nghiệp cho các em thế nào? Hay cứ sau mỗi chuyến đi, thầy trò lại có thêm nhiều hình ảnh đăng Facebook?

Điều băn khoăn là, sau mỗi chuyến học sinh đi trải nghiệm, giáo viên chủ nhiệm có thể sẽ được hỗ trợ, ví dụ 10.000 đồng/học sinh (dẫn theo tin nhắn hiệu trưởng thông báo cho giáo viên chủ nhiệm ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa, Thành phố Hồ Chí Minh). Vậy, các hiệu trưởng được nhận “hoa hồng” bao nhiêu?

Vào thời điểm năm 2020, bài báo "Hoạt động ngoại khóa – sân sau tiềm tàng của hiệu trưởng" trên Tạp chí nêu một số thông tin từ giáo viên đã từng nhiều lần dẫn học sinh đi ngoại khóa, khiến nhiều người phải giật mình. Bài báo này có nội dung như sau:

"Làm phép tính nhẩm, chẳng hạn có 1000 học sinh đi Đà Lạt với giá tour 1.495.000 đồng, chỉ cần công ty chi cho hiệu trưởng 10% (con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều) sẽ ra số tiền 149.500.000 đồng (tương đương với giáo viên lương bậc 4 dạy trong 2,5 năm). [3]

Được biết, hiện một số địa phương cũng đã có văn bản chấn chỉnh các trường phổ thông cho học sinh đi du lịch trá hình núp bóng trải nghiệm nhưng xem ra nhiều hiệu trưởng vẫn phớt lờ quy định này.

Người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ra văn bản chấn chỉnh việc các nhà trường phổ thông lợi dụng học trải nghiệm thành tham quan du lịch thu tiền trái quy định.

Nếu hiệu trưởng nào vi phạm - đồng nghĩa với việc cố ý làm trái quy chế chuyên môn, làm trái pháp luật, thì dứt khoát phải họ phải bị kỉ luật, kể cả cho ra khỏi ngành để giữ sự tôn nghiêm của môi trường giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2018-tt-bgddt-ban-hanh-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-169745-d1.html

[2] https://tuoitre.vn/so-giao-duc-va-dao-tao-tp-hcm-hoat-dong-ngoai-khoa-la-khong-bat-buoc-20230329190138632.htm

[3] https://giaoduc.net.vn/hoat-dong-ngoai-khoa-san-sau-tiem-tang-cua-hieu-truong-post205848.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Anh