Hòa Bình: Thành lập Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT

02/06/2023 06:28
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh có nhiệm vụ thanh, kiểm tra tại 37 điểm thi về việc chấp hành các quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Theo đó, văn bản nêu cụ thể về việc tổ chức Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, từ tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự, trách nhiệm công việc.

Cụ thể, Đoàn kiểm tra gồm những người có phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan. Là công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục của địa phương, được đánh giá, xếp loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm 2022.

Có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của thanh tra giáo dục; Đã tham dự tập huấn và nắm vững quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và đạt yêu cầu bài đánh giá sau tập huấn.

Trách nhiệm của người ra quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc kiểm tra, người tham gia đoàn kiểm tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan: Thực hiện theo Quy định về công tác kiểm tra của Sở GDĐT ban hành kèm theo Quyết định số 147/QĐ-SGD&ĐT ngày 23/02/2021 của Sở GD&ĐT Hòa Bình.

Trách nhiệm của người được cử tham gia đoàn kiểm tra: Tham dự tập huấn, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Tự rà soát và chịu trách nhiệm về các điều kiện, tiêu chuẩn cá nhân theo quy định...

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Về nội dung kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi, văn bản nêu thực hiện quy định tại Điều 6 Thông tư số 23/2016/TT-BGD&ĐT; thanh tra việc thực hiện các quy định tại Điều 7, 8, 9, 10, 12, 13, 16, 18, 19, 20, 57, 58, 59, 60 Quy chế thi và Phụ lục III, Phụ lục IV Công văn số 1515, trong đó chú ý:

Công tác tuyên truyền về kỳ thi; việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương để chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi;

Thực hiện kế hoạch dạy học, ôn tập, đánh giá xếp loại học sinh; tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi; chuẩn bị hồ sơ thí sinh dự thi; Thẩm quyền ban hành quyết định thành lập hội đồng thi, các ban của hội đồng thi và các văn bản khác có liên quan; Tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức Kỳ thi; Việc chuẩn bị hồ sơ thi; cơ sở vật chất, phương án, phương tiện, thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn nơi bảo quản đề thi, bài thi;

Việc tổ chức thực hiện và khắc phục các tồn tại hạn chế của điểm thi, sau kiểm tra chéo theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 1386/SGD&ĐT QLCLGD ngày 19/5/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn kiểm tra chéo công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023.

Công tác chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi Công tác phòng chống dịch bệnh. Công tác đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác phòng chống thiên tai, bão lũ...

Việc in sao đề thi: Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện thông tin, liên lạc tại địa điểm in sao đề thi, Hội đồng thi; phương án vận chuyển đề thi.

Cách thức tổ chức kiểm tra bằng cách nghe, nhận báo cáo (bằng văn bản hoặc báo cáo trực tiếp); Thu nhận và kiểm tra các văn bản chỉ đạo, phối hợp, quyết định liên quan đến đối tượng thanh tra/kiểm tra;

Kiểm tra hồ sơ của đối tượng thanh tra/kiểm tra; Kiểm tra thực tế, làm rõ việc thực hiện nhiệm vụ của đối tượng thanh tra/kiểm tra; Xử lý hoặc kiến nghị xử lý những sai phạm (nếu có); Lập biên bản thanh tra/kiểm tra với đối tượng thanh tra/kiểm tra.

Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện danh mục công việc, thời gian và tiến độ để bảo đảm không bỏ sót những nội dung kiểm tra theo quy định.

Thời gian kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi dự kiến từ ngày 31/5/2023 đến 25/6/2023, tại 37 Điểm thi.

Tại Điều 6, Thông tư 23/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về nội dung thanh tra công tác chuẩn bị thi:

1. Việc quán triệt, ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc đại học, học viện, người đứng đầu cơ sở giáo dục, Chủ tịch hội đồng thi theo thẩm quyền, cụ thể:

a) Thẩm quyền ban hành văn bản, loại văn bản ban hành;

b) Phạm vi điều chỉnh và nội dung văn bản;

c) Việc tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định, quy chế thi.

2. Việc thành lập các ban thuộc Hội đồng thi và tổ chức tập huấn cho thành phần tham gia các ban; việc thông báo kế hoạch thi, lịch thi và thời gian biểu:

a) Thẩm quyền ban hành quyết định thành lập các ban, số lượng, tên gọi các ban theo quy định;

b) Thành phần, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện của trưởng ban, thành viên các ban thuộc Hội đồng thi;

c) Việc huy động và tổ chức tập huấn cho các đối tượng tham gia công tác thi;

d) Việc công khai các thông tin tại Hội đồng thi, điểm thi, phòng thi.

3. Việc tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các quy định đối với thí sinh:

a) Thời gian, địa điểm và hình thức phát, nhận hồ sơ;

b) Việc hướng dẫn thí sinh hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, hợp pháp xác nhận về kết quả học tập, diện ưu tiên, diện miễn thi, điểm khuyến khích, điểm bảo lưu, thí sinh tự do, thời gian kinh nghiệm công tác và các điều kiện khác đối với thí sinh.

4. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất và đề thi phục vụ kỳ thi:

a) Số lượng các điểm thi, phòng thi, điều kiện về ánh sáng, khoảng cách giữa các thí sinh;

b) Việc ngăn cách khu vực thi, phòng thi với khu vực khác; việc niêm phong các phòng không sử dụng trong khu vực thi, vô hiệu hóa các phương tiện thông tin liên lạc không sử dụng, tín hiệu internet trong khu vực thi;

c) Việc chuẩn bị kinh phí, văn phòng phẩm phục vụ kỳ thi;

d) Phương án phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kỳ thi, phương án xử lý sự cố bất thường;

đ) Việc thực hiện quy định về ra đề thi, in, sao, bảo mật, giao, nhận, vận chuyển, bảo vệ đề thi.

Mạnh Đoàn