Hình thành mô hình ĐH tư thục là một bước đột phá trong đổi mới GD theo NQ 29

20/02/2023 09:12
TS. Trần Văn Hùng (Trường Đại học Duy Tân)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Từ cơ cở pháp lý và thực tiễn thành công của Đại học Bách khoa Hà Nội, mô hình đại học mới sẽ tạo cơ hội cho các trường đại học tư thục của Việt Nam phát triển.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học nói chung, giáo dục đại học tư thục nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước [1].

Một trong những kết quả nổi bật của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học là tạo ra cơ sở pháp lý về mô hình “đại học” khác với đại học quốc gia hay đại học vùng.

Mô hình đại học (university) mới được được hình thành bởi sự liên kết các trường đại học hoặc chuyển từ một trường đại học. Đối với liên kết, điều kiện cơ bản là phải có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình (công lập hoặc tư thục). Đối với chuyển từ trường đại học, điều kiện cơ bản là phải có các trường đào tạo (school) – tối thiểu là 3 trường đào tạo, có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.

Để thành lập trường đào tạo, điều kiện cơ bản là có ít nhất 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học trở lên trong đó có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và ít nhất 1 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ (ngoại trừ trường đào tạo các chương trình theo định hướng ứng dụng), có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên [2].

Vào tháng 12/2022, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập đầu tiên của cả nước được chuyển thành đại học.

Từ cơ cở pháp lý và thực tiễn thành công của Đại học Bách khoa Hà Nội, mô hình đại học mới sẽ tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục của Việt Nam phát triển.

Sinh viên Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: website nhà trường

Khả năng hình thành các đại học trong giáo dục đại học tư thục Việt Nam

Việt Nam hiện có 60 cơ sở giáo dục đại học tư thục trong đó có 5 trường được thành lập vào năm 1994, một số trường đã tạo dựng được thương hiệu trong nước và quốc tế. Thực hiện Luật Giáo dục đại học (2012) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018), có 18/60 trường đại học tư thục đã thuộc sở hữu của các nhà đầu tư thông qua tập đoàn hoặc công ty, trong đó một số tập đoàn sở hữu từ 2 trường đại học trở lên; 42 trường đại học tư thục được nhà đầu tư quản lý trực tiếp [3].

Đây chính là những điểm thuận lợi cho thấy một số trường đại học tư thục Việt Nam có thể chuyển đổi hoặc liên kết để trở thành đại học trong thời gian tới. Thực tế cho thấy trở thành đại học đang là mục tiêu chiến lược của một số nhà đầu tư của trường đại học tư thục bởi mô hình này có nhiều ưu điểm.

Những ưu điểm của mô hình đại học tư thục

Phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới: Có thể khẳng định rằng mô hình đại học này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới trong đó có giáo dục đại học tư. Theo đó, mô hình đại học hay cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực là phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt là ở các quốc gia có nền giáo dục đại học tiên tiến như Mỹ, Anh hay Singapore.

Thực tế, sự phát triển của giáo dục đại học toàn cầu trong những thập kỷ qua cho thấy rằng: phát triển các cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực là một xu thế xuất phát từ nhu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như những tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Ví dụ ngày càng có nhiều ngành nghề mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau xuất hiện, tính liên ngành trong mỗi ngành nghề ngày càng cao… đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng.

Mặt khác, phát triển các cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực có năng lực đào tạo và nghiên cứu tốt, có thứ hạng quốc tế là một mục tiêu mà nhiều quốc gia hướng đến như một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của hệ thống giáo dục đại học quốc gia, Malaysia là một điển hình [4].

Nâng cao quyền tự chủ và khả năng hội nhập quốc tế: Các đại học tư thục có tính tự chủ cao hơn và có nhiều thuận lợi hơn trong hội nhập quốc tế, đặc biệt là lợi thế hơn các trường đơn lĩnh vực khi tham gia các bảng xếp hạng đại học có uy tín trên thế giới.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục đại học tư thục: Các trường đại học tư thục khi liên kết để trở thành đại học sẽ phát huy được sức mạnh tổng thể để thực hiện tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu và nhiệm vụ chung theo chiến lược của nhà đầu tư.

Các trường đại học tư thục đào tạo nhiều ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau và có quy mô sinh viên lớn khi chuyển sang đại học sẽ giải quyết được áp lực và thách thức về trách nhiệm quản lý và điều hành của người đứng đầu thông qua việc phân cấp quản lý cho hiệu trưởng các trường đào tạo - đây là điều kiện thuận lợi để người hiệu trưởng trong chức vụ mới là giám đốc sẽ thực hiện tốt hơn vai trò quản trị cơ sở giáo dục đại học;

Chất lượng công tác chuyên môn cũng sẽ được nâng cao bởi vì mỗi trường đào tạo sẽ quản lý các ngành thuộc cùng lĩnh vực đào tạo hay nói cách khác là trường chuyên ngành – tương tự như đối với các trường đại học khi liên kết trở thành đại học cũng được cơ cấu lại theo hướng chuyên môn hóa.

Các nguồn lực của đại học tư thục cũng sẽ phát huy hiệu quả thông qua cơ chế tập trung nguồn lực để điều phối một cách thống nhất và hài hòa giữa các trường và các đơn vị khác.

Tóm lại, việc hình thành mô hình đại học tư thục là một bước đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở nước ta.

Các trường đại học tư thục liên kết để thành đại học tư thục hoặc chuyển đổi thành đại học tư thục rõ ràng xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và an ninh – quốc phòng của đất nước nói chung, của vùng miền và địa phương nói riêng, và khát vọng phát triển của chủ đầu tư và lãnh đạo các trường đại học tư thục, do đó sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục phát triển của đất nước cũng như của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, để mô hình đại học tư thục sớm được hiện thực hóa, bên cạnh sự quyết tâm và nỗ lực của nhà đầu tư và lãnh đạo các trường đại học tư thục cần sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Tài liệu tham khảo

[1]. https://giaoduc.net.vn/10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-29-gddh-van-con-nhieu-ton-tai-can-kien-tri-doi-moi-post232247.gd

[2]. Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

[3]. https://giaoduc.net.vn/viet-nam-hien-co-60-co-so-giao-duc-dai-hoc-tu-thuc-trong-ca-nuoc-post231929.gd

[4]. Trần Văn Hùng (2021). Phát triển Giáo dục đại học Malaysia giai đoạn 2016-2020: Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Giáo dục và Xã hội, 129(190), 210-216.

TS. Trần Văn Hùng (Trường Đại học Duy Tân)