Chuyện đại gia đình ‘toàn sao’ của cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn

07/03/2012 15:40
Khánh Bằng (Đang yêu)
(GDVN) - “Nguyễn Sỹ Cường đứng trên sân khấu, độc tấu nhạc phẩm “Về quê”. Từng giai điệu sacxophone dặt dìu, mơn trớn, lan tỏa khắp khán phòng ấm cúng.
Nguyễn Sỹ Cường đứng trên sân khấu, độc tấu nhạc phẩm “Về quê”. Từng giai điệu sacxophone dặt dìu, mơn trớn, lan tỏa khắp khán phòng ấm cúng. Nhiều tiếng xì xào nổi lên, lao xao phía dưới hàng ghế khán giả: “Trần Mạnh Tuấn à, có phải Trần Mạnh Tuấn ở Sài Gòn vừa bay ra không?”. Một đồng nghiệp của Cường vội vàng “đính chính”: “Đây là Trung tá Nguyễn Sỹ Cường, nhạc công của Đoàn Ca múa nhạc Công an Nhân dân. Anh là thành viên trong một gia đình đặc biệt. Em trai anh chính là danh thủ bóng đá Nguyễn Hồng Sơn, em rể cũng là một tên tuổi của cải lương, NSƯT Kim Tử Long”. Những tràng vỗ tay rào rào, âm vọng không dứt…
Dù không cố tình khoe ra, nhưng Nguyễn Sỹ Cường luôn ngấm ngầm hãnh diện khi có ai đó nhắc đến gia đình mình. Cửa hàng áo cưới, trang điểm cô dâu của bà Bích Sinh trên phố Hàng Bông nổi tiếng khắp Hà Nội từ vài chục năm về trước. Vốn sinh ra ở xứ đồng chiêm trũng Hà Nam, lên thủ đô lập nghiệp, bà Bích Sinh được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo, khiếu thẩm mỹ tinh tế và tài tháo vát của những người phụ nữ sớm phải tấn tảo lo toan, gánh vác việc gia đình.
Thời sung sức, có ngày bà Bích Sinh nhận làm đẹp cho 50 cô dâu. Nhiều thiếu nữ buổi tối mới đến giờ lên xe hoa, nhưng vẫn hăm hở dậy sớm, kéo đến cửa hàng từ tờ mờ sáng, dứt khoát nhờ bằng được bà Bích Sinh “phù phép” cho mình. Cùng với chồng, ông Nguyễn Sỹ Dậu, công nhân của Hợp tác xã nhiếp ảnh Phương Đông, bà Bích Sinh đã ngược xuôi xoay xở, nuôi dạy 6 người con, 5 trai, 1 gái qua khỏi những khốn khó, thiếu thốn của thời bao cấp lắm toan lo.
6 anh em nhà Hồng Sơn.
6 anh em nhà Hồng Sơn.

Ông Nguyễn Sỹ Dậu bỏ quê Bình Minh, Thanh Oai ra phố thị học nghề ảnh ngay lúc đang tuổi thiếu niên 15, 16, nên cũng sớm nhiễm tư chất nghệ sỹ. Chụp ảnh, in tráng trong buồng tối, khi cần lại cầm bút chấm sửa, tô màu, làm đẹp thêm cho những bức ảnh giản đơn của những tháng năm mà chụp ảnh còn là thú xa xỉ, chỉ dành cho những dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi người. Ông Dậu cũng mềm tính, sống nội tâm.
Mấy anh em Nguyễn Sỹ Cường thừa hưởng từ cha thói quen nhường nhịn, biết quan tâm đến người khác. Sỹ Cường bảo, 6 anh em, Hồng Sơn là người yếu đuối, dễ xúc động nhất. Hiền lành từ bé, Hồng Sơn rất hay để ý chăm chút những người xung quanh. Ngay cả khi thành danh thủ bóng đá, vua biết mặt, chúa biết tên, Hồng Sơn vẫn chan hòa với cả người làm công cho mẹ. Đến bữa, mâm cơm vừa dọn ra, bố mẹ chưa kịp ngồi vào bàn, Sơn đã lanh chanh sắp đồ, lấy phần cho người giúp việc.
Bà Bích Sinh không ít lần phải cười, “mắng” yêu cậu con “vàng bạc”: “Đấy, bố mẹ thì chưa được ăn, đã săm sắn đi lo cho Ô sin”. 5 cậu con trai luôn phải tự tay làm việc nhà, tự phân công nhau nấu cơm rửa bát, không dám đùn đẩy dựa dẫm. Các cậu “ấm” lúc nào cũng được nhắc nhở ý thức tự lập, rèn rũa thói quen lao động.
Nổi tiếng từ bé như Hồng Sơn cũng chưa bao giờ được xem là ngoại lệ. Làm mãi thành quen, nên đến bây giờ, Hồng Sơn chả nề hà chuyện nội trợ. Nhiều khi vợ bận rộn, Hồng Sơn vẫn đạp xe ra chợ, mua đủ thứ rau cà mắm muối. Mỗi tội, phải luôn khẩu trang bịt mặt kín mít vì sợ người hâm mộ phát hiện ra Sơn “công chúa”, lại bị trêu.
Sớm lộ thiên hướng âm nhạc, may mắn làm quen với các thầy giỏi như thầy Phúc chuyên thổi kèn clarinet, cậu cả Nguyễn Sỹ Cường được bố mẹ mua cho cây kèn đắt giá khi mới 14 tuổi. Một buổi mẹ hỏi: “Con thích học gì”, Cường đáp ngay: “Con thích thổi kèn như chú Phúc”. Lúc ấy, ông bà Bích Sinh bỏ ra 2 cây vàng, một gia tài thực sự trong thời điểm những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, thế kỷ XX để mua cho cậu cả Cường cây kèn đầu tiên trong đời.
Mối duyên âm nhạc quyện chặt Sỹ Cường từ đó. Nhạc công kèn hơi không thuần túy là thú vui tài tử, mà nặng nhọc như một công việc của lực điền, đòi hỏi sức khỏe và sự chăm chỉ vô bờ. Có kèn, Sỹ Cường luyện tập suốt ngày, môi thường xuyên bật máu, cơ ngực dần một vạm vỡ. Hết phổ thông, Sỹ Cường được theo học khóa đào tạo nhạc công do Bộ Công an tổ chức, và được biên chế về Đoàn nghi lễ Công an.
Sau khi tốt nghiệp chương trình đại học tại Học viện Âm nhạc quốc gia, Sỹ Cường chuyển về đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Công an Nhân dân, và gắn bó tới nay. Những tiết mục độc tấu sacxophone các bản nhạc nhẹ của Sỹ Cường, được chuyển soạn cho kèn từ các ca khúc nhiều người yêu thích luôn là “đặc sản” khá hấp dẫn trong chương trình biểu diễn của Đoàn nhiều năm qua. Ông bà Bích Sinh luôn theo sát từng bước đi của con cái. Không chỉ xem Hồng Sơn đá bóng, ông bà Bích Sinh còn thường xuyên tham dự các chương trình biểu diễn của Sỹ Cường và Đoàn ca múa nhạc Công an Nhân dân.
Bà luôn tự tay mua mỹ phẩm để Cường hóa trang khi lên sân khấu. “Nhà có mấy ông em theo thì trắng trẻo thư sinh. Riêng anh cả làm nghệ thuật lại vừa đen vừa béo, nên cũng phải make up tí chút cho lên màu” Sỹ Cường cười, đầy sảng khoái. Quen biết hầu hết đồng nghiệp của con, bà Bích Sinh còn hay góp ý cho các ca sỹ trẻ cách thức làm mặt để tôn lên ưu thế ngoại hình của mỗi người.

Dù cuộc sống có tất bật tới đâu, ông bà Bích Sinh - Sỹ Dậu cũng luôn để ý tới khả năng riêng biệt của từng người con, và hướng các con đi tới cùng niềm đam mê của mình. Hồng Sơn ham đá bóng, 12 tuổi xách giầy cùng anh trai Sỹ Long theo bọn trẻ con trong phố tới các sân phủi chơi đá gôn tôm. Đi nhiều quá, chểnh mảng ăn uống, học hành, bố mẹ mắng, Sơn nghe thì nghe, nhưng rồi vẫn len lén trốn đi theo trái bóng tròn.
Sơn ngày bé có biệt danh khá ngộ nghĩnh, hay bị các anh gọi là “lợn” vì tròn trùng trục. 5 cậu con trai, bố mẹ làm cho 5 ngăn tủ đựng quần áo, đề tên từng người: Cường, Long, Hùng, Sơn, Tuấn. Đá bóng về đói, Sơn ăn rất khỏe. Có lần mẹ nướng thịt, cậu nhón một miếng to giấu vào ngăn tủ để ăn riêng, nhưng lơ đễnh quên mất. Vài ngày sau, bố mẹ thấy có mùi lạ trong nhà, liền lật tung mọi ngóc ngách ra tìm kiếm. Đến ngăn tủ của Sơn thì phát hiện ra “tang vật”.
Lần ấy, Sơn bị các anh trêu cho một trận nhớ đời. Thấy các cháu tỏ ra có năng khiếu, hai ông cậu, Hoàng Văn Lợi, Hoàng Gia Thống, em ruột của bà Bích Sinh dẫn tới giao cho huấn luyện viên Phan Văn Mỵ. Huấn luyện viên Phan Văn Mỵ nhìn anh em Sỹ Long, Hồng Sơn một lượt, rồi chỉ Sơn nói ngay: “Thằng bé này thể nào cũng thành tài”. Từ đó, Long và Sơn gia nhập lò đào tạo của Thể Công.

Hồng Sơn có một gia đình đáng tự hào.
Hồng Sơn có một gia đình đáng tự hào.

Ông anh hai Nguyễn Sỹ Long không có sự nghiệp cầu thủ lẫy lừng, nhưng lại thành đạt trong sự nghiệp huấn luyện. Huấn luyện viên Nguyễn Sỹ Long đang là Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ của Thể Công - Viettel, một cái nôi vun xới cho những hạt mầm bóng đá vừa hé nụ. Cùng anh mình, Nguyễn Hồng Sơn đảm trách công việc huấn luyện viên đội U19 Thể công - Viettel, truyền dạy kinh nghiệm cho lớp đàn em đang háo hức vào đời.
Trên tầng hai ngôi nhà rất khang trang của ông bà Bích Sinh - Sỹ Dậu ngay mặt phố Hàng Bông, con phố bán buôn sầm uất vào bậc nhất Hà Nội có một gian phòng dành riêng để trưng bày những kỷ vật gắn với đoạn đời hào sảng, oanh liệt nhất của Nguyễn Hồng Sơn trên sân cỏ Việt Nam và khu vực. Cùng với một thời hoàng kim của bóng đá Việt Nam, Hồng Sơn gần như đã giành được tất cả những danh hiệu cao quý nhất mà một cầu thủ bóng đá cần vươn tới.
Năm 1998, Đội tuyển quốc gia Việt Nam thắng Thái Lan 3-0 trắng trong một trận đấu lạ lùng ở TP Hồ Chí Minh mùa giải Tiger Cup. Tiếng reo chiến thắng dội về Hà Nội, đoạn phố Hàng Bông trước cửa tiệm áo cưới Bích Sinh kín đặc fan hâm mộ. Hàng nghìn người dồn về, reo hò tên Hồng Sơn. Có một vài người quá khích, không kiềm chế được niềm vui ào ạt, đã xô đẩy nhau, làm vỡ cả kính cửa hàng. Bà Bích Sinh phải ra ban công vẫy tay chào một hồi, đám đông mới hạ nhiệt, dần tản bớt đi.
Đấy là những dấu ấn mà ông bà Bích Sinh neo mãi trong đời, niềm hạnh phúc không thể diễn tả của những người làm cha làm mẹ. Bởi thế, bộ sưu tập kỷ vật gắn với các chiến tích của Hồng Sơn, có doanh nhân đến nhà trả giá 3 tỷ đồng, mua về để trưng bày tại công ty của họ, nhưng bà Bích Sinh kiên quyết chối từ, không cho bán. Hợp tính nhất với Hồng Sơn, nên ông bà Bích Sinh chọn ở cùng vợ chồng anh, để phụ giúp vợ Sơn chăm sóc hai đứa con nhỏ một trai một gái mà cậu con trai mới đang ở tuổi lên 4.
Ở nhà ông bà Bích Sinh - Sỹ Dậu, dù là Sỹ Cường, Sỹ Long hay Hồng Sơn, và sau này, cả người em rể duy nhất, NSƯT Kim Tử Long, làm “ngôi sao” ở đâu không biết, nhưng bước qua cánh cửa là đều nhất nhất theo nếp nhà. Bố mẹ qua đời, nên NSƯT Kim Tử Long coi gia đình vợ, bố mẹ vợ như chính bố mẹ mình. Hơn 10 năm trước, trong một lần ra Hà Nội biểu diễn, NSƯT Kim Tử Long gặp “tiếng sét ái tình” khi đứng trước vẻ thanh tân của một thiếu nữ Hà Nội ôm hoa lên tặng mình.
Chuyện trò qua lại, biết Cẩm Tú là em gái út của Hồng Sơn, Kim Tử Long càng khấp khởi. Mối lương duyên đẩy đưa đã giúp cặp trai tài gái sắc kết tình chồng vợ, và Cẩm Tú theo chồng vào TP Hồ Chí Minh. Đến nay, vợ chồng NSƯT Kim Tử Long đã có được hai cô công chúa xinh xắn, đáng yêu. Năm nào, Cẩm Tú cũng đưa chồng con ra đất Bắc.
NSƯT Kim Tử Long cũng luôn mời bố mẹ vợ vào TP Hồ Chí Minh an dưỡng, nghỉ ngơi. Hồng Sơn và Kim Tử Long từng chung nhau mở một quán cà phê khá bề thế ngay trung tâm Sài Gòn lấy tên Long Sơn động. Sau mọi người đều quá bận rộn, khó phân thân quản lý nên đành sang nhượng lại.
Đại gia đình danh thủ Hồng Sơn vui nhất là những dịp lễ Tết, 12 đứa cháu nội ngoại chia đều cho 6 người con tụ về, xếp hàng đôi chúc thọ ông bà Bích Sinh - Sỹ Dậu. 6 người con, có 4 đang ở chung trong ngôi nhà Hàng Bông, nhưng xóm giềng chưa bao giờ nghe thấy tổ ấm lớn này có xích mích điều tiếng gì không hay.
5 người con trai đều phương trưởng thuận hòa hiếu đễ, ông bà Bích Sinh cho rằng, ngoài sự nhân hậu mềm mỏng của ông, sự nghiêm khắc quyết đoán của bà, còn là nỗ lực của chính người con cả Sỹ Cường. Nhà đông con trai, anh cả mà không gương mẫu, không bảo được các em thì sớm “loạn”.
Sỹ Cường cũng hãnh diện, cùng lứa với anh em anh, ngay phố Hàng Bông, nhiều gia đình lâm cảnh khổ đau tột cùng vì có con vướng vào ma túy, hoặc tù tội. Nhưng anh em nhà Sỹ Cường, Sỹ Long, Hồng Sơn đều lớn lên, thuận hòa, ngoan ngoãn, và có được vị thế của riêng mình trong xã hội.
“Sự tích” cái tên “Hồng Sơn” trong gia đình Nguyễn Sỹ

Hồng Sơn có tên khai sinh là Nguyễn Sỹ Sơn, cùng chữ đệm với bố và các anh em trai. Khi mới bước vào đời cầu thủ ở Câu lạc bộ Quân đội, có lần, một nhà báo đến phỏng vấn, không hiểu nghe nhầm hay ngẫu hứng gì đó, đã đánh sai tên Sỹ Sơn thành Hồng Sơn.

Sau khi cái tên đó xuất hiện trên báo chí, Sơn thấy sự nghiệp của mình hình như tiến triển may mắn, trôi chảy hơn. Vả lại, chữ Hồng đặt bên cạnh chữ Sơn cũng mang một sắc thái khá thú vị, nên Sơn quyết định lấy luôn nghệ danh đó cho mình.

Từ đấy, cái tên Hồng Sơn, Sơn “công chúa” đã trở thành quen thuộc trong tiềm thức người hâm mộ bóng đá cả nước với “slogan” gắn liền tên tuổi chàng trai lành hiền, có lúm đồng tiền rất duyên: Hồng Sơn đá bóng bằng… đầu.
Điểm nóng
Cuộc chiến bản quyền VPF - VFF - AVG
Những hoạt náo viên quyến rũ
Thế giới các nàng WAGs
Những cái nhất của Thể thao VN 2011
Cuộc chiến Luis Suarez - Patrice Evra
Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam Thảm họa sân cỏ kinh hoàng ở Ai Cập
Biếm họa sao bóng đá Video clip hot - Thể thao
Falko Goetz, Trần Quốc Tuấn mất chức Fabio Capello từ chức HLV đội tuyển Anh
Trụ sở VFF biến thành sàn nhảy Cầu thủ Thái Học chấn thương kinh hoàng
Có thể bạn yêu thích, hâm mộ
Tin tức FC Barcelona
Tin tức Manchester City
Tin tức Manchester United Tin tức Real Madrid
Tin tức Arsenal FC
Tin tức Chelsea FC
Chuyển nhượng châu Âu 2012
Tin tức Liverpool FC
Công Vinh - Thủy Tiên
Sir Alex Ferguson
Phạm Văn Mách & Cặp đôi hoàn hảo
Tin tức Sông Lam Nghệ An
'Siêu kinh điển' Real Madrid - Barcelona Thị trường chuyển nhượng hè 2011
Khánh Bằng (Đang yêu)