Bạo lực học đường đang là vấn nạn nhức nhối của ngành giáo dục. Mới đây, vụ việc thầy giáo Khúc Xuân Hòa tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tát vào mặt 4 học trò, đá vào ngực một nam sinh... và chửi bới tục tĩu đã khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, người đưa mô hình “Trường học kiến tạo” về Việt Nam chia sẻ: “Thật buồn khi vẫn còn những người thầy dùng bạo lực để răn dạy học sinh. Hành vi của ông Khúc Xuân Hòa là không thể chấp nhận và không thể bao biện, cho dù sau đó thầy có nêu trong tường trình là yêu thương học trò như con em trong nhà”.
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, giáo viên cần thấu hiểu, trò chuyện giúp các em nhận ra lỗi lầm. Ảnh: NVCC. |
Cô Uyên Phương cho biết, sai lầm trong giáo dục là chúng ta dùng quyền lực của người lớn, quyền uy của người thầy để áp đặt, đè nén, ép buộc học sinh phải làm theo yêu cầu đề ra nhưng không lắng nghe, không thấu hiểu và chia sẻ với các em. Với hành vi bạo lực của ông Khúc Xuân Hòa, không có một lý lẽ nào có thể bao biện được.
“Thầy nói muốn tốt cho các em, thương các em như con. Vậy giả sử đó là những đứa con đẻ thì chẳng lẽ thầy có quyền sử dụng bạo lực như vậy? Về mặt luật pháp, ngay cả cha mẹ cũng không có quyền đánh đập và bạo hành con cái. Vì vậy, lý lẽ đó không thể biện hộ được cho những cái tát, cú đá mà chính thầy đã dồn vào học sinh.
Ở khía cạnh tâm lý, một cái tát có thể khiến học sinh tuân thủ yêu cầu của thầy ngay tại thời điểm đó nhưng đã gieo vào lòng những đứa trẻ sự tổn thương, nỗi oán hận... rồi có thể dẫn tới thái độ, hành vi chống đối, bất cần. Rồi đây, khi ra đời, các em sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi xu hướng bạo lực và dẫn tới giải quyết vấn đề bằng bạo lực.
Xa hơn nữa, các em dễ có những hành vi bạo lực với con cái của mình, bạo lực với những người xung quanh, vì trong suy nghĩ của các em, cách duy nhất để hóa giải xung đột chỉ có thể là sử dụng bạo lực. Hậu quả này mới thực sự nghiêm trọng”, cô Phương nhấn mạnh.
Và không riêng gì những hành vi bạo lực, những lời phán xét, quy chụp cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành tính cách và nhân cách của trẻ. Những lời nói gây tổn thương sẽ khiến các em sẽ đánh mất sự tự tin ở chính mình, giáo dục không có tình yêu thương sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả.
Song, có một câu hỏi được đặt ra là: Công cụ nào, phương pháp nào sẽ thay thế bạo lực để giáo dục học sinh?
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương cho biết, bản thân cô đã áp dụng phương pháp giáo dục giao tiếp không bạo lực để cảm hóa, thay đổi những đứa trẻ. Đây là một phương pháp được nhiều giáo viên trên khắp thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả tích cực.
Khác với bạo lực, với phương pháp giáo dục này, người thầy phải quan sát và tìm hiểu nhu cầu của mỗi đứa trẻ.
Trên hành trình học tập, trưởng thành, học sinh có rất nhiều nhu cầu. Ngay chính những hành vi ngỗ ngược, không tuân thủ kỷ luật thì nó cũng xuất phát từ một nhu cầu nào đó.
Ví dụ vụ việc ở Lục Ngạn, Bắc Giang, học sinh không mặc đồng phục đến trường, nếu giáo viên nhìn thấu thì trong sự phản kháng đó cũng là một nhu cầu, có thể là nhu cầu thể hiện bản thân, nhu cầu được chú ý, thu hút người khác…
Hoặc khi học sinh bỏ học, không học bài, đó cũng là nhu cầu bất tuân theo những điều bản thân các em không thấy hứng thú.
Với lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3, nhu cầu nổi loạn, khẳng định bản thân, tách khỏi nề nếp để thoát ra khỏi những quy chuẩn của xã hội càng được thể hiện rõ nét hơn.
Dùng bạo lực có thể tạm thời đè nén nhưng không xóa bỏ được những nhu cầu tự nhiên theo lứa tuổi. Thầy cô không nên vội vàng phủ nhận, phê bình những mong muốn đó của các em mà cần có sự phân tích, định hướng.
Hành vi bạo lực của thầy Khúc Xuân Hòa khiến nhiều người bàng hoàng. Ảnh chụp từ clip. |
Đằng sau một hành vi nổi loạn là nhu cầu gì? Giáo viên cần có cách trò chuyện để học sinh chia sẻ. Thay vì kết luận các em sai, giáo viên nên gợi mở những lựa chọn, những con đường, những cách làm khác mà vẫn đáp ứng nhu cầu đó.
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương nhớ lại: “Tôi từng có một học sinh chia sẻ muốn phẫu thuật thẩm mỹ. Bố mẹ và mọi người đều phê phán, tỏ thái độ gay gắt với suy nghĩ đó của cô bé. Sau khi trò chuyện, tôi biết được nhu cầu của em là muốn nổi tiếng, vì em thấy nhiều cô gái nổi tiếng sau khi làm thẩm mỹ.
Tôi đã nhờ em liệt kê những người nổi tiếng mà không cần phẫu thuật thẩm mỹ. Vậy là bằng một cách gợi mở như thế, em đã thấy để nổi tiếng, để thỏa mãn nhu cầu của bản thân có nhiều lựa chọn, có nhiều con đường khác nhau. Em sẽ lựa chọn được con đường tốt nhất cho mình.
Với tâm lý tuổi học trò, các em chỉ cần người lớn lắng nghe nhu cầu của mình và thừa nhận nó. Khi được sẻ chia, các em sẽ sẵn sàng trong việc đối thoại, lựa chọn một giải pháp phù hợp.Chỉ khi chúng ta không bận tâm, không để ý, luôn luôn dùng quyền lực để đè nén tất cả nhu cầu, mong muốn thì các em mới phản kháng, chống đối”.
Trở lại với tình huống xảy ra ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, cô Uyên Phương khẳng định ứng xử của ông Khúc Xuân Hòa là phản giáo dục. Trong tình huống ấy, người thầy nên trò chuyện cùng học sinh, tìm hiểu lý do học sinh không mang đồng phục, lý do vi phạm kỷ luật. Giáo viên cần lắng nghe, chia sẻ và phân tích để học sinh hiểu rằng, hành động đó có thể xuất phát từ nhu cầu chính đáng nhưng nó có thể gây tổn thương đến người khác, cản trở công việc của những người xung quanh.
Cụ thể, hành vi của học sinh sẽ khiến thầy bị đánh giá chưa làm tốt nhiệm vụ, từ đó thầy và trò cùng bàn luận về giải pháp để giải quyết xung đột này.
Đây là giải pháp giáo dục tích cực, triệt để nhưng cần sự kiên nhẫn, cần sự thấu cảm và khả năng lắng nghe từ người thầy. Tuy nhiên, ở một số địa phương, một số trường vẫn xảy ra bạo lực bởi vì giáo viên chọn cách nhanh nhất đỡ tốn thời gian là áp đặt chứ không lắng nghe và giải thích cho học trò.
“Chúng ta không thể nào gặt hái trên một cánh đồng mà mình không gieo hạt. Thầy cô muốn có được những trái ngọt trên hành trình giáo dục thì cần gieo trồng sự thấu cảm, tình yêu thương đối với mỗi học trò của mình”, cô Uyên Phương chia sẻ.