Nơi nuôi dưỡng những tình thương

25/04/2012 13:27
Hồ Phúc Quang
(GDVN) - Trung tâm Hy Vọng, nơi hơn 70 số phận bất hạnh hiện đang sống, học tập và ngày ngày thắp sáng tương lai của mình…
Trung tâm Hy Vọng (TTHV), tại số nhà 20, đường Nhật Lệ, Tp.Huế là nơi tiếp nhận và đào tạo nghề cho trẻ em khuyết tật ở Huế và các tỉnh miền Trung. Bao năm trôi qua, nơi đây đã thắp lên niềm tin, niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh.Tâm hồn của những con người xây tổ ấm TTHV được thành lập năm 1999, do hai người phụ nữ là bà Nguyễn Thị Hồng và bà Lê Thị Hương khởi xướng (hiện là Quản lý chính ở Trung tâm). Hai bà là đôi bạn thân từ thời còn đi học.
“Ngày ấy nhà chúng tôi rất nghèo, buổi đi học, buổi phải chạy đôn, chạy đáo đi làm thêm rất nhiều nơi để trang trải việc học hành. Biết bao nhiêu khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả…”
, bà Hồng bùi ngùi kể lại.
Công việc đầu tiên mà hai bà làm khi rời trường Đại học là mở một cửa hàng chuyên cung cấp dịch vụ chất tẩy rửa, giặt ủi. Xót xa trước cuộc sống của những trẻ em bị khuyết tật, hai bà nảy sinh ý tưởng thành lập một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật; để phần nào giúp các em vơi đi nỗi đau, nỗi buồn. Bà Hương nhớ lại: “Khi mới thành lập, chúng tôi chỉ có một vài chiếc máy may được tặng, nhưng lại không có địa điểm mở trung tâm. Lúc đó ngân sách lại rất eo hẹp nên không đủ tiền thuê mướn nhà để xây dựng trung tâm. Không còn cách nào khác, chúng tôi xin được sử dụng một vài phòng trống tại các đài phát thanh địa phương để làm cơ sở dạy nghề cho các em”.
Các em đang chăm chú bên những sản phẩm mây tre đan.
Các em đang chăm chú bên những sản phẩm mây tre đan.
Khi hai bà tìm được địa điểm làm trung tâm thì vấn đề chiêu sinh học viên lại gặp rất nhiều khó khăn bởi rất nhiều em ở cách xa thành phố và ngoại thành. Hai bà đã phải mất rất nhiều thời gian đến từng nhà có trẻ khuyết tật để vận động, thuyết phục gia đình cho các em đến trung tâm học nghề. Nỗ lực của hai bà cuối cùng cũng được đền đáp khi có tới 18 học viên khuyết tật đầu tiên gia nhập trung tâm. Hầu hết các học viên khuyết tật lúc đó chủ yếu là ở Huế và một vài em ở Quảng Trị. Một thời gian sau, qua truyền thông đại chúng, số lượng học viên tìm đến trung tâm ngày một đông. Ngoài Huế và Quảng Trị, thì còn có thêm các em đến từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam,... Cơ sở vật chất của trung tâm cũng dần được cải thiện và mở rộng nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước.
Bà Hương cho hay: “TTHV ban đầu chỉ dạy nghề may mặc, sau đó chúng tôi mở rộng ra các loại nghề khác như mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm…, phục vụ khách du lịch và xuất khẩu. Đặc biệt trung tâm đã chiêu sinh các em khuyết tật ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) về dạy nghề dệt thổ cẩm và may mặc cho các em”. Đối với hai bà, TTHV thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai và hai bà coi những học viên trong trung tâm như những đứa con của mình vậy. Bà Hương tâm sự: “Cứ mỗi khi có em nào được ra khỏi trung tâm, tự tìm được việc làm ngoài xã hội là chúng tôi buồn vui lẫn lộn. Vui vì các em đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định như bao người bình thường khác; buồn là phải xa các em”.
Nơi gieo niềm hi vọng
Ngoài đào tạo nghề, trung tâm còn dạy cho các em kĩ năng sống, niềm tin, niềm lạc quan vào tương lai của mình. Ở đây, các em được kết bạn, được ca hát, vui chơi như những người bình thường. Em Hiền, quê ở Lệ Xuyên, Quảng Trị, em bị mắc hội chứng ĐAO, khi nghe chúng tôi hỏi, em trả lời thật ngây ngô: “Ở đây được ăn, được chơi, được hát, thích lắm”. TTHV đã thực sự giúp các em xóa đi nỗi mặc cảm, nỗi đau trong tâm hồn lẫn thể xác. Em Thành Long, quê ở P. Xuân Phú, Tp.Huế vừa nói vừa cười: “Ở đây vui lắm anh, được nói chuyện với nhiều người, các cô rất thương, hay cho quà ăn vặt, Tết đến lại cho quà mang về nhà”. Học viên nào vào trung tâm cũng được sắp xếp chỗ ngủ nghỉ, ăn uống, vui chơi, những em ở gần thì buổi tối có thể về gia đình, còn em ở xa thì ở lại trung tâm. Các sản phẩm của các em làm ra đều được đem bán, xuất khẩu và các em sẽ được nhận tiền từ những sản phẩm của mình. Bà Hồng cho biết: “Mỗi khóa học trong trung tâm kéo dài từ 6 - 8 tháng, nhưng hầu hết các em chỉ cần học khoảng một vài tháng là đã làm được sản phẩm đạt chất lượng. Các em rất chịu khó học hỏi, kiên trì làm việc nên thường hoàn thành sản phẩm của mình trước thời hạn”. Thu nhập của từng em cũng không đều, thường dao động từ 800 - 1 triệu đồng /tháng vì mỗi nghề, mỗi sản phẩm có giá thành khác nhau. “Để làm được điều đó là cả một sự nỗ lực không mệt mỏi của chính bản thân các em”, bà Hương tâm sự.
Một lô sản phẩm do các em làm ra chuẩn bị xuất bán.
Một lô sản phẩm do các em làm ra chuẩn bị xuất bán.
Em Nguyễn Minh, quê ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) là người gắn bó với TTHV được gần 8 năm, đang thoăn thoắt kết từng nan tre để hoàn thành chiếc lồng đèn, chia sẻ: “Để tạo ra chiếc lồng đèn như thế này đòi hỏi người làm phải kiên trì. Thời gian đầu mới vào em làm cũng còn chậm và bỡ ngỡ nhưng bây giờ em làm đẹp và nhanh hơn rồi.” Đi tham quan một vòng trong trung tâm, nhìn những chiếc lồng đèn, giỏ xách, món đồ lưu niệm,…chúng tôi thật bất ngờ và khâm phục các em. Điều đáng nói là những sản phẩm này đều bắt nguồn từ những vật liệu tự nhiên hoặc đã qua sử dụng, thân thiện với môi trường nên được thị trường chấp nhận. Thật ít người biết rằng, hàng trăm những sản phẩm nơi đây do chính tay các em làm ra đã được xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới. Các em đã chứng minh cho chúng ta thấy, mình không hề là gánh nặng cho gia đình, là dư thừa trong xã hội bởi những sản phẩm các em làm ra người bình thường không phải ai cũng làm được…

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Hồ Phúc Quang