Thế nào là “Tề gia, trị tỉnh, bình dư luận”?

01/11/2017 07:09
Xuân Dương
(GDVN) - Với tình trạng như ở Hải Phòng, Gia Lai, Yên Bái, nếu cảnh báo: “Đừng biến văn phòng Hội đồng nhân dân thành kho củi” có phải là hơi sớm?

Cuối tháng 9 năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã xử lý kỷ luật đảng 03 cán bộ của Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh về những sai phạm trong công tác quản lý tài chính, tài sản.

Ba người này gồm ông Nguyễn Thế Quang - nguyên Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh;

Ông Vũ Tiến Anh - Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh;

Bà Nguyễn Thị Lựu - Phó Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh.

Ba cán bộ này để xảy ra sai phạm tài chính số tiền lên đến hơn 11 tỷ đồng, riêng khoản tiền tiếp khách không đúng thực tế là hơn 3,5 tỷ đồng. [1]

Ngày 9/1/2017, Ủy ban nhân dân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức ông Nguyễn Đông Hải - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Cát Dài, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Thế nào là “Tề gia, trị tỉnh, bình dư luận”? ảnh 1

Hạnh phúc của dân tộc là gì?

Sau đó ông Hải được điều về làm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Lê Chân. [2]

Thông tin từ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cho hay, ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng, thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường.

Về chính quyền cũng bị “cảnh cáo”, thôi chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, điều động về làm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh.

Có thể có ai đó nghi ngờ mức độ tín nhiệm ông Phạm Sỹ Quý nhưng ông vẫn được tổ chức và chính quyền địa phương tín nhiệm, vẫn chứng tỏ ông còn hữu dụng cho tỉnh miền núi nghèo và hơi nhiều “sự cố” này.

Có lẽ vì thế nên ý kiến mà báo chí đề cập không được xem là quan trọng, quan trọng là có người đã thực hiện được một cách mỹ mãn bước đầu tiên “tề gia” trong chiến lược “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Với tình trạng như ở Hải Phòng, Gia Lai, Yên Bái đã trích dẫn, nếu cảnh báo: “Đừng biến văn phòng Hội đồng nhân dân thành kho củi” có phải là hơi sớm?

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam công bố Kết luận Thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập liên quan khu đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Báo Nhân Dân.
Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam công bố Kết luận Thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập liên quan khu đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Việc được xử lý cán bộ gần đây nói lên điều gì?

Tùy nơi, tùy lúc, nhận định về số lượng cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống có khác nhau:

Một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút về uy tín, thậm chí còn tha hóa về phẩm chất, năng lực…  (Xaydungdang.org.vn - 2013).

Nhận định này mới chỉ nêu “một bộ phận cán bộ, đảng viên”.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn...”. (Dangcongsan.vn 12/10/2016).

Trong bài viết này, “một bộ phận cán bộ, đảng viên” đã trở thành “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. (Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012). 

Thế nào là “Tề gia, trị tỉnh, bình dư luận”? ảnh 3

“Cán bộ hư hỏng bây giờ như thứ bệnh dịch lây lan!”

Trong Nghị quyết 12-NQ/TW số lượng người suy thoái đạo đức, lối sống từ “một bộ phận không nhỏ” đã được bổ sung thêm “có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”, đồng thời cũng chỉ rõ các đặc điểm nhận dạng như:

Ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”…

Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” (Nhandan.com.vn 20/9/2017).

Đến nhận định của Nhandan.com.vn thì đã rõ “bộ phận không nhỏ” tập trung vào “đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Lợi ích nhóm tiêu cực” nằm trong các cơ quan quyền lực là một thực tế đáng chú ý và có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta…

Việc lợi ích nhóm nằm bên trong các cơ quan quyền lực khiến nó trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát” (Tapchicongsan.org.vn 23/8/2016).

Ý kiến trên Tapchicongsan.org.vn cho thấy địa chỉ cụ thể của “bộ phận không nhỏ” là “nằm bên trong các cơ quan quyền lực”.

Có thể thấy lãnh đạo cao nhất, các cơ quan lý luận và nhân dân đều biết sự phát triển đến mức đặc biệt nghiêm trọng của sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng trong một bộ phận không còn nhỏ cán bộ, đảng viên - kể cả cán bộ cao cấp đương chức hoặc đã nghỉ hưu. 

Thế nào là “Tề gia, trị tỉnh, bình dư luận”? ảnh 4

Chiến thuật thời nay phải là “một đòn … chết tươi”

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nhận diện chính xác đối tượng và nguy cơ đe dọa thể chế, nghị quyết ban hành nhiều, chỉ thị không thiếu.

Phải chăng điều thiếu duy nhất hiện nay là thực hiện các nghị quyết, chỉ thị đó tại các cơ quan, đoàn thể, địa phương?

Dường như “bảo vệ quân mình” vẫn là một chiến lược được triệt để tuân thủ tại không ít địa phương, tổ chức Đảng cơ sở và người đứng đầu cả cơ quan Đảng lẫn chính quyền.

Con cái được nuông chiều thường dễ bị hư là điều các bậc làm cha mẹ đều biết.

Trong cuộc chiến - dù là chống ngoại xâm hay nội xâm - tướng giỏi đến mấy mà binh lính không muốn chiến đấu, không dám chiến đấu, thậm chí chống lại chỉ huy thì thất bại là khó tránh.

Nguyên nhân của tình trạng đó nằm ở việc “nuông chiều” cán bộ.

Những năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, tháng 9 năm 1950 tại Thái Nguyên, Tòa án binh (quân sự) tối cao đã kết án tử hình Trần Dụ Châu, cựu đại tá, cựu Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến” . [3] 

Khi quyết định bác đơn xin ân xá của Trần Dụ Châu, Hồ Chủ tịch nói với tướng Trần Đăng Ninh:

Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. [3]

Từ câu chuyện về Trần Dụ Châu, đối chiếu với thực tế hiện nay, có thể thấy hai xu thế biến động ngược chiều so với những gì mà Cụ Hồ đã nói:

Mức độ tham nhũng càng ngày càng tinh vi, tài sản tham nhũng tăng chóng mặt nhưng khung hình phạt dành cho người mắc sai phạm càng ngày càng giảm.

Sau án tử hình Trần Dụ Châu là án tù dành cho một Bộ trưởng liên quan đến đường dây 500 Kv.

Từ đó trở đi hầu như chỉ thấy cảnh cáo, khiển trách, cao hơn là cách chức, cho thôi chức, hầu như không thấy án tù dành cho quan chức trung, cao cấp kể cả trường hợp sai phạm là “rất nghiêm trọng”.

Đối với cán bộ, công chức thì như thế, đối với một số tội phạm kinh tế thì khung hình phạt lại rất cao (tử hình hoặc chung thân) như trường hợp Nguyễn Đức Kiên, Châu Thị Thu Nga,…

Nếu “một con sâu” đang đục khoét thân cây bị phát hiện mà không bị giết, chỉ bị gắp bỏ sang cây khác liệu “con sâu” đó có sợ, có dừng đục khoét tiếp thân cây mới?

Việc Yên Bái đưa ông Phạm Sỹ Quý sang làm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh có giống như trường hợp “gắp sâu bỏ sang cây khác”? 

Thế nào là “Tề gia, trị tỉnh, bình dư luận”? ảnh 5

Que diêm, lò nóng và củi tươi

Làm việc tại cơ quan dân cử như Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chắc chắn phải được nhân dân tỉnh đó tín nhiệm.

Vậy một người bị Đảng “cảnh cáo”, bị chính quyền “cảnh cáo”, tham gia đánh bạc bị công an bắt quả tang như ông Phạm Sỹ Quý có còn được sự tín nhiệm của nhân dân Yên Bái?

Nếu câu hỏi này chưa được trả lời thấu đáo, có nhất thiết phải ngay lập tức “biến” ông ấy thành lãnh đạo một bộ phận rất quan trọng của cơ quan dân cử với chức danh Phó Chánh Văn phòng  Hội đồng nhân dân tỉnh?

Khi làm Giám đốc sở, ông Phạm Sỹ Quý chịu sự quản lý trực tiếp của Chủ tịch tỉnh, chị gái ông Quý, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy chỉ là cấp quản lý ông về mặt Đảng.

Trở thành Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, ông Quý chịu sự quản lý trực tiếp của chị gái về mọi phương diện bởi bà Phạm Thị Thanh Trà là Bí thư Tỉnh ủy đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

Với việc điều chuyển cán bộ bị kỷ luật về cơ quan do chị gái người đó trực tiếp lãnh đạo, phải chăng đây không phải là biến tướng của tình trạng “tìm người nhà, không tìm người tài”?

Liệu có sự “đạo diễn” nào của Tỉnh ủy Yên Bái trong quyết định đưa ông Quý sang làm Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân?

Đặt câu hỏi này vì Hội đồng nhân dân chịu sự lãnh đạo của Tỉnh ủy chứ không phải Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thế nào là “Tề gia, trị tỉnh, bình dư luận”? ảnh 6

Tiếp tay cho những kẻ móc túi dân, đích thị là tội ác

Trở về quá khứ, ông Phạm Sỹ Quý từng đánh bạc bị công an bắt quả tang, báo chí có nhiều bài đăng tải nhưng nhờ ai mà ông thoát nạn và vẫn thăng tiến vù vù.

Giờ đây, vị trí mới của ông Quý giống như ngôi nhà an toàn dành cho các điệp viên lánh nạn trong phim Hollyood, với sự bao bọc trong vòng tay quyền lực của chị gái, ai sẽ làm gì được nếu chị em ông ấy tiếp tục sự nghiệp “tề gia, trị tỉnh, bình dư luận”?

Đưa ông Sĩ Quý về cơ quan mà chị gái ông làm Chủ tịch, phải chăng các cơ quan lãnh đạo Đảng và chính quyền Yên Bái đang làm cái điều mà dân gian gọi là “thả hổ về rừng”?

Công cuộc “tề gia, trị tỉnh, bình dư luận” không chỉ thấy ở Yên Bái mà còn có thể thấy ở nhiều nơi khác, chẳng hạn vụ “hot girl” Thanh Hóa mà dư luận đồn thổi cô này là “bồ” của ai đó, là vụ biện minh cho “Giám đốc sở 30 tuổi” ở Quảng Nam hay vụ Hải Dương hơn 40 lãnh đạo trong một sở,…

Cần phải làm gì để lửa luôn nóng trong chiếc lò mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhóm?

Ngày 27/3/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 9 ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”.

Mục đích của chỉ thị là: “Tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống”.

Ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị khóa 10 ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nội dung này được phát triển thành “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Vậy thế nào là “phong cách Hồ Chí Minh”?

Người ít lý luận hiểu “phong cách Hồ Chí Minh” là sự giản dị, chân thành, nói đi đôi với làm, đã làm thì làm đến nơi đến chốn.

Thế nào là “Tề gia, trị tỉnh, bình dư luận”? ảnh 7

Quan văn và quan võ, quan “đương” và quan “hưu”

Năm 1948 Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho người anh cả quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp.

Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

Khi sự kiện Lễ phong quân hàm cấp tướng được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Bác vì sao một lúc phong nhiều tướng, tá như vậy?

Việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào?

Bác đã trả lời giản dị: Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng”. [4]

“Phong cách Hồ Chí Minh” cho thấy ngôn từ của Cụ rất dễ hiểu:

Với người có công “đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng”, với kẻ có tội “biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến” phải bị tử hình, đồng lõa phải bị vào tù chứ không có chuyện “rút kinh nghiệm” để rồi hạ cánh an toàn.  

Tháng 12/2016, tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nói: “Bây giờ phải hành động chứ nói nhiều mà làm không đến nơi đến chốn, nhân dân không yên lòng”. [5]

Vậy việc xử lý cán bộ gần đây tại Bộ Công thương, Bộ Giao thông, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, tại các tỉnh Yên Bái, Thanh Hóa, Gia Lai,… đã được xem là “làm đến nơi đến chốn”?

Nếu quả thật các vụ này được đánh giá là “đến nơi đến chốn” thì nghĩa là cứ mắc sai phạm nghiêm trọng, thậm chí là rất nghiêm trọng đi, cứ bị kỷ luật đi nhưng không bị khai trừ khỏi Đảng, tài sản vẫn nguyên vẹn, thế thì ai cũng có thể sẵn sàng mắc khuyết điểm.

Có người bị kỷ luật xong lại hoan hỉ, lại xoa tay cảm ơn, thế là tốt hay ngược lại?

Cách thức xử lý như vậy liệu có đúng theo “phong cách Hồ Chí Minh”, có thể kế tục sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch?

Dù dưới bất kỳ lý do gì, không hoặc chưa thực hiện nghiêm túc lời dạy của Hồ Chủ tịch: “giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo” thì đều là ngụy biện, đều là “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vov.vn/nhan-su/yeu-cau-ky-luat-dang-3-can-bo-van-phong-hdnd-tinh-gia-lai-673601.vov

[2]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/mot-chu-tich-phuong-o-hai-phong-bi-dieu-chuyen-cong-tac-351015.html

[3] http://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/682-h-ch-t-ch-y-an-t-hinh-tr-n-d-chau.html

[4] http://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/1759-chuy-n-chua-k-v-l-n-phong-ham-d-i-tu-ng-vo-nguyen-giap.html

[5] http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/lam-den-noi-den-chon-de-dan-tin/139597

Xuân Dương