Thế nào là “mặt nghệt như ngỗng …"?

19/01/2018 08:17
Xuân Dương
(GDVN) - Có kẻ quen thói tháu cáy đồ của người khác bị bắt quả tang, hắn giả vờ “nghệt ra như ngỗng...” rồi lắp bắp: “Xin lỗi, tôi cầm nhầm”.

Người vùng đồng bằng Bắc Bộ có một câu ví (xin trích câu nói của cổ nhân, chúng tôi xin lỗi nếu làm phiền quý vị) “Mặt nghệt như ngỗng...”.

Phải là người nuôi ngỗng và phải là người tinh tế mới biết được tại sao khi ngỗng ... nó lại “nghệt” ra đến mức được đưa vào ví von như thế.

Dẫn câu nói này để vận vào một trường hợp, khi có kẻ quen thói tháu cáy đồ của người khác bị bắt quả tang, hắn giả vờ “nghệt ra như ngỗng..." rồi lắp bắp: “Xin lỗi, tôi cầm nhầm”.

Nếu không bị bắt quả tang, cầm về nhà rồi hoặc mang ra nơi tiêu thụ đồ ăn cắp rồi, hắn chẳng bao giờ quay lại xin lỗi vì cầm nhầm.

Nói thế có thể bạn đọc cho là “vơ đũa cả nắm” vì trong đời ai chẳng có lúc cầm nhầm.

Xin khẳng định là người viết không “vơ đũa cả nắm” vì câu trên đã dùng từ “quen thói”, nếu có người sơ ý mà trót cầm nhầm thì không bao giờ “quen thói” cả.

Thời hiện đại, chuyện “cầm nhầm” đã được “@ hóa”, không cứ phải là “cầm” trong tay đút vào túi mới là “cầm nhầm” mà có khi chỉ là “Copy and paste” - nói theo ngôn ngữ Công nghệ Thông tin - nghĩa là sao chép từ chỗ này “dán” vào chỗ khác nhưng không trích dẫn nguồn sao chép.

Thế nào là “mặt nghệt như ngỗng …"? ảnh 1Sao chép làm luận án tiến sĩ lỗi là do… kỹ thuật trích dẫn

Nếu chỉ sao chép vài từ hay vài dòng mà quên dẫn nguồn thì có thể thông cảm, có thể xem đó là “cầm nhầm”, còn nếu hàng chục dòng hay cả trang giấy thì không thể gọi là “sơ suất” được.

Cũng vì thời hiện đại nên một số người “tai to mặt nhớn” mới nghĩ ra nhiều chiêu độc lạ, vừa chống lưng cho kẻ “tháu cáy”, vừa để biện minh cho “nhóm lợi ích tháu cáy” của mình, đó là “lỗi đánh máy”, “lỗi soạn thảo văn bản”, “lỗi phông chữ”,…

Gần đây một vị bên khoa học xã hội, nghe nói cũng khá “to”, khá “nhớn” mới sáng tạo ra “chiêu” mới.

Đó là việc vị ấy khẳng định người sao chép công trình của người khác vào luận án tiến sĩ của mình chỉ là do “kỹ thuật trích dẫn” chứ không phải là “tháu cáy”.

Có phải do gần đây theo dự thảo chương trình môn học mới sắp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, truyện "Chí Phèo" của Nam Cao không còn là tác phẩm bắt buộc phải dạy nên không ít “Chí Phèo” thở phào nhẹ nhõm, cứ việc tung hê những phát ngôn ngô nghê trước bàn dân thiên hạ mà không sợ người đời cho là “học theo anh Chí”?

Trên thế giới, tham khảo trong từ điển trực tuyến Merriam-Webster, người ta đã có một định nghĩa chuẩn về “tháu cáy” (mà một số người quen nói là “đạo văn”).

Theo đó, đạo văn (plagiarize) là hành động (lược dịch từ Merriam-Webster):

- Ăn cắp và chuyển đổi (ý tưởng hay từ/cụm từ của người khác) như là của riêng mình;

- Sử dụng (sản phẩm của người khác) mà không xác nhận (trích dẫn) nguồn tham khảo;…

- Sao chép rất nhiều từ hoặc ý tưởng từ một nguồn khiến những thứ sao chép trở nên rất có ý nghĩa với công trình của bạn, dù bạn có xác nhận (trích dẫn) hay không;

Nói cách khác, đạo văn là một hành động gian lận. Nó liên quan đến cả hai khía cạnh: ăn cắp sức lao động của người khác và nói dối về sự ăn cắp đó sau này.

Đạo văn là một hành động gian lận. (Ảnh minh họa trên Tạp chí Người làm báo)
Đạo văn là một hành động gian lận. (Ảnh minh họa trên Tạp chí Người làm báo)

(Nguyên văn: Plagiarize means:

- To steal and pass off (the ideas or words of another) as one's own;

- To use (another's production) without crediting the source;…

- Copying so many words or ideas from a source that it makes up the majority of your work, whether you give credit or not.

In other words, plagiarism is an act of fraud. It involves both stealing someone else's work and lying about it afterward). [1]

Như vậy, “sử dụng sản phẩm của một ai đó mà không công bố nguồn” tức là “ăn cắp”, tức là “tháu cáy”.

Nếu có ai đó bao che cho hiện tượng mà cả thế giới gọi là “ăn cắp” này thì có thể khẳng định chắc chắn người đó là đồng lõa với kẻ ăn cắp.

Để tránh “đạo văn”, việc trích dẫn tài liệu tham khảo là bắt buộc và phải tuân theo những quy tắc đã được quy định trong các văn bản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. [2]

Thế nào là “mặt nghệt như ngỗng …"? ảnh 3Thời mạt vận của "thằng đánh máy"

Việc trích dẫn đầy đủ tài liệu tham khảo giúp người đọc thấy được tác giả đã có sự tôn trọng đối với sản phẩm trí tuệ của người khác.

Đó cũng chính là lòng tự trọng cần thiết của người trí thức dù sống tại bất kỳ quốc gia nào, thời đại nào trên hành tinh này.

Nói đến thông lệ quốc tế, đành phải nhắc lại một lần nữa:

Sao chép rất nhiều từ hoặc ý tưởng từ một nguồn khiến những thứ sao chép trở nên rất có ý nghĩa với công trình của bạn, dù bạn có xác nhận (trích dẫn) hay không” cũng gọi là “đạo văn”.

Việc sáng tạo ra cụm từ “kỹ thuật trích dẫn” hình như chỉ có trong khoa học xã hội vì giới khoa học tự nhiên, nhất là trong các ngành công nghiệp như Điện tử, Chế tạo máy, Xây dựng, Giao thông,… đã nói đến kỹ thuật là không được có sơ suất, là phải chính xác đến phần mười, phần trăm milimet.

Nói thế nhưng vừa qua, có một cụm từ mới lại được dư luận thích thú bàn luận, ấy là chuyện có người “nâng đỡ không trong sáng” một cô gái ở Thanh Hóa.

Khối người dựa vào đó mà nêu câu hỏi “Thế nào là nâng đỡ không trong sáng”?

Câu hỏi ấy làm dậy sóng mạng xã hội, được không ít người trả lời, tựu trung lại có hai nhóm ý kiến:

Thứ nhất “không trong sáng nghĩa là trong dâm”;

Thứ hai “không trong sáng nghĩa là trong tối”.

Về nhóm ý kiến thứ nhất, xin nói ngay có một từ mắc lỗi chính tả, đây là lỗi mà không ít người gán cho người miền Bắc, chẳng hạn trên một trang mạng người ta viết thế này:

Chữ r thì đương nhiên phải phát âm là "rờ" rồi, nhưng hầu hết người miền Bắc phát âm là "dờ".

Thế nào là “mặt nghệt như ngỗng …"? ảnh 4Lỗi đánh máy phong nhầm Giám đốc bệnh viện thận Hà Nội là Tiến sĩ

Thế nên “người miền Bắc” mới viết “râm” thành “dâm”!

Nhân nói về  “rờ” thành “dờ”, cũng xin “mua dìu qua mắt ráo sư” về ngôn ngữ chút xíu:

Phát âm “rờ” thành “dờ” có lẽ chưa phải là đặc sản miền Bắc, tại Hà Nội, vừa qua có nơi còn phát âm “bờ” thành “tờ”.

Đó là chuyện có ông thuộc diện “sĩ”, học vị mới là “bác sĩ” (BS) được cấp trên “tự động” biến thành “tiến sĩ” (TS) ở một bệnh viện giữa lòng thủ đô.

Lý giải cho việc phụ âm “bờ” (B) biến thành “tờ (T), ông Hoàng Minh Hiền, Trưởng phòng tổ chức Sở Y tế Hà Nội cho biết:

Ngày 17/4/2017, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Quyết định số 476/QĐ-SYT về việc kiện toàn Ban chủ nhiệm các chuyên khoa đầu ngành năm 2017.

Do sơ xuất trong việc soạn thảo và rà soát, tại danh sách kèm theo quyết định phòng nghiệp vụ Y sở Y tế đã in nhầm BS Hà Huy Thắng là TS Hà Huy Thắng.

Ngày 9/8/2017, phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế Hà Nội đã có tờ trình đính chính lại sai sót trên từ TS Hà Huy Thắng thành BS Hà Huy Thắng”. [4]

Lý do “sơ suất trong việc soạn thảo và rà soát” được vận dụng như là liều thuốc vạn năng nhằm biện minh cho bất kỳ “sơ suất” nào trong công tác quản lý.

Cứ tạm chấp nhận đây là “sơ suất” của phòng Nghiệp vụ (sở Y tế Hà Nội) nhưng người ta không thể hiểu vì sao sau gần 4 tháng (từ 17/4/2017 đến 9/8/2017) người được nhầm “bờ” thành “tờ” ấy không có ý kiến gì với cấp trên, đến mức cấp trên phải chủ động sửa “tờ” thành “bờ”?

Thế nào là “mặt nghệt như ngỗng …"? ảnh 5Đạo văn và “cưỡng đạo”

Có lẽ cũng nên công bằng một tí bởi ông “tờ sĩ” ấy không “tháu cáy” cái gì, việc “bé cái nhầm” là của trên Sở chứ không phải do ông “soạn thảo”.

Có điều khi cầm quyết định mà không biết mình bị “nhầm” từ “bờ sĩ” thành “tờ sĩ” thì kể cũng hơi lạ nhất là khi ông lại là Giám đốc một bệnh viện!

Xã hội ngày nay có hai loại “thày” được cả xã hội “săm soi” là “thày giáo” và “thày thuốc”, khi là “thày” mà nhận vơ cái không phải của mình thì thua cả Chí Phèo bởi Chí Phèo không được học, không phải là “sĩ”.

Hai câu chuyện nêu trên diễn biến theo chiều hướng trái ngược nhau, một chuyện là trên bao che cho sự “đạo văn” của dưới, chuyện còn lại là dưới nhận vơ “văn đạo” của trên.

Xem ra, dẫu người đời có nặng lời thế nào đi nữa thì các “mo quan”cũng chẳng hề hấn gì, các vụ mà thiên hạ đồn thổi là “đạo văn” ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và nhiều nơi khác hình như để hơi lâu nên… hóa bùn cả rồi.

Trong trào lưu “mặt mo” của không ít người mong một đêm biến thành là “sĩ”, chuyện bỏ tiền mua bằng tiến sĩ của các “trường ma” như Đại học Nam Thái Bình Dương (Hoa Kỳ) hay chui vào lò ấp để sau vài năm thành “tiến sĩ” không phải là hiếm.

Hiếm là ở chỗ không bỏ tiền, cũng không chui vào “lò ấp tiến sĩ” mà lại nhận vơ mình là tiến sĩ chỉ vì ở trên “đánh máy nhầm”, thế thì danh dự để đâu, liêm sỉ để đâu?

Và còn điều này, cố bảo vệ hành động “đạo văn” của người khác có nên xưng danh là “thày giáo”?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.plagiarism.org/article/what-is-plagiarism

[2]http://www.vnulib.edu.vn/wp-content/uploads/Trich-dan-tai-lieu-theo-BGD.pdf

[3]http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Nghe-thuat-chep-sach-cua-Tien-si-trong-lo-ap-tien-si-post181969.gd

[4]http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Loi-danh-may-phong-nham-Giam-doc-benh-vien-than-Ha-Noi-la-Tien-si-post183077.gd

Xuân Dương