Thấy gì trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam?

29/09/2021 06:27
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với cách quản lý chồng chéo, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam – ít nhất là trong 10 năm qua như thế nào?

I. Một số chủ trương, chính sách liên quan đến giáo dục, đào tạo và dạy nghề

Không ít ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng hoạt động dạy nghề, trình độ chuyên môn nghề nghiệp của lao động Việt Nam nói chung và của công nhân Việt Nam nói riêng đều thua kém so với các nước khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó nhiều ý kiến cổ vũ quan điểm Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mọi thứ để đón đại bàng (doanh nghiệp nước ngoài) đến làm tổ đồng thời cũng phải thực hiện tốt chiến lược:

“Làm tổ cho đại bàng đẻ nhưng cũng phải rải thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no”.

Một trong những nguyên nhân thu hút nhiều “đại bàng” đến Việt Nam “làm tổ” là do giá nhân công rẻ.

Bài viết “Tư duy lại giá nhân công” đăng trên báo điện tử Nhandan.vn số ra ngày 28/05/2007 nêu nhận định: “Người lao động được đánh giá là có tính chịu khó, ham học hỏi…, giá nhân công ở Việt Nam khá rẻ”.

Tạp chí Kinh tế Sài gòn Online (Thesaigontimes.vn) trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong bài “Không thể mãi dựa vào lao động giá rẻ để thu hút đầu tư” viết:

“Theo Forbes, hơn 90% dòng tiền FDI vào Việt Nam chỉ tập trung trong các ngành sản xuất giản đơn: may mặc, chế biến lương thực – thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử. Đây là những ngành có xu hướng sử dụng lao động tay nghề thấp, thậm chí chưa cần qua trường lớp đào tạo”.

Nếu nhận định nêu trên là xác thực thì có phải nguyên nhân khiến việc dạy nghề và thu hút người theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nước ta trở nên èo uột là do “đại bàng” không mặn mà với người lao động được đào tạo trình độ cao!

Vậy có thể kết luận học vấn của người lao động Việt Nam thấp là do quá nhiều “đại bàng” chứ không phải do do sự yếu kém của hoạt động giáo dục nghề nghiệp?

Bài viết “Nhìn lại tình hình lao động và việc làm 2019” đăng trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ra ngày 18/02/2020 cho biết: “Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 41,3%, cao hơn gần 3 lần khu vực nông thôn”.

Từ nhận định trên bài báo này, có thể tính ra khu vực nông thôn chỉ có khoảng 13% người lao động được đào tạo nghề. Nói cách khác, lao động khu vực nông thôn cứ 100 người thì có tới 87 người không được học nghề sau khi rời trường phổ thông.

Vì không được đào tạo nghề nên lao động của nhóm người này chủ yếu là lao động đơn giản, lao động cơ bắp và loại hình lao động này không đòi hỏi nhiều sáng tạo.

Để tạo bước đột phá cho hoạt động đào tạo nghề, một chủ trương đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng là phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Tinh thần chỉ đạo là “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở”.

Mục đích của việc phân luồng sau trung học cơ sở không phải là đưa những người ở độ tuổi 15 tham gia ngay thị trường lao động mà là thu hút vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sau từ hai đến bốn năm, những người ở độ tuổi 17, 18 này vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có đủ sức khỏe và quyền công dân để chính thức tham gia thị trường lao động.

(Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn)

(Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn)

Tuy nhiên kết quả thực hiện chủ trương phân luồng là:

“Thất bại phân luồng”. [1]

“Phân luồng sau trung học cơ sở thất bại, vì đâu?”. [2]

…..

Một chủ trương đúng đắn, được nghiên cứu kỹ lưỡng, được cụ thể hóa trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng (ban hành năm 2013), sau gần 08 năm thực hiện không mang lại kết quả mong muốn thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan thực hiện, tiếp đến là sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thuộc hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó cũng không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan cấp trên trong việc xem xét, xử lý người/cơ quan không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao phó.

Nếu chỉ là thất bại trong định hướng phân luồng sau trung học cơ sở thì cũng chưa phải là vấn đề to tát bởi học sinh sau lớp 9 không vào trường nghề vẫn có thể học tiếp trung học phổ thông sau đó học nghề, đi làm hoặc học đại học.

Vấn đề lớn hơn nằm ở hoạt động đào tạo nghề cho lực lượng lao động người Việt.

Vì hơn 80% người lao động “không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ” nên “Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan”. (Thanhnien.vn - 31/03/2021)

II. Sự chồng chéo trong quản lý hoạt động dạy nghề và giáo dục đại học

Trong hơn 30 năm qua việc dạy nghề được giao cho nhiều đơn vị như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý.

Giai đoạn trước năm 2017, cơ quan quản lý việc dạy nghề trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề (sau đó là Vụ Giáo dục chuyên nghiệp). Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn từ năm 1998 đến tháng 7/2017 việc quản lý giao cho Tổng cục Dạy nghề, từ tháng 8/2017 đến nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Từ năm 2017 đến nay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chính thức quản lý hệ thống trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm dạy nghề toàn quốc (trừ các trường trung cấp, cao đẳng sư phạm vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý). Đây cũng là thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức giải thể Vụ Giáo dục chuyên nghiệp.

Khoản 2, điều 105 Luật Giáo dục 2019 (Luật số: 43/2019/QH14) quy định như sau: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên”.

Mặc dù luật quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về giáo dục đại học nhưng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại là “chủ quản” của bốn trường đại học gồm: Trường đại học Lao động – Xã hội; Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định; Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh; Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Những quy định tại điều 105 Luật Giáo dục, điều 68 Luật Giáo dục đại học, điều 36 Luật sửa chữa bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) đều không giải thích rõ ràng thế nào là “quản lý nhà nước về giáo dục đại học”.

Điều 68, Luật số 34/2018/QH14 quy định “Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ” viết:

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học và có trách nhiệm sau đây…

Một khi luật đã quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là “cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học” thì cũng có nghĩa là Bộ Giáo dục và Đào tạo không được pháp luật cho phép trực tiếp quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Mục 3, khoản 36, điều 1, Luật số 34/2018/QH14 còn quy định:

“Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình”.

Với điều khoản nêu trên, luật đã quy định nhiều cơ quan, tổ chức được quyền tham gia “quản lý nhà nước về giáo dục đại học” và Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là “đầu mối” kết nối các đơn vị này.

Thậm chí một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để giải thích luật cũng vậy.

Năm 2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của các bộ và chính quyền địa phương. (Nghị định 127)

Toàn bộ 12 nhiệm vụ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đều không đề cập đến việc quản lý nhân sự, cơ sở vật chất, nguồn kinh phí,… của các cơ sở giáo dục đại học.

Khoản 7, điều 4, Nghị định 127 quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Ban hành chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ”.

Điều này có nghĩa là Bộ Giáo dục và Đào tạo không được ban hành “chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục” không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.

Vậy ngoài các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường còn lại thuộc khối công an, quốc phòng, các trường đại học do các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội “chủ quản” có thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Không những thế, gần đây xuất hiện một số kiến nghị cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học viên học nghề…

Với các điều luật không rõ ràng, thậm chí là bó tay Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học, với cách quản lý chồng chéo như vậy, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam – ít nhất là trong 10 năm qua như thế nào?

(Còn nữa)

Xuân Dương