“Rà soát thể chế”, từ nghị quyết đến pháp luật, từ lời nói đến việc làm (4)

20/05/2021 07:11
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ máy Nhà nước quản lý giáo dục quả thật cồng kềnh, quá nhiều cơ quan có quyền tác động đến hoạt động giáo dục đào tạo từ chủ trương, chính sách đến ngân sách...

(Tiếp theo phần 3)

Thứ ba, rà soát thể chế lĩnh vực “bộ máy nhà nước”

Các bộ luật về giáo dục đều có điều quy định về tổ chức Đảng trong cơ sở giáo dục (Luật Giáo dục: Điều 58; Luật Giáo dục đại học: Điều 13; Luật Giáo dục nghề nghiệp: Điều 17).

Cúng với sự lãnh đạo của Đảng, thực tế cho thấy có hàng chục cơ quan trực tiếp hoặc gián tiếp điều phối hoạt động Giáo dục và Đào tạo, cụ thể:

1/ Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư;…

2/ Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo;

3/ Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

4/ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

Ngoài ra còn một số đơn vị khác có sự liên hệ mật thiết đến giáo dục như Ban Tuyên giáo Trung ương; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Công đoàn giáo dục Việt Nam;…

Bộ máy Nhà nước quản lý giáo dục quả thật quá cồng kềnh, quá nhiều cơ quan có quyền tác động đến hoạt động giáo dục đào tạo từ chủ trương, chính sách đến ngân sách, nhân sự,….

Bộ máy như thế chắc chắn có sự hợp đồng ăn ý hay sớm muộn cũng sẽ xuất hiện tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Có hay không tình trạng mỗi bộ, ngành, địa phương sẽ lồng ghép lợi ích của đơn vị mình vào các chủ trương, chính sách, thậm chí tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của đối tượng “thụ hưởng” là nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên?

Ví dụ dễ nhận thấy khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” (hai không) vào năm 2006.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông cả nước khi đó là 93,78%; (Nam Định: 99,87%; Bắc Ninh: 99,41%; Hà Tây: 99,32%; Hà Nội: 98,54%; Thành phố Hồ Chí Minh: 96,04%; Bình Định: 95,4%; Sóc Trăng: 73,87%;… ).

Phải đến năm 2007, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc văn hóa trung học phổ thông mới chính thức thực hiện cuộc vận động “Hai không” và kết quả là tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc chỉ còn 66,72% nghĩa là giảm gần 30%, có 11 tỉnh tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50%.

Có thể đây là cú sốc với không ít người/cơ quan song dư luận xã hội đón nhận với sự bình tĩnh, tin tưởng.

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Tuy nhiên, một năm sau, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc (năm 2008) là 75,96%, năm 2009 đạt 83,8%, đến năm 2010, khi ông Nguyễn Thiện Nhân thôi chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tỷ lệ này là 92,57%,…

Những năm gần đây tỷ lệ này được không có biến động đáng kể so với thời kỳ 2006-2008, cụ thể: năm 2015 là 91,58%; năm 2016 là 92,93%; năm 2017 là 97,42%; năm 2018 là 97,57%, năm 2019: 94,06%; năm 2020 là 98,34%.

Nhìn vào diễn biến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2007 đến nay, có ý kiến cho rằng chủ trương “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích” giống câu chuyện Đông Ki Sốt chống lại cối xay gió của văn hào Xecvanted (Miguel de Cervantes Saavedra).

Sự tăng giảm bất thường của các con số cho thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông không phản ánh chính xác chất lượng dạy và học. Bản thân ngành Giáo dục không thể duy trì liên tục chủ trương “hai không” dưới áp lực (vô hình hoặc hữu hình) của các đối tác khác.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Minh Hạc từng cho biết chỉ một đợt kiểm tra trong một năm đã phát hiện khoảng 10.000 trường hợp dùng bằng giả.

Có khá nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ ban hành một văn bản quy phạm pháp luật riêng nhằm xử lý tình trạng sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mạo, xử lý hình sự cán bộ, công chức, viên chức dùng văn bằng chứng chỉ giả phục vụ mục đích cá nhân, tuy nhiên cho đến nay đây vẫn chỉ là kiến nghị.

Những quy định tại điều 341 Bộ Luật Hình sự: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” liệu đã đủ sức răn đe?

Có thể kiểm chứng nhận định này qua các vụ “Lò ấp tiến sĩ, thạc sĩ” tại Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; Vụ mua bán văn bằng, chứng chỉ tại Đại học Đông Đô;…

Rất nhiều cơ quan nhà nước tham gia quản lý Giáo dục và Đào tạo nhưng vì sao vẫn còn rất không ít khoảng trống để tội phạm hoạt động?

Khi nói “rà soát bộ máy nhà nước” liên quan đến giáo dục ngoài việc xem xét sơ đồ tổ chức còn cần tìm hiểu hoạt động của từng bộ phận.

Một trong những hoạt động khiến đại biểu Quốc hội phải lên tiếng chất vấn là phân bổ ngân sách nhà nước mà Chính phủ dành cho giáo dục và đào tạo. Xin nêu mấy vấn đề:

Một là vì sao ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo không đạt 20% như quy định trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng và Luật Giáo dục 2019?

Chính xác thì từ khi đổi mới (1986) đến nay, ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước dành cho giáo dục đào tạo mỗi năm là bao nhiêu phần trăm? Đặc biệt là từ khi Nghị quyết 29-NQ/TW được ban hành, tỷ lệ này là thế nào?

Về điều này, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ đã chỉ rõ trong phát biểu tại Hội trường Quốc hội ngày 13/06/2020:

“Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trên tổng chi ngân sách năm 2018 là 14,2%, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%”. [5]

Đất nước có khó khăn, nợ công đến hạn phải trả còn rất nhiều nên Chính phủ phải tiết kiệm, điều này dân chúng rất thông cảm. Tuy nhiên để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, minh bạch thì không gì hơn là ghi nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch, rằng người cán bộ và cơ quan công quyền không được làm việc theo kiểu: “Nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn, nói một đằng làm một nẻo, đánh trống bỏ dùi,…”.

Quốc hội là nơi phê duyệt ngân sách, là cơ quan quyền lực cao nhất có quyền giám sát hoạt động của Chính phủ, vậy trước ý kiến của người đại diện cho cử tri, Quốc hội có nên yêu cầu Chính phủ giải trình?

Khi Chính phủ đã chính thức công bố tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trong hai năm 2018-2019 chỉ khoảng 14% thì vì sao không ít người, không ít tài liệu vẫn cứ khư khư rằng con số là 20% tương đương 5% GDP?

Hai là vì sao hầu hết nhân sự giáo dục (nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục) lại do Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương quản lý?

Cùng là cơ quan nhà nước, cùng là bộ thuộc Chính phủ vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo bị tước bỏ gần hết quyền quản lý con người và ngân sách giáo dục?

Ba là nguyên tắc phân chia ngân sách nhà nước cho con em người lao động.

Học sinh, sinh viên theo học trường tư (ngoài công lập) phải đóng góp rất nhiều khoản và các khoản đóng góp này cao hơn nhiều so với người học trường công lập.

Kinh phí dành cho giáo dục lấy từ ngân sách nhà nước và đó là tiền thuế do người dân, doanh nghiệp đóng góp.

Vậy thì vì sao nhà nước chỉ đầu tư cho những người học trường công, đặc biệt là trường chuyên, lớp chọn còn người học trường tư không được hưởng chút nào?

Bốn là có hay không sự yếu kém trong khoa học dự báo nguồn nhân lực giáo dục của các cơ quan nhà nước liên quan, chẳng hạn Bộ Giáo dục Đào tạo và Tổng cục Thống kê?

Năm 2021 toàn ngành giáo dục thiếu 95.000 giáo viên.

Sử dụng kết quả Tổng điều tra dân số, tỷ lệ tăng dân số từng vùng, miền có thể dự báo khá chính xác biến động đầu vào các bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông;

Với một cơ sở dữ liệu nhân sự nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, (thậm chí chỉ cần một tệp trang tính (book) trong bảng tính điện tử Excel cũng thừa sức lưu trữ 1,2 triệu hồ sơ nhân sự) hoàn toàn có thể thống kê số lượng giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, số giáo sinh ra trường hàng năm từ đó quyết định việc tuyển sinh đào tạo nhà giáo.

Năm là chất lượng nhân sự trong cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Tạp chí Giaoduc.net.vn mới đây đăng bài: “Thủ tướng: Tăng cường siết chặt kỷ cương trong quản trị cơ quan Bộ Giáo dục”. [6]

Tít bài cho thấy ngay tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tồn tại những vấn đề về kỷ cương và quản trị.

Kỷ cương không tốt là tiền đề cho tham nhũng, quản trị không tốt là nguyên nhân dẫn đến lãng phí, tham ô và Thủ tướng đã nhận thấy, đã nhắc nhở, vấn đề còn lại là lãnh đạo và toàn thể nhân sự cơ quan bộ sẽ làm gì?

Kết luận:

Phần tiếp theo “Rà soát thể chế kinh tế liên quan đến Giáo dục và Đào tạo” vì phạm vi rất rộng nên sẽ được gửi tới bạn đọc sau.

Những vấn đề được quan tâm sẽ bao gồm: Những nguyên tắc của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa áp dụng vào giáo dục như thế nào; Có hay không quá trình thương mại hóa giáo dục, nếu có thì mang lại ưu điểm và hệ lụy gì; Giáo dục thời kỳ qua thực sự mang lại lợi ích gì cho sự phát triển đất nước,….

Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính “Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp và nhà giáo” dù chỉ giới hạn “liên quan tới trường lớp và nhà giáo” nhưng thực ra cũng liên quan đến hai lĩnh vực quan trọng mà bất kỳ Thể chế chính trị nào cũng phải quan tâm, đó là chính sách và con người.

Vậy nên chính sách, cũng tức là ý chí của lực lượng lãnh đạo phải đồng hành cũng với con người, nếu không sẽ không bao giờ thành hiện thực./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7324

[2] http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-thuc-hien-nghi-quyet/tiep-tuc-doi-moi-dong-bo-the-che-chinh-tri-va-the-che-kinh-te/8904.html

[3] https://tuoitre.vn/kiem-dinh-dai-hoc-con-dien-tuong-dat-chuan-den-bao-gio-20191001201132676.htm

[4] https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi/siet-kiem-dinh-chat-luong-dai-hoc-645206/

[5] http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=47293

[6] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/thu-tuong-tang-cuong-siet-chat-ky-cuong-trong-quan-tri-co-quan-bo-giao-duc-post217781.gd

Xuân Dương