“Rà soát thể chế”, từ nghị quyết đến pháp luật, từ lời nói đến việc làm (2)

18/05/2021 07:07
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phương thức điều hành nền giáo dục được thể hiện qua các chủ trương, đường lối, chính sách giáo dục của Nhà nước.

(Tiếp theo phần 1)

Theo tinh thần đó, việc “Rà soát toàn bộ thể chế” mà Thủ tướng đề cập, diễn giải một cách cụ thể sẽ bao gồm việc rà soát cả ba thành tố tạo nên thể chế là “Phương thức điều hành”, “Luật pháp” và “Bộ máy nhà nước”.

Mặc dù cả hai loại “Thể chế” đều chi phối hoạt động giáo dục, đào tạo, trong khuôn khổ bài viết này, xin tập trung lý giải chuyện “rà soát” ba thành tố “Phương thức điều hành đất nước; Hệ thống luật pháp; Bộ máy nhà nước” của Thể chế chính trị.

Thứ nhất, rà soát thể chế lĩnh vực “Phương thức điều hành”

Phương thức điều hành nền giáo dục được thể hiện qua các chủ trương, đường lối, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước (tức là lực lượng lãnh đạo Hệ thống chính trị), là các đạo luật đã ban hành và cấu trúc bộ máy điều hành giáo dục.

Đó là sợi dây xuyên suốt lịch sử giáo dục từ khi lập quốc, đặc biệt là từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay.

Người viết cho rằng sợi dây này được bện bằng ba sợi chỉ với ba màu đỏ, xám, xanh:

“Sợi chỉ đỏ” là khẳng định trong Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật: rằng “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất”; “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”;…

“Sợi chỉ xám” là cung cách đào tạo và chế độ đãi ngộ đội ngũ nhà giáo, thái độ tiêu cực của thế hệ trẻ với nghề dạy học (mà đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực).

Cùng với đó là bệnh ngụy thành tích, thói dối trá trong một bộ phận không nhỏ cả thày lẫn trò, cả nhà trường lẫn cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và cao hơn.

“Sợi chỉ xanh” là truyền thống hiếu học của dân tộc và trí tuệ, sự thông minh được di truyền từ các thế hệ người Việt trải qua hàng nghìn năm lịch sử.

Trong ba sợi chỉ nêu trên, sợi chỉ xám là hữu hình, có thể định lượng và là sợi chỉ có độ bền kém nhất, dễ đứt nhất.

(Ảnh minh hoạ trên Hanamtv.vn)

(Ảnh minh hoạ trên Hanamtv.vn)

Một trong những biểu hiện của sự “dễ đứt” là quyết định bãi bỏ chế độ thâm niên đối với nhà giáo, bãi bỏ định hướng sắp xếp lương nhà giáo “cao nhất” trong hệ thống thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp (theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW).

Chừng nào nghề dạy học vẫn còn là “nghề cao quý” trên giấy thì chừng đó khó có đột phá về chất lượng giáo dục, đào tạo bởi nhà giáo không phải thánh nhân, nhà giáo cũng là người làm công ăn lương và một khi không thể sống bằng lương thì phải kiếm thêm bằng lao động (đôi khi không chính đáng) ngoài khuôn viên nhà trường.

Mặt khác, nếu đa số nhà giáo được tuyển chọn trong những người học lực trung bình ở phổ thông, những người bất đắc dĩ phải chọn ngành sư phạm vì không đủ năng lực vào học các trường top đầu (Y, Dược, Ngoại Thương, Bách Khoa,…) thì dù cố gắng đến mấy cũng khó xây dựng nên đội ngũ nhà giáo giỏi nghề, tâm huyết với nghề.

Người xưa bảo “Trung ngôn, nghịch nhĩ” nghĩa là lời nói thật, nói thẳng thường khó nghe, thường làm mếch lòng người có trách nhiệm phải lắng nghe, dẫu có thế thì vẫn phải nói thật, rằng thày không giỏi không thể đào tạo ra trò giỏi, khi cả thày và trò đều không giỏi thì dân trí khó có thể cao.

Sẽ là sai lầm nếu nói đến nhà giáo mà không nói đến học sinh, Thủ tướng đã nhận thấy rất rõ điều này nên đưa ra ý kiến phải “Học thật, thi thật”…

Bốn mươi năm trước, tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành sư phạm (năm 1981), Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo ngành giáo dục: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.

Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt thày trước trò, đặt dạy trước học.

Từ ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể thấy “nhân tài thật” chỉ xuất hiện khi có sự kết hợp chặt chẽ các yếu tố trường, lớp, thày, trò,…

Nói cách khác “Nhân tài thật” là sản phẩm của quá trình “Dạy thật, học thật, thi thật”.

Và như vậy phải chăng nhiệm vụ của ngành Giáo dục trong giai đoạn đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW phải là “Dạy thật, học thật, thi thật”?

Thực ra, ngay cả khi điều này được thực hiện triệt để thì sản phẩm cuối cùng có phải “nhân tài thật” hay không vẫn chưa thể khẳng định bởi dù có “dạy thật” thì vẫn phải kiểm chứng thày cô đang dạy cái gì, dạy 100% theo sách giáo khoa hay dạy cả kiến thức cuộc sống,...

Người viết cho rằng thực hiện ý kiến của Thủ tướng “rà soát thể chế” về phương thức điều hành không có gì quan trọng hơn, cấp thiết hơn là:

1/ Thay đổi quan điểm toàn Hệ thống về vai trò trung tâm của nhà giáo, về đào tạo đội ngũ nhà giáo và chế độ đãi ngộ với thày cô giáo theo hướng “Tôn sư thật, trọng đạo thật”;

2/ Phân tích một cách khoa học quan điểm cho rằng giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm bởi khi nhà giáo không phải là “trung tâm” thì phải chăng họ giống như những hành tinh quay quanh “trung tâm” là mặt trời?

3/ Bãi bỏ ngay quy định nhà giáo có các chuẩn mực đạo đức khác nhau tùy thuộc hạng chức danh nghề nghiệp trong bốn Thông tư số 01, 02, 03, 04 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành.

4/ Rà soát trình độ chuyên môn về quản lý nhà nước, hiểu biết pháp luật và chất lượng công việc toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cả ba cấp huyện, tỉnh và trung ương (điều này sẽ đề cập rõ hơn ở phần sau).

5/ Tập trung lực lượng trí thức, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sư phạm, đặc biệt là các “Nguyên khí quốc gia” xây dựng bằng được “Triết lý giáo dục của Việt Nam”.

6/ Phát động phong trào “Bốn thật”: Dạy thật, học thật, thi thật, kiểm định thật.

“Bốn thật” nêu trên liên quan đến (theo thứ tự) nhà giáo, người học (học sinh, sinh viên), nhà trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thuật ngữ “Kiểm định” theo nghĩa hẹp là kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (đại học), tuy nhiên có thể mở rộng theo nghĩa bao hàm cả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,…

Việc phải thêm “Kiểm định thật” xuất phát từ hai lý do:

Một là vụ gian lận thi cử năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La nếu không bị phát hiện thì khâu thanh tra, kiểm tra, quản lý thi cử của địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được xem là hoàn hảo.

Dù bị dư luận phanh phui, dù nhiều phiên tòa đã mở tại ba tỉnh nêu trên thì cho đến nay, những người liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thi tại Bộ Giáo dục và Đào tạo hình như vẫn đang “ngoài vùng trách nhiệm”, nói đúng hơn là sau vụ đề nghị kỷ luật một số cán bộ bị hủy bỏ, cho đến nay chưa thấy công bố hình thức xử lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hai là tính đến ngày 30/09/2020, theo công bố đã có 230 cơ sở giáo dục đại học, 38 trường cao đẳng sư phạm được 05 tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đạt chuẩn.

Số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy cả nước có 237 cơ sở giáo dục đại học và 49 trường cao đẳng sư phạm hoặc cao đẳng có khoa sư phạm.

Điều này có nghĩa là gần hết các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đã “ngon lành” vượt qua các đợt gọi là “Kiểm định”.

Kết quả kiểm định có thể làm yên lòng cơ quan quản lý nhà nước về Giáo dục và Đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Ủy ban tỉnh, các ban, ngành,…) nhưng không hề làm yên lòng dân chúng, giới chuyên môn và truyền thông.

Về điều này, chỉ cần lướt qua ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng là thấy rõ:

Báo Tuổi Trẻ: “Để được công nhận đạt chuẩn kiểm định đại học, có trường 'chơi chiêu': mua chuộc kiểm định viên để được tư vấn cách lách quy định (đối với kiểm định trong nước), 'diễn tuồng' để qua mắt, lừa dối đoàn kiểm định (đối với kiểm định quốc tế)”. [3]

Báo Nhân Dân: “Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định các hoạt động liên quan kiểm định chất lượng giáo dục trong các trường đại học đã được hơn ba năm, nhưng hoạt động này vẫn đang bị “thả lỏng” ”. [4]

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[3]https://tuoitre.vn/kiem-dinh-dai-hoc-con-dien-tuong-dat-chuan-den-bao-gio-20191001201132676.htm

[4] https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi/siet-kiem-dinh-chat-luong-dai-hoc-645206/

Xuân Dương