Quyền năng "Thợ rèn" và xã hội dân sự

13/11/2014 09:48
Xuân Dương
(GDVN) - Có nên chuyển các thẩm phán có vấn đề về trình độ sang làm nghề thợ rèn, bởi trong nghề này họ là thợ có tay nghề siêu đẳng khi rèn… còng số 8.

Con người sinh ra nếu không bị dị tật bẩm sinh, có năm giác quan: khứu giác, vị giác, thị giác, thính giác và xúc giác. Chỉ có hai giác quan gắn với chữ “khiếm” là “khiếm thị” và “khiếm thính”, điều đó nói lên vai trò tối quan trọng của hai giác quan này trong cuộc sống cộng đồng. 

Thiếu đồng thời hai giác quan này, việc tiếp thu tri thức của nhân loại là gần như không thể, con người vì thế không chỉ chậm phát triển về trí tuệ mà còn trở nên yếu ớt trước tự nhiên, trước đồng loại.

Thị giác và thính giác của bộ máy tư pháp nước ta hiện nay ra sao?

Căn cứ vào nghị quyết 770/2009/UBTVQH12 ngày 23/2/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì tổng biên chế của Tòa án nhân dân các cấp là 13.524 người trong đó có 5.436 Thẩm phán (tòa án tối cao 120; cấp tỉnh thành phố trực thuộc TƯ 1.118; cấp huyện 4.198).

Về phía Viện Kiểm sát, căn cứ vào nghị quyết số 522e/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 của Ủy ban thường vụ quốc hội, tổng biên chế của Viện kiểm sát nhân dân các cấp là 15.860 người, trong đó số Kiểm sát viên (KSV) là 10.424 người (Viện KSNDTC 170; KSV trung cấp 4.039; KSV sơ cấp 6.215), so sánh cho thấy số lượng KSV gần gấp đôi số thẩm phán (không kể số Thẩm phán và KSV quân sự).

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp trước Quốc hội, hiện có tới 312 văn bản ban hành “vi phạm Hiến pháp và Luật”. [1]

Một bài viết trên báo Nhân dân nêu ý kiến: “Trung bình mỗi năm, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là trên dưới 2%”. Trong khi đó, trong bốn năm qua, mỗi năm tỷ lệ này chỉ giảm 0,1%.” [2]

Vậy là với ngành Tư pháp Việt Nam hiện nay, hai mươi năm nữa người dân mới hy vọng không còn án oan sai do Thẩm phán gây ra!

Tuy nhiên, án oan không phải chỉ do thẩm phán mà còn do cơ quan điều tra và Kiểm sát, vậy thì bao nhiêu năm nữa người dân mới hết phải chịu các án oan sai mà nguyên nhân lại từ phía cơ quan hành pháp và tư pháp?

Hay là người dân phải học cách “sống chung với lũ”, xem án oan là một phần tất yếu của cuộc sống? Sự thật này cho thấy thị lực và thính lực của các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật đang có vấn đề, chưa đáp ứng những tiêu chuẩn phổ cập của xã hội dân sự.

Không nói những nơi xa, ngay tại Thủ đô Hà Nội, vụ án Vũ Ngọc Dương (trú tại phố Khâm Thiên) mới xảy ra khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi “Vì sao người dân lại cứ phải chịu những bản án oan sai mà người gây ra cho họ lại nhân danh pháp luật và luôn cho rằng họ là người thượng tôn pháp luật”?

Người nhà của Vũ Ngọc Dương (ở giữa) trong vụ án oan gần đây ở thù đô Hà Nội. Ảnh: Xuân Quang
Người nhà của Vũ Ngọc Dương (ở giữa) trong vụ án oan gần đây ở thù đô Hà Nội. Ảnh: Xuân Quang

Án oan là do cơ chế, do pháp luật chưa hoàn chỉnh hay do trình độ, tư cách của người thực thi công vụ?

Số liệu trong “Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm” do Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang trình bày trước Quốc hội ngày 25/10/2014 cho thấy, chỉ trong hơn 10 tháng của năm 2014 “Số vụ án khởi tố mới là 77.913 vụ với 121.039 bị can, đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 68.520 vụ với 124.714 bị can. [3]

Baophapluat.vn cho biết: “năm 2013 qua báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự vẫn còn 239.144 vụ việc chuyển sang năm 2014”. [4]

Tổng cộng các vụ án chưa giải quyết xong và khởi tố mới năm 2014 là 307.664 vụ. Nếu các Thẩm phán, ngoài việc phải xử các vụ án mới vẫn phải theo dõi xử lý các vụ án tồn đọng thì bình quân mỗi người phải chịu trách nhiệm 57 vụ, và tương tự mỗi KSV sẽ khoảng 28 vụ. Sự quá tải là một trong các nguyên nhân khiến chất lượng xử án không đạt như mong muốn.

Quyền năng "Thợ rèn" và xã hội dân sự ảnh 2Vụ án oan Hà Nội: Phút trải lòng của gia đình nạn nhân

“Tôi hy vọng, cơ quan chức năng nhanh chóng đưa sự việc ra ánh sáng để trả lại danh dự cho cháu Dương và gia đình…”, Ông Vũ Quốc Dinh (ông nội Dương) bày tỏ.

Tuy nhiên nguyên nhân chính không phải là sự quá tải mà là trình độ và tư cách cán bộ.

Trong vụ án Vũ Ngọc Dương, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố đã đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại nhưng không được chấp thuận. Khi biểu quyết để tuyên án, Chủ toạ phiên tòa phúc thẩm đã biểu quyết hủy án nhưng hai thẩm phán còn lại của HĐXX biểu quyết giữ nguyên án sơ thẩm. [5]

Xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, cả ba thẩm phán đều phạm tội tuy nhiên chỉ có thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm, chủ tọa phiên phúc thẩm là bị khởi tố để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hai vị thẩm phán còn lại chưa thấy kết luận gì.

Với phiên tòa phúc thẩm vụ Vũ Ngọc Dương, câu hỏi khiến người ta không thể lý giải là tại sao cả Viện Kiếm sát lẫn Chủ tọa phiên tòa đều đề nghị hủy bản sán sơ thẩm nhưng hai thẩm phán còn lại không nghe? Nếu cơ quan điều tra Viện KSTC không vào cuộc thì đương nhiên Vũ Ngọc Dương sẽ lĩnh án ba năm tù vì tội mình không phạm.

Trong khi toàn ngành Tư pháp đang cố gắng thực hiện cải cách tư pháp, trong khi Quốc hội đang cố gắng hoàn thiện Luật tố tụng hình sự và nhiều luật khác thì không ít người thực hiện lại đàng hàng ngày vô hiệu hóa pháp luật chỉ bởi sự yếu kém của mình. Họ chứ không ai khác chính là “bộ phận không nhỏ” mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói “không biết nằm ở đâu”.

Với hai vụ án nêu trên đã có 5 thẩm phán Tòa Tối cao phạm sai lầm, nếu cộng thêm hai phiên phúc thẩm vụ án “Vườn mít” bị hủy (án tử hình và vô tội) thì có từ 4 đến  6 thẩm phán Tòa tối cao mắc sai lầm (phải có 2/3 thẩm phán đồng ý thì bản án mới được tuyên). Tổng cộng chỉ qua ba vụ án ít nhất có 9 thẩm phán xử sai, về mặt nhân sự, tỷ lệ này là 7.5% (9/120), trong khi tỷ lệ bản án oan sai chỉ là trên dưới 2% (số liệu trích dẫn  ở trên). 

Đây mới chỉ là những số liệu chưa đầy đủ (đã chính thức công bố) và cũng chỉ mới ở cấp cao nhất (Tòa Tối cao), nếu tính cả các cấp thấp hơn thì tỷ lệ này sẽ là bao nhiêu?

Có nên chuyển các thẩm phán có vấn đề về trình độ sang làm nghề thợ rèn, bởi trong nghề này họ là thợ có tay nghề siêu đẳng khi rèn… còng số 8! . Ảnh: internet
Có nên chuyển các thẩm phán có vấn đề về trình độ sang làm nghề thợ rèn, bởi trong nghề này họ là thợ có tay nghề siêu đẳng khi rèn… còng số 8! . Ảnh: internet

Vậy thì phải nói thế nào về trình độ và nhân cách các thẩm phán đó? Nếu nhân cách của họ không có vấn đề gì mà chủ yếu là do trình độ thì có nên chuyển họ sang làm nghề thợ rèn, bởi trong nghề này họ là thợ có tay nghề siêu đẳng khi rèn… còng số 8!

Một khi đã tồn tại “thợ rèn thẩm phán” thì đương nhiên cũng có không ít “thợ rèn điều tra” và “thợ rèn kiểm sát”. Nói thế vì “than và sắt” để rèn còng là do các “thợ rèn điều tra” cung cấp, giữ vai trò thổi lửa là “thợ rèn kiếm sát” và người đập búa rèn còng là “thợ rèn thẩm phán”.

Những người yêu thích thần thoại Hy lạp đều biết chuyện ông tổ của nghề rèn, thần thợ rèn Hephaistos là một vị thần có ngoại hình xấu xí, không được cha mẹ là thần Zeus, chúa tể các vị thần và Hoàng hâu Hera yêu quý, dù đã bị quẳng khỏi đỉnh Olumpus, dù bị thọt chân song Hephaistos lại có người vợ là nữ thần sắc đẹp và tình yêu Aphrodite. Người tác thành mối nhân duyên này không ai khác chính là thần Zeus, con đẻ dẫu sao vẫn là con đẻ.

Giữa Hephaistos và các “Thợ rèn” ngày nay nhiều đặc điểm đã không còn được di truyền. Hephaistos là thần luyện kim, điêu khắc và thần lửa. Ngài không chỉ làm ra mọi thứ cần thiết phục vụ cho các vị thần mà còn dạy cho loài người cách chế tác sắt, điêu khắc mỹ nghệ,... Chính nhờ có ngọn lửa của Hephaistos do Promêtê  lấy trộm mang cho mà loài người trở nên mạnh mẽ, thống trị trái đất. Dù không ưa gì Hephaistos song các vị thần trên đình Olumpus vẫn cần ông để phục vụ thiên đình, đổi lại Hephaistos có người vợ đẹp nhất trong các vị nữ thần.

Các “thợ rèn” hậu duệ của Hephaistos thì ngược lại, họ chẳng dạy cho con người bài học gì về nhân nghĩa, đạo lý, họ đưa con người vào chốn lao tù, dập tắt ngọn lửa hy vọng của người vô tội và gia đình họ mà không hề cảm thấy lương tâm bị cắn dứt.

Ngày nay, không khó để nhận thấy sự tồn tại của “nền văn minh nguyên thủy Hephaistos”, các “thợ rèn” hiện đại vẫn được ưu ái dẫu có mắc sai lầm. Các thần vẫn cần đội ngũ “thợ rèn” để làm ghế, làm bàn, để rèn hàng rào bao quanh dinh thự, để khắc vương miện và những dụng cụ không tên khác. Có lẽ vì  thế nên dù có bị quẳng khỏi đỉnh Olumpus thì họ vẫn được “chúa tể các vị thần” nâng đỡ, vẫn còn vợ đẹp, nhà to, và chắc chắn con cái của họ không phải ăn bát cơm với muối và ớt rừng.

Còn người dân, khi tiếp xúc với các “thợ rèn” liệu có ai không cảm thấy mình đang ở tình thế trên đe, dười búa?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/50000-an-ton-dong-khong-thi-hanh-duoc-97229.html

[2] http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_chinhtri/_mobile_tintucsukien/item/21592602.html

[3] http://www.anninhthudo.vn/thoi-su/hieu-qua-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-da-nang-cao-ro-ret/577583.antd

[4] http://baophapluat.vn/su-kien/tran-tro-giai-bai-toan-an-ton-dong-174529.html

[5]http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20141110/them-mot-vu-an-oan-khien-nguoi-bi-ket-an-lao-dao/669720.html

Xuân Dương