Quyền im lặng và trách nhiệm phải nói

10/11/2014 13:35
HỒ QUANG HUY
(GDVN) - Quyền im lặng là quyền con người, là quyền tự làm chủ bản thân do đó nếu quyền im lặng của họ bị tước đoạt thì rất có thể họ cũng bị tước quyền được nói.

Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận Bộ luật Tố tụng hình sự bổ sung, sửa đổi. Trong đó quyền im lặng của bị can, người bị tạm giữ đang được thảo luận sôi nổi cả ở nghị trường lẫn trong dư luận với 2 xu hướng trái chiều.

Cùng lúc, Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Hồ Quang Huy, một kỹ sư đang sống và làm việc tại Nha Trang, Khánh Hòa bày tỏ ý kiến riêng của mình về vấn đề trên.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Con người từ khi sinh ra đã được tạo hóa ban cho họ quyền tự do hay nói cách khác tự do là quyền mặc định của con người. Trong các quyền tự do có quyền được nói hay không nói (quyền im lặng) giống như quyền đi lại, đứng ngồi, ăn uống, hít thở vậy, tức là quyền tự làm chủ bản thân mình. 

Tuy nhiên để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền của người này không xâm phạm đến quyền, lợi ích của người khác thì quyền con người trong nhiều trường hợp cũng phải bị giới hạn bởi luật. Như vậy con người sinh ra có quyền làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm.

Bộ luật TTHS hiện hành không quy định bị can, người bị tạm giữ phải khai báo do đó quyền im lặng của họ mặc nhiên được thừa nhận.

Quyền im lặng và trách nhiệm phải nói ảnh 1“Im lặng” là quyền của … chìa khóa?

(GDVN) - Nếu “im lặng” không phải là quyền của con người thì nó là quyền của ai, của cái gì? Phải chăng nó là quyền của cây cối của những vật vô tri như chiếc chìa khóa

Thế nhưng qua nhiều vụ án, phiên tòa cho thấy nhiều người bị tăng mức hình phạt chỉ vì, theo quan điểm các cơ quan tố tụng, họ không khai báo hoặc khai báo không trung thực mặc dù luật hiện hành không quy định đây là tình tiết tăng nặng.

Cho dù quyền im lặng đã được ngầm định trong Bộ luật TTHS và do không được minh định nên qua nhiều vụ án chúng ta thấy, từ cơ quan điều tra đến viện kiểm sát và tòa án đã thống nhất trong việc coi khai báo của bị can, người bị tạm giữ là nghĩa vụ đương nhiên.

Theo nhận định của tôi thì sở dĩ có tình trạng này là bởi 2 nguyên nhân cơ bản  và trực tiếp: thứ nhất, năng lực nhận thức của các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng (mà chủ yếu là điều tra viên) quá yếu kém; và thứ hai là họ, mà đặc biệt là cơ quan điều tra, điều tra viên lạm dụng, thậm chí lợi dụng sự thiếu minh định quyền im lặng, trong môi trường chỉ có họ và người bị hỏi cung để làm cho xong việc, để lập thành tích.

Tôi tin rằng với sự thiếu minh định này, với cách ứng xử lâu nay của các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm cho cả xã hội nhận thức một cách sai lầm nghiêm trọng rằng khi đã đối mặt với cơ quan điều tra nói riêng và cơ quan tố tụng nói chung thì bị can, người bị tạm giữ, người bị bắt có nghĩa vụ phải khai báo cho dù có luật sư hay không. Khi cái sai đã mặc nhiên được xã hội thừa nhận như một việc làm đúng, bình thường và cần thiết là điều vô cùng tai hại.

Chính vì vậy quyền im lặng của bị can, người bị tạm giữ phải được minh định trong Bộ luật TTHS, cụ thể là họ có quyền im lặng cho đến khi có luật sư bảo vệ. Quy định như vậy vừa đảm bảo quyền con người của bị can, người bị tạm giữ, quyền được bào chữa đầy đủ nhưng không xâm phạm quyền, lợi ích của bên thứ 3.

Quyền im lặng và trách nhiệm phải nói ảnh 2Nghi phạm thực ra đã có quyền im lặng một cách...gián tiếp

(GDVN) - Bộ Luật Tố tụng hình sự đã manh nha thể hiện quyền im lặng: Người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được trả lời, chứ không có nghĩa vụ phải trả lời.

Như trên đã nói quyền im lặng là quyền con người, là quyền tự làm chủ bản thân do đó nếu quyền im lặng của họ bị tước đoạt thì rất có thể họ cũng bị tước quyền được nói. 

Không có lý do gì để cấm im lặng mà lại không thể cấm nói. Ở đây phải hiểu quyền im lặng chứ không phải là nghĩa vụ phải im lặng như nhầm lẫn của một số vị đại biểu Quốc hội, tức là họ vẫn có quyền nói nếu việc đó có lợi cho họ.

Nếu bị can,  người bị tạm giữ không có quyền im lặng thì họ không được bình đẳng khi phải đối diện với cơ quan điều tra. Khi đó điều tra viên sẽ có nhiều lợi thế mà họ không thể có như trình độ năng lực pháp lý, tương quan số người, tâm lý và lợi thế “sân nhà”. 

Như vậy nếu tước đi quyền im lặng của bị can, người bị tạm giữ thì chẳng khác nào bắt một người tay không đấu với một người, thậm chí với nhiều người có kiếm trong tay. 

Quy định như vậy cũng là một việc cụ thể hóa quyền được bào chữa của bị can, người bị tạm giữ một cách đầy đủ, tránh việc nhục hình, bức cung, mớm cung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vừa bảo vệ được công lý đồng thời uy tín của các cơ quan tố tụng cũng như uy tín của chế độ được cải thiện và nâng cao.

Như chúng ta đã biết, có nhiều vụ án bị can đã khai nhận tội nhưng khi đứng trước vành móng ngựa họ lại phủ nhận và cho rằng họ nhận tội là vì bị bức cung, nhục hình. 

Điển hình là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị án oan chung thân. Thậm chí có vụ bị các điều tra viên tra tấn đến chết trong giai đoạn tiền tố tụng như vụ Ngô Thanh Kiều ở Tuy Hòa …

Chính vì bị can không có quyền im lặng nên trong các vụ án nêu trên tòa án rất khó chứng minh có hay không có hành vi phạm tội.

Với quy định này thì các điều tra bắt buộc phải khắc phục bệnh lười suy nghĩ, tự mình nâng cao năng lực nghiệp vụ. Ngoài ra quy định này cũng khắc phục một tình trạng lâu nay giới luật sư không ít lần phàn nàn là cơ quan điều tra “câu giờ” trong việc cấp giấy phép bào chữa cho luật sư.

Cũng có ý kiến cho rằng quyền im lặng chưa áp dụng được ở Việt Nam vì đội ngũ luật sư quá ít trong khi các vụ án, bị can quá nhiều. Tại sao có tình trạng như vậy, và nó phản ánh điều gì?

Để tồn tại tình trạng này, xét cho cùng tôi cho rằng thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Nó vừa phản chiếu đồng thời trong một khía cạnh nào đó cũng là nguyên nhân của việc chúng ta chưa thượng tôn pháp luật. Có nhiều biểu hiện và ví dụ về việc không thượng tôn pháp luật mà vụ chạy án và ngăn cản luật sư tại tòa án huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ.

Khi các cơ quan tố tụng hoặc những người tiến hành tố tụng không thượng tôn pháp luật thì luật sư khó lòng phát huy được việc bảo vệ công lý nên người dân không mặn mà trong việc thuê luật sư. Số lượng luật sư nhiều hay ít cũng tuân theo quy luật cung - cầu vì vậy đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ luật sư/số dân ở nước ta rất thấp so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, đời sống người dân còn khó khăn, luật sư ít nên giá thuê luật sư cao cũng là một rào cản người dân thuê luật sư. Ở đây có một vòng tròn luẩn quẩn có quan hệ hữu cơ, có tính nhân quả đó là ít luật sư thì giá thuê luật sư càng cao, nên người dân càng ít có cơ hội thuê LS dẫn đến số luật sư lại càng ít. 

Điều đó cũng giống như một mặt hàng đắt tiền rất kén khách hàng nên dù đắt nhưng ít người sản xuất, tức là khan hiếm. Đây cũng là một cách giải thích cho câu hỏi tại sao trong các loại án thì án tham nhũng có tỷ lệ thuê luật sư bảo vệ cao hơn các loại án khác.

Quyền im lặng và trách nhiệm phải nói ảnh 3Bức cung, nhục hình – có phải một dạng bệnh tâm thần mới?

(GDVN) - Một điều tra viên có tâm, thấm nhuần đạo lý làm người sẽ không bao giờ dùng nhục hình để buộc nghi phạm nhận tội.

Khi các cơ quan tố tụng hoặc những người tiến hành tố tụng không thượng tôn pháp luật thì người dân sẽ không tin pháp luật nên hành xử theo bản năng, theo “quán tính” dẫn đến tội phạm gia tăng. Biểu hiện nhiều nhất của việc tự xử hoặc thiếu tin tưởng ở pháp luật là những vụ người dân tự xử với nhau mà đặc biệt là các vụ đánh chết người trộm chó hay các vụ diễu quan tài trên đường phố ở nhiều địa phương đã làm mất trật tự an ninh an toàn xã hội.

Tỷ lệ luật sư/số dân cũng là một yếu tố phản ánh trình độ phát triển, mức độ thượng tôn pháp luật, mức độ văn minh của xã hội.

Để tăng tỷ lệ luật sư/số dân nhà nước phải có nhiều giải pháp từ ngắn hạn đến dài hạn trong đó chú trọng việc thượng tôn pháp luật của các cơ quan tố tụng, các công chức tiến hành tố tụng. Cụ thể là mọi người phải bình đẳng trước pháp luật, xử đúng người đúng tội, đúng luật, phòng chống tiêu cực trong các hoạt động tư pháp. 

Việc quy định quyền im lặng cũng là một cách kích cầu để phát triển đội ngũ luật sư.

Cho dù số luật sư còn ít chưa đáp ứng được nhu cầu thì cũng không vì thế mà tước bỏ quyền im lặng là quyền con người của bị can, người bị tạm giữ.

Cho dù số luật sư còn ít chưa đáp ứng được nhu cầu thì cũng không vì thế mà các cơ quan tố tụng giành thuận lợi cho mình và đẩy khó khăn thiệt thòi cho người dân.

Như trên đã nói, quyền im lặng hiện đang có ý kiến trái chiều mà điển hình và đại diện cho hai “phe” là Bộ Công an và giới luật sư. Suy cho cùng thì chế độ nào cũng sinh ra để phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân. Với quan điểm đó thì Bộ luật TTHS sinh ra để quy định trình tự, thủ tục, quyền, thẩm quyền … trong tố tụng để các cơ quan, cá nhân tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng không thể lạm quyền hoặc lợi dụng.

Chính vì vậy không thể vì một cơ quan nào đó không đồng ý đưa quyền im lặng vào luật mà chúng ta phải chiều chuộng họ, nhất là cơ quan đó (hoặc ngành dó) đã và đang rất tai tiếng trong việc nhục hình, bức cung. Việc họ không muốn đưa quyền im lặng là vì sẽ thuận lợi cho họ nhưng không bảo vệ được công lý. Trong khi đó việc quy định hay không quy định quyền im lặng là phải nhằm mục đích bảo vệ công lý.

5 cán bộ công an thành phố Tuy Hòa, Phú Yên phải ra tòa vì dùng nhục hình, vụ án từng làm cho dư luận bức xúc bởi các quyền của nghi phạm không được tôn trọng. Ảnh minh họa, nguồn Internet
5 cán bộ công an thành phố Tuy Hòa, Phú Yên phải ra tòa vì dùng nhục hình, vụ án từng làm cho dư luận bức xúc bởi các quyền của nghi phạm không được tôn trọng. Ảnh minh họa, nguồn Internet

Như chúng ta đều biết người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm còn các cơ quan nhà nước phải làm những gì pháp luật cho phép. 

Theo đó, Luật Báo chí cũng như Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Chính phủ ban hành đã quy định các cơ quan, tổ chức nhà nước phải cung cấp thông tin cho báo chí về các sự kiện vấn đề thuộc lĩnh vực của mình. 

Căn cứ các văn bản này, các bộ ngành, địa phương cũng đã ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của địa phương, ngành mình. Thế nhưng rất nhiều trường hợp các phóng viên bị từ chối làm việc, thậm chí còn bị hành hung, đe dọa khi họ đến các cơ quan, tổ chức để tác nghiệp nhân có sự kiện gây bất lợi cho các cơ quan, tổ chức đó. 

Có lẽ mọi người đều biết vụ Giám đốc Bệnh viên đa khoa huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh  đe dọa và xua đuổi các nhà báo khi họ đến đây để tác nghiệp về vụ ngộ độc thực phẩm của hàng chục công nhân. 

Hay xa hơn một chút là vụ Phó văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đe dọa các phóng viên khi họ đến đây làm việc về vụ  thu hồi đầm của anh Đoàn Văn Vươn, với hình ảnh không khác gì xã hội đen. Ngoài ra còn nhiều vụ việc tương tự.

Từ thực tiễn nói trên chúng ta thấy ở Việt Nam đã và đang tồn tại một nghịch lý: đối tượng có quyền im lặng thì không được im lặng còn đối tượng có nghĩa vụ phải “nói” thì lại im lặng.

HỒ QUANG HUY