Quan ơi, sao nhiều thế?

03/12/2017 07:55
Xuân Dương
(GDVN) - Trên không làm gương, trên cứ “phình” ra hà cớ gì bắt dưới phải “teo” lại?

Ngày 25/10/2017, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Vậy là những gì liên quan đến “hệ thống chính trị” đã chính thức được Đảng đề cập cùng với những yêu cầu cải cách “thể chế kinh tế” đã nêu lên từ nhiều năm trước.

Báo Nhandan.com.vn trong bài: “Đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế thị trường” đăng ngày 11/12/2015 viết:

Xây dựng thể chế thị trường hiện đại là một trong những trụ cột cốt lõi trong chiến lược phát triển của Việt Nam”. [1]

Có thể thấy bên cạnh khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì cũng xuất hiện trên báo Đảng khái niệm “Thể chế thị trường hiện đại”.

Tiếc rằng chưa có một giải thích cụ thể thế nào là “thể chế thị trường hiện đại”, có gì giống và khác giữa thể chế này với “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Ảnh minh hoạ, nguồn: cand.com.vn
Ảnh minh hoạ, nguồn: cand.com.vn

Nghị quyết 18-NQ/TW đề cập đến “đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, ngôn ngữ sử dụng cho thấy đây không phải là “cải cách hệ thống chính trị”, nói cách khác, yêu cầu đặt ra giữa kinh tế và chính trị có sự khác nhau về mức độ.

Dù là kinh tế hay chính trị thì con người vẫn là yếu tố quyết định, bởi con người ban hành chính sách, ban bố các đạo luật, giám sát thực thi và thực hiện trừng phạt nếu làm trái quy định.

Thế nên những gì liên quan đến con người phải được quan tâm trước tiên, phải xem con người quyết định sự sống còn của cả hai thể chế chính trị và kinh tế.

Sau 30 năm đổi mới, “con người” mà chúng ta đưa vào “hệ thống chính trị” nếu tính từ lúc nhận bằng cử nhân, kỹ sư, bác sĩ,… nay đã ngoài 50 tuổi, nghĩa là thế hệ đã đạt đến mức “tri thiên mệnh” theo cách nói của người xưa.  

Quan ơi, sao nhiều thế? ảnh 2Những “cú đánh” vào tinh giản biên chế

Tuy nhiên chính việc ban hành Nghị quyết 18 đã cho thấy sự “tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” mà “bộ máy của hệ thống chính trị” mang lại chưa đạt yêu cầu, còn nhiều bất cập và cần được thay đổi.

Nói đến bộ máy của hệ thống chính trị là bao quát tất cả bốn lĩnh vực: “Hoạch định đường lối, lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Vậy “bộ máy của hệ thống chính trị” hiện nay đang vận hành ra sao?

Theo thông lệ, phần đầu bất kỳ bài viết hay phát biểu nào cũng phải là thành tích, sau đó phải có cụm từ “tuy nhiên vẫn còn…”.

Bài viết này xin bỏ qua thông lệ, xin chỉ nêu vài nét chấm phá những tồn tại, bất cập cần được quan tâm ở cấp cao nhất.

Lần đầu tiên, người dân được biết qua phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính:

Tỷ lệ cán bộ công chức phục vụ hiện nay rất lớn, như ở Trung ương, tại các cơ quan đảng chiếm 27%; các tổ chức chính trị - xã hội 30%”. [2]

Ngay tại cơ quan Trung ương, hơn 1/4 biên chế là nhân viên phục vụ, tính bình quân một nhân viên phục vụ chưa đến 4 cán bộ nghiên cứu.

Với các tổ chức chính trị - xã hội tình hình còn nghiêm trọng hơn, một người phục vụ cho 3,3 cán bộ trong khi đây chỉ là tổ chức quần chúng, không phải là bộ tham mưu hoạch định chính sách, trong đó có tổ chức mà dân gian gọi là “ăn theo, nói leo”.

Cả nước ngó mặt Thủ đô và "nguyên tắc không đổ lỗi cho thế hệ trước”

Sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan Đảng như Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo… với cơ quan Nội vụ, Thanh tra, Thông Tin và Truyền thông của Chính phủ tuy đã được chỉ ra nhưng bao giờ mới có thể khắc phục?

Liệu “nhất thể hóa” có phải là phương sách duy nhất để giảm “chồng chéo”?

Một khi nhất thể hóa được thực hiện “đại trà” thì liệu hình thức kỷ luật cao nhất của Đảng có tương ứng với hình thức kỷ luật cao nhất bên chính quyền?

Chủ trương chia tách tỉnh, quận, huyện, thành lập thêm các tổng cục,… không phải là “sáng kiến” từ cấp dưới mà phải được thông qua ở cấp rất cao.

Sau 30 năm đổi mới, tính từ năm 1986, số đơn vị hành chính cấp tỉnh tăng từ 44 lên 63, thành lập mới 178 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.136 đơn vị hành chính cấp xã trong khi chỉ có một tỉnh không bị chia tách là Quảng Ninh và một tỉnh được sáp nhập là Hà Tây ghép vào Hà Nội.

Để xuất hiện và duy trì sự tồn tại những tỉnh diện tích chưa đến 1.000 km2 và dân số chưa đến 1 triệu người (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc,…) không thể nói chỉ do tâm lý “sứ quân” của cán bộ địa phương mà chủ yếu là tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo.

Nên biết huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) giáp Lào Cai có diện tích là 1.313 km2, Quận Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây giáp Móng Cái có diện tích 2.445 km2 nghĩa là to gấp đôi một tỉnh của Việt Nam.

Nếu cải cách ruộng đất giúp cho “người cày có ruộng” thì chia tách đơn vị hành chính giúp ai có cái gì?

Quan ơi, sao nhiều thế? ảnh 3"Ông Sở, bà Phán" đã nhúng chàm, ơ hơ, rửa sạch cả rồi!

Để xây dựng trung tâm hành chính cấp tỉnh nhiều địa phương như Nghệ An, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hải Dương, Thanh Hóa… từng lập dự án chi tiêu từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng.

Từ những con số này có thể thấy việc tăng thêm 19 tỉnh, 178 quận, huyện, 1.136 phường, xã khiến ngân sách tốn vài chục nghìn tỷ đồng dành cho xây dựng cơ bản, hệ lụy kèm theo là xuất hiện đội ngũ đày tớ “tứ cờ” (con cháu các cụ), “ngũ ệ” (ngoại lệ, hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ) có nhiều “ruộng” nhưng không bao giờ “cày”.

Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, chất lượng các đạo luật được ban hành không chỉ phụ thuộc vào cơ quan soạn thảo (thuộc Chính phủ) mà còn vào trình độ và tư cách các vị đại biểu.  

Có một thực tế là số đại biểu Quốc hội khóa 14 bị bãi nhiệm nhiều bằng mấy khóa cộng lại.

Một số Luật mà Quốc hội ban hành sau rất nhiều thảo luận tại nghị trường như Bộ Luật Hình sự vẫn có tới 90 lỗi khiến bộ luật này phải hoãn thi hành, chờ Quốc hội khóa 14 chỉnh sửa.

Có Luật khi ban hành bị người lao động phản đối vì một số điều khoản chưa thể hiện quyền lợi của người đóng thuế như Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014.

Báo Tuoitre.vn ngày 22/5/2015 trong bài: “Sửa điều 60 Luật BHXH, Quốc hội phải xin lỗi người lao động” đưa tin một số đại biểu Quốc hội “tự cảm thấy có lỗi”, hay “tôi cảm thấy xấu hổ” vì đã biểu quyết thông qua đạo luật này.

Quan ơi, sao nhiều thế? ảnh 4Người bị tinh giản biên chế sẽ được hưởng chính sách gì?

Việc có không ít đại biểu Quốc hội đồng thời lại là viên chức, công chức khối hành pháp liệu có ảnh hưởng tới điều mà dư luận gọi là “tham nhũng chính sách”?

Vì sao có tình trạng một số đại biểu Quốc hội phản ứng “nảy lửa” trước ý kiến một số đại biểu khác khi họ đề cập đến yếu kém liên quan đến lĩnh vực mà các đại biểu đó phụ trách?

Chúng ta có nên học một số nước phát triển, đã là viên chức, công chức thì không thể là dân biểu hoặc nghị sĩ?

Có nên cứ kéo dài tình trạng Quốc hội - dù là cơ quan lập pháp - song lại không soạn thảo luật mà chỉ có nhiệm vụ “thảo luận và thông qua”?

Chính phủ là cơ quan hành pháp với 22 bộ và cơ quan ngang bộ ở trung ương, với chính quyền 63 tỉnh, thành phố, vậy sự “tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” ra sao?

Nhìn chung, cần phải công nhận những chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ, tuy nhiên một khi vẫn tồn tại tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” thì có nghĩa là vẫn còn hàng loạt câu hỏi mà người dân mong Chính phủ trả lời.

Nếu nhận định chất lượng quản lý nhà nước của không ít cơ quan thuộc Chính phủ không tăng, cá biệt có nơi có lúc chưa đạt yêu cầu liệu có “hơi quá”?

Dẫn chứng đầu tiên là công tác cán bộ, tại sao lại là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu những con số bất cập về nhân sự trong bộ máy nhà nước chứ không phải Bộ trưởng Bộ Nội vụ?

Có phải nguyên nhân chính là do “Ông bộ trưởng tôi cũng bộ trưởng, sao phê bình tôi” như tít bài Vietnamnet.vn nêu ngày 2/1/2017?

Quan ơi, sao nhiều thế? ảnh 5“Trong sạch hay là chết?"

Hay tại Bộ Nội vụ không nắm được việc Bộ Tài chính có tới 181 Vụ trưởng?

Có thể chỉ ra nhiều dẫn chứng khác như việc ban hành văn bản của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (liên quan đến hát Quốc ca), Bộ Giao thông Vận tải (liên quan đến nạo vét luồng lạch, BOT giao thông) và gần nhất là quyết sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Được biết sau khi nghiên cứu tính pháp lý, Bộ Tư pháp đã đề nghị dừng hiệu lực quy định ghi tên cả gia đình lên sổ đỏ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Không tinh giản được biên chế không phải là do “trên bảo dưới không nghe” mà là “dưới theo gương trên để làm”.

Trên không làm gương, trên cứ “phình” ra hà cớ gì bắt dưới phải “teo” lại?

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước là các cơ quan có chức năng quản lý ngân sách và tiền, có phải vì thế trong số 337 Cục trưởng (cả nước) thì hai bộ này có 244 Cục trưởng (Bộ Tài chính -181, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - 63), chiếm 72,5%.

Phải chăng vì có quyền “tay hòm chìa khóa” nên các cơ quan này muốn làm gì thì làm?

Bên cạnh chức Cục trưởng thì cũng còn tới 218 Vụ trưởng, hai cấp trung gian này tổng cộng là 555 người. [3]

Quan ơi, sao nhiều thế? ảnh 6Chiến thuật thời nay phải là “một đòn … chết tươi”

Nhiều lãnh đạo thì bớt việc phải làm, liệu có phải do năng lực cá nhân hạn chế nên cần nhiều người san sẻ?

Đánh giá năng lực cán bộ không phải là việc dân thường nên “xía vô” nhưng có một thực tế ai cũng thấy, việc chiếm “ghế” không chỉ khiến người tài không phải là “đội nón ra đi” mà còn là nguyên nhân khiến họ không thể chen chân vào nơi “phồn vinh quan chức” - tức là cơ quan nhà nước.

Cấp trên không làm gương cho cấp dưới chính là lý do khiến những yếu kém chậm được khắc phục, đặc biệt là tham nhũng trong bộ phận không còn là nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có một số lãnh đạo cao cấp.

Nhận định trên xuất phát từ việc ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, theo đó bộ máy nhà nước mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người.

Thực tế hoàn toàn ngược lại, sau hai năm, tức là đến năm 2017 này, biên chế tăng thêm 96.000 người.

Từ việc biên chế phình to tạo nên gánh nặng khủng khiếp cho ngân sách, có thể thấy nhận định một số cơ quan và người đứng đầu “nói nhưng không làm, làm không đến nơi đến chốn” là không chính xác, đúng ra phải là “nói nhưng không làm, làm ngược với chủ trương, đường lối”.

Một khi cấp dưới làm ngược với nghị quyết của Bộ chính trị thì việc đương nhiên là phải xử lý kỷ luật, điều này đã được khẳng định trong Điều lệ Đảng.

Hạnh phúc của dân tộc là gì?

Cho đến nay, những cá nhân góp phần làm tăng thêm 96.000 biên chế sau khi Nghị quyết số 39-NQ/TW ban hành có bao nhiêu người bị kỷ luật?

Những cá nhân không chịu thực hiện Nghị quyết tinh giản 140.000 người có bao nhiêu người bị kỷ luật?

Liên quan đến nhân sự, ở Trung ương có các ban của Đảng và Bộ Nội vụ, xuống địa phương là Ban tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ.

Có thể thấy ngay ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về việc làm trái Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ chính trị về tinh giản biên chế, thế nhưng lại không thể kỷ luật người/cơ quan đó, điều này do “nguyên tắc tổ chức” hay còn bởi nhiều nguyên nhân khác do “lịch sử” để lại?

Muốn thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, muốn “đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” thì nguyên tắc “tập thể lãnh đạo” phải kèm theo “cá nhân chịu trách nhiệm”.

Bởi nếu không có cá nhân nào chịu trách nhiệm thì lỗi luôn thuộc “tập thể” nhưng hậu quả thì lại không do “tập thể” gánh mà là đất nước, dân tộc phải chịu .

Chừng nào mà bộ máy công quyền còn quá nhiều quan thì chừng đó “thảo dân” chỉ có thể than với nhau: “Quan ơi, sao nhiều thế”!

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/28226102-day-manh-cai-cach-the-che-kinh-te-thi-truong.html

[2] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/1-vu-co-den-19-ham-vu-pho-413768.html

[3] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/1-vu-co-den-19-ham-vu-pho-413768.html

Xuân Dương