Phổ điểm, có phải bị lẫn chút sạn?

12/08/2021 07:27
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liệu có chuyện phần “phân tích phổ điểm” chỉ dành cho chuyên gia mà không được đưa ra công khai?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phổ điểm các môn thi và khối thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. [1]

Sau khi kỳ thi kết thúc, việc công bố phổ điểm môn thi và khối thi là một cố gắng đáng ghi nhận của đội ngũ cán bộ chuyên môn, tuy nhiên có thể do thời gian hạn hẹp nên không tránh khỏi một số khiếm khuyết, điều này không có gì lạ.

Trước khi nêu một vài nhận xét về ý nghĩa khoa học và tính chính xác của các phổ điểm, thiết nghĩ việc nhặt vài hạt “sạn” cũng là một cách đóng góp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện thêm các công đoạn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nếu kỳ thi này vẫn duy trì trong tương lai.

1. Phổ điểm một số khối do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại địa chỉ [1] được sắp xếp theo thứ tự khối A, A1, B, D, C.

Việc đưa khối D lên trên khối C (không theo thứ tự A, B, C) phải chăng chỉ là việc làm tùy hứng hay còn do kết quả các môn thi khối C kém hơn khối D?

2. Phổ điểm khối C có dòng tiêu đề trên biểu đồ là “Phổ điểm khối Toán Văn Sử Địa năm 2021” (xem hình 1).

Đây chỉ là lỗi đánh máy, lỗi vẽ biểu đồ hay cũng phần nào cho thấy việc phê duyệt và công bố thông tin của những người có trách nhiệm?

3. Trên biểu đồ phổ điểm có ghi chú: “Phổ điểm với Khoảng điểm 1.0”.

Vì sao phải viết hoa từ “Khoảng điểm”, đây là tên riêng hay thuật ngữ khoa học?

Hình 1: Phổ điểm và bảng thống kê khối “Toán, Văn, Sử, Địa năm 2021”

Hình 1: Phổ điểm và bảng thống kê khối “Toán, Văn, Sử, Địa năm 2021”

Vấn đề chính cần thảo luận trong bài viết là về cách thức thiết kế phổ điểm và ý nghĩa của phổ điểm.

Toàn bộ phần phân tích sau đây dựa vào phổ điểm khối C00 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Thông báo tại địa chỉ [1] là “Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả phân tích phổ điểm thi THPT năm 2021 của một số khối thi”, xem toàn bộ dữ liệu công bố, bao nhiêu người tìm thấy “kết quả phân tích phổ điểm” ngoài biểu đồ và bảng số liệu.

Liệu có chuyện phần “phân tích phổ điểm” chỉ dành cho chuyên gia mà không được đưa ra công khai?

1. Tính hệ thống của các phổ điểm

Theo quy định trong Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, đề thi trắc nghiệm có 40 câu, chấm theo thang điểm 10 nên mỗi câu trả lời đúng sẽ được 0,25 điểm.

Phải chăng đây là lý do phổ điểm được chia thành ba loại với “Khoảng điểm” lần lượt là 1.0; 0,5 và 0,25. Vì sao phổ điểm không được thiết kế với khoảng điểm 0,75?

Chỉ có hai loại phổ điểm với “khoảng điểm 1.0 và 0,5” là có bảng thống kê kèm theo.

Có phải bảng thống kê với khoảng điểm 0,25 nhiều dữ liệu nên tùy ý cắt bỏ?

Hình 2: Số liệu thống kê phổ điểm khối C với khoảng điểm 0.5

Hình 2: Số liệu thống kê phổ điểm khối C với khoảng điểm 0.5

2. Cách thức vẽ biểu đồ

Tất cả các loại biểu đồ (đồ thị) trong không gian hai chiều vẽ tay hay vẽ bởi các phần mềm (chẳng hạn Excel) thông thường đều phải hiển thị tỷ lệ xích và đại lượng đo trên hai trục tọa độ. Các trục nằm ngang và trục thẳng đứng đều có quy định đặt tên trục (Horizontal Axis Title và Vertical Axis Title).

Nhờ tên trục mà người xem nhận biết các trục thể hiện đại lượng gì. Nguyên nhân nào khiến phổ điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho người xem biết con số trên các trục biểu thị cái gì.

3. Tính chính xác của số liệu

Dựa vào hình vẽ phổ điểm với “khoảng điểm 1.0” và số liệu trong “Bảng thống kê” phía dưới phổ điểm, đỉnh phổ đạt được tại khoảng điểm <=18 với 66.969 người và khoảng <=19 với 67.200 người.

Tuy nhiên xem trong bảng thống kê đi kèm phổ điểm với “khoảng điểm 0,5” thì ở hai vị trí tương ứng, điểm thi <=18 chỉ là 33.935 người và ở vị trí <=19 là 33.408 người.

Nếu so sánh số liệu trong hai “Bảng thống kê” (Hình 1 và 2), sẽ thấy số liệu tại tất cả các vị trí (điểm) tương ứng đều không trùng khớp. Sự mâu thuẫn (không phải là sai) về số liệu ngay trong các “Bảng thống kê” kèm theo phổ điểm nói lên điều gì?

Phải chăng lỗi do “phần mềm” hay bộ phận vẽ chưa có cái nhìn tổng quát?

Những người thạo chuyên môn sẽ biết cộng số người tại hai khoảng điểm <=18.5 và <=19 trong hình 2 (33.792 + 33.408) để ra con số 67.200 tương ứng với khoảng điểm <=19 trong hình 1, dẫu có như thế thì câu hỏi phải đặt ra là bao nhiêu người biết làm như vậy?

4. Ý nghĩa của cụm ký tự so sánh “<=”

Như đã nêu trên, tra cứu với cột điểm <=18, “Bảng số liệu” cho “số lượng” tương ứng là 66.969 (người). Đây có phải là cộng dồn tất cả số người đạt từ 0 điểm đến <=18 điểm hay chỉ là số người có điểm nằm trong khoảng điểm lớn hơn 17 và nhỏ hơn hoặc bằng 18?

Thực ra thì những người thạo vẽ biểu đồ đều hiểu 66.969 người nêu trên phải thỏa mãn điều kiện 17 < điểm tổng ba môn <= 18 bởi những người có điểm <= 17 đã được đếm trước đó.

Bằng cách đối chiếu các cột trong “Bảng thống kê” để đưa ra kết luận có 66.969 người có tổng điểm ba môn thi <= 18 là hoàn toàn sai lầm.

Cách làm chính xác là xác định các cặp số liệu ví dụ với tổng điểm 18 có bao nhiêu người, với tổng điểm 19 có bao nhiêu người,… đồ thị sẽ là một đường gãy khúc nối các điểm và sẽ được tự động biến thành đường cong mềm mại bởi phần mềm vẽ đồ thị.

Nói cách khác việc sử dụng cụm ký hiệu “<= …” là không đúng và cần phải bỏ đi.

5. Sai sót trong các “Bảng thống kê”

Bảng thống kê với khoảng điểm 1.0 cho thấy có 02 người có tổng điểm <=30.

Bảng thống kê với khoảng điểm 0.5 thì mức điểm <=30 không có người nào.

Điều này không sai nhưng gây khó hiểu cho người đọc bình thường bởi năm 2021, có 2 thí sinh đạt thủ khoa khối C00 với tổng điểm thi 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý là 29,25 điểm.

Vậy muốn phân tích kết quả thì phải dựa vào phổ điểm nào?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7452

Xuân Dương