Phần 1: cứ đà này, 40 năm nữa mới sắp xếp xong 713 đơn vị hành chính cấp huyện?

10/05/2021 06:23
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ 2016 đến 2021, cả nước chỉ giảm được 08/713 đơn vị hành chính cấp huyện; 557/11.160 đơn vị hành chính cấp xã; 38.369/98.455 thôn, bản, tổ dân phố.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Dangcongsan.vn) ngày 10/08/2018 có bài viết cho biết:

“Theo tin từ Bộ Nội vụ, trong 30 năm, từ 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713 (tăng 282 đơn vị); đơn vị hành chính cấp xã tăng từ 9.657 lên 11.162 (tăng 1.505 đơn vị, bình quân mỗi năm tăng 50 xã)”. [1]

Dân số tuy có tăng nhưng diện tích đất đai không thay đổi, vậy vì sao phải chia nhỏ các đơn vị hành chính?

Tại Hội thảo góp ý kiến xây dựng “Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết:

“Từ 1976-1986 chủ yếu sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng hợp nhất. Sau 10 năm đó, cả nước có 451 đơn vị hành chính cấp huyện”.

Từ khi bắt đầu cải cách mở cửa (còn gọi là “Đổi mới”), tức là từ 1986 đến nay, chủ yếu là chia tách các đơn vị hành chính từ xã đến tỉnh, lý do được Thứ trưởng Tuấn dẫn giải là do nhiều đơn vị hành chính “Rộng lớn quá, cán bộ không đủ năng lực để quán xuyến, mất đoàn kết nội bộ, mang tính vùng miền hay chia tách để phát triển kinh tế - xã hội…”.

Ông Trần Anh Tuấn chỉ mới nêu được 05 nguyên nhân và bỏ lửng, phải chăng còn một số nguyên nhân khác không tiện nói hết?

Ba trong năm nguyên nhân khiến nhà nước phải chia tách các đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh) mang tính tiêu cực là:

- Cán bộ không đủ năng lực để quán xuyến;

- Mất đoàn kết nội bộ;

- Mang tính vùng miền.

Nguyên nhân có những đơn vị hành chính “rộng lớn quá” nên phải chia tách không mang tính thuyết phục bởi nhiều cuộc chia tách diễn ra khi đơn vị hành chính “được chia tách” có diện tích chỉ bằng một phần mười đơn vị không chia tách.

Nguyên nhân cuối cùng “chia tách để phát triển kinh tế - xã hội” hình như lại rất trái với thực tế tại thủ đô khi Hà Nội sáp nhập với tỉnh Hà Tây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính năm 2018 - khi còn là Trưởng ban Tổ chức Trung ương - đã nói đến chuyện Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội như sau:

“Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường sao không làm được? Sáp nhập được là giảm ngay đội ngũ. Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội là bài học thành công sống động, cho thấy khó mấy cũng làm được nếu điều đó là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn xã hộị”. [1]

Có thể thấy những nguyên nhân mà Thứ trưởng Tuấn đưa ra nhằm lý giải tình trạng chia tách đơn vị hành chính diễn ra ồ ạt kể từ thời bắt đầu điểm đổi mới năm 1986 tuy khá rõ ràng nhưng vẫn còn có gì đó chưa thuyết phục dư luận, chưa làm hài lòng dân chúng.

Việc tăng thêm các đơn vị hành chính cả ba cấp tỉnh, huyện và xã trong 30 năm qua đã làm xuất hiện nhiều ý kiến mang tính cảnh báo:

“Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy”. [2]

Phải chăng tình hình đã đến mức không thể trì hoãn việc sắp xếp lại quy mô đơn vị hành chính cả cấp tỉnh chứ không chỉ huyện, xã?

Báo chí viết:

“Cứ 40 người dân nuôi 1 công chức!” (Laodong.vn, 29/10/2017)

“Trung bình cứ 9 người dân nuôi 1 cán bộ nhà nước”. (Vietnamnet.vn, 27/08/2018)

“81.492 cấp phó và 9 người dân nuôi 1 cán bộ”. (Tapchimattran.vn, 31/08/2018)

“Cứ 7 lao động phải "nuôi" 1 công chức, viên chức và người hưởng lương”. (Dantri.com.vn, 19/09/2018)

Sự nhảy múa của các con số nêu trên cho thấy khoa học thống kê của Việt Nam đa dạng như thế nào hay còn có lý do là thời cơ chưa đến để công bố số liệu chính thức?

Thực ra chịu khó thì cũng có thể tìm thấy số liệu công bố của Bộ Nội vụ, nếu không tính số người hưởng lương hưu và các chính sách xã hội khác thì số người hưởng lương và mang tính chất lương chỉ khoảng 3 triệu, bao gồm: [3]

- Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021: 247.344 người;

- Biên chế sự nghiệp năm 2021: 1.783.174 người;

- Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố: 1.031.851 người. Tổng số là 3.062.369 người.

Dân số Việt Nam năm 2021 vào khoảng 96 triệu người, nghĩa là khoảng 32 người dân phải nuôi một "biên chế nhà nước" chứ không đến mức 40 người như báo Laodong.vn viết.

Ảnh chụp màn hình số liệu của Bộ Nội vụ

Ảnh chụp màn hình số liệu của Bộ Nội vụ

Về phía hệ thống chính trị, không thiếu Nghị quyết chỉ đạo của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật (do Quốc hội ban hành) liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính, ví dụ:

Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (Nghị quyết 1211) quy định “Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính”.

Nghị quyết này quy định diện tích và quy mô dân số đơn vị hành chính cấp tỉnh như sau:

- Tỉnh miền núi, vùng cao, dân số từ 900.000 người trở lên; diện tích tự nhiên phải từ 8.000 km2 trở lên;

- Tỉnh không thuộc miền núi, vùng cao, dân số từ 1.400.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.

Năm 2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 1211, trong thời gian 05 năm từ 2016 đến 2021, cả nước chỉ giảm được 08/713 đơn vị hành chính cấp huyện; 557/11.160 đơn vị hành chính cấp xã; 38.369/98.455 thôn, bản, tổ dân phố. [4]

Nếu không quyết liệt, nếu theo cách làm của giai đoạn 2016-2021 thì có lẽ phải mất hơn 40 năm nữa mới sắp xếp xong 713 đơn vị hành chính cấp huyện?

Trong nhiệm kỳ Chính phủ giai đoạn 2016-2021, chưa thấy đề cập đến chuyện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh phải chăng là dành cho nhiệm kỳ mới?

(Còn nữa)

Xuân Dương