Nước Việt có bao nhiêu nhân tài?

16/10/2015 06:33
Xuân Dương
(GDVN) - Đất nước đang ở tình trạng “thiếu vắng nhân tài” không phải vì không có mà chỉ vì tìm mãi không thấy, không biết nằm ở đâu.

Đất nước đang ở tình trạng “thiếu vắng nhân tài” không phải vì không có nhân tài mà chỉ vì, nhân tài cũng giống như “một bộ phận không nhỏ”, tìm mãi không thấy, không biết nằm ở đâu.

Dựa vào ý kiến của hai vị, một vị từng nắm trọng trách ở trung ương, một vị từng nắm trọng trách tại địa phương, kết luận rút ra là nhân tài nước Việt ta ngày nay có chưa đến 60 người, tại sao?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhận định:

Sự tụt hậu không còn là nguy cơ mà đó là hiện thực, thậm chí ngày càng tệ hơn, đó có nhiều nguyên nhân, nhiều nguyên nhân mang tính hệ thống, trong đó có một nguyên nhân trực tiếp là còn coi nhẹ sức mạnh yếu tố con người – sức mạnh trí tuệ, sức mạnh của nguồn nhân lực có chất lượng cao”. [1]

Nhận định của GS. Trần Hồng Quân không phải chỉ nói về ngành Giáo dục mà là toàn bộ nền kinh tế, xã hội của đất nước. Nguyên nhân của tình trạng tụt hậu này không thuộc về một đơn vị cụ thể nào mà “mang tính hệ thống”. 

Trong phát biểu của mình GS. Trần Hồng Quân mới đề cập đến “nguyên nhân trực tiếp” của sự tụt hậu là do “trí tuệ của nguồn nhân lực chất lượng cao bị coi nhẹ”, chưa đề cập đến các nguyên nhân khác, chẳng hạn “nguyên nhân gián tiếp”, “nguyên nhân chính”, …

Từ nhận định của vị Giáo sư có ba nhiệm kỳ tham gia Ban chấp hành TƯ, 10 năm đứng đầu ngành Giáo dục, không thể không nêu câu hỏi: “Ai, đơn vị nào, ngành nào phải chịu trách nhiệm về nguyên nhân làm đất nước tụt hậu?”.

Bài viết ngắn này không nhằm mục đích nói về trách nhiệm mà chỉ nêu một số dẫn chứng, ngõ hầu lý giải đôi chút nguyên nhân lỗi “mang tính hệ thống” mà GS. Trần Hồng Quân đã khẳng định.

Nước Việt có bao nhiêu nhân tài? ảnh 1

Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ giáo dục thế giới?

(GDVN) - Nhìn vào bản đồ giáo dục thế giới, ta không thấy Việt Nam đâu cả! Trí ta đã có, lực ta đã sẵn nhưng thế giới chưa biết xếp ta vào vị trí nào !!!

Sức mạnh yếu tố con người, đặc biệt là trí tuệ của nguồn lực chất lượng cao bị coi nhẹ có thể thấy qua khá nhiều ví dụ. 

Chẳng hạn những tài năng nổi tiếng, được thế giới công nhận như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu,… dù giữ quốc tịch Việt Nam thì vẫn dành phần lớn thời gian sống và làm việc ở nước ngoài, thỉnh thoảng về thăm quê hương dăm bữa, nửa tháng rồi lại khăn gói lên đường.

Tài năng của họ không có đất dụng võ hay là đất nước chưa cần những tài năng như vậy?

Sự chảy máu chất xám không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đang có chiều hướng gia tăng,  không ít người nhận tiền từ ngân sách nhà nước đi du học, khi tốt nghiệp tìm cách ở lại nước ngoài hoặc làm cho khu vực tư nhân, họ không quay về phục vụ quê hương, không muốn làm cho nhà nước phải chăng chỉ vì mục đích kinh tế?

Vietnamnet.vn ngày 15/10/2015 nêu ý kiến của tác giả Tô Văn Trường: “Sửa tệ mua quan bán chức mới mong cầu người tài”. Cũng báo này trước đó ngày 13/10/2015 viết: “Xót cảnh giáo viên không có nước để tắm”.

Đa số giáo viên chưa phải là nhân tài nhưng họ là đội ngũ lao động trí tuệ, đó là nguồn lực chất lượng cao, để họ làm việc trong điều kiện không có nước tắm liệu có phải biểu hiện của sự coi nhẹ đội ngũ trí thức?

Người viết đồng ý với ý kiến nêu trên của tác giả Tô Văn Trường song cho rằng, sửa tệ mua quan bán chức để cầu người tài mới chỉ đạt vài chục phần trăm, bởi lẽ số phần trăm còn lại người ta không phải bỏ tiền mua quan nên đương nhiên sẽ không có ai bán chức, số người này chỉ cần làm đúng quy trình.

Giữa “mua bán” và “quy trình” căn cứ vào thứ tự ưu tiên “ngoại lệ, hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ” có thể thấy tiền, tức là “mua bán” chỉ xếp trên hạng bét một bậc.

Liên quan trực tiếp đến đào tạo con người, liên quan đến nguyên nhân khiến đất nước tụt hậu có rất nhiều, chỉ xin đơn cử hai lĩnh vực: Giáo dục và Công tác cán bộ.

Trách nhiệm của ngành Giáo dục

Từ lâu rồi Giáo dục đã chính thức nhận trách nhiệm “là quốc sách hàng đầu”, quãng thời gian từ giai đoạn xóa nạn mù chữ cho dân chúng đến khi tự lực đào tạo giáo sư, tiến sĩ là khoảng 60 năm (tính từ 1954, khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng).

Trong thời gian đó Giáo dục đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ “tinh hoa vượt trội”, vượt trên cả tầm quốc gia, dân tộc đến mức trước diễn đàn Quốc hội, có người không cần giấu giếm sự uyên bác của mình khi tuyên bố: “dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số”… [2]

Nước Việt có bao nhiêu nhân tài? ảnh 2

Đất nước của những người không rơi nước mắt

(GDVN) - Đã không “mắc” thì sợ gì mà không nói, nói mà người nghe cười sung sướng, chả ai rơi nước mắt thì tội gì mà không nói.

Cứ tưởng những lời có cánh của nhóm “thiểu số dân trí cao” khi được truyền thông và người dân góp ý sẽ không còn xuất hiện thì gần đây người ta lại được nghe ý kiến rất “chân thật” của một vị tiến sĩ, nguyên lãnh đạo một địa phương: “Nói thật, tìm một người đủ điều kiện cho đi học (nước ngoài - NV) rất khó, tìm đỏ mắt không ra”. [3] 

Được biết địa phương ấy có gần triệu rưỡi dân, có trên tám trăm ngàn người trong độ tuổi lao động thế mà vị ấy phải “nói thật” rằng tìm đỏ mắt không ra một người đủ điều kiện cho đi du học nước ngoài?

Tuy vị tiến sĩ ấy không nói thẳng ra là lớp trẻ quê ông không chịu học hành, nhưng với trình độ và cương vị của ông, khi ông “nói thật” rằng quê hương ông “tìm đỏ mắt không ra một người” đủ điều kiện cho đi học ở nước ngoài thì thật khó để những người “ngoại tỉnh” dám có ý kiến khen chê.

Nếu ai đó cảm thấy áy náy khi công nhận ý kiến của ông tiến sĩ ấy là đúng, thì chỉ nên thầm nghĩ (chứ đừng nói thành lời), rằng địa phương ấy dân trí chưa cao, tất nhiên là trừ ông tiến sĩ ấy ra. 

Tìm đỏ mắt không có được lấy một người đưa đi đào tạo, lại không có mấy ông “hai lúa” hay “thần đèn Cẩm Lũy” thì lấy đâu ra nhân tài?

Với gần một triệu rưỡi dân mà vị ấy từng dẫn dắt, có lẽ cũng nên có cái nhìn “thoáng” một chút, dù có trái ý vị ấy thì cũng nên công nhận ở đó, ít nhất cũng có một “nhân tài” để khỏi phải “tìm đỏ mắt không ra”! 

Theo cách tính tỷ lệ thuận của học sinh phổ thông, một triệu rưỡi người có một nhân tài, với 90 triệu dân thì cả nước sẽ có khoảng 60 nhân tài?

Đây có lẽ chỉ là cách tính của người mới thoát nạn mù chữ, chỉ biết 1 + 1 = 2 chứ không phải của người biết 1 + 1 = “tùy ý thủ trưởng”!

Nếu sự thật quả là như thế thì trách nhiệm chắc chắn thuộc ngành Giáo dục, vì sau 40 năm giải phóng, nền giáo dục địa phương ấy không đào tạo được, dù chỉ một người đủ điều kiện cho đi du học nước ngoài trong khi thế giới nói rằng người Việt “thông minh, cần cù, chịu khó…”!

Có thể có người cho rằng vị tiến sĩ nọ “hơi” coi nhẹ người dân quê mình, người viết không dám lạm bàn, chỉ là bỗng dưng thấy buồn cho mảnh đất kiên cường, anh hùng ấy, sao lại để cho con cháu ra cơ sự này?

Công tác cán bộ

Lại còn nghe vị tiến sĩ ấy nói: “Tôi thấy xu hướng kinh tế khó khăn nên khuyên con thôi bây giờ quay về hướng nhà nước”.

Người chậm hiểu nương theo ý của vị đó mà diễn giải, thì nếu ai đó không đủ năng lực vùng vẫy ở chốn thương trường, không đủ khả năng lãnh đạo một đơn vị kinh tế tư nhân thì tốt nhất là nên quay về hướng Nhà nước?

Hy vọng khi Dự thảo trở thành Nghị quyết chính thức, khi quan chức địa phương nghiêm túc làm theo quy định của Đảng thì chuyện “Nhà nước” được tận dụng làm nơi cho con cháu “quay về” sẽ vĩnh viễn chấm dứt.

Có lẽ suy nghĩ của vị  ấy là làm cho Nhà nước “dễ” hơn làm cho tư nhân? Còn chuyện muốn thành “người Nhà nước” phải qua quy trình tuyển chọn gắt gao, bằng cấp, trình độ phải đạt chuẩn, lại còn phải được quy hoạch… thì không cần phải bận tâm?

Chợt nhớ có người nói vui, rằng chữ “Tâm” trong Hoa ngữ giống như chiếc rổ đựng cái đầu cá, vậy chữ “Nhà nước” trong câu “khuyên con thôi bây giờ quay về hướng nhà nước” không biết giống cái gì và đựng cái gì?

Dự thảo Báo cáo chính trị TƯ trình Đại hội 12 viết: “Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới”.

Như vậy, việc quy định trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đã được Trung ương đề cập rõ ràng.


Chừng nào một bộ phận không nhỏ quan chức vẫn có cùng quan điểm với vị nguyên lãnh đạo nọ, rằng Nhà nước là nơi để con cháu “quay về” khi không đủ sức đua tranh với đời thì đương nhiên nhân tài sẽ phải “quay đi” vì “sức chứa” của Nhà nước dẫu sao cũng có hạn! 

Phải chăng đó mới là nguyên nhân thiếu vắng nhân tài trong bộ máy công quyền?

Trong khi chờ đợi những sự thay đổi về chất công tác cán bộ, thật khó để nói rằng ý kiến của vị tiến sĩ, nguyên lãnh đạo địa phương nọ chỉ là cá biệt.

Tài liệu tham khảo:

 [1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Tran-Hong-Quan-Chang-le-nen-giao-duc-cu-tut-hau-mai-post162462.gd

[2] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/241118/trung-cau-y-dan-phai-xem-long-dang.html

[3]http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ong-le-phuoc-thanh-toi-muon-co-cong-bo-dung-sai-ro-rang-20151005001056459.htm

Xuân Dương