Nghĩ chuyện cái “ống nước” mà thương cho công nghiệp hóa

26/03/2016 12:08
Xuân Dương
(GDVN) - Làm ống nước bằng gang còn chưa đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng “sản xuất” sáng kiến có thể sẽ đứng đầu thế giới.

Thế là người Trung Quốc trúng thầu cung cấp ống gang cho tuyến nước sông Đà 2 – Hà Nội, lý giải cho việc nhà thầu Trung Quốc thắng thầu, chủ đầu tư cho rằng giá của người Trung Quốc rẻ hơn 11,8% so với giá được phê duyệt, hơn nữa họ đã có 20 năm kinh nghiệm sản xuất ống gang?

Sản phẩm ống gang cầu của công ty Mai Động – Việt Nam (Ảnh: Công ty Mai Động)
Sản phẩm ống gang cầu của công ty Mai Động – Việt Nam (Ảnh: Công ty Mai Động)

Thông tin trên Vietnamnet.vn cho biết tổng giá trị của gói thầu là hơn 26 triệu USD tức là trên 588 tỷ đồng, đây không phải là gói thầu lớn nhưng lại là gói thầu ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu cư dân Hà Nội.

Bỏ thầu thấp để thắng thầu, sau đó đòi tăng giá, chỉ tại Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông mà một doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện, số vốn đã bị đội lên hàng nghìn tỷ đồng – đó có phải là mồ hôi, nước mắt của nhân dân?

Nhận xét của Trung tâm hỗ trợ đấu thầu, Cục quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 

Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng ống gang dẻo của nhà thầu tại một số dự án thực hiện tại Việt Nam chưa làm hài lòng khách hàng.

Một số thông tin khác từ khách hàng trên thế giới cũng không hài lòng với sản phẩm ống gang dẻo của Xinxing” [1] cho thấy cả phía Cục quản lý đấu thầu lẫn chủ đầu tư là Công ty Nước sạch Vinaconex đều thiếu quan tâm đến các thành phần hóa lý trong vật liệu gang dẻo của phía Trung Quốc. 

Nhớ lại hơn 50 năm trước, thế hệ sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội khi học môn Công nghệ kim loại bắt buộc phải học ba chuyên đề Đúc – Hàn – Rèn.

Rèn thì thực tập ở nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Hàn ở nhà máy Biến thế điện còn Đúc thì xuống Cơ khí Mai Động.

Hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề đúc, ống gang cầu Mai Động đã đạt chuẩn ISO 2531-K9 nhưng kích thước ống lớn nhất mới đạt 600 mm, [2] có phải vì thế mà Mai Động thua? 

Thua về kích thước ống thì đành phải chấp nhận vì mình kém người ta nhưng lại thua cái lý rất “thương trường” của chủ đầu tư người Việt mình, rằng người Tàu có tới 20 năm kinh nghiệm thì thật là cay đắng. 

Đã thế lại còn thua ngay tại Hà Nội, nơi “chôn rau cắt rốn” của công ty, vậy nên có cần phải sang tận Nam Mỹ để tìm “người nghèo cũng khóc” hay chỉ cần tìm đến mảnh đất rồng cất cánh của chúng ta?

Quảng cáo kích thước ống gang cầu tại địa chỉ maidong1.com.vn (Ảnh chụp màn hình)
Quảng cáo kích thước ống gang cầu tại địa chỉ maidong1.com.vn (Ảnh chụp màn hình)

Thương cho Công ty Mai Động, thương cho ngành Cơ khí Việt Nam, lại cũng thương cho mấy vị đại biểu Quốc hội đã khản cả tiếng, rằng sao cái gì Trung Quốc cũng thắng thầu.

Từ đoàn tàu điện trên cao tuyến Cát Linh-Hà Đông mà dân chúng gọi đùa là đoàn tàu “bọ lẹt” vì nó xanh lét như bọ lẹt, đến cái ống nước mà rồi đây sức khỏe của hơn ba triệu người dân Hà Nội phụ thuộc vào chất lượng của nó. 

Dù là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì cũng không thể cấm doanh nghiệp mua hàng rẻ, không thể bắt doanh nghiệp phải “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Định hướng đâu đó không biết, đấu thầu là đấu thầu, đó là thương trường, đó cũng là chiến trường, kẻ chiến bại bao giờ cũng là kẻ hèn, trong khi kẻ mang tiếng là hèn chưa chắc đã là kẻ chiến bại.

Công dân Thủ đô, đặc biệt là các bậc cha mẹ có sự lo lắng chính đáng đến tương lai con cái khi hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt do một doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất.

Vấn đề ở chỗ thực phẩm bẩn, hàng hóa nhiễm độc có nguồn gốc từ Trung Quốc có thể khuyến cáo người dân tẩy chay không dùng, nhưng nước uống thì không thể. 

Đã mở thầu công khai thì không thể hạn chế doanh nghiệp tham gia, song chuyện an toàn sức khỏe người dân thì không được tính bằng tiền. Về điểu này hình như cơ quan chức năng của Việt Nam chưa dành nhiều tâm huyết?

Ống dẫn nước ăn tiêu chuẩn đầu tiên là phải bảo đảm chất lượng nước, an toàn đối với sức khỏe con người.

Nếu không được kiểm định bởi một cơ quan có uy tín (nên chọn của EU), lấy gì đảm bảo rằng trong thành phần của ống không có các chất phụ gia mà quốc tế cấm sử dụng?

Nghĩ chuyện cái “ống nước” mà thương cho công nghiệp hóa ảnh 3

Đường ống nước sông Đà số 2, đừng quên bài học lao lý vẫn còn nóng hổi

(GDVN) - Có tới 9 quan chức của Vinaconex dính vòng lao lý vì…đường ống nước sông Đà số 1. Đừng vì tiết kiệm được 11,8% so với giá gói thầu mà…ân hận không kịp.

Với trách nhiệm là người đứng đầu thành phố, liệu Bí Thư, Chủ tịch Hà Nội có cần quan tâm đến đường ống Sông Đà 2 không phải chỉ là độ bền ống dẫn mà còn là sự an toàn sức khỏe, tính mạng người dân? 

Xin nhắc thêm với các vị lãnh đạo Hà Nội, rằng trên mạng xã hội đang có lời kêu gọi, thành phố hãy ra quyết định đúng đắn với việc này.

Nếu thành phố quyết tâm thì “tám triệu dân Hà Nội sẵn sàng đóng góp thông qua một tổng đài nhắn tin trên mạng di động, mỗi tin nhắn chỉ 10.000 đồng sẽ thừa trả cho tư vấn và bù thêm tiền mua loại ống chất lượng cao”. 

Có lẽ không nên kêu gọi 8 triệu dân vì phải trừ người già và trẻ em, chỉ cần 3 triệu người góp mỗi người một ít thì thành phố cũng có được đủ số tiền để xử lý hậu quả vụ việc nếu có.

Sức khỏe của hàng triệu dân Hà Nội không phải chuyện có thể phó thác cho doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt khi doanh nghiệp đó đến từ một đất nước bị cho là đã và đang sản xuất rất nhiều mặt hàng độc hại, đe dọa sức khỏe con người.

Từ chuyện ống nước chợt nhớ đến chuyện công nghiệp hóa đất nước mà có lúc chúng ta đặt mốc thời gian là năm 2020. Đến nay thì Nghị quyết đành phải linh động, rằng sẽ “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Sớm hiện đại thế nào khi những sản phẩm hàng Việt Nam (Made in Việt Nam) được ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường định nghĩa: “Samsung hay những doanh nghiệp FDI khác có sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đều là hàng Việt Nam”? [3]

Thử hỏi các loại ôtô, xe máy, smartphone đóng mác “sản xuất tại Việt Nam” hiện đã nội địa hóa được bao nhiêu phần trăm? Những bộ phận quan trọng nhất như chip máy tính, điện thoại hay động cơ ôtô, xe máy chúng ta đã sản xuất được chưa?

Bê nguyên khối người ta làm sẵn về nước, vặn mấy cái ốc lắp ráp (có loại ốc cũng chưa sản xuất được) mà nhận là “sản xuất tại Việt Nam” liệu có cảm thấy xấu hổ? 

“Cái lý” của ông Võ Văn Quyền không có gì mới vì đã được người Trung Quốc ra rả tuyên truyền, rằng: “Biển Đông là do tổ tông người Trung Quốc khai thác nên ngư trường Biển Đông là của Trung Quốc”? 

Nước Mỹ cho phép tư nhân phóng tàu vũ trụ, nhờ thế mà Tên lửa Falcon 9 của hãng tư nhân SpaceX mang theo 11 vệ tinh, sau khi thả vệ tinh trên quỹ đạo đã quay về trái đất thành công, điều mà ngay cả cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ NASA (National Aeronautics and Space Administration) vẫn chưa làm được.

Đầu năm 2016 một số báo đưa tin “Tàu ngầm Hoàng Sa được doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đưa ra biển thử nghiệm nhưng phải quay về vì không đáp ứng quy định của pháp luật”.

Nghĩ chuyện cái “ống nước” mà thương cho công nghiệp hóa ảnh 4

Vinaconex bị khởi tố vẫn được Hà Nội cho làm đường nước sông Đà

(GDVN) - Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án 9 lần vỡ đường ống nước, Vinaconex vẫn triển khai đường ống số 2.

Quy định của pháp luật” ở đây là Nghị định 71 “về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển”

Theo đó, “người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có biển số đăng ký và phải có một số loại giấy tờ như giấy chứng nhận đăng ký tàu, giấy chứng nhận đăng kiểm tàu thuyền, giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện…

Về “tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện…” chắc ông Hòa không gặp khó khăn gì vì các hãng taxi tư nhân đều được cấp phép sử dụng.

Vấn đề là tàu đang trong giai đoạn thiết kế, phải thử nghiệm để đánh giá các thông số, nhưng muốn thử nghiệm lại buộc phải có “giấy chứng nhận đăng kiểm tàu thuyền”! 

Ngày 23/3/2016, tìm trên Website “Đăng kiểm Việt Nam” tại địa chỉ http://www.vr.org.vn, cả hai mục Tàu sông và Tàu biển đều nói đến các phương tiện nổi, chả có mục nào nói về tàu ngầm. Hay tại người tìm không biết cách tìm?

Với ông Nguyễn Quốc Hòa, có lẽ còn phải chờ lâu lâu để cấp trên ban hành Nghị định mới về đăng kiểm ... tàu ngầm.

Sau đó lại còn phải chờ Đăng kiểm mở thầu công khai mua thiết bị kiểm tra, đo đạc. Vả lại, ông cũng đừng quên lời khuyên “chân thành” đang được lưu truyền rộng rãi: “không vội được đâu”!

Chuyện khoa học kỹ thuật kém cỏi không cần bàn luận, chuyện thể thao Việt Nam đuối sức trên trường quốc tế cũng chả có gì lạ, nhưng chuyện tầm vóc phụ nữ Việt Nam bỗng trở thành khổng lồ thì không phải tầm phào, chả thế mà “bắn súng chỉ thiên trúng... mông phụ nữ”! [3] 

Cảm ơn vì có được phút giây thư giãn nhân chuyện “bắn chỉ thiên…”, tuy vậy liệu thư giãn có khiến người dân quên được chuyện các thủ tục hành chính nước nhà không chỉ là “độc ác” (theo lời một vị lãnh đạo Quốc hội) mà còn là nguyên nhân kìm hãm sự sáng tạo? 

Có chuyện “đẳng cấp” chẳng kém mấy so với “bắn chỉ thiên trúng... mông phụ nữ”, ấy là muốn sáng tạo phải “dốt”.

Đó là chuyện mấy bác Hai Lúa, chẳng hiểu gì nghị định với luật lệ, cứ nhắm mắt “sáng tạo bừa”, hết máy nọ đến máy kia, chưa kiểm định đã mang ra đồng chạy ầm ầm, lại còn bán rẻ cho người tiêu dùng, thế có phải là “dốt” hết chỗ nói? 

Còn bộ phận hơi bị nhiều các vị học hàm, học viện, sau giai đoạn “sáng tạo văn bằng” cất đầy túi áo, giờ là lúc gặt hái thành công, họ thừa hiểu các quy định thành văn và bất thành văn, thế  nên “sáng tạo – việc của thằng đần; thông minh như mỗ chỉ cần ô, ô”. Không biết cái vần “ô” ấy ghép vào được những đồ vật gì?

Nhận định cơ chế hiện nay “kìm hãm sự sáng tạo” cũng có khi sai vì nghị định số 56/2015/NĐ-CP quy định, muốn được xếp là “hoàn thành nhiệm vụ” (Điều 27) phải “có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.

Cộng sơ sơ mấy con số nêu trong bài “Số lượng công chức, viên chức tăng chóng mặt từ 2007 – 2014” [4] đã thấy tổng số công chức viên chức vào khoảng 4,5 triệu người.

Vậy Chính phủ sẽ cần bao nhiêu người và trong bao lâu để xem xét, đánh giá hết số sáng kiến, công trình của mấy triệu lao động này?

Nếu Nghị định 56 không bị bãi bỏ, có lẽ Bộ Công thương cần chuẩn bị đấu thầu mua giấy vì chỉ cần mỗi “công trình” dùng 5 tờ giấy thì cũng cần đến 44.000 tập giấy khổ A4!

Sản xuất ống nước bằng gang còn chưa đáp ứng yêu cầu, còn phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng “sản xuất” sáng kiến có thể sẽ đứng đầu thế giới, phải chăng đó là “đẳng cấp” của người Việt đầu thế kỷ 21? Vậy khi nào chúng ta sẽ “sớm” thành nước công nghiệp?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/295983/lat-mo-ho-so-nha-thau-tq-thang-thau-duong-ong-song-da.html

[2]http://maidong1.com.vn/ong-gang-cau.htm

[3] http://news.zing.vn/Samsung-la-hang-VN-va-The-nao-la-hang-made-in-Vietnam-post584654.html

[4] http://dantri.com.vn/xa-hoi/buoc-thoi-viec-cong-an-vien-ban-sung-chi-thien-trung-mong-phu-nu-20160314103733647.htm

[5] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/So-luong-cong-chuc-vien-chuc-tang-chong-mat-tu-2007--2014-post155739.gd

Xuân Dương