Ngay lúc này, cần chung tay, không ai cần ca thán!

19/03/2020 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Nhà nước Việt Nam dù chịu thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế vẫn dang rộng vòng tay đón những người con xa xứ về nước thăm gia đình, tránh dịch hoặc chữa bệnh

Trong đại dịch Covid-19, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang làm hết sức mình bảo vệ sức khỏe và tính mạng người Việt – trong đó có không ít người Việt định cư hoặc làm việc ở nước ngoài.

Nhiều nước vốn có hệ thống y tế hàng đầu thế giới như Ý, Mỹ, Tây Ban Nha,… đã phải “vỡ trận” trước sự lây lan nhanh chóng của căn bệnh, Tây Ban Nha và Italia và một số nước châu Âu tiến hành phong tỏa toàn quốc.

Trên mạng xã hội không ít thông tin cho thấy Nhà nước Việt Nam dù chịu thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế vẫn dang rộng vòng tay đón những người con xa xứ về nước thăm gia đình, tránh dịch hoặc chữa bệnh.

Chỉ riêng ngày 18/03/2020, số liệu từ cơ quan quản lý hàng không cho biết sẽ có 1.095 khách từ châu Âu và 5.700 khách từ khu vực ASEAN trở về Việt Nam.

Dự kiến tổng số người về Việt Nam lên gần 7.000 người chỉ trong một ngày. [1]

Thận trọng trong ứng xử với Covid-19
Thận trọng trong ứng xử với Covid-19

Bình luận về sự kiện này, một số báo viết:

“Sự trở về của lượng lớn người Việt diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang bị dịch bệnh Covid-19 “truy quét”, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí đóng cửa biên giới của toàn khối trong 30 ngày để ngăn virus corona mới (SARS-CoV-2) lây lan”. [1]

“Việt Nam, vốn là quốc gia láng giềng với Trung Quốc và có quan hệ giao thương mật thiết với xứ tỷ dân, hiện vẫn có thể kiểm soát tốt tình hình bệnh dịch.

Chính điều này đã khiến cho một số người Việt sống ở nước ngoài tìm cách về đất mẹ để “tránh dịch”. [2]

Trong bài “Việt kiều đổ bộ về nước 'trốn dịch', sân bay Tân Sơn Nhất vẫn vắng hoe” báo Thanhnien.vn viết:

“Từ ngày 15.3, Vietnam Airlines thực hiện những chuyến bay đưa hàng nghìn hành khách đủ điều kiện sức khỏe từ châu Âu trở về Việt Nam”. [2]

Con gái một doanh nhân giàu có sinh sống tại Anh Quốc bị nhiễm Covid-19 đã được Chính phủ cho phép gia đình đón về Việt Nam chữa bệnh.

Người Trung Quốc, người Anh,… bị bệnh sang Việt Nam được điều trị kịp thời và nhiều người đã khỏi bệnh.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam đã phát biểu (bằng tiếng Việt) cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã chăm sóc, chữa bệnh cho công dân Anh bị nhiễm Covid-19.

Không phải tất cả người Việt sinh sống ở nước ngoài trở về đều với mục đích tránh dịch, có thể là chuyện kinh doanh, chuyện thăm người thân,… nhưng chọn Việt Nam thời điểm này để trở về cho thấy quê hương không chỉ là nỗi nhớ mà còn là địa điểm an toàn hơn rất nhiều quốc gia khác khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu.

Chuyện “đổ bộ về nước trốn dịch” mà mạng xã hội bình luận đã cho thấy những nỗ lực đáng khâm phục của một đất nước chưa giàu nhưng đầy lòng vị tha với quan điểm “Việt Nam không bỏ ai ở lại”. 

Nhiều người Việt sinh sống tại nước ngoài đặt niềm tin vào hệ thống y tế, vào những cố gắng đáng trân trọng của đội ngũ phục vụ tại sân bay, cửa khẩu, các bệnh viện, trung tâm cách ly, của lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương toàn quốc… 

Chính trong hoạn nạn, quan điểm “đồng bào” của người Việt được cụ thể hóa bởi sự chia sẻ từ động viên tinh thần đến suất ăn miễn phí, không những dành cho người Việt mà còn cả người nước ngoài đến Việt Nam.

Gavin Wheeldon là công dân Anh bay từ London tới sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 14/3/2020. Theo quy định của Chính phủ, những người có mặt trên chuyến bay này đều được đưa tới khu cách ly tại doanh trại quân đội thuộc thị xã Sơn Tây hoặc tự nguyện mua vé trở về nước.

Tại cơ sở cách ly, Gavin Wheeldon viết:

“Chúng tôi được ăn bánh mì vào bữa sáng và nó thực sự thỏa mãn mọi cơn thèm của tôi. Tôi đã rất nhớ hương vị của những chiếc bánh mì này…

Có một điều chắc chắn rằng Việt Nam đang nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người”. [3]

Thế thì vì sao vẫn có những tiếng ca thán rất thiếu thân thiện trên mạng xã hội hoặc những cuộc đấu khẩu với cán bộ thực thi công vụ từ chính những người mang dòng máu Việt khi phải chờ đợi làm thủ tục tại sân bay?

Họ có biết tại Mỹ, hành khách phải chờ 7 tiếng để làm thủ tục nhập cảnh? 

Hành khách đông nghẹt chờ làm thủ tục kiểm tra ở sân bay Dallas-Forth Worth. (ảnh: Twitter)
Hành khách đông nghẹt chờ làm thủ tục kiểm tra ở sân bay Dallas-Forth Worth. (ảnh: Twitter)

Bài báo trên News.zing.vn viết về phản ứng của một phụ nữ từ Ba Lan nhập cảnh Việt Nam sau khi nghe lực lượng chức năng tại sân bay giải thích như sau:

“Một người phụ nữ trong đoàn ngay lập tức phản ứng, to tiếng. Người này liên tục tranh cãi với lực lượng chức năng, yêu cầu trả hộ chiếu để tự di chuyển về nhà.

Thậm chí, người này còn bất chấp việc được giải thích về quy định của Bộ Y tế”!

Người như thế dang thiếu cái gì và thừa cái gì? Họ chỉ là vô ý hay phải thêm từ “thức” vào sau cụm từ “vô ý”?

Báo chính thống ít lên tiếng bởi đó là chuyện của một vài cá nhân, là chuyện nhỏ, rất nhỏ nhưng bức xúc của cư dân mạng lại không hề nhỏ.

Đưa tin thất thiệt về một vị cán bộ “có bồ nhí, con riêng” sau khi công cán nước ngoài trở về, một số người đã ngay lập tức bị công an phạt hàng chục triệu đồng. 

Vậy những hình ảnh và ngôn từ thô lỗ mà có người tung lên mạng xúc phạm đến đội ngũ công vụ và người dân trong nước lại không đáng bị phạt? [5]

Không khó để tìm thấy sự phẫn nộ mà cộng đồng mạng dành cho mấy người này.

Hai đầu trí tuệ
Hai đầu trí tuệ

Xin dẫn lại ý kiến trong một bài viết:

“Chúng ta luôn dang rộng vòng tay chào đón những người con xa xứ về trong cơn hoạn nạn.

Thế nhưng, nhiều người lại không biết quý trọng điều này mà còn hạch sách với chính quyền, coi rằng mình quan trọng hơn những người khác và yêu cầu đủ điều”. [2]

Trong khi nhiều Việt kiều, doanh nhân làm ăn ở nước ngoài gửi thư và tiền ủng hộ Chính phủ và đồng bào trong nước chống dịch thì những tiếng nói lạc giọng đó đâu chỉ làm xấu hình ảnh bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng người Việt cùng sinh sống với họ ở nước sở tại?

Nhập cảnh vào Việt Nam thời điểm này bắt buộc phải cách ly chống dịch, không phân biệt là công dân nước nào. 

Thiết nghĩ những hội đoàn người Việt ở nước ngoài có nên xem xét việc “cách ly” một thời gian những người ứng xử thiếu văn minh tại nơi công cộng, nhất là khi họ không tuân thủ pháp luật Việt Nam? 

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/hom-nay-gan-7000-nguoi-viet-tro-ve-tu-cac-diem-nong-covid-19-20200318105843824.htm

[2] https://vietnam24h.info/chan-dung-nguoi-phu-nu-viet-tu-ba-lan-ve-nuoc-tranh-dich-nhung-an-va-khong-cach-ly-doi-da%c9%b4%d0%bd-cong-an/

[3] https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/viet-kieu-do-bo-ve-nuoc-tron-dich-san-bay-tan-son-nhat-van-vang-hoe-1196609.html

[4] https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/nhat-ky-cua-chang-trai-anh-trong-khu-cach-ly-covid-19-tai-viet-nam-624806.html

[5] https://vietnam24h.info/nu-viet-kieu-ph-i-bang-nguoi-trong-nuoc-livestream-len-tieng-cai-lu-tui-bay-let-vo-day-keu-cong-an-toi-day-tao-ngoi-tao-doi/

Xuân Dương