Năm 2018 - mừng và lo

01/01/2019 07:49
Xuân Dương
(GDVN) - Đất nước đã và đang phát triển vững chắc trên chính nội lực của mình hay vẫn cần những “gậy chống” từ nguồn vốn và nhân lực cấp cao nước ngoài?

Năm 2018 kết thúc với niềm vui từ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự năng động của doanh nghiệp đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, khoảng 7,08%, cao nhất trong 10 năm tính từ 2008. 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt trên 482 tỷ USD. Lần đầu tiên Việt Nam đạt mức xuất siêu hơn 7 tỷ USD… 

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong năm 2018. Ảnh: VnEconomy.vn
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong năm 2018. Ảnh: VnEconomy.vn

Cuộc chiến chống nội xâm đã cho thấy phần chìm của tảng băng tham nhũng, nhóm lợi ích, đã nhận diện hơn 60 quan chức cao cấp, trong đó có hơn 20 tướng lĩnh quân đội và công an thuộc diện “nhúng chàm”.

Tỉnh Quảng Ninh, nơi được chọn thực hiện thí điểm mô hình Bí thư làm Chủ tịch đã khẳng định cải cách thể chế chính trị trở thành động lực phát triển kinh tế như thế nào?

Trong năm 2018, vùng đất phía Đông Bắc này với khoản đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng từ vốn của Sun group -một doanh nghiệp trong nước kết hợp với một phần vốn ngân sách đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng 3 công trình trọng điểm:

Sân bay quốc tế Vân Đồn có thể đón hầu hết máy bay hiện đại; Đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn dài 60 km với 4 làn chính và 2 làn khẩn cấp, cho phép xe chạy tốc độ 100km/giờ;

Cầu cảng du lịch chuyên dụng có thể đón tàu khách dài trên 200 mét, trọng tải trên 200.000 tấn với số du khách trên 8.000 người…

Trong khi đó với số vốn phê duyệt năm 2007 là 17.388 tỷ đồng, sau hơn chục năm thi công, bị điều chỉnh lên đến 47.300 tỷ đồng, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa biết chính xác khi nào sẽ đưa vào sử dụng.

Xin hỏi, nay còn đồng chí nào chưa bị lộ?

Một thông tin trên VnEconomy.vn (báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam) cho biết trong năm 2018:

Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 60,1% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam”. [1]

Tính bình quân cả xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 65% tức là giữ vai trò chi phối nền kinh tế quốc gia là mừng hay lo?

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang gây những xáo trộn chưa thể lường hết hậu quả nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo đến nền kinh tế Việt Nam.

Hiện có những dự báo là các doanh nghiệp Hàn Quốc đang có xu hướng chuyển đầu tư sang Bắc Triều Tiên.

Các nguyên nhân như cùng văn hóa, không có rào cản ngôn ngữ, nguồn lao động giá rẻ và lượng khoáng sản chưa bị cạn kiệt ở Triều Tiên chính là yếu tố hấp dẫn đối với không chỉ giới đầu tư Hàn Quốc mà còn các nước khác.

Kết quả thăm dò liên quan đến việc đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Triều Tiên của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho thấy 80% trên tổng số 1.176 doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng họ muốn tham gia đầu tư tại Triều Tiên một khi các biện pháp trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ- (Đức Minh – Trí thức trẻ).

Không chỉ Hàn Quốc, các doanh nghiệp Đài Loan cũng đang có xu hướng chuyển các cơ sở sản xuất từ đại lục về vùng lãnh thổ này.

Theo thông tin trên Baochinhphu.vn, số lao động người Việt tại các cơ sở của Samsung đến cuối năm 2018 sẽ vào khoảng 150.000 người; xuất khẩu đạt trên 50 tỉ USD.

Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm của Samsung tại Việt Nam hiện là khoảng 50%. [2]

Ông Trương Tấn Sang nghĩ về thịnh suy của đất nước, hưng vong thời cuộc

Vậy những người hoạch định chính sách đã lường trước khả năng nếu các doanh nghiệp FDI chuyển cơ sở sản xuất của họ về chính quốc hoặc vùng lãnh thổ khác?

Cũng với những ưu đãi như nhau, nếu doanh nghiệp trong nước bỏ vốn đầu tư thì chắc chắn hệ số an toàn sẽ cao hơn vốn đầu tư kêu gọi từ nước ngoài. 

Vấn đề là làm thế nào để huy động nội lực thay vì ưu đãi nhằm thu hút vốn FDI vốn tiềm ẩn không ít rủi ro cả về kinh tế lẫn chính trị?

Đầu tư nước ngoài đôi khi trở thành con dao hai lưỡi, không ít trường hợp nước sở tại thực chất đã đánh mất chủ quyền quốc gia dù trên danh nghĩa họ không thừa nhận điều đó.

Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam trong bài: “Thành phố Trung Quốc” ở Sihanoukville của Campuchia” đăng ngày 7/6/2018 viết:

“Thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia (được đặt theo tên vị vua cuối cùng và được tôn kính của nước này) giờ đây đang dần biến thành vùng đất của người Trung Quốc.

Điều đó khiến nhiều người dân Campuchia cảm thấy bất bình”. [3]

Tại Việt Nam, Bình Dương là tỉnh có mô hình phát triển kinh tế năng động thế nhưng gần chục năm trước, chuyên mục Tuanvietnam/Vietnamnet đã đăng bài “Phố người Hoa ở Việt Nam – chính sách hay tầm nhìn?” với dòng sapo:

Câu nói “nước mất, nhà tan” ai cũng biết nhưng câu nói “mất giống thì mất nước” chắc ít người để ý” có phải cũng chung mạch suy nghĩ về nguy cơ mà Vov.vn đề cập ở nước láng giềng?

Ảnh chụp màn hình báo Vietnamnet.vn ngày 31/12/2018
Ảnh chụp màn hình báo Vietnamnet.vn ngày 31/12/2018

Không khó để thấy, thu hút vốn FDI vẫn được xem là một trong những quan điểm chỉ đạo kinh tế vĩ mô và việc khơi thông dòng chảy vốn của doanh nghiệp Việt hoặc huy động lượng vàng, ngoại tệ trong dân chúng vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Theo các chuyên gia WB, Việt Nam còn tới 60 tỷ USD vốn nhàn rỗi trong dân chưa được huy động.

Vay vốn bằng ngoại tệ phải trả lãi vậy sao chúng ta cứ duy trì mức lãi suất 0% khi huy động ngoại tệ (USD) trong dân?

“Vượt Thủ tướng, vượt Quốc hội” và còn gì nữa?

Do do không muốn tái diễn tình trạng vàng, đôla là phương tiện giao dịch chính hay do chưa biết cách huy động?

Chào đón năm 2019 với nhiều niềm vui nhưng không ít trăn trở.

Đất nước đã và đang phát triển vững chắc trên chính nội lực của mình hay vẫn cần những “gậy chống” từ nguồn vốn và nhân lực cấp cao nước ngoài?

Có một thông tin đáng suy ngẫm, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay thấp hơn nước bạn Lào, trong khối các nước Đông Nam Á chúng ta chỉ hơn Campuchia và Myanmar.

Vui mừng với thành tích đạt được năm 2018, nhưng chúng ta còn phải tiếp tục nỗ lực đổi mới để tận dụng những cơ hội thuận lợi, phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

Thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng là hoàn toàn dựa vào quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, thế nên chúng ta có quyền mơ ước thành công trong kinh tế cũng sẽ bắt đầu từ sức mạnh nội tại, từ việc khơi dậy tiềm năng con người chứ không chỉ là dựa vào tài nguyên hay vốn đầu tư nước ngoài.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vneconomy.vn/doanh-nghiep-fdi-xuat-sieu-328-ty-usd-trong-nam-2018-2018122608523473.htm

[2] http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=298503

[3]https://vov.vn/kinh-te/thanh-pho-trung-quoc-o-sihanoukville-cua-campuchia-771423.vov

Xuân Dương