"Malaysia có thể làm giảm căng thẳng"

24/06/2014 06:33
Trần Nghĩa Sơn
(GDVN) - Trước tình hình căng thẳng chưa có hướng giải quyết trên Biển Đông, có ý kiến cho rằng Malaysia có thể là tác nhân tích cực.

Malaysia có thể đóng một vai trò trong việc làm giảm căng thẳng trong khu vực, trong bối cảnh sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, tờ The Star của Malaysia ngày 22/6/2014 dẫn lời Giáo sư Tiến sĩ David Arase từ Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ của Đại học John Hopkins nói. 

Trong một cuộc phỏng vấn với The Star, Tiến sĩ Arase nói không ai muốn chiến tranh, nhưng mối đe dọa của một cuộc chiến tranh vô tình gây ra bởi tranh chấp lãnh hải đang diễn ra giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines là không khó để tưởng tượng.

Để giảm thiểu nguy cơ này, các nước ASEAN, mà ghế chủ tịch rơi vào Malaysia trong năm tới, nên thương lượng để thỏa thuận với Trung Quốc một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), ông đề nghị.

Giáo sư Tiến sĩ David Arase (Ảnh: The Star)
Giáo sư Tiến sĩ David Arase (Ảnh: The Star)

"Malaysia ở vào một vị trí có thể hối thúc một số lãnh đạo các nước liên quan. Họ sẽ sử dụng kinh nghiệm, chuyên môn và nguồn lực của mình để thúc đẩy một COC", tiến sĩ Arase cho biết.

Tiến sĩ Arase cho rằng hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam), cùng với việc đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam trong khu vực tranh chấp là một mối lo ngại lớn.

"Trong trường hợp này, không khó để tưởng tượng một cuộc xung đột có thể xảy ra”.

"Vì vậy, với COC, khi có những sự việc tương tự xảy ra, các bên liên quan sẽ có quy tắc để hành xử thích hợp, tránh để leo thang xung đột”.

"Các bên liên quan có thể làm theo các thủ tục thương lượng và hòa giải," ông nói.

"Malaysia có thể làm giảm căng thẳng" ảnh 2Nhật - Việt - Phi cùng cảnh ngộ nên "giúp bạn là giúp mình"

(GDVN) - Cả ba nước đều phải tìm cách đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Đây là việc trước mắt nhưng cũng là việc lâu dài.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Arase, COC không phải là một cơ chế để chỉ ra ai đúng hay sai, nhưng là một cách để các nước tránh việc mở rộng xung đột thành xung đột vũ trang.

"Chúng tôi muốn các nước có tranh chấp hành xử theo luật pháp quốc tế và các biện pháp hòa bình", ông nói.

Ông chỉ ra rằng ngay trong các nước ASEAN với nhau vẫn có những tuyên bố chồng chéo về lãnh hải, và điều này làm cho COC càng trở nên quan trọng hơn.

Những thành viên ASEAN, ông nói, nên hợp tác chặt chẽ và thương lượng tập thể đa phương với Trung Quốc cho một COC.

"Để làm việc được với Trung Quốc, các nước ASEAN nên gắn kết lại với nhau", ông nói.

Tiến sĩ Arase cho biết Trung Quốc đã nhìn thấy biển Đông là một khu vực chiến lược mà họ muốn kiểm soát, nhưng họ vẫn chưa làm rõ những yêu sách chủ quyền mà họ tự đặt ra.

"Sự quyết đoán này của Trung Quốc là một phần của chính sách ngoại giao mới dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, người nhậm chức vào năm 2012”.

"Ông ấy đang xúc tiến một chương trình nghị sự mới của ông về Trung Quốc như là một cường quốc, Trung Quốc là nhà lãnh đạo của châu Á", ông nói.

Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc, và thậm chí cả các quan chức của họ, có thể không có khả năng để giải thích tại sao những đảo, đá, những vùng biển (theo cái gọi  “đường lưỡi bò”) là của họ, bởi vì đơn giản là họ cũng không biết.

"Điều này có nghĩa là vị trí đường biên giới biển của Trung Quốc vẫn còn lỏng lẻo, chưa xác định rõ ràng. Mặc dù họ quyết đoán, nhưng họ chưa hoàn toàn rõ ràng về tất cả các chi tiết, vì vậy đây là một cơ hội lớn cho các nước trong khu vực để đối phó", ông nói.

Ông nói thêm rằng mặc dù Trung Quốc đã kiên quyết không đàm phán về chủ quyền và lãnh thổ của mình, nhưng trên thực tế Trung Quốc có thể thực dụng hơn.

Tiến sĩ Arase cho biết ASEAN sẽ yêu cầu Trung Quốc làm rõ ranh giới hàng hải mà họ tuyên bố trước khi tranh chấp về biên giới biển có thể được giải quyết.

"ASEAN cần đẩy lùi sự lấn lướt của Trung Quốc, và yêu cầu Bắc Kinh làm rõ yêu sách chủ quyền trên biển của mình”.

"Đó không phải là một yêu cầu không có lý", ông nói.

Thâm kế của Bắc Kinh đối với Biển Đông là kế “hư hư, thực thực”. Họ cố tình để kéo dài sự mơ hồ của cái gọi là “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”, nhằm “đục nước béo cò”, tìm cách kiểm soát thực tế phần lớn Biển Đông, biến vùng biển này thành “ao nhà” của họ.

Vì vậy, để đối phó với âm mưu này, ASEAN và quốc tế phải yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách chủ quyền về “đường chín đoạn” của họ. 

Một kẻ gian mà phải giải trình rõ ràng, ngay thẳng, thì chắc chắn sẽ lộ ra chân tướng của mình.

Trần Nghĩa Sơn