“Lò ấp” thạc sĩ, tiến sĩ, lắm thày tất phải “nhiều ma”

29/08/2017 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Với cung cách đào tạo như vậy, với những ông/bà hướng dẫn khoa học như vậy, dư luận xã hội không sai khi gọi đây là “lò ấp” tiến sĩ, thạc sĩ.

Câu chuyện “lò ấp” tiến sĩ, thạc sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam không phải năm nay mới được dư luận quan tâm rộng rãi.

Đầu năm 2016, báo chí đã tốn không ít giấy mực và công sức phanh phui những sai phạm trong hoạt động đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện này.

Là một cơ sở đào tạo đại học nhưng Học viện Khoa học Xã hội được xem như một siêu học viện bởi nơi đây không đào tạo trình độ cử nhân, chỉ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Số liệu “ba công khai” (cơ sở vật chất, tài chính, chất lượng đào tạo) năm học 2016-2017 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo của Học viện Khoa học Xã hội có thể tìm thấy tại địa chỉ:

http://gass.edu.vn/Uploads/2017_3/cong_khai_compressed.pdf

Tìm hiểu sơ qua một chút số liệu ba công khai này âu cũng là cách để có cái nhìn toàn diện hơn về sự “hàn lâm” của khoa học xã hội nước nhà.

Nếu những gì “ba công khai” của Học viện Khoa học Xã hội là chính xác (Hình 1) thì Học viện này không có bất kỳ một cuốn sách nào trong thư viện?

Những thứ “không có một tí gì” còn bao gồm: Diện tích phòng thí nghiệm; Số thiết bị thí nghiệm; Diện tích nhà xưởng; Số thiết bị chuyên dùng;…

Hình 1, công khai trang thiết bị
Hình 1, công khai trang thiết bị

Cả Học viện với hàng nghìn cán bộ, học viên chỉ có 30 chiếc máy tính (còn sử dụng được) được đặt trong một diện tích rộng 855 mét vuông, vị chi mỗi máy tính chiếm dụng một diện tích 28,5 mét vuông, tương đương một căn phòng mơ ước của gia đình công nhân tại các khu công nghiệp!

Với những gì đã công khai, liệu có thể cho là Học viện Khoa học Xã hội đang “tay không bắt giặc”, chẳng khác gì vô số doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện BOT giao thông.

Những chiếc máy tính của Học viện Khoa học Xã hội được ưu ái như thế nhưng kiến thức Công nghệ Thông tin của người sử dụng chúng và lãnh đạo Học viện thế nào?

Nhìn biểu mẫu 24 "Công khai tài chính của cơ sở giáo dục đại học năm học 2016-2017" (Hình 2) người ta thật khó để biết ý nghĩa của dấu chấm, dấu phảy dùng trong các con số.

Thông thường người ta dùng dấu chấm để phân cách các số hàng nghìn, hàng triệu,… dấu phảy để phân cách phần lẻ thập phân (hoặc cũng có thể theo quy định ngược lại tùy theo áp dụng viết số kiểu Anh - Mỹ hay Việt - Pháp).

Ví dụ trong hình 2: con số 9.150.000 (học phí cao học đợt 1 năm 2016) là chín triệu một trăm năm mươi ngàn đồng. Vậy con số tổng thu ngân sách thường xuyên của Học viện 17,400,000 là bao nhiêu triệu đồng?

Nếu xem đây là lỗi thì có phải chỉ là “lỗi đánh máy” chứ không phải lỗi của người phê duyệt là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Nguyên Khánh.

Liệu có phải đây chỉ là lỗi cỏn con không thể hiện năng lực công nghệ thông tin của những vị “hàn lâm” nên cũng không cần phân tích thêm.

Hình 2, công khai tài chính
Hình 2, công khai tài chính

Vậy thì điều gì không phải là “cỏn con”?

“Một thầy cùng lúc hướng dẫn 44 học viên thạc sĩ của 3 chuyên ngành” là tiêu đề bài viết trên báo Thanhnien.vn ngày 27/8/2017, bài báo có đoạn:

“Theo kết luận thanh tra, Học viện Khoa học Xã hội đã thực hiện không đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các khâu như xét tuyển thạc sĩ, nghiên cứu sinh, hoặc phân công người hướng dẫn học viên, nghiên cứu sinh không cùng ngành/chuyên ngành với nghiên cứu sinh, phân công người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh...”. [1]

Theo quy định hiện hành, số học viên thạc sĩ tối đa được phép hướng dẫn đối với Giáo sư là 7; Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học là 5; Tiến sĩ là 3.

Như vậy lò ấp thạc sĩ của các “thày hướng dẫn” thuộc Học viện Khoa học Xã hội đã đạt hiệu suất như sau:

Học hàm, học vị

Giáo sư

Phó Giáo sư

Tiến sĩ

Thực hiện so với định mức

628,6%

880%

1.466,7%

Mục công khai bảo đảm chất lượng đào tạo quy định học viên thạc sĩ phải:“Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, xin ý kiến người hướng dẫn khoa học để thực hiện luận văn đúng thời hạn”.

Vậy nếu 44 học viên “thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, xin ý kiến” thì “thầy” sẽ mất bao nhiêu thời gian, và còn lại bao nhiêu thời gian cho nghiên cứu khoa học?

Người viết không thể hình dung được các “nhà khoa học” ở Học viện Khoa học Xã hội “siêu” đến mức nào để có thể hướng dẫn tới 44 đề tài thuộc 3 chuyên ngành khác nhau trong thời đại chuyên môn hóa cao như hiện nay?

Người Việt có câu “lắm thày nhiều ma”, phải chăng Học viện Khoa học Xã hội sợ nền khoa học nước nhà “nhiều ma” quá nên tập trung về cho các thày của Học viện hướng dẫn?

“Lò ấp” thạc sĩ, tiến sĩ, lắm thày tất phải “nhiều ma” ảnh 3

Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa?

(GDVN) - Nếu trí thức phải là người có học hàm, học vị (như cách hiểu của không ít người) thì Việt Nam hôm nay có đội ngũ trí thức như thế nào?

Và phải chăng, lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội cũng như lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam không xem các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo như một văn bản quy phạm pháp luật cần phải tuân thủ?

Liệu có phải ỷ thế là một “Viện Hàn lâm” nên những quan chức ở đây có thể coi thường kỷ cương, phép nước?

Vấn đề ở chỗ, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể “đề nghị” hoặc cao hơn là “kiến nghị” chứ không thể xử lý sai phạm của Học viện Khoa học Xã hội, thế nên cần sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ, của Phó Thủ tướng phụ trách mảng Văn hóa, Giáo dục…

Nếu Thanh tra Chính phủ không vào cuộc, e rằng những gì truyền thông đề cập cũng sẽ lặp lại như năm 2016, nghĩa là sang năm 2018 sẽ lại như năm 2017.

Có ý kiến cho rằng, người có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, hay học vị Tiến sĩ ít nhất phải có “cái sĩ” của trí thức, đó là lòng tự trọng và tuân thủ pháp luật bên cạnh sự uyên bác về chuyên môn.

“Ôm” đến 44 học viên không phải chỉ là vi phạm quy định mà cũng còn là đánh mất cái “sĩ” của người có bằng cấp, đặc biệt đó lại là người thầy.

Thông thường, người ta hay dùng từ “người có học”, ở đây dùng từ “người có bằng cấp” bởi xã hội Việt Nam hiện tại “có bằng cấp” không đồng nghĩa với “có học”.

Người có học tất phải biết bổn phận, trách nhiệm và quyền hạn của mình, người biết mà bỏ qua, thậm chí còn vỗ ngực xem thường kỷ cương phép nước không thể nói là “có học”.

Trên đời này “tham thì thâm”, khi đánh mất cái “sĩ” của người có học, khi trở thành “thâm” thì họ có nên ngồi ở chốn “hàn lâm” ấy mà dạy dỗ người khác?

Nếu nói rằng: “Đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng có phần đóng góp của các vị “Hàn lâm” thuộc Học viện Khoa học Xã hội” liệu có phải là nói sai?

Với cung cách đào tạo như vậy, với những ông/bà hướng dẫn khoa học như vậy, dư luận xã hội không sai khi gọi đây là “lò ấp” tiến sĩ, thạc sĩ.

Tôn trọng kỷ cương, phép nước, thiết nghĩ lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nên tự mình xử lý các sai phạm tại Học viện Khoa học Xã hội trước khi các cơ quan cấp cao hơn Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://thanhnien.vn/giao-duc/mot-thay-cung-luc-huong-dan-44-hoc-vien-thac-si-cua-3-chuyen-nganh-869746.html

Xuân Dương