“Liên minh ma quỷ” hay “Nhóm lợi ích Quan Doanh”

17/01/2022 06:57
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi các nhóm lợi ích đã bén rễ vào tận cơ quan cấp bộ, cấp tỉnh, khi chúng trở thành các “Liên minh ma quỷ” thì chống lại chúng là cuộc chiến mang tầm cách mạng.

Một video clip dài 5 phút 50 giây lưu truyền trên mạng xã hội được cho là thuộc chuyên mục “Nhận diện” của Truyền hình Nhân dân (Nhân Dân tv) có tiêu đề: [1]

“Nhận diện số 2: (Một liên minh ma quỷ): Những “cá lớn” nào đứng sau công ty Việt Á?”.

Tìm kiếm trên trang nhandantv.vn của Truyền hình Nhân Dân, thì clip này có tên "Một liên minh ma quỷ" trong chuyên mục Nhận diện. [2]

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Kể từ cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án thổi giá và chi “hoa hồng” kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và CDC Hải Dương đến nay, hiếm thấy tác phẩm báo chí nào dùng từ mạnh mẽ như tác phẩm nêu trên.

Xin trích đoạn trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:

“Câu chuyện sân sau lợi ích nhóm ở đây chúng ta thấy quá rõ không còn phải bàn, nhưng cụ thể trách nhiệm đấy là ai, là Bộ trưởng hay Thứ trưởng hay là vụ trưởng…”. [1] [2]

Người viết đồng tình với phát biểu của ông Nguyễn Mai Bộ và cũng phải cảm ơn … Công ty Việt Á bởi câu chuyện hôm nay là minh chứng cho vấn đề được nêu lên từ sáu năm trước trong bài báo “Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”? [3], bài viết khẳng định:

“Tế bào (gốc – NV) của xã hội “nhóm lợi ích” chính là “nhóm lợi ích Quan - Doanh”. Nguồn năng lượng nuôi sống tế bào này là sự kết hợp của hai thành phần: “quan” tức là quan chức chính quyền, chính trị và “doanh” là doanh nhân có mối liên kết gia đình, dòng tộc với “quan””.

Nhận định trên chưa đầy đủ bởi ngoài mối liên kết gia đình, dòng tộc giữa doanh nhân với quan chức thì còn những mối liên kết khác dựa trên các lợi ích vật chất có thể đo đếm được, chẳng hạn “Liên kết hoa hồng”, “Liên kết sân sau”,…

Bài báo trên tuy nhận được sự đồng tình của nhiều độc giả song có thể vì nó ra đời chưa hợp thời điểm nên ít được để ý.

Ba năm sau, để hâm nóng câu chuyện cũ, bài báo “Trận đánh quyết định, công phá “Nhóm lợi ích Quan-Doanh” được báo Giáo dục Việt Nam đăng tải vào ngày 28/01/2019. [4]

Bài báo đã nhận diện rõ ràng hơn không ít thành viên của “Nhóm lợi ích Quan – Doanh”, trong đó có những người vừa là quan chức đương nhiệm đồng thời lại là doanh nhân như cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, cựu thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ,…

Câu hỏi của Truyền hình Nhân Dân “Những “cá lớn” nào đứng sau công ty Việt Á” đương nhiên không chỉ nhằm vào các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân mà còn hướng tới các ông chủ “sân sau”, trong đó có những đối tượng thuộc diện “các đồng chí chưa bị lộ”.

Ảnh chụp màn hình clip trên Truyền hình Nhân Dân.
Ảnh chụp màn hình clip trên Truyền hình Nhân Dân.

Ba đối tượng xuất hiện công khai tại công ty Việt Á là Phan Quốc Việt, Đồng Sỹ Huy, Hồ Thị Thanh Thúy sở hữu lần lượt số cổ phần là 10,2%; 5% và 4,8%. Như vậy số cổ phần của các cổ đông công khai chỉ chiếm 20%, còn lại 80% chưa biết ai là chủ sở hữu. Dư luận cho rằng xác minh những khuôn mặt chưa lộ diện này không quá khó.

Không chỉ báo chí, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã “Đề nghị cần mở rộng điều tra xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, gồm trách nhiệm cụ thể của Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế, Học viện Quân y, Công ty Việt Á, các tổ chức, cá nhân, địa phương có liên quan đến vụ án Công ty Việt Á”. [6]

Hiếm có vụ việc nào mà cả ba cơ quan cao nhất (Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ) đều vào cuộc với tinh thần quyết liệt như vụ công ty Việt Á.

Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được xem là đầy đủ và cụ thể hơn cả:

"Tập trung, khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào".

Vấn đề còn lại phụ thuộc vào các thẩm phán bởi lẽ khung hình phạt trong luật và mức xử phạt không phải lúc nào cũng hai năm rõ mười, cũng bởi cùng tội nhận hối lộ từ một tỷ đồng trở lên có thể bị xử phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Dẫu có tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm vụ công ty Việt Á, dẫu có đưa ra ánh sáng cả “một bầy sâu” thì vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn nạn tham nhũng, lãng phí bởi như cách nói của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

“Có một bộ phận mà Đảng nói là không nhỏ…, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này”.

Gốc rễ của vấn đề là con người, là những người soạn thảo và biểu quyết thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản, nghị quyết của tổ chức chính trị, họ cũng chính là người vận dụng các quy định, điều khoản vào thực tiễn, đặc biệt là việc áp dụng các điều luật vào quá trình tố tụng hình sự, dân sự hoặc xử lý hành chính.

Khi các nhóm lợi ích đã bén rễ vào tận cơ quan cấp bộ, cấp tỉnh, khi chúng đã trở thành các “Liên minh ma quỷ” thì chống lại chúng không còn là cuộc nội chiến đơn thuần mà phải mang tầm các cuộc cách mạng.

Thời gian qua, những ý kiến về cải cách thể chế kinh tế, cải cách thể chế hành chính được khuyến khích phát biểu, cải cách thể chế chính trị tuy đã được đề cập song không đa dạng như kinh tế hoặc hành chính, chẳng hạn:

“Thể chế chính trị Việt Nam trước yêu cầu mới – Những vấn đề đặt ra cần bổ sung, phát triển”. [6]

Một phát biểu đáng chú ý là của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh “Lợi ích nhóm và cải cách thể chế” trích trong báo cáo về kinh tế vĩ mô 2012 “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP). [7]

Sự tồn tại (trong thực tế) các nhóm lợi ích mà thành viên bao gồm quan chức và doanh nhân là nguyên nhân xảy ra tình trạng hoạt động của các nhóm lợi ích này “len lỏi cả vào các hoạt động rất trí thức và cao sang như nghiên cứu khoa học, cấp bằng,…, chấm luận án”. [7]

“Hoạt động rất trí thức và cao sang như nghiên cứu khoa học” phải chăng là dự báo từ nhiều năm trước cho Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia mang tên “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” do Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ ký duyệt trong Quyết định số 1517/QĐ-BKHCN ngày 09/06/2021?

Tham nhũng, lợi ích nhóm được sinh ra tại bất kỳ quốc gia nào, theo bất kỳ thể chế chính trị nào.

Ngày 28/01/2021, Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International - TI) đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) toàn cầu năm 2020, hơn 2/3 trong số 180 quốc gia được đánh giá chỉ đạt điểm dưới 50 trên thang điểm 100, Việt Nam đứng thứ 104/180 với 36 điểm.

So với năm 2019, CPI của Việt Nam bị giảm 1 điểm và 8 bậc, đồng thời vẫn nằm trong số 2/3 quốc gia trên thế giới có điểm CPI dưới 50.

Một bài viết trên Trang Thông tin điện tử Ban Nội chính Trung ương trích dẫn ý kiến của bà Delia Ferreira Rubio - Chủ tịch TI:

“COVID-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế, đó còn là một cuộc khủng hoảng tham nhũng. Và đó là cuộc khủng hoảng lớn mà chúng ta hiện đang thất bại trong việc quản lý”. [8]

Nhiều phát biểu đăng trên báo chí hoặc các diễn đàn cho rằng tham nhũng là “quốc nạn”, cộng thêm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là vụ việc liên quan đến công ty Việt Á, liệu đất nước có trong tình trạng như ý kiến của bà Delia Ferreira Rubio chưa thể kết luận song khó có thể khẳng định chúng ta không cần lo lắng về cuộc khủng hoảng này.

Học cách sống chung với thiên tai, dịch bệnh là điều thế giới phải chấp nhận bởi con người không thể chống lại tự nhiên.

Tuy nhiên chống lại bọn tham nhũng, chống lại các “Liên minh ma quỷ” hoàn toàn có thể làm được nếu thực hiện di huấn của Hồ Chủ tịch, đó là tuyển chọn nhân sự cho bộ máy nhà nước qua bầu cử, thi tuyển công khai, dân chủ, trực tiếp. [9]

Dù lý luận thế nào thì vụ việc liên quan đến công ty Việt Á cũng góp phần đưa ra ánh sáng góc tối về tâm đức và trình độ của một bộ phận không nhỏ viên chức, công chức, lãnh đạo các đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Và liệu đã đến lúc thay vì nói “Nhóm lợi ích” chúng ta sẽ sử dụng ngôn ngữ của Truyền hình Nhân Dân là “Liên minh ma quỷ”?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.youtube.com/watch?v=SzV98S7gUDk

[2] https://nhandantv.vn/nhan-dien-mot-lien-minh-ma-quy-d193467.htm

[3] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/dau-la-te-bao-goc-cua-xa-hoi-nhom-loi-ich-post171210.gd?

[4] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/tran-danh-quyet-dinh-cong-pha-nhom-loi-ich-quan-doanh-post195180.gd

[5] https://tuoitre.vn/kien-nghi-lam-ro-trach-nhiem-bo-khoa-hoc-cong-nghe-bo-y-te-lien-quan-vu-viet-a-20220106143117562.htm

[6] https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/07/24/bai-3-the-che-viet-nam-truoc-yeu-cau-moi-nhung-van-de-dat-ra-can-bo-sung-phat-trien/

[7] https://vneconomy.vn/loi-ich-nhom-va-cai-cach-the-che.htm

[8] https://noichinh.vn/tin-quoc-te/202102/nhung-diem-noi-bat-cua-chi-so-cam-nhan-tham-nhung-2020-309148/

[9] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/gen-quy-hoach-post223653.gd

Xuân Dương