Liên kết đào tạo, treo bằng và các nút thắt quản lý (2)

30/03/2020 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Những kiến nghị liên quan đến quyền lợi của học viên cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội nhanh chóng xem xét.

(Tiếp theo phần 1)

Nút thắt thứ tư

Thông tin trên báo chí cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội và các bên liên quan, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất hướng giải quyết, cụ thể là lùi thời gian tổ chức hướng dẫn và bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của Đại học Kinh tế (thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội) đến 30/6/2015 (lùi 1 năm so với thời hạn xử lý sau thanh tra).

Cùng với việc giãn thời gian,  Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất:

1/ Công nhận sự tương đương văn bằng với tất cả những người có bằng tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Anh, người đã học và tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài mà ngôn ngữ giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh. 

2/ Chấp nhận kết quả thi đánh giá năng lực ngoại ngữ do đại diện của tổ chức khảo thí quốc tế đang được phép hoạt động tại Việt Nam tổ chức riêng cho các học viên dưới sự giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà không cần chứng chỉ TOEFL 530 hoặc IELTS 6.5.   

Ngày 28/11/2014, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng ý với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ này “Chủ trì phối hợp với tổ chức khảo thí quốc tế có uy tín trên thế giới được phép hoạt động tại Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức đánh giá năng lực Ngoại ngữ của các học viên, bảo đảm kết quả đánh giá nghiêm túc, chính xác theo quy định pháp luật”. [6]

Giám đốc đại học vùng được quyết định cho phép mở ngành đào tạo
Giám đốc đại học vùng được quyết định cho phép mở ngành đào tạo

Từ chỗ yêu cầu chứng chỉ TOEFL 530 hoặc IELTS 6.5, rõ ràng là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “xuống thang” nhằm gỡ bế tắc cho mấy nghìn học viên này.

Tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước, không phải là cơ sở giáo dục đại học nên không thể đứng ra tổ chức “đánh giá năng lực Ngoại ngữ của các học viên” mà chỉ có thể “chủ trì phối hợp”.

Trách nhiệm chính thuộc về Đại học Quốc gia Hà Nội, vậy trường này đã để xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tìm “Tổ chức khảo thí quốc tế có uy tín trên thế giới được phép hoạt động tại Việt Nam” hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tìm nhưng trường không chấp nhận?

Với phát biểu của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo về chứng chỉ ngoại ngữ giả, liệu có chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục xuống thang lần nữa khi công nhận chứng chỉ ngoại ngữ do các cơ sở trong nước cấp nhưng số học viên liên quan vẫn không đáp ứng?

Không có văn bản “đánh giá năng lực Ngoại ngữ” nghĩa là các học viên không có chứng chỉ TOEFL 530, IELTS 6.5 hoặc chứng chỉ ngoại ngữ thi trong nước theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ nhưng vẫn đòi hỏi phải được công nhận văn bằng, vậy có phải những “quan học viên” này muốn cơ quan nhà nước phải nghe lời họ?

Và thêm nữa, những người đồng tình với quan điểm của vị đại diện cựu học viên MBA Đại học Griggs tại Việt Nam muốn gì?

Thay vì đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhanh chóng sửa các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với “quyền lợi” của mình, tại sao các học viên Đại học Griggs và các tổ chức, cá nhân đồng tình với quan điểm của họ không yêu cầu Đại học Griggs bãi bỏ tiêu chuẩn ngoại ngữ mà đại học này đã đưa ra?

Nút thắt thứ năm

Đây là một câu hỏi không thể không nêu với các vị lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội thời kỳ vụ việc xảy ra:

Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) do Đại học Griggs, Hoa Kỳ liên kết với một số đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội được triển khai từ tháng 11/2007. 

Ba lớp đầu tiên của chương trình này Gemba01.01, Gemba01.02, Gemba01.03 thuộc trách nhiệm quản lý của Khoa Sau đại học. 

Các lớp tuyển sinh sau ba lớp trên thuộc trách nhiệm quản lí của Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC). [7]

Với hơn 3.000 học viên nhập học từ năm 2007 đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc (năm 2012), nếu quá trình liên kết xuôi chèo mát mái thì mỗi năm chỉ cần một cơ sở liên kết đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (Khoa Sau đại học hoặc ETC) đã có thể cho “ra lò” hơn 600 thạc sĩ! 

Hiệu suất làm việc cao ngất trời như vậy bắt nguồn từ đâu?

Và điều này có gợi cho những người có lương tri câu chuyện “Lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ” tại một đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từ mấy năm trước?

Đất nước và nhân dân được gì, mất gì từ những “lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ” này?

Ảnh chụp màn hình chương trình “Chuyển động 365” trên truyền hình Quốc hội.
Ảnh chụp màn hình chương trình “Chuyển động 365” trên truyền hình Quốc hội.

Truyền hình Quốc hội, chuyên mục “Chuyển động 365” ngày 24/03/2020 thống kê tổng cộng có 08 chương trình liên kết đào tạo giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với đối tác nước ngoài, số học viên theo học các chương trình này là 6.520 người (đại học và thạc sĩ), tổng học phí học viên phải nộp là 1.263 tỷ đồng (làm tròn).

Ngoài học phí, mỗi học viên còn phải nộp thêm 50 triệu đồng gọi là “chi phí khác”, tổng cộng là hơn 300 tỷ đồng. [8]

Tổng mức “thiệt hại xã hội” như đánh giá trong phóng sự là gần 1.600 tỷ đồng.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ:

Vụ việc diễn ra từ năm 2007 và được Thanh tra Chính phủ thanh tra vào năm 2012.

Từ năm 2007 đến năm 2012, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội là ông Mai Trọng Nhuận (một trong các Phó Giám đốc là ông Vũ Minh Giang), từ năm 2013 đến 2016 là ông Phùng Xuân Nhạ. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thời kỳ này là các ông Nguyễn Thiện Nhân (2006-2010) và Phạm Vũ Luận (2010-2016).

Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ!
Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ!

Khi các phương tiện truyền thông tập trung nêu trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội thì có phải đã “quên” trách nhiệm của người đứng đầu hai cơ quan này trong thời kỳ xảy ra vụ việc?

Xin trích ý kiến của ông Vũ Minh Giang:

“Bằng cấp của chương trình liên kết đào tạo do nước ngoài cấp thì phải theo quy định của nước ngoài, chứ không thể lấy quy chế đào tạo của Việt Nam để áp vào các chương trình đào tạo của nước ngoài.

Kết luận của TTCP không am hiểu hệ thống giáo dục Việt Nam, thẩm quyền Đại học Quốc gia Hà Nội nên vận dụng quy định của Việt Nam áp dụng với các trường ĐH nước ngoài...”. [9]

Phát biểu nêu trên (từ năm 2012) hé lộ một chuyện, đó là “thẩm quyền Đại học Quốc gia Hà Nội”, và phải chăng nhà khoa học có tiếng tăm này không biết đến quy định của chính Đại học Griggs về trình độ ngoại ngữ, phải chăng ông Giang am hiểu hơn Thanh tra Chính phủ về “hệ thống giáo dục Việt Nam”?

Trong liên kết đào tạo, không thể có chuyện cơ sở giáo dục đại học nước ngoài “ăn cả” mà không có phần của cơ sở giáo dục đại học trong nước, vậy 1.263 tỷ học phí thu của học viên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận được bao nhiêu và hạch toán công khai thế nào?

Thêm nữa, với khoảng 320 tỷ “chi phí khác” thu được chỉ trong vòng 5 năm, Đại học Quốc gia Hà Nội đã sử dụng để làm những việc gì?

Vì sao ngoài học phí, học viên lại phải nộp thêm 50 triệu đồng cho mỗi khóa đào tạo?

Liệu những khoản tiền “gây choáng” này có phải là động lực khiến chuyện liên kết đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển rầm rộ đến mức khó tưởng tượng?

Một số nhận định không nhất quán trong các bài báo của cùng một cơ quan hiện tồn tại song song khiến dư luận không biết lẽ phải thuộc về bên nào, chẳng hạn ý kiến trong phóng sự điều tra [1] khác với nhận định trong phóng sự [8], cụ thể:

“Đại học Quốc gia Hà Nội được coi là đơn vị uy tín đào tạo số một của cả nước thế nhưng đáng buồn khi uy tín đó đang bị bào mòn bởi chính các điểm đen về liên kết đào tạo. 

Không chỉ né tránh đối thoại trực tiếp với các học viên, có dấu hiệu cho thấy Đại học Quốc gia Hà Nội đang tìm cách tiếp tục tìm cách rút tiền từ học viên của các chương trình liên kết đào tạo chưa được công nhận văn bằng này… 

Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có được lợi ích rất lớn từ những sai phạm do mình tạo ra…”. [8]

Chừng nào Thanh tra Chính phủ chưa đưa ra kết luận mới thì “Kết luận thanh tra số 1376/KL-TTCP” ban hành ngày 08/06/2012 cần được xem là kết luận cuối cùng và các bên liên quan cần tìm biện pháp thực hiện nghiêm chỉnh kết luận này.

Câu hỏi cuối cùng là vì sao Thanh tra Chính phủ đã kết luận mà đến thời điểm này lại bùng phát những quan điểm trái chiều từ chính các cơ quan truyền thông nhà nước? 

Liệu chỉ đơn giản là sử dụng truyền thông để đòi hỏi quyền lợi cho một “nhóm lợi ích” hay còn nhằm vào một số đối tượng nào đó trước các cuộc bầu cử?

Dưới bất kỳ góc độ nào, những kiến nghị liên quan đến quyền lợi của học viên cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội nhanh chóng xem xét. 

Tuy nhiên không thể khắc phục những sai phạm đã diễn ra bằng cách tiếp tục các sai phạm mới.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://quochoitv.vn/Videos/chuong-trinh-21h/2019/12/go-nut-that-cong-nhan-van-bang-chuong-trinh-lkdt-griggs-%E2%80%93-dhqghn/289561

[2] https://tuoitre.vn/khong-cong-nhan-2000-bang-cu-nhan-thac-si-497406.htm

[3] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-gd-dt-giu-nguyen-quan-diem-xu-ly-van-bang-thac-sy-dh-quoc-gia-ha-noi-1376759072.htm

[4]https://tuoitre.vn/dung-chung-chi-ngoai-ngu-gia-de-xin-cong-nhan-bang-cap-582840.htm

[5] https://laodong.vn/giao-duc/gs-pham-minh-hac--nguyen-bo-truong-bo-gddt-da-tung-phat-hien-10000-bang-gia-trong-1-nam-566972.ldo

[6]https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/sau-thanh-tra/cham-xu-ly-sai-pham-trong-lien-ket-dao-tao_t114c1142n89221

[7] https://vnu.edu.vn/home/?C2083/N6425/Hoi_dap-ve-chuong-trinh-lien-ket-dao-tao-giua-dHQGHN-voi-dH-Griggs-(Hoa-Ky).htm

[8] http://quochoitv.vn/Videos/chuyen-dong-365/2020/3/chuyen-dong-365-ngay-24-03-2020/312033

[9] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dhqg-ha-noi-mong-duoc-doi-thoai-voi-thanh-tra-chinh-phu-77360.html

Xuân Dương