Làng Vũ Đại ở Diên Hồng (1)

18/06/2020 06:15
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liệu thói trọng cung (lời nói) hơn trọng chứng mà báo chí phê phán khá mạnh mẽ có phải đang được áp dụng không chỉ khi xét xử tại tòa mà còn cả khi tranh biện?

Báo chí đưa tin trong phiên thảo luận tại Hội trường về “Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước,…” diễn ra ngày 13/06/2020, các “Đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt vụ Hồ Duy Hải và nhiều kỳ án khác”. [1]

Cứ tưởng từ ngữ báo chí sử dụng năm nay đã được “mềm hóa”, bởi năm 2019 nhiều báo chạy tít “Tranh luận nảy lửa…”, “Tranh cãi nảy lửa…”, “Đối đáp nảy lửa…”,... nhưng hóa ra không phải.

Vẫn có những vụ “nảy lửa” mà số người tham gia không dừng ở con số một cho mỗi phía và đối tượng bị đem ra mổ xẻ không phải chỉ là cá nhân hay cơ quan mà là cả “nền tư pháp”, chẳng hạn: “Lại tranh luận nảy lửa tại Quốc hội về uy tín nền tư pháp”. [2]

Thói quen “Ăn cây nào, rào cây nấy” của người Việt có phải là thói cũ (hay thói xấu?) cần phải vứt bỏ, nhất là khi nó được phơi bày ngay tại Hội trường Diên Hồng?

Độ mạnh của từ ngữ, tức là “cường độ” của ngôn từ mà các đại biểu Quốc hội sử dụng tăng, giảm hay “giữ ổn định” không còn là vấn đề được nhiều người quan tâm, điều được cả xã hội chú ý là biểu hiện “rào dậu” của một số quan chức khối hành pháp, tư pháp ngay cả khi mang danh đại biểu Quốc hội.

Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng dẫn ý kiến của “nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước đã về hưu”, rằng “Chưa từng bao giờ thấy niềm tin đối với nền tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ”.

Để cho chính xác, đoạn văn trên được nghe đi nghe lại nhiều lần từ clip ghi phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng phát trên VTV1 [2].

Tuy nhiên khi phản biện tại hội trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương đã tự chuyển hóa lời ông Nhưỡng thành:

“Chưa bao giờ uy tín của ngành Tư pháp thấp như bây giờ”. [2]

Một số báo khi tường thuật lời ông Nhưỡng đã vô tư cắt bỏ các từ “đối với nền”, và biến cụm từ “Niềm tin đối với nền tư pháp” thành “Niềm tin tư pháp”.

(Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn)

(Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn)

Những khác biệt bé như “cái móng tay” giữa “Niềm tin đối với nền tư pháp” và “Niềm tin tư pháp” hay giữa “niềm tin đối với nền tư pháp” và “uy tín của ngành Tư pháp” hiện hữu ngay tại Hội trường Diên Hồng, trên các trang báo chưa cho thấy bức tranh toàn cảnh về các phát biểu và phản biện nếu không tiếp tục tìm thêm dẫn chứng khác.

Từ các vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước,..., phát biểu của đại biểu Hoàng Đức Thắng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - cũng không kém phần “nảy lửa”:

“Những vụ án này là phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp”. [3]

Không thể phủ nhận những cố gắng, những thành tích mà ngành Tư pháp đạt được sau mấy chục năm đổi mới tư pháp.

Tuy nhiên, có một sự thật khi nói đến hoạt động tư pháp trong những năm gần đây, bên cạnh những oan khuất ngút trời của các công dân Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Thêm,… thì dư luận cũng thấy xuất hiện tên một vài vị thẩm phán mà tiêu biểu là ông Lê Viết Hòa - Phó chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước.

Ông Hòa đã tham gia xét xử phúc thẩm 2 vụ án, sau khi tòa công bố bản án, hai người dân liên quan đến các bản án mà ông Hòa là thẩm phán được cho là đã tự sát.

Vậy những bản án oan ức mà công dân phải gánh chịu đến từ đâu?

Qua phát biểu của một số lãnh đạo Tòa án, đồng thời cũng là Đại biểu Quốc hội thì nguyên nhân không phải là do vấn đề nội tại của riêng nền tư pháp mà ở chỗ “quyền lực Nhà nước là thống nhất” và “có nhiều thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước”.

Cụ thể là ông Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm về ngành Tư pháp:

“Hiến pháp quy định quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước, giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp…

Hiện nay có nhiều thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước đòi tam quyền phân lập nên cần hết sức cảnh giác”. [4]

Không biết có phải ông Phạm Hồng Phong muốn diễn giải, rằng dù có “phân công phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan” thì quyền lực Nhà nước vẫn “thống nhất”, vẫn quy về một mối, không có bất kỳ cơ quan nào được phép vượt ra ngoài khuôn khổ bởi Việt Nam không theo cơ chế tam quyền phân lập, điều mà nhiều thế lực thù địch đang đòi hỏi?

Thêm nữa, có phải ông Phó Chánh án Phạm Hồng Phong cho rằng bất kỳ ý kiến nào, dù mang tính khoa học nhưng nói đến tam quyền phân lập đều là “thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước”?

Tóm lại, hàm ý toát ra từ phát biểu của ông Phạm Hồng Phong có phải là không thể quy trách nhiệm cho riêng nền tư pháp?

Vậy phải chăng đó là trách nhiệm của “Hệ điều hành”?

Năm năm trước, vào năm 2015 một bài báo đưa thông tin: “Đại biểu Quốc hội tính tỷ lệ án oan sai là 28%, Chánh án Tòa án Tối cao nói chỉ có 0,6%”. [5]

Cũng trong thời gian này, Thoibaotaichinhvietnam.vn cơ quan của Bộ Tài chính thống kê “82 vụ án có dấu hiệu oan sai trong 3 năm qua”. [6]

Lùi xa hơn, vào năm 2008, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng khi trao đổi với báo chí cho biết đã có trên 11.000 đơn khiếu nại, đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án đã có hiệu lực.

Thực tế các cơ quan tố tụng đã xem xét 5.000 đơn và chấp nhận kháng nghị 800 đơn, tức là phải tổ chức khoảng 800 phiên tòa giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Mỗi phiên tòa “mở thêm” ấy tốn bao nhiêu tiền?

Dù kết quả các phiên này thế nào thì chỉ với việc chấp nhận kháng nghị đã cho thấy tỷ lệ án oan, sai là rất cao, báo Tienphong.vn viết “Tỷ lệ có oan sai rất cao, trên 10%”. [7]

Mô tả của Tienphong.vn có vẻ không phù hợp với dân khoa học, công nghệ, cũng khác nhiều so với cách hiểu của dân chúng.

Theo “cái lý” của dân thì 800 trên 5.000 là 16%, con số 16% khi nói theo cách ước lượng sẽ là “gần 20%” (án oan sai) chứ không ai lại nói là “hơn 10%”!

Chấp nhận tỷ lệ 16% oan sai cho cả 11.000 trường hợp thì có nghĩa là khoảng gần 2.000 con người, cũng có nghĩa là gần 2.000 gia đình người dân bị oan khuất, thế là ít hay nhiều?

Trong số các cơ quan tham gia tố tụng, không hiểu sao phản ứng mạnh với phát biểu của đại biểu Quốc hội về “nền tư pháp” lại đến từ một số lãnh đạo và đơn vị thuộc tòa án?

Có thể kể một số ý kiến đã công bố:

“Nhiễu thông tin; Truyền thông bẩn đã làm ảnh hưởng đến chính trị và cả nền tư pháp”. [8]

“Chỉ đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền tư pháp là chưa đúng”. [9]

“Nguy hiểm hơn, có một vài đại biểu Quốc hội, chính thức là có 3 đại biểu Quốc hội phát biểu không đúng với nội dung của vụ án, đưa ra nhận xét chủ quan, dựa vào thông tin trên mạng xã hội, vấn đề này làm phức tạp thêm tình hình”. [10]

Một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, một đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, kiên định phương châm “do dân và vì dân”, thực hiện đúng lời huấn thị của Hồ Chủ tịch là “công bộc của dân” liệu có thể dễ dàng bị “Truyền thông bẩn” làm hoen ố như ý kiến người trong cuộc?

Những chiếc bình gốm cổ dẫu có bị chôn vùi hàng nghìn năm dưới đất hay trong lòng biển vẫn sáng đẹp như mới sản xuất.

Chẳng nhẽ một nền tư pháp dễ bị “truyền thông bẩn” làm hoen ố lại lại xứng đáng là “chiếc bình” phải nâng niu khi … đánh chuột?

Và quan trọng hơn, có phải dựa vào kinh nghiệm xử lý nhiều vụ án nên bài báo [8] đủ cơ sở để kết luận, rằng “Truyền thông bẩn” có thể làm “ảnh hưởng đến chính trị” chứ không chỉ tư pháp!

Liệu con số 16% bản án bị oan sai, “82 vụ án có dấu hiệu oan sai” nêu trên có phải là hiện tượng cá biệt như ý kiến đã nêu?

Nếu đó đúng là cá biệt thì bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu vụ việc oan sai mới “xứng đáng” xếp vào hàng ngũ “không cá biệt”?

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, đại diện cho quyền lực của nhân dân, ngồi trong hội trường Diên Hồng không phải là ngồi trong các mảnh vườn được rào dậu và gắn biển Lập pháp, Hành pháp hay Tư pháp.

Không hiểu được điều đó thì có nên đeo phù hiệu đại biểu Quốc hội?

Tranh biện tại diễn đàn Quốc hội mà dùng hình thức quy chụp, thậm chí là công kích, hạ thấp uy tín đối phương không phải là điều nên được khích lệ.

Liệu thói trọng cung (lời nói) hơn trọng chứng mà báo chí phê phán khá mạnh mẽ có phải đang được áp dụng không chỉ khi xét xử tại tòa mà còn cả khi tranh biện?

Thực lòng người viết lại cảm thấy mừng khi các góc cạnh của “tảng băng tư pháp” được phơi bày tại nghị trường, bởi có một chân lý đơn giản “Chỉ trong đêm tối tăm nhất mới có thể thấy ngôi sao sáng nhất”.

Người dân chắc chắn biết “ngôi sao sáng nhất” theo mách bảo của trái tim mình, và vì thế cứ ngu ngơ, rằng “sao nào mà chả sáng” liệu có phải quê gốc ở Vũ Đại?

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[1] https://plo.vn/thoi-su/dai-bieu-tranh-luan-gay-gat-vu-ho-duy-hai-va-nhieu-ky-an-khac-918386.html

[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tranh-luan-nay-lua-tai-quoc-hoi-ve-uy-tin-nen-tu-phap-trong-vu-an-ho-duy-hai-648934.html

[3] https://vnexpress.net/dung-muon-bong-ma-the-luc-thu-dich-de-cong-kich-nguoi-gop-y-4116035.html

[4] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/pho-chanh-an-toa-cap-cao-tranh-luan-voi-dbqh-mot-loat-vu-an-nong-648660.html#inner-article

[5] https://baoxaydung.com.vn/dai-bieu-tinh-ty-le-an-sai-28-chanh-an-toi-cao-noi-chi-06-145029.html

[6] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su-chinh-tri/2015-01-17/82-vu-an-co-dau-hieu-oan-sai-trong-3-nam-qua-17240.aspx

[7] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ty-le-an-oan-sai-tren-10-141406.tpo

[8] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/cong-dan-va-phap-luat-2/vu-an-ho-duy-hai-nhieu-thong-tin-truyen-thong-ban-da-lam-anh-huong-den-chinh-tri-va-ca-nen-tu-phap

[9] http://congan.com.vn/tin-chinh/dbqh-khong-the-vo-cam-voi-nhan-dan_94307.html

[10] https://www.baogiaothong.vn/ba-dai-bieu-quoc-hoi-len-tieng-ve-phat-ngon-nguy-hiem-vu-an-ho-duy-hai-d465049.html

Xuân Dương