Không dám trấn áp tội phạm, dân chúng không cần những người như đại úy Lâm

24/05/2021 08:52
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giữa người tài xế bị thương vẫn lao vào không chế tội phạm và đại úy công an đứng gọi điện thoại bên đường ai đúng, ai sai khỏi cần phải bàn luận.

Người viết đến trụ sở công an xã làm căn cước công dân có gắn chip, sau dãy bàn làm việc có ba người ngồi, một người kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, một người chụp ảnh và người một lấy vân tay. Bàn phía cửa ra có một nữ đại úy ngồi nhận những giấy tờ chuyển tới và thu 35.000 đồng lệ phí.

Bên dãy bàn dài hai người mặc cảnh phục ngồi hai bên, người chụp ảnh ngồi giữa mặc thường phục nên không biết người đó là công an hay dân thường.

Thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở hoặc ngoài thực địa, khi nào thì cán bộ, chiến sĩ công an được phép mặc thường phục tiếp xúc với người dân?

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh một người mặc áo dân thường, quần màu xanh công an thản nhiên bấm điện thoại khi trước mặt là một người dân vật lộn với tên cướp.

Nhìn người đàn ông trẻ tuổi, bụng béo đến mức chiếc áo chật căng kéo ra phía bụng thật khó đoán đó là một sĩ quan công an. Tuy nhiên ngay sau đó danh tính người này đã được phát hiện, đó là đại úy Nguyễn Văn Lâm (36 tuổi, cán bộ Công an xã Cự Khê), thuộc biên chế công an huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Phải chăng với chiếc bụng “đẫy đà” như vậy, việc tham gia vật lộn bắt cướp là bất khả thi nên vị đại úy này chỉ còn cách gọi điện thoại nhờ “chi viện”?

Đại úy Lâm sử dụng điện thoại khi người dân vật lộn với kẻ cướp

Đại úy Lâm sử dụng điện thoại khi người dân vật lộn với kẻ cướp

Báo chí tường thuật ý kiến của Trưởng Công an huyện Thanh Oai: “Chiều 16/05/2021, Đại uý Nguyễn Văn Lâm trên đường đi làm nhiệm vụ về gặp vụ việc tài xế taxi bắt cướp”. [1]

Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam Vov.vn trong bài “CSGT bụng “phệ” ở Hà Nội sẽ phải chuyển về làm ở văn phòng” viết: “Những người bụng béo phải rèn luyện sức khoẻ và có hình thức tốt mới được ra ngoài làm nhiệm vụ”. [2]

Vậy cơ quan chức năng có nên giải thích với dân chúng hai câu hỏi sau đây:

Thứ nhất, “Đại uý Nguyễn Văn Lâm trên đường đi làm nhiệm vụ”, vậy nhiệm vụ này có cần thiết phải “hóa trang” áo dân thường, quần công an, đầu đội mũ bảo hiểm xe máy?

Thứ hai, “Những người bụng béo” mà Vov.vn đề cập có phải chỉ giới hạn trong lực lượng cảnh sát giao thông hay cũng áp dụng cho cả tất cả công an được đưa đến địa bàn ngoài trụ sở cơ quan làm việc?

Theo lời lãnh đạo Công an Thanh Oai, đại úy Nguyễn Văn Lâm không phải đang trong thời gian “nghỉ tự do” mà là “trên đường đi làm nhiệm vụ về”.

Xin nói thêm về “Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân”.

Năm 2012 Bộ Công an đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BCA về “Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân”, năm 2015 ban hành văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BCA và năm 2019 đã công bố dự thảo (lần thứ 2) về về “Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân”

Theo quy định trong các văn bản này thì:

“Cán bộ chiến sĩ mặc trang phục Công an nhân dân phải đồng bộ, thống nhất, gọn gàng, sạch sẽ, là phẳng, cài đủ cúc, khóa; đeo cành tùng đơn, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, ký hiệu, dây lưng, caravát…”.

Quy định này khẳng định cán bộ chiến sĩ mặc trang phục công an phải “đồng bộ” không được phép mặc “nửa nọ, nửa kia” như ảnh chụp đại úy Nguyễn Văn Lâm.

Khoản 1, điều 35, Thông tư 17/2012/TT-BCA và dự thảo Thông tư (lần 2) năm 2019 quy định “Mặc thường phục” như sau:

“1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ được mặc thường phục trong các trường hợp sau đây:

a) Do yêu cầu công tác hoặc cần xã hội hóa phải được thủ trưởng cấp Cục trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định;

b) Cán bộ, chiến sĩ tạm tuyển;

c) Công nhân Công an;

d) Cán bộ, chiến sĩ nữ khi mang thai từ tháng thứ 3 đến khi sinh con được 6 tháng tuổi;

đ) Cán bộ, chiến sĩ chưa được cấp trang phục Công an”.

Vậy đại úy Nguyễn Văn Lâm có được phép của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội hoặc thủ trưởng cấp Cục trực thuộc Bộ cho phép mặc “thường phục” trong khi làm nhiệm vụ?

Có thể thấy vị đại úy này không chỉ không hoàn thành chức trách người sĩ quan công an nhân dân là phải kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản người dân mà còn vi phạm điều lệnh nội vụ của ngành Công an khi chỉ mặc một nửa trang phục công an trong quá trình làm nhiệm vụ.

Chuyện hành xử của đại úy Nguyễn Văn Lâm khiến dân chúng nhớ lại một chuyện tương tự mà báo Cand.com.vn tường thuật:

“Khi đối tượng ghì đè cô gái xuống mặt đường, đâm nạn nhân thì cảnh sát giao thông đã tiếp cận, đứng cách nơi đối tượng đang gây án khoảng dăm mét. Nhiều người dân cũng đã dừng xe, đứng quan sát nhưng không tiếp cận lại gần. Cảnh sát giao thông dùng gậy ra hiệu, đồng thời lấy điện thoại gọi. Sau khoảng ít phút, xe chuyên dụng của Cảnh sát tới hiện trường, lúc này cả đối tượng và nạn nhân đã nằm bất tỉnh”. [3]

Cảnh sát giao thông được mô tả trong bài báo là trung tá Nguyễn Chí Kiều, cán bộ Đội Tuần tra kiểm soát nội tỉnh và dẫn đoàn, Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Bình.

Tác giả bài báo [3] nêu ý kiến: “Trong một tình huống cụ thể, nguy hiểm đến tính mạng như vụ án này mà liều lĩnh lao vào trong khi điều kiện không cho phép, thấy mình không đủ khả năng thì sự hi sinh xảy ra, hậu quả thiệt mạng nhiều người thì sự dũng cảm đó không phải là hành động cần khuyến khích”.

Đến đây thì không thể không nêu câu hỏi vì sao hai sĩ quan công an là đại úy Lâm, trung tá Kiều đều chọn phương án gọi điện cho lực lượng hỗ trợ mà không tham gia trấn áp tội phạm trong khi tội phạm chỉ có vũ khí lạnh (dao, kéo) chứ không phải vũ khí nóng.

Trong khi theo Tạp chí Cảnh sát nhân dân, trong thực tiễn chiến đấu, lực lượng Công an nhân dân luôn phải đối diện các đối tượng côn đồ hung hãn sử dụng vũ khí “nóng”, hoạt động theo kiểu băng ổ nhóm tội phạm nhằm bao vây, khống chế và gây khó khăn cho người chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, thậm chí tước đi mạng sống của họ.

Chính vì vậy, bên cạnh việc học tập, nâng cao kiến thức nghiệp vụ, mỗi học viên phải thường xuyên rèn luyện, trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức võ thuật Công an nhân dân (CAND), biết cách sử dụng, vận dụng linh hoạt sáng tạo trong từng hoàn cảnh, đối tượng nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đồng thời, họ bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân và đồng đội. [4]

Liệu có khả năng 2 vị cảnh sát giao thông và cảnh sát khu vực trong vụ việc nêu trên đều không học võ thuật đến nơi đến chốn, nên đấu tay không với bọn tội phạm tiềm ẩn nguy cơ “thiệt mạng nhiều người” và “đó không phải là hành động cần khuyến khích” như tác giả bài báo trên Cand.com.vn đã viết?

Cân nhắc khả năng bản thân và kẻ địch, nếu cảm thấy không thể thắng đối thủ thì gọi viện trợ xem là có vẻ “hợp tình”, chỉ tiếc rằng sự “hợp tình” này giúp bảo vệ tính mạng trung tá Kiều (có thể là cả đại úy Lâm) nhưng bỏ mặc người phụ nữ bị kẻ thủ ác giết hại.

Giữa người tài xế bị thương vẫn lao vào không chế tội phạm và đại úy công an đứng gọi điện thoại bên đường ai đúng, ai sai khỏi cần phải bàn luận.

Cả đại úy Lâm và trung tá Kiều đều thuộc lực lượng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” nhưng lại không thể (hay không dám) trấn áp tội phạm bảo vệ tính mạng người dân thì dân chúng có cần hai vị “công bộc” như vậy?

Nếu dân chúng không cần thì giải quyết thế nào?

Chỉ hy vọng những câu chuyện buồn này sẽ không lặp lại.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/noi-dung-giai-trinh-cua-dai-uy-dung-nhin-dan-bat-cuop-737683.html#inner-article

[2] https://vov.vn/xa-hoi/csgt-bung-phe-o-ha-noi-se-phai-chuyen-ve-lam-o-van-phong-498131.vov

[3] http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Vu-CSGT-trong-clip-hung-thu-giet-ban-gai-Can-cach-nhin-khach-quan-539873/

[4] http://csnd.vn/Home/Tags/2374/vo-thuat-Cong-an-nhan-dan

Xuân Dương