Giáo dục, Sandbox và Thiếu quân tử

17/02/2020 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang mặc nhiên coi những bộ sách đã được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phê duyệt là “Quốc sách” – tức là bộ sách quốc gia.

Xin dành vài dòng để giải thích hai cụm từ dùng trong tít bài này:

“Sandbox” nghĩa đen là “Hộp cát”, đây là thuật ngữ được dùng nhiều trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin sau đó mở rộng sang Quản trị hệ thống.

Sandbox được sử dụng khi thử nghiệm sáng tạo mới nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cả hệ thống (trong đó có Hệ điều hành – Operating System) bằng cách cách ly môi trường thử nghiệm với phần còn lại.

Nói một cách đơn giản, nếu không chắc chắn khả năng các sáng tạo mới thành công thì cho thử nghiệm trong môi trường cách ly, giống như cái gì không quản được hoặc chưa biết quản thế nào thì cứ cho nó phát triển tự do trong môi trường hẹp, được cách ly và được theo dõi cẩn thận.

Kỳ thị hoặc cấm tuyệt đối sẽ giết chết sáng tạo.

“Thiếu quân tử” không phải là không “quân tử”, chữ “thiếu” ở đây được hiểu như trong các cụm từ “Thiếu sinh quân”, “Thiếu gia”,… nghĩa là còn non, chưa đủ độ “quân tử”.

Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đang buông bỏ trách nhiệm!

Thiếu quân tử cũng không phải “Ngụy quân tử” vì giang hồ chính đạo đánh giá bọn ngụy quân tử còn xấu xa, đê tiện hơn cả “Chân tiểu nhân”.

Thế thì Sandbox và Thiếu quân tử liên quan gì đến Giáo dục?

“Để triển khai chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Ban Chỉ đạo đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; Ban Phát triển chương trình các môn học và hoạt động giáo dục.

Đồng thời đã thành lập Hội quốc gia thẩm định chương trình tổng thể và Hội đồng quốc gia thẩm định các chương trình môn học”. [1]

Từ năm học 2020-2021 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Từ năm học 2020-2021 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Được biết Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN quy định việc “Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm: Đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia; dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia; đề án khoa học cấp quốc gia; dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia”.

Vậy việc xây dựng Chương trình khung về giáo dục và đào tạo, việc biên soạn sách giáo khoa có phải là nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia? Nếu không phải thì thuộc loại gì?

Câu chuyện đang nhận được sự quan tâm của nhiều người về lựa chọn sách giáo khoa cho các lớp bậc học phổ thông (trước mắt là lớp 1) nói lên điều gì?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang mặc nhiên coi những bộ sách đã được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phê duyệt là “Quốc sách” – tức là bộ sách quốc gia.

Ít nhất là đến năm 2025, hàng chục triệu thày cô và học sinh chỉ được phép lựa chọn dạy và học trong cái tạm gọi là “Quốc sách” đó.

Trong khi đang có ý kiến ì xèo so sánh bộ sách của nhóm này với sách của nhóm khác, trong khi Hội đồng thẩm định cũng chỉ là một số rất ít người được lựa chọn trong một nhóm người thì thử hỏi cả phía biên soạn lẫn phía thẩm định, ai dám khẳng định 100% rằng sách của họ hoặc do họ đưa vào diện “Quốc sách” sẽ đáp ứng mọi tiêu chí của một nền giáo dục tiên tiến, phù hợp với tình trạng kinh tế, xã hội trong vài chục năm tới đây của Việt Nam và đặc biệt là phù hợp với tâm – sinh lý học trò người Việt?

Microsoft là hãng thiết kế hệ điều hành nổi tiếng thế giới được Bill Gates và Paul Allen sáng lập vào năm 1975. Phải mất 6 năm hệ điều hành đầu tiên (DOS) mới ra đời vào năm 1981.

Với kinh nghiệm gần 40 năm thiết kế, thương mại hóa phần mềm nhưng mỗi phiên bản mới, trước khi chính thức phát hành, Microsoft đều có bản thử nghiệm (Demo - Demonstration) để người sử dụng (không phải chỉ là chuyên gia Công nghệ Thông tin) góp ý.

Giáo dục, Sandbox và Thiếu quân tử ảnh 2
Ông Ngô Trần Ái, sao ông lại như vậy?

Vậy việc áp dụng bộ sách mới theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thực hiện thế nào?

Vụ phó Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành thông báo:

“Sau khi biên soạn, bản thảo sách được đưa vào thực nghiệm ở một số trường phổ thông khi hết học kỳ 1 năm học 2019-2020…

Chúng tôi sẽ thực nghiệm nội dung mới, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học mới, đảm bảo bộ sách giáo khoa hỗ trợ tốt nhất cho việc dạy và học của thầy trò, để học sinh được thực hiện các hoạt động học một cách tích cực, chủ động và tự lực, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực”. [2]

Nếu đã “thực nghiệm” thì phải có tổng kết, đánh giá nội dung, chất lượng rồi mới nghĩ đến chuyện đưa ra đại trà.

Vậy nhưng vẫn theo ông Vụ phó Nguyễn Xuân Thành: “Trong năm 2019, Bộ lên kế hoạch tập huấn cho khoảng 70.000 giáo viên dạy lớp 1 trước để đảm bảo tiến độ”. [2]

Vì sao trong khi đang tiến hành “thực nghiệm ở một số trường phổ thông khi hết học kỳ 1 năm học 2019-2020” thì đã vội vã “tập huấn cho khoảng 70.000 giáo viên dạy lớp 1”?

Phải chăng “tiến độ” quan trọng hơn chất lượng hay một số vị ở Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chất lượng các bộ sách giáo khoa đã qua thẩm định là miễn bàn luận?

Đối với lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sử dụng 05 bộ sách giáo khoa với 32 tên sách (24 tên sách thuộc 4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 8 tên sách thuộc bộ sách mang tên Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh).

Tập huấn cho 70.000 người cần bao nhiêu tỷ đồng, và quan trọng là mỗi cơ sở giáo dục chọn một bộ sách trong số “quốc sách” nêu trên thì sau này đánh giá chất lượng các bộ sách thế nào?

Sách giáo khoa chỉ là một bộ phận trong chiến lược giáo dục và cả ngành giáo dục cũng chưa phải là “Hệ điều hành” quốc gia. Phải chăng vì thế việc chọn sách phổ thông có thể làm theo ý chí chủ quan của một nhóm người, cứ thử nghiệm nhưng chưa (hoặc không) nghĩ đến chuyện đánh giá kết quả?

Liệu ngành Giáo dục có đi vào vết xe đổ của chương trình thử nghiệm sách công nghệ giáo dục kéo dài 40 năm và vẫn còn đang tranh cãi?

Cứ cho rằng những người biên soạn sách và các chuyên gia thẩm định sách giáo khoa của Việt Nam có mấy chục năm kinh nghiệm thì việc thử nghiệm vẫn không phải là thừa.

Và quan trọng hơn, với chức năng quản lý nhà nước, vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không vận dụng “Sandbox”, tiến hành thử nghiệm trong phạm vi hẹp để đánh giá chất lượng sau đó đưa ra cho công chúng đánh giá tiếp trước khi áp dụng đại trà?

Bên cạnh vấn đề chuyên môn, cần nói thêm về khía cạnh pháp luật.

Có người dùng quyền uy để định hướng cho các nhà trường chọn sách giáo khoa?
Có người dùng quyền uy để định hướng cho các nhà trường chọn sách giáo khoa?

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành “thực nghiệm” chương trình và sách giáo khoa mới (như lời Vụ phó Nguyễn Xuân Thành) trên quy mô toàn quốc thì có cần tuân theo các quy định trong Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN nghĩa là khi kết thúc cần “Đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia (Điều 16)”?

Một khi những người/cơ quan liên quan (biên soạn, thẩm định và ra quyết định áp dụng sách giáo khoa) tiến hành “thực nghiệm” quy mô toàn quốc thì không thể không chú ý đến các cơ sở pháp lý.

Vậy ông Vụ phó Nguyễn Xuân Thành chỉ phát biểu quan điểm cá nhân hay dựa trên sự đồng ý của lãnh đạo Bộ khi công bố “thử nghiệm” sách giáo khoa lớp 1 (05 bộ) trên quy mô toàn quốc?

Nếu xảy ra bất cập, cho dù họ nhận trách nhiệm thì những thiệt hại (nếu có) đối với sự nghiệp giáo dục trong ngắn hạn, với sự phát triển của đất nước nhiều thập kỷ tới sẽ thế nào?

Vấn đề tiếp theo cũng nên làm cho sáng tỏ là vì sao một hoạt động vô cùng quan trọng, liên quan đến cả nền giáo dục lại do một ông Vụ phó “bật mí” chứ không phải là những lãnh đạo chủ chốt?

Như là một thông lệ, trả lời phỏng vấn, xuất hiện trước truyền thông đa phần là cấp phó; Tặng hoa, trao phần thưởng đa phần là cấp trưởng, phải chăng hiện tượng này là một biểu hiện của “Thiếu quân tử”?

Nói dễ bị sai, trao hoa, trao bằng, trao phần thưởng,… mấy khi sai?

Theo nguyên tắc khoa học thông thường, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch “thực nghiệm” chương trình khung và sách giáo khoa mới thì cũng phải có kế hoạch tổng kết, đánh giá quá trình thực nghiệm đó.

Kết quả tốt mới đưa ra đại trà, nếu xuất hiện các vấn đề thì phải dừng thực nghiệm để điều chỉnh lại.

Vậy những người chịu trách nhiệm có nên chuẩn bị đối diện với phương án thực nghiệm không thành công hay kiểu gì thì thực nghiệm cũng thắng lợi?

Liệu phương án cần chuẩn bị có phải là bàn giao cho “nhiệm kỳ sau” bởi chỉ còn mấy tháng?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://rgep.moet.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-mot-so-van-de-dang-luu-y-4817.html

[2] https://vnexpress.net/giao-duc/ban-thao-sach-giao-khoa-moi-duoc-thuc-nghiem-trong-nam-hoc-2019-2020-3900074.html

Xuân Dương