Giải thể Thời báo kinh tế Việt Nam, góc nhìn người ngoài cuộc

23/07/2020 06:01
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ bằng một quyết định đã xóa sổ biết bao công sức, trí tuệ, tâm huyết của cộng tác viên là các nhà khoa học, biên tập viên, phóng viên, nhân viên trong 30 năm.

Quy hoạch báo chí trong Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 03/04/2019 liên quan đến nhiều cơ quan truyền thông như báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói,…

Trên thế giới, báo in đang có nguy cơ “tuyệt chủng”, xu hướng quan tâm đến báo điện tử của người đọc khiến nhiều tờ báo in nổi tiếng trong, ngoài nước có “xu hướng số hóa” (going digital) hoặc hoàn toàn số hóa.

Nhiều ông lớn trong lĩnh vực báo in của Mỹ như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times... rơi vào khủng hoảng khi số lượng phát hành sụt giảm nghiêm trọng. Ngày 24/12/2012, tuần báo lớn thứ hai của Mỹ Newsweek ra số in cuối cùng.

Cùng một tờ báo, lượng người đọc phiên bản điện tử lớn gấp 2 đến 6 lần so với đọc bản in trên giấy, điều này đã được công bố trong một khảo sát của Hiệp hội báo in Hoa Kỳ (NNA) vào năm 2005. Theo xu thế, tỷ lệ này vào năm 2020 chỉ tăng chứ không giảm.

Tại Việt Nam, ngay từ năm 2013, một bài viết trên Nhandan.com.vn đề cập đến thực trạng của báo in như sau:

“Báo mạng với những tiện ích mà báo in khó có thể sánh được đã bùng nổ mạnh mẽ, khiến một số báo in không còn cách nào khác là phải giảm số lượng phát hành và ngậm ngùi nhường vị trí áp đảo cho báo mạng.

Không chỉ báo in, ngay cả hệ thống truyền hình và phát thanh cũng khó cạnh tranh với báo mạng bởi tính nhanh nhạy, tính tương tác và không gian không hạn định của loại hình báo chí này”. [1]

Trong tình hình đó, việc giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam, một tờ báo có thâm niên gần 30 năm hoạt động với khoảng 200 nhân sự khiến dư luận có nhiều bàn luận.

Trước hết, nói đến làm ăn kinh tế là nói đến thương hiệu, giá trị thương hiệu Apple năm 2018 là 182,8 tỷ USD; của Google là 132,1 tỷ USD,… [2]

Giải thể Thời báo kinh tế Việt Nam, góc nhìn người ngoài cuộc ảnh 1Việc giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam, một tờ báo có thâm niên gần 30 năm hoạt động với khoảng 200 nhân sự khiến dư luận có nhiều bàn luận. (Ảnh: Tienphong.vn)

Tại Việt Nam dẫn đầu về giá trị thương hiệu là Viettel (4,316 tỷ USD), thứ hai là VNPT (1.863 tỷ USD),… [3]

Lãnh đạo Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, những người quản lý trực tiếp tờ báo bị giải thể suy nghĩ gì về việc vứt bỏ một thương hiệu có uy tín, tồn tại mấy chục năm trong làng báo Việt Nam?

Lý do là phải theo quy hoạch báo chí hay còn những uẩn khúc không thể công khai nhưng được bàn luận râm ran trên mạng xã hội?

Chưa có một thống kê chính thức nào cho thấy các nhân sự khối ngành kinh tế đóng góp bao nhiêu phần trăm vào việc hình thành chủ trương chính sách, vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước từ khi cải cách, mở cửa.

Tuy nhiên đóng góp của các cơ sở giáo dục ngành kinh tế (bao gồm cả nước ngoài) trong việc hình thành đội ngũ cán bộ cao cấp tại Việt Nam lại là điều không thể phủ nhận.

Bằng chứng là rất nhiều cán bộ thuộc đủ mọi ngành, lĩnh vực trong hệ thống chính trị có học vị tiến sĩ kinh tế, thạc sĩ quản trị kinh doanh hoặc thạc sĩ quản lý kinh tế.

Tra cứu tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, mục “Tiểu sử lãnh đạo” thấy nguyên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các vị bộ trưởng Trấn Tuấn Anh, Mai Tiến Dũng, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Thiện đều có học vị tiến sĩ kinh tế; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có “Học vị Phó Tiến sỹ Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế” [4];

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà có học vị thạc sĩ kinh tế; Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh có học vị thạc sĩ quản trị kinh doanh;…

Với những thông tin nêu trên, rõ ràng là kiến thức thu nhận được trong lĩnh vực kinh tế đã góp phần hình thành một lực lượng lãnh đạo trong toàn bộ hệ thống chính trị mà các ngành khác như Nông nghiệp, Giao thông, Xây dựng,… không thể so sánh.

Vậy thì việc giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam phải chăng chỉ là tuân thủ quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông hay còn có gì đó khó hiểu không chỉ với những người ngoại đạo về kinh tế mà còn với chính các chuyên gia, nhà báo, nhà quản lý,… trong ngành?

Một số bài báo cho rằng Hội Khoa học kinh tế Việt Nam ra quyết định giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam, tờ báo có thời gian đồng hành cùng bạn đọc gần 30 năm, là một trong những tờ báo thành công tại Việt Nam là quyết định khá đột ngột. [5], [6]

Chỉ bằng một quyết định trên giấy đã xóa sổ biết bao công sức, trí tuệ, tâm huyết của cộng tác viên là các nhà khoa học, biên tập viên, phóng viên, nhân viên trong gần 30 năm lao động, tạo dựng nên một thương hiệu được dư luận đánh giá cao.

Dù sao thì sau khi giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam sẽ có sự thở phào nhẹ nhõm vì việc quy hoạch báo chí với các tổ chức tổ chức xã hội - nghề nghiệp (24 tổ chức) đã hoàn tất, nhưng hệ lụy với gần 200 nhân sự của báo này và gia đình họ lại chỉ mới bắt đầu.

Chiều 20/07/2020, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Thời báo Kinh tế Việt Nam đã gửi “Đơn đề nghị được cứu xét khẩn cấp” tới Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về việc thực hiện quy hoạch cơ quan Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Bản kiến nghị có đoạn: “Đến nay, dù đã hơn 7 tháng, hàng trăm người lao động của Thời báo Kinh tế Việt Nam mất việc làm nhưng vẫn luôn đồng lòng, tự trau dồi kiến thức, mong mỏi chờ đợi đến ngày Báo hoàn thành việc chuyển đổi, để tiếp tục được làm việc, được cống hiến vì sự phát triển của báo chí nước nhà”. [7]

Hiệu quả của quy hoạch báo chí có giúp làm lành mạnh làng báo Việt Nam có lẽ phải chờ đến hạn chót vào năm 2025.

Tuy nhiên có thể thấy số lượng các tổ chức xã hội-nghề nghiệp thực hiện quy hoạch (24) nhỏ hơn rất nhiều so với việc quy hoạch các cơ sở phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương.

Trước mắt có thể nhận thấy một vài sự thay đổi về hình thức, chẳng hạn giao diện các báo, tạp chí điện tử (đã hoàn tất chuyển đổi), từ “báo” biến thành “tạp chí”, tên cơ quan chủ quản mới xuất hiện cuối trang,…

Vấn đề nằm ở chỗ những thay đổi về chất và sự lành mạnh hóa truyền thông sau quy hoạch có được bảo đảm trong một thời gian dài khi mà đất nước đang có những cải cách mạnh mẽ về thể chế kinh tế và thể chế chính trị?

Bài viết “Vai trò của Quốc hội Việt Nam trong cải cách thể chế, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập trong thời kỳ phát triển mới” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được lấy làm tựa đề cho cuốn sách “Dự báo 2020: Phá hủy/Tái thiết” - Thông tấn xã Việt Nam xuất bản, mua bản quyền nội dung của tổ chức truyền thông quốc tế Project Syndicate có đoạn:

“Mọi cải cách thể chế đều phải lấy con người làm trọng tâm, đều phải hướng tới mục tiêu tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người…

Việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định. Quy định quyền công dân đồng thời cũng quy định rõ nghĩa vụ của công dân”. [8]

Thật khó để nói sự phát triển kinh tế, xã hội và những cải cách thể chế trong tương lai sẽ không ảnh hưởng đến “tôn chỉ, mục đích” của cơ quan truyền thông.

Và con người, bằng quyết tâm và ý chí có thể đảo ngược các quy luật?

Nói cách khác, quy luật của sự phát triển xã hội loài người theo đường xoắn ốc có phải là quy luật chung chi phối mọi hoạt động do con người định đoạt, không phân biệt Đông hay Tây, Nam hay Bắc?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/B%c3%a1o-in-trong-th%e1%bb%9di-%c4%91%e1%ba%a1i-c%c3%b4ng-ngh%e1%bb%87-s%e1%bb%91-578396/

[2]http://vneconomy.vn/20-thuong-hieu-gia-tri-nhat-the-gioi-20180524143313522.htm

[3] https://baotainguyenmoitruong.vn/top-10-thuong-hieu-gia-tri-nhat-viet-nam-nam-2019-293671.html

[4]http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/tieusulanhdao?personProfileId=3411&govOrgId=2856

[5]http://www.thoivietbao.vn/thoi-bao-kinh-te-viet-nam-dot-ngot-giai-the-d142315.html

[6]https://tuoitre.vn/thoi-bao-kinh-te-viet-nam-dot-ngot-bi-giai-the-20200716093632679.htm

[7] https://viettimes.vn/nguoi-lao-dong-thoi-bao-kinh-te-viet-nam-gui-don-cuu-xet-khan-cap-488215.html

[8] http://special.vietnamplus.vn/quoc-hoi-va-cai-cach-the-che

Xuân Dương