Đường đã mở, người có mạnh dạn đi? (2)

06/08/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Muốn có những người mạnh dạn bước đi trên con đường sáng, có nhất thiết chỉ tuyển chọn trong hàng ngũ những người đã qua các trường lớp chính trị?

Khi đường lối đã sáng thì vấn đề còn lại là con người, là cán bộ.

Đường mở rồi, bao nhiêu người sẽ mạnh dạn bước trên con đường đó?

Ngay cả những người đã, đang và sẽ bước, bao nhiêu người tỉnh táo và quyết đoán, bao nhiêu người nhắm mắt mà đi, bao nhiêu người thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại, nuối tiếc một thời vàng son, thời “buôn chổi đót”, “chạy xe ôm” lấy tiền xây biệt phủ?

Trong chiến lược con người, chiếm vị trí quan trọng là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và đúng như lời Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Không xử lý cán bộ vi phạm mới tự đánh mất uy tín của mình”.

Trong vòng 2 năm rưỡi nhiệm kỳ Trung ương khóa 12, số liệu do Ban Nội chính Trung ương và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng công bố cho thấy các cơ quan chức năng đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự hơn 53.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đây là điều chưa từng xảy ra kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. [1], [2]

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu bị kết án tử hình vì tham ô và gây mất đoàn kết nội bộ.

Tội trạng của không ít người trong số những người bị xử lý kỷ luật trong hai năm rưỡi qua không nhẹ hơn Trần Dụ Châu, nhưng bao nhiêu trong số đó bị kỷ luật nghiêm khắc như Trần Dụ Châu?

Khi đường lối đã sáng thì vấn đề còn lại là con người, là cán bộ. (Ảnh minh họa: http://khoahocthoidai.vn)
Khi đường lối đã sáng thì vấn đề còn lại là con người, là cán bộ. (Ảnh minh họa: http://khoahocthoidai.vn)

Hình thức kỷ luật “gãi từ vai trở xuống” được duy trì một thời gian dài có phải là nguyên nhân khiến nhiều người nhờn, khiến có người nói thẳng: “Tôi nghỉ hưu hai năm rồi, giờ họ muốn xử thế nào thì xử”?

Khá đông cán bộ hiện nay bước vào chính trường khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới (1986), thời gian công tác của họ chừng 30 năm.

Cũng trong khoảng thời gian đó, đất nước xuất hiện “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất”, “một bầy sâu”, hàng đống “củi tươi, củi khô, củi vừa vừa”!

Nguyên nhân do “quy trình” bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ có vấn đề về định hướng và phương pháp thực hiện hay chủ yếu là do các cá nhân “tự diễn biến, tự chuyển hóa”?

Câu hỏi của cử tri với một vị từng là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: “Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, chị … ngồi ở đây cho biết đã làm được gì? Đã lo cho dân chúng tôi được cái gì, xin chị nói cho chúng tôi biết?” ngoài việc cho thấy niềm tin của người dân vào một bộ phận lãnh đạo đã suy giảm nghiêm trọng còn cho thấy tâm và tầm của khá nhiều cán bộ chưa đạt mức bình thường.

Ý kiến cho rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo từ địa phương đến trung ương yếu kém toàn diện, cả trình độ chuyên môn lẫn tư cách đạo đức không phải là không có cơ sở .

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn từng chủ biên cuốn sách chuyên khảo: “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”.

Cuốn sách được tác giả Bình Minh ca ngợi trên Infonet.vn ngày 08/11/2016 với những lời “có cánh” như sau:

“Với những đúc kết sâu sắc của tác giả, cuốn sách sẽ là cẩm nang quý giá cho mỗi cán bộ, đảng viên”. [3]

Đường đã mở, người có mạnh dạn đi? (1)
Đường đã mở, người có mạnh dạn đi? (1)

Cuốn sách sẽ là “cẩm nang quý giá cho cán bộ, đảng viên” thì chưa chắc nhưng bản thân Trương Minh Tuấn chắc chắn đang là “tấm gương” để nhiều người suy ngẫm.

 Tháng 2/2019 Trương Minh Tuấn bị bắt tạm giam với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và đến tháng 4/2019 bị bổ sung thêm tội danh “nhận hối lộ”.

Gần đây, một số nhận định thẳng thắn và rất có trách nhiệm đã được đề cập:

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu ý kiến:

“Phải làm sao tạo dựng được “văn hoá chính khách” chứ không thể mang “văn hoá đường phố” vào chính trường được.

Đáng buồn là các học viện của ta và toàn bộ nền giáo dục thường không chú trọng việc đào tạo kỹ năng cho nên toàn bộ công, viên chức của ta thiếu tính chuyên nghiệp”.  [4]

Là lãnh đạo kỳ cựu trong ngành Ngoại giao - bất kỳ phát ngôn nào cũng được cân nhắc cẩn trọng - ông Vũ Khoan phải cảnh báo “không thể mang “văn hoá đường phố” vào chính trường được” thì hiện trạng quả là trầm trọng.

Điều đó có nghĩa là “quy trình” và “quá trình” đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu, bổ nhiệm, luân chuyển,…lãnh đạo có không ít “sạn”.

Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và cơ quan nào chịu trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ

Bài viết mới đăng trên Vietnamnet.vn nêu nhận xét:

“Ít có quốc gia nào trên thế giới có hệ thống các trường chính trị, quản lý hành chính quy mô như ở Việt Nam, nơi đội ngũ cán bộ phải qua các chương trình đào tạo về chính trị, quản lý nhà nước trước khi được bổ nhiệm vị trí cao hơn…”. [5]

Những ý kiến tương tự đã từng xuất hiện từ cuối năm 2018 trong bài báo “Lò củi và lò quan” đăng trên Giaoduc.net.vn. Với sự nghiêm túc, không né tránh bài báo viết:

“Bất kỳ ai muốn trở thành lãnh đạo cơ quan thuộc hệ thống chính trị đều phải được đào tạo “lý luận chính trị”, ở cấp cao hơn thì phải là “chuyên viên”, phải có bằng cấp về quản lý hành chính nhà nước. 

Con người với chiếc bè trên lưng (1)
Con người với chiếc bè trên lưng (1)

Những kiến thức theo “quy trình” này thường do hệ thống Trung tâm bồi dưỡng chính trị (quận/huyện), Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý (cấp bộ, tỉnh), học viện chính trị ở cấp trung ương đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ”. [6]

Từ thực trạng đào tạo cán bộ hiện nay, yêu cầu “Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo…” trong Nghị quyết 29-NQ/TW phải chăng nên được ưu tiên với hệ thống trường bồi dưỡng lý luận chính trị các cấp?

Luật Giáo dục sửa đổi mới được thông qua quy định giáo viên mầm non phải tốt nghiệp cao đẳng, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có trình độ đại học. Vậy cán bộ lãnh đạo các cơ quan công quyền có nên duy trì trình độ lý luận chính trị sơ cấp hoặc trung cấp?

Nhận xét về hoạt động của đội ngũ cán bộ địa phương qua vụ gần 400 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc qua mạng tại Hải Phòng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phải đã lên tiếng cảnh báo:

“Vừa rồi ở Hải Phòng, xảy ra ngay tại đô thị, hàng mấy trăm người nước ngoài vào hoạt động tội phạm một thời gian dài mà chúng ta không phát hiện.

Đây là công của ngành công an nhưng thông qua đó thấy rõ yếu kém, sơ hở. Nếu chúng ta cứ để thế này thì rất nguy hiểm, không biết sẽ diễn ra thế nào". [7]

Vụ cưỡng chế đất nuôi trồng thủy sản của một người dân (vụ án Đoàn Văn Vươn) được vị Giám đốc Công an Hải Phòng lúc đó xem là “một chiến tích lớn của công an Hải Phòng, “rất là hay”, “rất là đẹp”, “đáng viết thành sách”.

Thế thì vì sao thành phố Hải Phòng không phát huy “truyền thống” đó mà lại để gần 400 người nước ngoài hoạt động phi pháp nhiều năm không biết?

Những người chịu trách nhiệm chỉ là “yếu kém, sơ hở” hay còn lý do nào khác?

Có thể thấy số người mạnh dạn bước đi trên con đường sáng mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã chỉ ra dường như còn rất khiêm tốn.

Không quan tâm tối đa cho giáo dục, sẽ thua cả trong cuộc chiến chống nội xâm
Không quan tâm tối đa cho giáo dục, sẽ thua cả trong cuộc chiến chống nội xâm

Vụ việc Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) bị bắt và di lý ra Hà Nội là một minh chứng.

Chỉ với tội danh “Lập hợp đồng ảo có dấu hiệu chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng” đã có thể lĩnh án chung thân hoặc tử hình, nhưng Lê Tấn Hùng còn “10 nội dung áp dụng hình thức kỷ luật phê bình, rút kinh nghiệm; 4 nội dung khiển trách; 4 nội dung cảnh cáo và tổng hợp hình thức kỷ luật là “hạ bậc lương” – trích báo cáo của Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh. [8]

Lúc đầu (tháng 3/2018) người này chỉ bị khiển trách, đến tháng 1/2019 nghĩa là 10 tháng sau khi bị “khiển trách”, hình thức kỷ luật nâng thành “Cảnh cáo”, và phải mất nửa năm nữa, đến tháng 6/2019, tội phạm Lê Tấn Hùng mới bị đình chỉ công tác, cách chức Tổng giám đốc SAGRI?

Vì sao việc xử lý kỷ luật đối với một cá nhân chức vụ không cao, sai phạm nhiều và rất nghiêm trọng lại nhiêu khê và nhiều lần nâng lên đặt xuống như vậy? Phải chăng những người/cơ quan chịu trách nhiệm xử lý đã mạnh dạn đi trên con đường sáng đã mở?

Đất nước không thiếu người tài, cũng không sợ thiếu cán bộ, nhưng hệ thống chính trị có nhiều cán bộ tài?

Nếu có thì chắc chắn tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh,… đã không như ngày nay. Nếu câu trả lời là không thì buộc phải nêu câu hỏi tại sao như vậy?

“Vận nước có lúc thịnh lúc suy nhưng hào kiệt đời nào cũng có”, đó là đúc kết của tiền nhân, nhưng lịch sử cũng ghi nhận không hiếm trường hợp “hào kiệt” bị ruồng bỏ, thậm chí mang họa sát thân như cụ Nguyễn Trãi, cụ Cao Bá Quát,…

Người tài không nhằm vào “Một vợ, hai con, ba lầu, bốn bánh (xe)”. Người tài quan tâm đến việc tài năng của họ có được sử dụng đúng chỗ và người lãnh đạo có xứng đáng để họ phục vụ.

Lãnh đạo dốt không dám sử dụng người tài là một thực tế. Lãnh đạo tài không được tự tuyển dụng và sử dụng người tài cũng là một thực tế.

Năm 1992, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho ông Vũ Ngọc Hải - cựu Bộ trưởng Năng lượng -  trực tiếp chỉ đạo thiết kế, thi công đường điện 500 KV Bắc – Nam.

Khi đường dây hoàn thành đưa dòng điện từ Bắc vào Nam, giải quyết tình trạng ngành công nghiệp phía Nam thiếu điện trầm trọng thì ông Hải đang “thực hiện” án tù 3 năm tại trại giam Thanh Xuân - Hà Nội với tội danh “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Không biết câu chuyện “Cựu Bộ trưởng chịu án tù được Thủ tướng và 28 Bộ trưởng, Thứ trưởng vào thăm” [9] có đáng được các nhà chép sử ghi lại, xem là một trong những biểu hiện của một thời duy ý chí, của hiện tượng “Lãnh đạo tài không được tự tuyển dụng, sử dụng người tài”?

Muốn có những người mạnh dạn bước đi trên con đường sáng, có nhất thiết chỉ tuyển chọn trong hàng ngũ những người đã qua các trường lớp chính trị?

Có nên mạnh dạn sử dụng những người giỏi nhưng mà “ngang”, những người biết “cãi” và biết làm chủ hành động của mình chỉ với mục đích phụng sự quốc gia, dân tộc?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/ky-luat-hon-53-000-can-bo-dang-vien-tu-dau-dai-hoi-12-504239.html

[2] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ky-luat-xu-ly-hinh-su-tren-70-can-bo-dien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-quan-ly-1445161.tpo

[3] https://infonet.vn/ra-mat-sach-do-bo-truong-bo-tttt-truong-minh-tuan-chu-bien-post213334.info

[4] https://doanhnhansaigon.vn/tro-chuyen-voi-doanh-nhan/hay-hoc-lam-nguoi-tu-te-da-1027535.html

[5] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/nhan-dan-rat-phan-khoi-voi-cuoc-chien-chong-tham-nhung-553859.html

[6] https://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lo-cui-va-Lo-quan-post194060.gd

[7] https://nld.com.vn/thoi-su/thuong-truc-ban-bi-thu-noi-ve-su-yeu-kem-so-ho-trong-vu-duong-day-danh-bac-o-hai-phong-20190802123801653.htm

[8] https://www.tienphong.vn/megastory/ong-le-tan-hung-tu-tong-giam-doc-sagri-den-trai-tam-giam-1437852.tpo

[9] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/tro-chuyen-voi-cuu-bo-truong-chiu-an-tu-duoc-thu-tuong-va-28-bo-truong-thu-truong-vao-tham-554073.html

Xuân Dương