Đọc “Dự thảo” đoán “Chuyên viên” (1)

31/05/2021 06:51
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngôn ngữ trong luật quy định rõ “Thông tư của Bộ trưởng” chứ không phải là Thông tư của bộ, tức là không thể có Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng “Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp” (Dự thảo) để thu thập ý kiến đóng góp, thời gian góp ý từ 15/05/2021 đến 15/07/2021.

Đây là bản Dự thảo lần thứ nhất nhằm tiếp thu đóng góp của giới chuyên môn và dư luận xã hội. Phải chăng vì là Dự thảo lần đầu nên những người chắp bút cứ viết đại một số điều, chờ nhận được phản biện rồi tập hợp lại thành bản chính?

Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2020 (Luật số 23/VBHN-VPQH, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021), cấp Bộ và cơ quan ngang Bộ chỉ được ban hành hai loại văn bản quy phạm pháp luật là Thông tư của Bộ trưởng và Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng với người đứng đầu ba cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Không ban hành thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng với nhau hoặc giữa Bộ trưởng với Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Ngôn ngữ trong luật quy định rõ “Thông tư của Bộ trưởng” chứ không phải là Thông tư của bộ, tức là không thể có Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối chiếu với quy định của luật pháp, những điều khoản hiện hữu trong Thông tư của Bộ trưởng - đúng hoặc sai - đều thuộc về trách nhiệm của Bộ trưởng (hoặc người đứng đầu cơ quan được quyền ban hành Thông tư) kể cả khi Thông tư đó không do Bộ trưởng ký mà do cấp phó hoặc người được ủy quyền ký thay.

Từ góc độ nghiên cứu và phân tích chính sách liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xin nhận xét một số điều trong Dự thảo này:

Phần đầu của Thông tư viết: “Số: …. /2021/TT-BGDĐT”, có lẽ đây là thói quen tồn tại nhiều năm tại nhiều cơ quan cấp bộ, không riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên Dự thảo vẫn ghi là “BGDĐT”, cách ghi này dễ gây hiểu lầm đây là Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dự thảo thông tư “Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. (Ảnh chụp màn hình)

Dự thảo thông tư “Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. (Ảnh chụp màn hình)

Hệ thống chính trị Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” nhưng không thể vì thế mà Thông tư của Bộ trưởng lại biến thành thông tư của Bộ.

Khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định “Thông tư của Bộ trưởng” thì cụm chữ cái viết tắt “BGDĐT – Bộ Giáo dục và Đào tạo” phải được sửa thành “BT/BGDĐT” hoặc “BT-BGDĐT”, cụm từ “BT” là viết tắt của “Bộ trưởng”.

Tiếp theo là tên Thông tư: “Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Tên Thông tư này vừa thừa, vừa thiếu, vừa không rõ nghĩa.

Viết “Quy định việc giảng dạy kiến thức văn hóa…” là đầy đủ, thêm từ “khối lượng” vào vừa rườm rà vừa không rõ nghĩa, mặt khác Thông tư không chỉ quy định việc “giảng dạy” mà còn việc học tập của học sinh, nghĩa là thiếu phần “học”.

Muốn thể hiện rằng Thông tư này quy định hai lĩnh vực: “kiến thức văn hóa” và “khối lượng kiến thức” tức là “thời lượng học tập” thì nên viết lại tên Thông tư như sau:

“Quy định thời lượng học tập, việc dạy và học kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Việc thay thế “khối lượng kiến thức” bằng “thời lượng học tập” là do nội dung 07 môn học trình bày trong phần phụ lục của Dự thảo ngoài tên các mô đun còn có cột “Thời lượng học tập (số tiết)”.

Không nói ai cũng biết “kiến thức văn hóa” bao trùm cả “thời lượng học tập”, giảng dạy “kiến thức văn hóa” ngoài “thời lượng học tập” còn những vấn đề về giáo dục đạo đức, nhân cách, rèn luyện kỹ năng, lối sống, khả năng làm việc theo nhóm,…

Nhận xét nội dung một số điều trong Dự thảo:

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Khoản 1 và 2, điều 1, Dự thảo viết:

1. Thông tư này quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

2. Quy định này áp dụng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác thực hiện Chương trình giáo dục trung học phổ thông (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thứ nhất, các khái niệm “Kiến thức văn hóa trung học phổ thông” và “Chương trình giáo dục trung học phổ thông” đưa ngay vào điều này mà chưa giải thích là không logic, do vậy điều 2 “Giải thích từ ngữ” phải chuyển thành điều 1 và ngược lại.

Thứ hai, hiện nay học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở không chỉ theo học trình độ trung cấp mà còn theo học trình độ cao đẳng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Báo Nhân Dân điện tử số ra ngày 24/10/2020 có bài: “Sẽ thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”. [1]

Bài báo dẫn chiếu Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở”, (mô hình 9+).

Hiện nay, chưa rõ việc “thí điểm” này có giới hạn phạm vi hay không nhưng hàng loạt cơ quan báo chí và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quảng bá cho mô hình này và việc tuyển sinh đã diễn ra khá rầm rộ tại nhiều địa phương và nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngay từ năm 2019, báo Giaoducthoidai.vn – cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng bài: “Mô hình 9+: Giải pháp đột phá cho giáo dục nghề nghiệp”. (Giaoducthoidai.vn, 13/07/2019);

“Phát huy thế mạnh mô hình 9+”. (Nhandan.com.vn, 25/08/2020);

“Mô hình 9+ Cao đẳng: Cơ hội vào đại học ngay từ lớp 10”. (Tuoitre.vn, 18/08/2020);

“Mô hình 9+: Giải quyết tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"”. (Vtv.vn, 29/06/2020);

Khoản 1 điều 1 của Dự thảo nêu trên chỉ đề cập đến “học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, vậy một số lượng khá lớn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học chương trình 9+ tức là chương trình cao đẳng sẽ không bị điều chỉnh bởi Thông tư này?

Bộ trưởng có cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Thông tư với cả những cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tuyển sinh trung học cơ sở học liên thông cao đẳng (nhóm “9+”)?

Cùng trong Điều 1, khoản 1 viết “Thông tư này quy định việc giảng dạy … trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp” trong khi khoản 2 lại liệt kê một loạt cơ sở giáo dục khác (cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác), vậy hoặc là mục 1 viết thiếu hoặc là mục 2 viết thừa?

(Còn nữa)

Xuân Dương