Đi tìm… tiếng Việt

23/04/2020 06:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Chuẩn hóa chữ viết và tiếng nói trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là bắt buộc và không thể chậm trễ.

Tiếng Việt những năm gần đây:

Năm 2012, một Hội thảo mang chủ đề: “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Các ý kiến tham luận tại hội thảo cho thấy “Chữ quốc ngữ có được cương vị thật sự sau Cách mạng Tháng Tám.

Tuy nhiên, chưa có bất kỳ văn bản nào của Nhà nước (cấp quốc gia) công nhận đó là quốc tự.

Ngay cả tiếng Việt cũng chưa được ghi trong hiến pháp là ngôn ngữ quốc gia...”. [1]

Sau Hội thảo này, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, khoản 3 điều 5 quy định: 

“Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. 

Điều 13 Hiến pháp cũng quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh và thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. 

Tuy nhiên trong Hiến pháp vẫn chưa đề cập đến phạm trù quan trọng không kém là Quốc ngữ, tức là tiếng nói và chữ viết bắt buộc phải sử dụng trong hệ thống chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế.

Khoản 1, điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định:

“Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt”.

Khoản 1, điều 11, Luật Giáo dục 2019 quy định: “Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục”.

Người Việt nói và viết sai tiếng Việt thành quen
Người Việt nói và viết sai tiếng Việt thành quen

Quy định trong Hiến pháp và các luật nêu trên làm xuất hiện câu hỏi: “Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống, vậy “Tiếng Việt” là tiếng nói của cả 54 dân tộc hay là tiếng nói của dân tộc chiếm đa số”?

Một số tài liệu nước ngoài cho rằng: 

“Tiếng Việt, còn gọi tiếng Việt Nam, tiếng Kinh hay Việt ngữ, là ngôn ngữ của người Việt (dân tộc Kinh) và là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam.

Đây là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam, cùng với hơn 4 triệu Việt kiều.

Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thứ hai của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam và cũng được công nhận là tiếng của dân tộc thiểu số (Việt) tại Cộng hòa Séc”.

Câu hỏi nêu trên ai cũng có thể trả lời song hình như những người có trách nhiệm - cả trong giới khoa học lẫn chính trị - đều có sự e ngại khi công khai cho rằng tiếng Việt là tiếng nói của dân tộc Kinh – dân tộc chiếm khoảng 85% dân số cả nước theo kết quả Tổng điều tra dân số 2019. 

Phải chăng vì sự e ngại này mà đến nay chưa có bất kỳ văn bản nào cấp nhà nước nào quy định về tiếng Việt (bao gồm tiếng nói (giọng chuẩn), chữ viết, chính tả,…) ngoại trừ một số quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ,... 

Ở trong nước, chỉ mới tìm thấy Quyết định số 240/QĐ của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ban hành ngày 05/03/1984 đề cập đến “Những quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt” do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký.

Tuy nhiên quyết định này chỉ áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục và cũng không đề cập đến bảng chữ cái chuẩn (bảng mã quốc gia theo cách nói của ngành Công nghệ Thông tin).

Thêm nữa, chính Quyết định số 240/QĐ cũng viết chưa chuẩn, ví dụ câu:

“Đối với tên riêng chưa không phải tiếng Việt thì nguyên tắc chung là:…”, trong câu văn này hai từ “chưa không” viết liền nhau là chưa chuẩn bởi người đọc hiểu “chưa không phải” có nghĩa là “phải” cũng như “không thể không nói” có nghĩa là “phải nói”.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ năm 2002), bảng chữ cái trong sách giáo khoa dạy học sinh bậc tiểu học chỉ gồm 29 chữ cái trong khi Tiêu chuẩn nhà nước TCVN 5712-VN3 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 1993 thì tiếng Việt có 33 chữ cái (thêm các chữ F, J, Z, W).

Cho đến năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cho rằng “Đề xuất thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt chỉ là ý kiến cá nhân của một số cán bộ nghiên cứu của Cục Công nghệ Thông tin.

Các ý kiến này chưa được đưa ra thảo luận trong Ban soạn thảo, đây không phải là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. [2] 

Vậy chính thức tiếng Việt có bao nhiêu chữ cái?

Hiện nay, việc sử dụng tiếng Việt chưa chuẩn diễn ra từ địa phương đến trung ương, ví dụ: “Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 20/9/1979…”, “Nghị quyết số: 29-NQ/TW”,...

Cụm chữ cái viết tắt “NQ” được hiểu là “Nghị quyết”, còn “TW” được hiểu là “Trung ương” nhưng vì sao không viết là “TƯ” mà lại là “TW”. Vì sao lại dùng chữ “W” và ý nghĩa của nó thế nào hình như chưa có ai giải thích.

Ví dụ trên cho thấy chữ cái “W” được sử dụng ít nhất là từ năm 1979 nhưng phải đến năm 1993 mới được đưa vào Tiêu chuẩn Việt Nam.

Tiếng Việt với giới nghiên cứu, thiết kế:

Được biết gần đây, một số cơ quan, tổ chức đang sử dụng phần mềm chuyển văn bản thành tiếng nói hoặc ngược lại.

Trong một buổi họp Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đang sử dụng phần mềm chuyển đổi lời phát biểu của các đại biểu Quốc hội thành văn bản trên máy tính bảng (iPad).

Phần mềm mà bà Ngân đề cập có tên là Origin-STT, là sản phẩm của nhóm tác giả đến từ công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn “Hệ thống trí thông minh nhân tạo Việt Nam (VAIS)”.

Phần mềm này đã giành giải nhất trong nhóm sản phẩm Công nghệ Thông tin của “Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019”. 

VAIS là doanh nghiệp có trụ sở tại 60B Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội. 

Điều cần khen ngợi là phần mềm có thể nhận diện giọng nói ba miền Bắc, Trung, Nam, tuy nhiên chưa biết các tác giả chọn phương ngữ vùng miền nào đặc trưng cho ba miền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng iPad của bà lưu trữ đươc ngay tức thời các bài phát biểu của Bộ trưởng và đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Viettimes.vn)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng iPad của bà lưu trữ đươc ngay tức thời các bài phát biểu của Bộ trưởng và đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Viettimes.vn)

Một phần mềm khác là “Hệ thống tổng hợp tiếng nói phương Nam (VOS)” của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, từ văn bản (chữ viết) phần mềm sẽ chuyển đổi thành tiếng nói.

Tiếng nói mà nhóm này thiết kế dựa trên giọng nói của phát thanh viên Kim Phượng, Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (để thu âm mẫu cho các câu nói,…).

Trên thế giới, việc dạy phát âm chuẩn tiếng Anh đã có từ lâu với phần mềm Talk It hoặc Talkit (phát âm cả đoạn văn hoặc từng từ tiếng Anh).

Vậy có thể kết hợp Origin-STT với VOS để tạo ra một phần mềm chung, chuyển đổi chữ viết thành tiếng nói và ngược lại?

Nói cách khác là các tác giả tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số vùng miền khác có thể hợp tác cùng nhau phát triển phần mềm xử lý tiếng Việt sử dụng thống nhất cả nước và bang giao quốc tế?

Tâm lý vùng miền:

Có thể thấy tại Việt Nam, việc chưa có quy định về tiếng nói và chữ viết chuẩn quốc gia đã khiến cho giới khoa học thời công nghệ thời 4.0 làm việc theo kiểu tự phát.

Do không có định hướng chiến lược quốc gia nên tình trạng “63 tỉnh là 63 nền kinh tế” đã lan sang giới học thuật, công trình nghiên cứu chưa mang tầm quốc gia nếu không nói là mới chỉ nhằm phục vụ cho địa phương, vùng miền.

Sự manh mún, cục bộ trong nghiên cứu khoa học khiến lực lượng bị phân tán, vừa tiêu tốn tiền của, thời gian, vừa làm dấy lên tâm lý vùng miền không đáng có.

Mặt khác, sự “vô luật pháp” trong lĩnh vực tiếng việt (viết và nói) kéo theo một thực trạng cần phải báo động đỏ, đó là từ năm 1975 đến nay, rất nhiều công trình văn hóa tâm linh mới xây dựng từ cổng vào đến hoành phi, câu đối đều viết bằng chữ nước ngoài. 

Bảo tồn, giữ nguyên tình trạng (kiến trúc, quy hoạch,…) các công trình văn hóa, tâm linh, các thư tịch cổ,… là không phải bàn luận, bởi đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa 2001, Luật Di sản văn hóa (hợp nhất) năm 2013.

Vậy tại sao Nhà nước, cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại để tình trạng những công trình văn hóa tâm linh mới xây dựng không sử dụng chữ quốc ngữ (chữ Việt) mà là chữ nước ngoài?

Tại nhiều thành phố, thị trấn, biển hiệu viết bằng chữ Anh, Trung Quốc to hơn chữ Việt treo tràn lan trước nhà, thậm chí chăng cả nơi công cộng.

Tiếng Việt và những biến đổi thú vị
Tiếng Việt và những biến đổi thú vị

Người Việt coi trọng lối sống làng xã, tâm lý “sau lũy tre làng” còn rất nặng nề khiến cho giữa các dòng tộc, vùng miền thì so bì, thậm chí là co cụm lại với nhau nhưng văn hóa ngoại lai lại bị xem là việc của người khác.

Nhưng “người khác”, gần đây hình như bận quan tâm đến phát triển kinh tế nhiều hơn nên văn hóa ngoại lai không những sống rất khỏe mà dường như đang lấn át văn hóa bản địa.

Tình trạng sử dụng các từ ngoại lai, nhất là từ có nguồn gốc tiếng Anh là phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Giới trẻ ngày nay đổ xô chào đón thần tượng âm nhạc ngoại, khóc lóc khi nhìn thấy “thần tượng”, không những thế, không ít báo, đài, cơ quan truyền thông đại chúng còn lợi dụng dịp nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam để thu hút người đọc, người xem.

Bảo vệ di sản, công trình văn hóa đã có luật, bảo vệ tiếng Việt, cũng tức là bảo vệ chính văn hóa lại không có luật, trách nhiệm chỉ thuộc về hành pháp (Chính phủ), lập pháp (Quốc hội) hay cũng còn thuộc về sự đạo, về đường lối văn hóa?

Giữ cái “ao làng” có vẻ quan trọng hơn giữ văn hóa dân tộc!

Nói về tâm lý vùng miền, sáu năm trước người viết từng nhận được khá nhiều chỉ trích khi viết bài “Vài suy nghĩ về giọng nói và biểu tượng Quốc gia”. [3]

Tương tự khi bài viết “Thưa ông Bộ trưởng Văn hóa, đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai” được đăng vào năm 2014 [4], bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ thì trên mạng xã hội cũng có những phản bác, cho rằng tác giả “Giận Tàu chém chữ Nho”.

Trong khoa học, từng xuất hiện sự dè bỉu giữa các tác giả phần mềm gõ văn bản tiếng Việt trên máy tính khi nhóm tác giả Thành phố Hồ Chí Minh chê phần mềm được viết bởi tác giả Hà Nội là sơ sài, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Tác giả Hà Nội cho rằng việc đánh giá chiếc áo sơ mi nhiều cúc giá trị hơn chiếc áo vest ít cúc là khập khiễng,…

Trong lĩnh vực nói, còn gọi là phát âm, ý tưởng chọn phương ngữ vùng Hà Nội và đồng bằng Sông Hồng làm giọng chuẩn cho phát thanh viên cũng như trong giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nhận được không ít “gạch đá” từ bạn đọc.

Gần đây Truyền hình Nhân Dân giới thiệu bộ Phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình dài 90 tập, được phát sóng đúng dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bộ phim chứa đựng khối tư liệu đồ sộ, được chọn lọc kỹ lưỡng, bố cục hợp lý, hình ảnh sắc nét song không phải không chứa những hạt sạn.

Điều đầu tiên mà người xem không hài lòng là về giọng thuyết minh.

Ngược đọc cố tình tạo “tiếng gió” trong thuyết minh các từ “Chính trị, chiến lược, kháng chiến, chống chọi, chống ngoại bang, chống Pháp, mỵ châu, quốc gia, chém cá, chứ không,…”. 

Đặc biệt, kiểu phát âm “xì hơi” giống nhau hai từ “chết trận” hay giữa hai cụm từ “trung trực” và “chống chọi” gây nên bức xúc không đáng có cho người nghe.

Bên cạnh đó có những hình ảnh tư liệu lịch sử được lựa chọn không phù hợp với quy định hiện hành, ví dụ hình ảnh cờ Đảng và cờ Tổ quốc trong phần mở đầu tập 1, phần 1 “Khát vọng độc lập - tự do”. 

Mục a, khoản 5.1, văn bản số 3420/HD-BVHTTDL “Hướng dẫn việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi: “Quốc kỳ hoặc Quốc kỳ và cờ Đảng treo trên phông hậu hoặc trên cột cờ về phía bên trái của sân khấu; Quốc kỳ ở bên phải, cờ Đảng ở bên trái (nhìn từ phía hội trường lên).

Vấn đề này cũng đã được đề cập khá kỹ trong bài [3]. 

Hình ảnh trong phần mở đầu tập 1, phần 1 “Khát vọng độc lập - tự do”
Hình ảnh trong phần mở đầu tập 1, phần 1 “Khát vọng độc lập - tự do”

Một vài kiến nghị:

Nhà nước cần làm gì khi thực hiện “Cách mạng công nghiệp 4.0” trong lĩnh vực tiếng Việt?

Hỏi “Nhà nước” là hơi chung chung, hỏi Quốc hội là chính xác nhất.

Thứ nhất, đối với chữ viết:

Chuẩn hóa chữ viết và tiếng nói trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là bắt buộc và không thể chậm trễ.

Chữ viết được hiểu là “chữ viết bằng bút” và “chữ viết gõ trên bàn phím các thiết bị” (máy tính, smartphone, smart tivi,…). 

Bài viết này chỉ bàn về cách viết chữ trên các thiết bị thông minh, các kiểu chữ này xin tạm gọi là “Chữ máy tính”.

Trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin từng tồn tại hàng chục phần mềm gõ tiếng Việt:

Trong nước có: Unikey, Bked, FreeCode, VietKey, VietStar, TBK, VNI, ViệtWare, VnKeD, VietBit, BachKhoa, VietWin,...

Ngoài nước có: DJ, VNU, VNLabs, VietSTD, các sản phẩm của MicroSoft, IBM…

Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định thống nhất sử dụng phần mềm ABC với bộ mã TCVN 5712-VN3, tuy nhiên bộ mã này vẫn còn những khiếm khuyết, chẳng hạn:

Ngay phần mở đầu, bộ tiêu chuẩn này viết:

“CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

BỘ MÃ CHUẨN 8-BIT KÍ TỰ VIỆT DÙNG TRONG TRAO ĐỔI THÔNG TIN

Information Technology

Vietnamese 8-bit Standard Coded Character Set for Information Interchange”.

Người viết cho rằng dòng tiếng Anh là chuẩn song dòng tiếng Việt phần mở đầu (nêu trên) là chưa chuẩn, tuy nhiên dòng chú thích phía trên các bảng 1 và 2 của bộ tiêu chuẩn này lại tương đối chuẩn (nếu đưa thêm chú thích 8 bit) như sau:

“Bộ mã chuẩn ký tự tiếng Việt (8 bit) dùng trong trao đổi thông tin”. 

Thêm nữa, các văn bản quy phạm pháp luật luôn có phần giải thích từ ngữ, trong TCVN 5712-VN3 phần định nghĩa từ “Bit”, “Bai” lại làm xuất hiện câu hỏi: “Đây là từ ngoại lai hay từ tiếng Việt”? 

Tiếng Việt – nhìn từ bộ sách giáo khoa chương trình mới
Tiếng Việt – nhìn từ bộ sách giáo khoa chương trình mới

Từ “Bit” được viết giống nguyên văn tiếng Anh trong khi từ “Bai” lại là phiên âm tiếng Việt của từ “Byte”!

Một số ví dụ nêu trên cho thấy, từ cách nói đến văn bản của chính các cơ quan nhà nước, kể cả của các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ vẫn chứa đựng nhiều điều không chuẩn xác.

Việc cấp thiết hiện nay là Quốc hội cần ban hành một văn bản yêu cầu các cơ quan thuộc Chính phủ như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam,… cùng bàn thảo một tiến trình chuẩn hóa tiếng Việt.

Tiếp đó là xây dựng và công bố một đạo luật liên quan đến tiếng Việt.

Thứ hai là cách viết:

Phương pháp viết Tiếng Việt viết trên máy tính hiện nay chủ yếu là theo phương pháp Telex nghĩa là gõ liên tiếp hai lần các nguyên âm “a, e, o” sẽ nhận được “â, ê, ô”, gõ “ow” nhận được chữ “ơ” hoặc “aw” nhận được chữ “ă”,… Dùng các chữ cái F, S, J, R, X để đánh các dấu “huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã”.

Trước đây các bức điện tín mà nhân viên ngành Bưu điện giao cho người nhận được in trên giấy theo kiểu Telex như sau:

“Vowj dder veef ngay”, đọc là “Vợ đẻ về ngay”.

Người không biết gõ văn bản kiểu Telex có thể không hiểu nội dung bức điện nói gì.

Hiện nay, người dùng máy tính, từ trẻ em đến người lớn đều biết gõ tiếng Việt theo kiểu Telex, vậy có nên đề xuất chính thức bỏ các dấu và sử dụng các chữ cái thay thế như Bưu điện đã sử dụng?

Đề xuất này sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu người Việt sản xuất được máy tính cho riêng mình với bàn phím có thêm phím dấu và các chữ cái đặc biệt trong tiếng Việt (ư, ơ, ă…), tuy nhiên một bàn phím như thế sẽ không thông dụng trong giao lưu quốc tế.

Thứ ba, cách phát âm:

Cho đến nay, chưa có quy định giọng chuẩn quốc gia, chỉ có phương ngữ vùng miền và vì thế các cơ quan truyền thông quốc gia (phát thanh, truyền hình) đã có “sáng kiến” là tuyển chọn phát thanh viên các vùng miền về làm việc tại trụ sở trung ương.

Phát âm sai là phổ biến với mọi vùng miền cả nước, một bộ phận người Bắc nói ngọng (giữa “l” và “n”), không phân biệt “R” với “D”; “S” với “X”; “TR” với “CH”;… 

Tương tự, không ít người phía Nam đọc “vui vẻ” thành “dui dẻ”, “vay vốn” thành “day dốn”, “vung vẩy” thành “dung dẩy”,… 

Trường hợp người đọc thuyết minh trong bộ phim 90 tập nêu ở phần trên là ví dụ mới nhất và cũng điển hình nhất về cách phát âm tùy tiện tiếng Việt.

Thực tế cho thấy trừ hát dân ca, cải lương hoặc các bài hát dựa vào làn điệu dân ca, tất cả nghệ sĩ phía Nam khi hát các ca khúc mới đều hát giọng Bắc. Ngược lại hát cải lương giọng Bắc hay tuồng quát giọng Nam lại nghe có vẻ không phù hợp.

Nếu việc quy định “Bộ mã chuẩn ký tự tiếng Việt” (chữ cái và các ký tự khác) không gặp nhiều khó khăn hoặc phản đối thì việc chọn giọng chuẩn chắc chắn sẽ động chạm đến không ít người và phản ứng là không tránh khỏi.

Tình cảm địa phương, vùng miền là điều bình thường, nhưng muốn đẩy nhanh cuộc cách mạng công nghiệp, khoa học kỹ thuật với nền tảng là trí tuệ nhân tạo, mạng liên kết toàn cầu thì việc chuẩn hóa ngôn ngữ (chữ viết và tiếng nói) cho mục đích trao đổi thông tin là không thể chậm trễ.

Vấn đề này Quốc hội phải vào cuộc, Quốc hội là đại diện cho nhân dân vì thế những gì Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý mà cả hệ thống chính trị và người dân phải thực hiện dẫu có thể có những ý kiến trái chiều. 

Nếu số đông đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì thiểu số phải phục tùng đa số, vùng miền phải theo toàn quốc. Đây không phải là quy định riêng của Việt Nam mà là thông lệ quốc tế (trừ quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc).

Gần đây có ý kiến về việc Quốc hội cần nghiên cứu ban hành “Luật Tiếng Việt”, “Luật Chữ quốc ngữ”, “Luật Ngôn ngữ quốc gia”,…

Thứ tư, ban hành luật:

Người viết cho rằng nên ban hành một đạo luật liên quan một cách toàn diện đến các biểu trưng (hay biểu tượng?) quốc gia bao gồm: Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh và Quốc ngữ bởi lẽ Hiến pháp chỉ đề cập đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh một cách ngắn gọn nhưng chưa nói đến Quốc ngữ.

Mặt khác, các quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca cũng chưa được cụ thể hóa trong bất kỳ văn bản nhà nước nào, chẳng hạn chiều dài, chiều rộng Quốc kỳ treo tại trụ sở từ cấp xã/phường đến Trung ương hay bài Tiến quan ca là bản gốc của tác giả Văn Cao hay bản đã chỉnh sửa lời…

Ngay văn bản hướng dẫn treo cờ tổ quốc số 3420/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không hướng dẫn nếu quốc kỳ treo theo chiều dọc (cờ phướn) thì ngôi sao trên quốc kỳ phải xoay thế nào, hoặc nơi nào, khi nào cần đặt cờ đặt trên bàn làm việc,…

Riêng trong lĩnh vực tiếng Việt, cần có quy định cụ thể về ngôn ngữ các dân tộc ít người và ngoại ngữ tại Việt Nam, cần quy định bắt buộc phải sử dụng chữ quốc ngữ trong các công trình văn hóa, tâm linh mới xây dựng,…

Cùng với việc chuẩn hóa cách phát âm tiếng Việt, cần quy định cách viết, cách sử dụng tiếng Việt và chữ nước ngoài trong các văn bản hành chính, tư pháp, trong dạy và học tiếng Việt, thông tin đại chúng, quảng cáo…

Tóm lại, ban hành một luật riêng cho tiếng Việt là chưa đủ, Quốc hội cần nghiên cứu một ban hành một đạo luật chung và thật chi tiết về những biểu trưng quốc gia như đã đề cập.

Những vấn đề khác sẽ được đề cập trong các bài viết tiếp theo./.

Tài liệu tham khảo:

 [1] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/chu-quoc-ngu-chua-duoc-nha-nuoc-cong-nhan-la-quoc-tu-post103630.gd

[2] https://baotintuc.vn/xa-hoi/viec-de-xuat-them-ky-tu-f-j-w-z-cho-bang-chu-cai-tieng-viet-chi-la-y-kien-ca-nhan-20110811093329919.htm

[3]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/vai-suy-nghi-ve-giong-noi-va-bieu-tuong-quoc-gia-post148998.gd

[4] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/thua-ong-bo-truong-van-hoa-dau-la-phan-chim-cua-van-hoa-ngoai-lai-post149359.gd

Xuân Dương