Dân nghĩ về Đảng và Đảng viết về dân

19/11/2020 06:01
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một thể chế chính trị nếu mang đến cho dân chúng hạnh phúc, tự do thì sẽ được dân tin, dân ủng hộ, dân bảo vệ và chắc chắn sẽ trường cửu.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 13 của Đảng viết: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng trên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. [1]

Tựu trung lại, suy nghĩ của dân với Đảng không gì quan trọng hơn niềm tin và niềm tin đó có sự suy giảm do tình trạng tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi”.

“Sự suy giảm” đó đến mức nào chưa có định lượng cụ thể song về định tính thì đã rõ, đó là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Triết học Á Đông đề cao nguyên lý “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” nghĩa là sự vật khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến đổi, sau khi biến đổi thì sẽ hanh thông, khi đã hanh thông thì sẽ trường cửu (không phải là vĩnh cửu).

Nếu thời điểm này sự suy giảm niềm tin của dân vào hệ thống chính trị đã là “cùng” thì đó là sự may mắn, đó là hồng phúc của dân tộc bởi đất nước sẽ bước vào giai đoạn phát triển (biến đổi) mới, khởi đầu cho một thời kỳ “trường cửu”.

Sức mạnh niềm tin của nhân dân. (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn)

Sức mạnh niềm tin của nhân dân. (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn)

Muốn đạt đến thời điểm “cùng” thì quan trọng nhất là làm sao sự suy giảm niềm tin của dân dừng ở mức hiện tại, không tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.

Để làm được nhiệm vụ vô cùng khẩn thiết và cũng vô cùng khó khăn này, cần không chỉ những lý luận, những nhận thức, nghị quyết mà còn là hành động cụ thể.

Đọc các Dự thảo báo cáo được công bố, cảm nhận chung là có sự kế thừa nhưng không một văn bản nào trước đây đề cập đến dân nhiều, cụ thể và mới như lần này.

“Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ đại hội 12” (Báo cáo) có hai đoạn viết về dân:

“Gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”;… [2]

Có một sự trùng lặp ngẫu nhiên trong hai câu định hướng chiến lược nêu trên, từ “Dân” được nhắc đến 13 lần, trùng với con số kỳ đại hội lần thứ 13 sắp tới.

Câu thứ nhất trong hai câu trên chỉ là giải thích cho rõ ràng chiến lược “Đảng ở trong dân” đã được nhiều bài báo, văn bản nhắc tới.

Cách diễn giải này giúp những người lao động bình thường hiểu được mong muốn của lực lượng lãnh đạo là gắn với dân, hòa đồng trong dân chứ không phải ở trên dân.

Muốn “Ở trong dân” thì quan trọng nhất là phải “trung thực với dân”.

Người viết tâm đắc với một cụm từ trong Báo cáo bởi đây là lần đầu tiên thấy xuất hiện trong một văn bản hết sức quan trọng, đó là cụm từ “mị dân”, nguyên văn như sau:

“Đổi mới và đẩy mạnh công tác vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của công dân; đồng thời chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức, mị dân”. (Mục 2.8: Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng).

Một khi văn kiện của Đảng đề cập và xác định cần vận động nhân dân “chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức, mị dân” thì có lẽ những nhà hoạch định đường lối đã nhận thấy sự tồn tại của các biểu hiện này đã đến mức cần phải được xem xét nghiêm túc.

Trong ba biểu hiện cần phải chống, “dân chủ cực đoan” không phải chỉ xuất hiện ở phía dân chúng mà có nơi, có lúc cũng xuất hiện ở lực lượng lãnh đạo.

“Cực đoan” (tiếng Anh là Extreme) là trạng thái vượt quá một giới hạn - thường được quy định bởi số đông - và mang chiều hướng xấu, tiêu cực.

Sự cực đoan có thể tìm thấy trong thái độ ứng xử, đạo đức, khoa học, pháp luật, chủ trương, chính sách,…, cũng tìm thấy trong cả tự nhiên chứ không riêng xã hội loài người, chẳng hạn chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thời tiết cực đoan, dân chủ cực đoan, phát ngôn cực đoan,…

Dân chủ cực đoan trong đời sống xã hội là vượt quá những giới hạn về dân chủ mà pháp luật quy định.

Hai khả năng khiến “dân chủ cực đoan” xảy ra là dân chúng nhận thức chưa đầy đủ về khái niệm “dân chủ” hoặc những hạn chế trên mức cần thiết về dân chủ được luật hóa.

“Dân chủ hình thức và mị dân” là biểu hiện chỉ tìm thấy ở lực lượng cầm quyền, bởi dân chúng không mong muốn một nền dân chủ chỉ mang tính hình thức và phần lớn dân chúng không ai muốn “mị” chính mình.

Có vô số biểu hiện dân chủ hình thức, chẳng hạn chuyện một vài vị Bí thư cấp ủy cấp tỉnh đưa con trai ngồi vào chiếc ghế Giám đốc sở hoặc Bí thư Thành ủy thành phố trực thuộc tỉnh. Trước dư luận họ đều giải thích rằng đây là quyết định của tập thể, đã được dân chủ bàn bạc trong thường vụ,…

“Dân chủ hình thức” trong nội bộ tổ chức sẽ thủ tiêu đấu tranh, tạo điều kiện cho thói cục bộ, địa phương phát triển như tình trạng nêu trong bài viết “Thói cục bộ, bè phái - một trong những vấn đề nhân dân bức xúc nhất” trên Tạp chí Danvan.vn: “Nhiều nơi xuất hiện tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ”, “cấp ủy nội tộc”, “chi bộ dòng họ”, “hội đồng nhân dân thôn ta”. [3]

Có rất nhiều giải thích về dân chủ hình thức, chẳng hạn một bài đăng trên báo điện tử Hanoimoi.com.vn viết:

“Dân chủ hình thức” thường có các biểu hiện: Lấy ý kiến biểu quyết của quần chúng đối với những nội dung không quan trọng, khéo léo giành quyền quyết định những việc quan trọng cho thiểu số hoặc cho cá nhân; tổ chức lấy ý kiến quần chúng rộng rãi, nhưng việc tập hợp và báo cáo tổng hợp ý kiến không đầy đủ, không trung thực hoặc loại bỏ những ý kiến quan trọng nhưng trái với định kiến của lãnh đạo hoặc của cơ quan soạn thảo…

Khác với "dân chủ giả hiệu" là sự lừa dối có chủ ý; thì “dân chủ hình thức” dễ mang bộ mặt "vô tội" hơn, không có địa chỉ cụ thể nên dễ được chấp nhận, hoặc nếu không muốn chấp nhận cũng khó chống lại”. [4]

Việc hiệp thương giới thiệu người làm đại biểu Quốc hội là dân chủ, để tồn tại tới hai vị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của một tỉnh (Đồng Nai) bị kỷ luật Đảng, bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì chỉ có thể nói địa phương này dân chủ hình thức.

“Dân chủ hình thức” không đi kèm “mị dân” thì không thể tồn tại.

Để “có trách nhiệm với dân” không gì tốt hơn là lắng nghe dân, như Báo cáo viết là “Đối thoại với nhân dân giải quyết những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân và xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài”.

Những dòng chữ trong Báo cáo hết sức cô đọng nhưng đó là tiếng nói có trách nhiệm của Đảng với dân bởi ẩn chứa phía sau là những giọt nước mắt của người dân Thủ Thiêm bị thu hồi đất tùy tiện, của người dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng bị thu hồi đất sử dụng hợp pháp với giá đền bù 70 ngàn đồng/m2 hay của mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Oanh (phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) bị thu hồi cả nơi thờ cúng liệt sĩ,… [5]

“Không điều gì có thể giấu được dân và cũng không ai có thể xem thường dân. Sự hiểu biết của người dân có thể khiến một vài quan chức “không vui” nhưng đó chính là động lực giúp chính quyền trưởng thành”. [6]

Nét mới trong Báo cáo là đưa vào khái niệm “dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Lâu nay việc “dân giám sát” chưa được coi trọng đúng mức, đánh giá hiện trạng này Báo cáo viết: “Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp, nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên” (Mục 8: Công tác dân vận và tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”.

Báo Nhandan.com.vn viết: “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của Mặt trân tổ quốc Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Nhiều cấp Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận chưa thật sự quyết liệt tham gia, sự phối hợp hành động trong hệ thống Mặt trận chưa thật sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả; kết quả đạt được chưa cao”. [7]

Có sự khác biệt trong hai nhận định nêu trên, đó là trong Báo cáo thành phần “nhân dân” được gộp chung với “Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”.

Phải chăng điều này có nghĩa là vai trò giám sát, phản biện xã hội của nhân dân cũng “chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp” như dự thảo Báo cáo?

Ông Phùng Hữu Phú - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nêu ý kiến tại cuộc tọa đàm trực tuyến "góp ý dự thảo văn kiện đại hội XIII của Đảng" như sau:

"Không ai hiểu cán bộ, tổ chức bằng dân. Cán bộ này có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà; tổ chức này, đoàn thể kia hoạt động thực chất hay không, dân đều biết rất rõ". [8]

Thậm chí có những vụ việc người dân phát hiện, kiến nghị nhưng chính quyền làm ngơ như hai bài viết sau trên Baodantoc.vn và Nhandan.com.vn:

“Quảng Bình: Chính quyền làm ngơ trước khẩn cầu của người dân?”. [9]

“Dân bức xúc, chính quyền làm ngơ, xưởng hạt điều trái phép ngang nhiên hoạt động”. [10]

Vấn đề “Dân thụ hưởng” được giải thích như sau: “Nhân dân phải được thụ hưởng, đây là động lực. Nếu dân làm, dân kiểm tra, giám sát mà không được thụ hưởng thì vô nghĩa”. [8]

Cách giải thích này dường như mang tính lý luận nhiều hơn thực tiễn. Cách nói rõ ràng nhất, dễ hiểu nhất đã được Hồ Chủ tịch chỉ ra trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 17/10/1945:

“Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Thụ hưởng của người dân, theo Hồ Chủ tịch gồm hai yếu tố “Hạnh phúc” và “Tự do”.

Trên thế giới, các nhà nghiên cứu đưa ra khái niệm “Chỉ số hạnh phúc toàn cầu” (tiếng Anh: Happy Planet Index, viết tắt HPI). Tổ chức NEF (New Economics Foundation) - một tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh - đã đưa ra công thức tính toán “Chỉ số hạnh phúc” và theo NEF Việt Nam luôn có thứ hạng rất cao.

Tuy nhiên xếp hạng của NEF luôn gây tranh cãi và vì thế như một bài viết trên báo Dangcongsan.vn cảnh báo “Chúng ta phải thận trọng với chỉ số HPI của NEF”. [11]

Thực tế tại tỉnh Yên Bái cho thấy mặc dù cả ba tiêu chí xác định HPI đều dưới 50% (Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 40,71%; Tiêu chí đánh giá về tuổi thọ trung bình 41,6%; Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 31,8%) nhưng chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái lại ở mức “Khá hạnh phúc”. [12]

Tựu trung lại, một thể chế chính trị nếu mang đến cho dân chúng hạnh phúc, tự do thì sẽ được dân tin, dân ủng hộ, dân bảo vệ và chắc chắn sẽ trường cửu.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/niem-tin-cua-dan-suc-manh-cua-dang-621278/

[2] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/bao-cao-tong-ket-cong-tac-xay-dung-dang-va-thi-hanh-dieu-le-dang-nhiem-ky-dai-hoi-xii-621158/

[3] http://danvan.vn/Home/Dien-dan/9445/Thoi-cuc-bo-be-phai-mot-trong-nhung-van-de-nhan-dan-buc-xuc-nhat

[4] https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/930865/nhan-dien-benh-doan-ket-xuoi-chieu-dan-chu-hinh-thuc

[5]https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/kien-giang-khuat-tat-viec-thu-hoi-dat-cua-gia-dinh-me-viet-nam-anh-hung-43978.html

[6] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/lam-tac-do-tac-hay-tai-tac-post156706.gd

[7] https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/phat-huy-vai-tro-cua-nhan-dan-trong-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-315661

[8] https://vnexpress.net/du-thao-van-kien-dai-hoi-xiii-bo-sung-noi-dung-nhan-dan-thu-huong-4178852.html

[9]https://baodantoc.vn/quang-binh-chinh-quyen-lam-ngo-truoc-khan-cau-cua-nguoi-dan-1572920687027.htm

[10]https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/dan-buc-xuc-chinh-quyen-lam-ngo-xuong-hat-dieu-trai-phep-ngang-nhien-hoat-dong-235058/

[11] https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/do-luong-hanh-phuc-133551.html

[12] https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/yen-bai-phan-dau-nang-cao-chi-so-hanh-phuc-cua-nguoi-dan-564117.html

Xuân Dương