Đại học Sư phạm phớt lờ thông tư, Bộ biết hay không?

28/07/2019 06:48
Xuân Dương
(GDVN) - Việc không công bố danh sách giảng viên là làm trái quy định tại các khoản b, c điều 11, Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT.

Thứ nhất, nói về chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Ngày 17/7/2019, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học các trường năm 2018 và năm 2019 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để người học và xã hội giám sát; thực hiện hậu kiểm đối với các tất cả trường.

Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý: trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính theo quy định, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo.

Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức… bị phạt hành chính, thậm chí hình sự tùy theo mức độ sai phạm”.

Trước khi “người học và xã hội giám sát; thực hiện hậu kiểm đối với các tất cả trường”, người viết xin phép “hậu kiểm” chính “Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ”.

Như tuyên bố của Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ xử lý các “Cơ sở giáo dục đại học vi phạm” vậy thì danh mục 447 trường công bố thông tin (cho đến sáng ngày 26/07/2019) trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ tại địa chỉ Thituyensinh.vn xuất hiện khoảng 60 trường trung cấp không thuộc khối ngành đào tạo giáo viên (trừ Trung cấp Sư phạm mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội), điều này có cần thiết? Chẳng lẽ các trường trung cấp đào tạo nghề cũng bị hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh?

Về phần mềm tra cứu dữ liệu:

Hình 1 - Kết quả tra cứu
Hình 1 - Kết quả tra cứu

Trong khung tra cứu, gõ cụm từ “Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh”, kết quả cho ra hai trường là “Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh” và “Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long”?

Ngày 26/07/2019 thử tìm kiếm lại vài lần vẫn cho kết quả như cũ (Hình 1).

Trên màn hình chính (trang chủ) thông tin tra cứu có thể là “Mã trường, Tên trường, Mã ngành, Tên ngành, Tỉnh/thành phố” (Hình 2), khi truy cập vào cửa số thứ hai (chứa 25 bản ghi) thì chỉ cho phép tra cứu theo Mã trường, Tên trường (Hình 3)

Hình 2
 Hình 2
Hình 3
 Hình 3

Trong cùng một ngày (24/07/2019), truy cập vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc 9 giờ 29 phút, nhận được kết quả “Tổng số bản ghi: 339” (tức là trong danh sách có tên 339 cơ sở giáo dục) (Hình 4), đến 14 giờ 30 thì con số này là 447 còn vào lúc 17 giờ 43 thì con số này là 337 (Hình 5)?

Không những thế cùng số thứ tự 24, 25 nhưng tên trường hiện trong danh sách tra cứu là khác nhau (xem hình 4, 5).

Hình 4
Hình 4
Hình 5
Hình 5

Về mặt kỹ thuật:

Danh sách các trường đã cập nhật thông tin tuyển sinh là cơ sở dữ liệu để người dân tra cứu. Khi thiết kế cơ sở dữ liệu, người thiết kế bao giờ cũng chọn một trường (Field) làm trường khóa, chẳng hạn Số báo danh, Số hộ chiếu, số thẻ căn cước, biển số xe,…

Những người thiết kế phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hiện dữ liệu theo “ngày cập nhật” chứ không phải theo mã trường hoặc tên trường, điều này vừa không hợp lý đối với người tra cứu và hình như cũng không phù hợp với lý thuyết thiết kế cơ sở dữ liệu?

Còn khá nhiều “sạn” trong phần mềm tra cứu này nhưng xin không nêu tiếp.

Thứ hai, chuyện đại học sư phạm phớt lờ quy định của bộ:

Giáo dục, lại phải nói cho ra nhẽ
Giáo dục, lại phải nói cho ra nhẽ

Theo Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 01/2019/TT-BGDĐT “Về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ” thì các cơ sở giáo dục bậc đại học có trách nhiệm:

“Cập nhật đầy đủ và thường xuyên thông tin, số liệu chi tiết về các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định, kết quả thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh vào phần mềm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Công bố công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ sở dữ liệu và tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh,…”

Dưới đây là ảnh chụp màn hình (ngày 19/07/2019) Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo phần “Thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng chính” của Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (mã trường QHS) công bố thông tin ngày 18/04/2019. Có thể thấy cả hai tiêu chí “Danh sách giảng viên cơ hữu” và “Danh sách giảng viên thỉnh giảng” đều bỏ trống.

Thông tin đội ngũ giảng viên Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội bỏ trống
Thông tin đội ngũ giảng viên Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội bỏ trống

Tiếp theo là Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên - mã trường DTS. Trường này cũng không công bố danh sách giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng.

Thông tin đội ngũ giảng viên Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên (Ảnh chụp màn hình ngày 22/07/2019)
Thông tin đội ngũ giảng viên Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên (Ảnh chụp màn hình ngày 22/07/2019)

Cần biết rằng trong ba tiêu chí quy định tại Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT để xác định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở giáo dục, tiêu chí quan trọng nhất là số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi.

Hai tiêu chí còn lại là “diện tích sàn xây dựng” và “nhu cầu lao động của thị trường”.

Việc không công bố danh sách giảng viên là làm trái quy định tại các khoản b, c điều 11, Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT, đồng thời cũng cho thấy các đại học này đang cố tình không muốn để “người học và xã hội giám sát; thực hiện hậu kiểm đối với các tất cả trường”.

Vậy bao giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý?

Xuân Dương