Đại học số đang kết thúc vai trò lịch sử của đại học truyền thống

08/02/2022 06:46
Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tứ Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại học số luôn "ba không một có". Ba không là: Không giảng đường, không học liệu bản cứng, không giảng viên cơ hữu; Một có là: chất lượng với thời gian ít nhất.

LTS: Bàn về chủ đề đổi mới giáo dục, Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Tứ Thành gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về sự phát triển của đại học số trong thời đại 4.0.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Những nhận định gây sốc cách đây 20 năm về đại học truyền thống [1]

Bill Gates, người Mỹ đã thành danh, tuyên bố:

"Các trường của chúng ta được thiết kế cách đây 50 năm và chúng đã đáp ứng những nhu cầu nhất định của thời đại ấy. Những nếu như chúng ta không thiết kế lại những trường học đó để đáp ứng những nhu cầu của thế kỷ XXI, chúng ta sẽ đánh hỏng cuộc đời của hàng triệu người Mỹ mỗi năm..........

…. Tấm bằng của trường đại học truyền thống hàng đầu nước Mỹ và cái đuôi con công là giống nhau - Cả 2 đều là vật trang trí”.

Tiếp theo Bill Gates, Peter Drucker, nhà tư tưởng được kính trọng của thế kỷ XX tiên đoán:

"Ba mươi năm nữa, các khuôn viên đại học sẽ chỉ còn là di tích. Chúng ta phải bắt đầu giảng bài cho các lớp học ở bên ngoài các trường đại học, qua vệ tinh và video hai chiều, với chi phí thấp nhất.”.

Hai nhận định trên thời đó đã làm cộng đồng toàn thế giới dậy sóng phản đối, xem đó là những phát biểu hồ đồ.

Vậy tương lai “đại học truyền thống” thời cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay có thực sự như tiên đoán của Peter Drucker không, là nội dung bài viết này.

Trước khi phân tích số phận “đại học truyền thống” chúng ta cần làm rõ các thuật ngữ mới hiện nay: “công nghệ số” và “chuyển đổi số”.

Hình 1: Các công nghệ số chính trong chuyển đổi số (Ảnh do tác giả cung cấp)

Hình 1: Các công nghệ số chính trong chuyển đổi số (Ảnh do tác giả cung cấp)

Công nghệ số và chuyển đổi số [2]

Công nghệ số

Là tích hợp của 6 công nghệ: IoT (internet of thing-kết nối vạn vật) , CPS (Cyber-Physical Systems-Hệ thống thực ảo), Cloud computing (Điện toán đám mây), 5G (mạng viễn thông thế hệ 5), Big data (dữ liệu lớn), Data science (Khoa học dữ liệu bao gồm: AI-trí tuệ nhân tạo, data mining-khai phá dữ liệu, deep leearning – học sâu,…)

Chuyển đổi số

Là quá trình thay đổi tổng thể cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên nên tảng công nghệ số (như hình 1). Sản phảm đầu ra của chuyển đổi số hoàn toàn mới, tạo bước “nhảy vọt” khác với những gì đã làm trước đây.

Hãy khảo sát hoạt động dịch vụ chuyên chở hành khách của hãng taxi truyền thống và Grab ngày nay để thấy rõ hơn bản chất của chuyển đổi số.

Các hãng taxi truyền thống: bán dịch vụ vận tải, hành khách ra đường thấy xe thì “vẫy”, “gọi”,… Đến khi sử dụng điện thoại, thay vì hành khách “vẫy” taxi thì chuyển sang gọi qua tổng đài, tổng đài gọi taxi đến chở hành khách… đây là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng dịch vụ, chưa phải là chuyển đổi số.

Grab thay đổi hoàn toàn: không bán dịch vụ vận tải như các hãng taxi truyền thống. Grab ứng dụng nền tảng số, đó là bigdata, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây để bán dịch vụ kết nối.

Nhờ đó, Grab dù không sở hữu, không quản lý bất cứ một tài xế nào cũng không sở hữu một chiếc taxi nào nhưng nó thay đổi hoàn toàn cách thức cung cấp dịch vụ taxi của mọi người và giá trị của Grab hơn hẳn tất cả các dịch vụ taxi truyền thống cộng lại.

Grab thay đổi bản chất và mô hình cung cấp dịch vụ, cách thay đổi “nhảy vọt” này được gọi là thay đổi trong chuyển đổi số.

Nhiều công ty nước ngoài đã “đổ bộ” vào khai thác ở Việt Nam như Uber - công ty taxi lớn nhất thế giới nhưng không có xe taxi nào, Airbnb - công ty khách sạn lớn nhất thế giới nhưng không một khách sạn nào v.v...

Các công ty này hoàn toàn dựa vào công nghệ số, chuyển đổi số và hạ tầng công nghệ thông tin của chính Việt Nam để kinh doanh thu tiền người Việt Nam.

Với Uber Grab, hành khách chỉ kết nối với các tài xế gần nhất… và dịch vụ này đang dần dần từng bước làm phá sản các hãng taxi truyền thống Việt Nam.

Đại học truyền thống và đại học số

Thực trạng giáo dục đào tạo trong đại học truyền thống hiện nay

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khối lượng thông tin và tri thức đang tăng theo hàm mũ. Nếu trước kia có thể sử dụng thời gian 4, 5 năm đại học để trang bị một vốn tri thức về một nghề nghiệp cao cấp nào đó cho một sinh viên để anh ta sử dụng hầu như trong cả cuộc đời hành nghề của mình, thì ngày nay điều đó là hoang tưởng.

Các trường đại học truyền thống trên thế giới luôn luôn “lỡ nhịp”, chương trình và nội dung học không bắt kịp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ. Những kiến thức, công nghệ được dạy ở những năm đầu đại học, nhưng đến khi ra trường các công nghệ đó đã lạc hậu.

Do đó sinh viên tốt nghiệp đại học truyền thống không thích ứng với sự phát triển công nghệ 4.0 khiến nhiều doanh nghiệp phải tự tổ chức đào tạo lại, thậm chí đào tạo mới. "Có doanh nghiệp nước ngoài mất 2 năm để xoá bớt những gì sinh viên đã học. Sau đó, mất thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng mà mình cần".

Vì vậy để giải quyết bất cập này, gần đây Google đã ứng dụng công nghệ số và công bố: “Google Career Certificates” hay còn gọi là “Chứng chỉ nghề nghiệp của Google” với mục tiêu:

- Chương trình dạy 6 tháng trực tuyến (online), đào tạo cơ bản nhanh, dạy những công nghệ mới nhất, không lạc hậu, chuẩn đầu ra tương đương với chương trình đại học truyền thống 4 năm.

- Đối tượng học là tất cả các sinh viên quốc tịch khác nhau trên thế giới, các khóa học được cung cấp dựa trên nền tảng số như hình 1.

-Tập trung vào các kỹ năng mới phù hợp cách mạng công nghiệp 4.0 như: AI, Bigdata, UI, UX

- Người học được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp

Chương trình này của Google đang “phá vỡ” nhiều lý luận vốn có của bằng đại học truyền thống. Đặc biệt sinh viên vui mừng vì không phải “gánh nợ học phí” 4 năm đại học truyền thống.

“Google Career Certificates” được dự báo là một trong những phương án thay đổi tương lai của đào tạo đại học truyền thống trong lĩnh vực công nghệ.

Chứng chỉ này thực sự có thể thay thế đại học truyền thống giống như Uber Grab thay thế các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên “Google Career Certificates” không thể thay thế các đại học truyền thống trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, pháp luật…

Mô hình đại học số [5]

Đại học số xây dựng trên nên tảng số theo mô hình chính phủ số với 3 không :

Không trung gian hóa: là loại bỏ bớt các khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa các bên. Kết nối giữa cung và cầu nhằm loại bỏ khâu trung gian để giảm chi phí. Bài giảng đến với sinh viên trên nền tảng số, giảm vai trò trung gian truyền thống như phòng ban, khoa viện… kể cả vai trò của giảng viên.

Hiệu trưởng có thể theo dõi trực tiếp sự tiến bộ của từng sinh viên mà không cần qua giảng viên.

Không tập trung hóa: là có nhiều người, nhiều cơ sở cùng tham gia tạo ra giá trị mới. Các doanh nghiệp khác nhau ngoài trường có thể tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo theo mô hình mới, phân tán.

Liên kết đào tạo trong giáo dục đại học xuất phát từ xu hướng các nền kinh tế trên thế giới đang dịch chuyển theo hướng dịch vụ dùng chung để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, đặc biệt là tài sản, trong đó có tài sản hữu hình và cả thời gian của con người, như: Uber, Grab, Lyft (dùng chung xe), Airbnb (dùng chung nhà)... Uber Giáo dục cũng vậy, có thể tối ưu nhiều nguồn lực nếu dùng chung.

Không vật chất hóa: là số hóa các thực thể vật chất, các sản phẩm hữu hình (nhìn thấy và sờ thấy được) và tạo thành các phiên bản số, sản phẩm vô hình.

Các cuộc cách mạng công nghiệp 1-2-3 doanh nghiệp lớn nhất là doanh nghiệp có tài sản hữu hình lớn nhất. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp lớn nhất là doanh nghiệp có tài sản vô hình lớn nhất. Tài sản vô hình lớn hơn tài sản hữu hình, tài sản số lớn tài sản vật chất.

Ví dụ Facebook là một trong những mạng xã hội hàng đầu thế giới hiện nay, là nơi kết nối tất cả mọi người lại với nhau trên toàn thế giới, tạo ra một thế giới phẳng - nơi không còn khoảng cách địa lý cho phép tất cả người dùng đăng tải và chia sẻ trạng thái, thông tin cá nhân và tương tác với người khác.

Facebook không có bất cứ phóng viên nào, không có trụ sở tòa soạn nào… nhưng giá trị của facebook, lớn hơn bất cứ tờ báo điện tử nào.

So sánh đại học số và đại học truyền thống [5]

Sự khác biệt cơ bản đối ngược nhau giữa đại học truyền thống và đại học số là:

Đại học truyền thống luôn tồn tại 3 có:

- giảng đường lớn, tòa nhà đắt tiền, phòng học, phòng thí nghiệm. Diện tích trường học càng lớn, càng được xếp hạng ở vị trí cao. Sinh viên nếu bước vào giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm và điểm danh mới được gọi là đi học.

- thư viện, có tài liệu in, có sách giáo trình phục vụ sinh viên. Đại học nào có thư viện lớn có nhiều đầu sách luôn là tiêu chí để xếp hạng. Hình ảnh thư viện to đẹp hoành tráng luôn là biểu tượng của một trường đại học top trên danh giá và cũng là tiêu chí quan trọng để so sánh với các trường đại học truyền thống khác.

- đội ngũ giảng viên cơ hữu. Trường đại học truyền thống nào có nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ luôn được xếp vào trường top trên và là niềm tự hào của đại học truyền thống lâu năm.

Đại học truyền thống phải quản lý nhiều giảng viên, các cán bộ quản lý, các nhân viên phục vụ.

Thông thường để hoạt động được, đại học truyền thống cần một đội ngũ trung gian bằng 1/3 đội ngũ giảng viên.

Để bảo đảm đời sống của giảng viên và cán bộ phục vụ, đại học truyền thống phải luôn tìm cách tăng học phí để có ngân sách. Đây là bất lợi của đại học truyền thống.

Đại học truyền thống muốn duy trì phát triển luôn tồn tại đồng bộ 3 như trên thì ngược lại đại học số luôn 3 không một có.

- Không giảng đường, không phòng thí nghiệm. Toàn bộ quá trình dạy và học lý thuyết đều thực hiện online trên môi trường số. Các phòng thí nghiệm, phòng lap truyền thống được mô phỏng trên môi trường số để sinh viên làm thí nghiệm thực hành online. Do đó, sinh viên đại học số ở bất cứ đâu cũng có thể kết nối học tập online.

- Không học liệu bản cứng, không giáo trình in bằng giấy. Với học liệu cứng của đại học truyền thống, khi in ra thì tất cả người học, kém giỏi khác nhau đều phải dùng chung một nội dung có trong học liệu nên không thể cá thể hóa người học

Thay vào đó đại học số sử dụng học liệu số, sinh viên trình độ khác nhau sẽ có những học liệu số khác nhau tương ứng phù hợp đối tượng người học, tức là nhằm phục vụ cá thể hóa đến từng người học.

Nếu đại học truyền thống thường nhìn vào số sách mà thầy dạy và sinh viên sở hữu để đánh giá đẳng cấp thì đại học số thường nhìm xem có bao nhiêu app trong điện thoại thông minh mà thầy dạy và sinh viên sử dụng để biết được tri thức mà thầy và sinh viên đang sở hữu.

- Không giảng viên cơ hữu. Đối với đại học số, không phải “nuôi” đội ngũ giảng viên cơ hữu cùng nhân viên phục vụ. Vì dạy học online nên đại học số có thể mời những giảng viên giỏi nhất của Việt Nam (hoặc của thế giới) ở nguyên tại chỗ để dạy học cho những sinh viên có kết nối internet. Sinh viên có thể chọn những giảng viên giỏi nhất, phù hợp nhất. Như vậy giảng viên đại học số là những giáo sư giỏi nhất trên toàn cầu.

Với công nghệ AI hiện nay, giáo sư giỏi nhất (thầy thật) có thể huấn luyện cho AI trở thành người trợ giảng (thầy ảo) giúp thầy thật giải đáp thắc mắc của sinh viên cũng như hỗ trợ sinh viên khi làm việc nhóm.

Một có: đó là chất lượng với thời gian ít nhất. Nhờ AI, một giáo sư giỏi có thể tạo ra hàng nghìn trợ giảng ảo, dạy miễn phí sinh viên 24 tiếng/1 ngày không biết mệt mỏi.

Vì không mất tiền để xây dựng trường học, không giả lương thường xuyên cho giảng viên và đội ngũ phục vụ nên đại học số dành toàn bộ kinh phí để đầu tư xây dựng chương trình đào tạo, trả lương cao cho những giáo sư giỏi nhất, nhờ đó mà chất lượng đào tạo được nâng cao.

Để làm rõ thuật ngữ “một có”, ta so sánh dạy học Toán cao cấp ở 2 trường truyền thống và trường số.

Theo đại học truyền thống, sinh viên học theo lịch mỗi tuần học 2 buổi. Sau bốn tháng điểm danh, sinh viên mới đủ kiến thức để làm thi cuối kỳ.

Theo đại học số, sinh viên được nghe giáo sư giỏi nhất dạy online. Những chỗ chưa hiểu, sẽ có giảng viên ảo giải đáp.

Một giáo sư dạy cho một nghìn sinh viên sẽ có tương ứng một nghìn thầy ảo. Một thầy ảo hỗ trợ một sinh viên.

Do luôn có giảng viên ảo hỗ trợ miễn phí bất cứ lúc nào, sinh viên có thể hoàn thành môn Toán cao cấp trong vòng một tháng, thay vì phải đợi 4 tháng như dạy học truyền thống.

Với ưu thế vượt trội này, đại học số đang dần dần thay thế đại học truyền thống và ngày càng thu hút người học theo phương châm mới: “ai cũng được học với thầy giỏi nhất, thời gian học ít nhất và học phí rẻ nhất”

Giống như đèn điện thay thế đèn dầu, Uber Grab thay thế taxi truyền thống, Facebook thay thế các tờ báo điện tử, đại học số đang kết thúc vai trò của lịch sử của đại học truyền thống.

Kết luận

Năm 2000, khi internet chưa thông dụng, mô hình công nghệ số chưa thực sự phát triển nên nhiều giới học giả thời đó đã xem phát biểu của Bill Gates và Peter Drucker về số phận đại học truyền thống là hồ đồ.

Trong bài viết này, tác giả đã dựa theo các tài liệu [2], [3], [4], [5] để chứng minh những nhận định trên của Bill Gates và Peter Drucker là hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Triết học Mác khẳng định: "Công cụ lao động là thước đo của sự phát triển kinh tế và của sự tiến bộ xã hội... Chiếc cối xay chạy bằng sức gió đã đẻ ra các lãnh chúa phong kiến, chiếc máy cơ khí chạy bằng sức nước đẻ ra các nhà tư bản công nghiệp". ….

Các công nghệ số (như hình 1) được xem là công cụ lao động của thầy, trò, chính nó tạo ra đại học số với những ông thầy thật và thầy ảo có mặt khắp nơi trên phạm vi toàn thế giới.

Tương tư như số phận chiếc đèn dầu, ngày nay, có lưới điện quốc gia, đèn điện đã thay thế, đèn dầu không còn là loại phương tiện chiếu sáng như xưa mà chủ yếu được đặt trên bàn thờ ở các gia đình hoặc đình chùa để "giữ lửa" và để lấy lửa thắp hương trong các kì cúng lễ hay giỗ chạp…

Khuôn viên của các trường đại học truyền thống không thể vĩnh cửu, nếu không trở thành di tích thì có thể trở thành khu du lịch sinh thái!

Một khi đã nắm được quy luật phát triển tất yếu của đại học số, chúng ta cần có những giải pháp thúc đẩy để Đại học số mong chóng trở thành hiện thực phục vụ sự nghiệp giáo dục đại học nước nhà.

Tài liệu tham khảo

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/de-viet-nam-vao-sieu-dai-hoc-toan-cau-30626.html

[2] Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020: “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

[3] Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021: “Chiến lược Quốc gia nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”

[4] Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022: “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”

[5] Bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tại Hội thảo chuyển đổi số trong trường Đại học (14/1/2022) https://vwavn-my.sharepoint.com/personal/cntt_hpn_hpn_edu_vn/_layouts/15/onedrive.aspx?id=%2Fpersonal%2Fcntt%5Fhpn%5Fhpn%5Fedu%5Fvn%2FDocuments%2FHoiThaoCDS%5F14012022%2FHoiThaoChuyenDoiSo%5F14012022%5FVideo2%2Emp4&parent=%2Fpersonal%2Fcntt%5Fhpn%5Fhpn%5Fedu%5Fvn%2FDocuments%2FHoiThaoCDS%5F14012022

[6] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dai-hoc-so-se-tro-thanh-mot-cuoc-choi-lon-giua-cac-truong-dai-hoc-20210305131731467.htm

[7] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dai-hoc-truc-tuyen-moi-de-doa-lon-nhat-doi-voi-dai-hoc-truyen-thong-20170320135752569.htm

[8] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giang-vien-dai-hoc-dang-phai-canh-tranh-voi-ong-thay-internet-20180419093854174.htm

[9] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/no-than-ai-dinh-hinh-lai-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-post221185.gd

Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tứ Thành