Cục Nhà giáo có tham mưu cho Bộ “đẻ” thêm chứng chỉ cho nhà giáo?

15/08/2021 07:54
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực sự nhà giáo chúng tôi đã phải gánh quá nhiều loại chứng chỉ rồi, chỉ mong sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe, thấu hiểu để chúng tôi không phải gánh thêm.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra các quyết định ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở Tiểu học; Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, giáo viên trên cả nước đã có nhiều băn khoăn, lo lắng.

"Chương trình bồi dưỡng hằng năm" là chương trình gì?

Báo điện tử VietnamNet ngày 12/8/2021 dẫn lời ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, đây là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm.

"Có thể gọi là chuẩn chung, giáo viên dạy môn nào sẽ có chuẩn bồi dưỡng của môn đó. Theo quy định của Luật Viên chức, mỗi năm, giáo viên đều có khoảng thời gian nhất định để tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Những mô-đun này cho những người mới bắt đầu. Sau khi học xong các mô-đun này, ở các năm tiếp theo, giáo viên sẽ chỉ phải tham gia đào tạo theo hướng cập nhật những điểm mới mà thôi", ông Đức nói.

Riêng với lớp 6 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có khóa tập huấn riêng về việc dạy học, thay đổi sách giáo khoa mới. Sau khi sách giáo khoa được nghiệm thu, các nhà xuất bản cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên.

"Có thể các giáo viên khối lớp 6 năm nay sẽ cập nhật chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở này sau. Chứ giờ vừa ban hành làm sao đủ 3 tháng mà chuẩn bị kịp cho năm học mới. Đây chỉ là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm, không phải ngay cho số giáo viên dạy lớp 6 năm học này", ông Đức nói.

Do đó, theo ông Đức, nhiều người đang hiểu nhầm.

"Mọi việc vẫn đang tiến hành theo lộ trình. Khoảng 4 năm nữa, các trường sư phạm sẽ có lứa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên là giáo viên dạy tích hợp liên môn. Còn hiện nay, giáo viên Địa lý sẽ được bồi dưỡng kiến thức Lịch sử để có thể dạy được và ngược lại; ở đâu, chất lượng không đáp ứng được thì buộc phải phân 2 giáo viên của 2 môn học để cùng dạy tích hợp", ông Đức nói.

Ông Đức cho hay, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã giải thích, hướng dẫn để giáo viên yên tâm, triển khai, bởi môn học nào cũng sẽ có chương trình khung để bồi dưỡng giáo viên.

Về kinh phí, ông Đức khẳng định: "Nếu giáo viên được nhà trường cử đi học tập bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị cử đi bồi dưỡng chi trả. Chỉ trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí". [1]

Cục trưởng Vũ Minh Đức có viện dẫn Luật Viên chức để giải thích cho các "chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm" mà Cục Nhà giáo vừa tham mưu cho lãnh đạo Bộ ký ban hành. Điều đáng tiếc là trong các căn cứ để ban hành Quyết định số 2453, 2454, 2455/QĐ-BGDĐT hoàn toàn không thấy nhắc gì đến Luật Viên chức hay Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Người viết cũng đã tìm kiếm khắp các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành, hoàn toàn không có văn bản nào nhắc đến "chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm" như lời ông Cục trưởng được VietnamNet dẫn lời giải thích.

Cục Nhà giáo có tham mưu cho Bộ “đẻ” thêm chứng chỉ hành giáo viên?

Cục trưởng Vũ Minh Đức nói rằng, theo quy định của Luật Viên chức, mỗi năm, giáo viên đều có khoảng thời gian nhất định để tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Giáo viên chúng tôi không ai lạ gì với quy định này, đó chính là "chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông" được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT.

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên này được thực hiện theo Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT.

Cả 2 thông tư này đều do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tham mưu, Cục trưởng đề nghị Bộ trưởng ký ban hành.

Các Quyết định số 2453, 2454, 2455/QĐ-BGDĐT cũng do Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tham mưu, đề nghị Bộ trưởng ký ban hành, phần căn cứ lẫn nội dung hoàn toàn không nhắc gì đến Thông tư 17/2019/TT-BGDĐT, Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT cũng như Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Vậy phải chăng ngoài các chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên hiện hành, phải chăng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục lại tham mưu cho Bộ ban hành thêm một loại chứng chỉ "bồi dưỡng hằng năm" hoàn toàn mới?

Như vậy phải chăng theo tham mưu của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên ngoài bồi dưỡng thường xuyên, còn phải thực hiện thêm "chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm"?

Ảnh minh hoạ, nguồn: TTXVN

Ảnh minh hoạ, nguồn: TTXVN

Nếu như không phải người viết đang "hiểu chưa đúng" lời ông Cục trưởng trên Báo VietnamNet, thì điều này có nghĩa giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên năm nào cũng phải học để lấy chứng chỉ "Hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học", “Hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên”, “Hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý” hàng năm!

Phải chăng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục lại tham mưu cho Bộ “đẻ” thêm chứng chỉ hành giáo viên chúng tôi?

Điều đáng nói nữa là, nếu như chương trình bồi dưỡng thường xuyên thì nhà giáo không phải đóng tiền, bởi được quy định rõ ràng tại khoản 3 điều 16 Quy chế bồi dưỡng thường xuyên ban hành theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT, thì tham dự "chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm" theo các Quyết định 2453, 2454, 2455/QĐ-BGDĐT thì kinh phí bồi dưỡng hoàn toàn có thể "do người học tự đóng góp"!

Thực sự nhà giáo chúng tôi đã phải gánh quá nhiều loại chứng chỉ rồi, chỉ mong sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe, thấu hiểu để chúng tôi không phải gánh thêm bất kỳ loại chứng chỉ nào nữa!

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/thuc-hu-thong-tin-giao-vien-phai-dong-tien-hoc-boi-duong-day-tich-hop-758262.html

[2]Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT

[3]Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT

[4] Các Quyết định số 2453, 2454, 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai