Covid-19: Một vài suy nghĩ và giải pháp thực hiện (1)

21/03/2020 07:56
Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)
(GDVN) - Sống trong sợ hãi, lo âu sao bằng sống vui, sống bình thản ngay cả khi đại dịch có thể bùng phát.

Bài viết này gồm hai phần, phần thứ nhất điểm qua vài nét về cách thức chống dịch Covid-19 của một số quốc gia và Việt Nam, phần thứ hai tập trung nói về giáo dục.

Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa thông qua một “kế hoạch lớn, táo bạo” (big, bold plan) bằng cách tung gói khẩn cấp trị giá gần 400 tỷ USD (bằng khoảng 15% GDP của Anh) cho chiến dịch chống Covid-19, đây là câu chuyện được giới bình luận xứ sở sương mù cho là người Anh bắt đầu “sử dụng đại bác bắn virus corona”.

Anh Quốc đóng cửa trường học và không công bố dự kiến đến ngày nào sẽ mở lại, họ thông báo chờ quyết định của chính phủ trong khi Việt Nam đã vài lần định ngày mở cửa trường học, lần gần nhất dự kiến là đầu tháng tư.

Chính sách chống dịch mà Việt Nam theo đuổi là phát hiện sớm người bị bệnh và các đối tượng tiếp xúc gần; Cách ly kịp thời; Khoanh vùng tiêu diệt mầm bệnh; Sử dụng các loại thuốc hiện có tạo phác đồ điều trị với từng loại bệnh nhân (già, trẻ, người nước ngoài,...).

Không cần đến bệnh viện, ở nhà được bác sĩ trực tiếp tư vấn về COVID-19 miễn phí
Không cần đến bệnh viện, ở nhà được bác sĩ trực tiếp tư vấn về COVID-19 miễn phí

Cách làm của Việt Nam đã mang lại hiệu quả bước đầu, bằng chứng là đến ngày 20/03/2020 Việt Nam chỉ phát hiện hơn 80 ca nhiễm Covid-19 và hầu hết trong số đó từ nước ngoài nhập cảnh vào.

Cũng xin nói thêm, giữ vai trò rất quan trọng trong chiến dịch chống Covid-19 ở Anh là một người gốc Việt - Giáo sư dịch tễ học đại học Nottingham Jonathan Nguyen Van Tam, ông hiện là England's Deputy Chief Medical Officer - Phó Chủ tịch cơ quan Y tế Anh Quốc.

Tại Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã được công nhận là Giáo sư thỉnh giảng Đại học Oxford, Vương quốc Anh từng là Trưởng ban điều hành chương trình mục tiêu Quốc gia khu vực phía Nam về Phòng chống sốt xuất huyết; Tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS; Phòng chống dịch đường hô hấp cấp do Virus.

Dân số Anh vào khoảng gần 70 triệu người, bằng khoảng 2/3 dân số Việt Nam.

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế, GDP Anh Quốc năm 2019 vào khoảng 2.700 tỷ USD, trong khi GDP Việt Nam là khoảng 230 tỷ USD (có tài liệu đưa khoảng 270 tỷ USD). 

Chính phủ Việt Nam đã quyết định đưa gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ thuế 30.000 tỷ giúp doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn vì Covid-19.

Số tiền 280.000 tỷ tương đương 16 tỷ USD nghĩa là cũng vào khoảng 15% GDP như Anh Quốc. Các gói tín dụng được Chính phủ Việt Nam chính thức công bố từ 07/03/2020, trước Anh Quốc khoảng nửa tháng.

Vấn đề nằm ở chỗ gói tín dụng 280.000 tỷ đồng của Việt Nam nhằm giúp doanh nghiệp và các “đối tượng có khó khăn” trong khi gói 400 tỷ USD của Anh nhấn mạnh rõ hơn đến hai đối tượng “doanh nghiệp nhỏ, người thu nhập dưới trung bình”.

Xin đặc biệt lưu ý thông tin nước Mỹ đã ban hành ba đạo luật chống Covid-19, Anh cũng ban hành một đạo luật về Covid-19 còn Việt Nam mới chỉ có các văn bản dưới luật do Chính phủ công bố. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/3 cho biết sẽ kích hoạt đạo luật thời chiến nhằm đối phó với dịch Covid-19 trong bối cảnh số người mắc bệnh này tại Mỹ tăng nhanh.

Trong khi thế giới đang tăng tốc thì chính sách vĩ mô mà Chính phủ thực hiện, mặc dù có quyết liệt nhưng đã mang tính tổng thể, bao quát các yếu tố xã hội hay mới tập trung vào lĩnh vực y tế và kinh tế?

Trả lời câu hỏi này cần nhìn vào hai nhóm người đông nhất chịu ảnh hưởng của Covid-19  và chính sách dành cho họ.

Đối với giáo dục:

Khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên, nhà giáo phải nghỉ học, nghỉ dạy, hàng vạn cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học phải ngừng hoạt động, tuy nhiên Chỉ thị số 11/CT-TTg “Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19” lại chủ yếu dành cho doanh nghiệp, chưa đề cập một cách rõ ràng đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo. 

Học sinh tại Vĩnh Long được đo thân nhiệt. (Ảnh: TTXVN)
Học sinh tại Vĩnh Long được đo thân nhiệt. (Ảnh: TTXVN)

Đối với nông dân:

Rất nhiều sản phẩm nông, ngư nghiệp như tôm hùm, cá ngừ, cua bể, thanh long, chuối,… xuất khẩu bị giảm đáng kể khiến người nuôi trồng phải bán lỗ, hòa vốn hoặc phải chặt bỏ (chuối ở Hưng Yên), vậy các gói tín dụng 280.000 tỷ có bao nhiêu phần trăm dành cho hộ nông dân, ngư dân cá thể?

Không những thế, trong công bố mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về gói đề xuất 6 điểm gửi Chính phủ nhằm “hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động” đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19, dễ dàng nhận thấy các cơ sở giáo dục không được đề cập đến bởi các cơ sở này không phải là doanh nghiệp và như vậy đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục cũng nằm ngoài tầm quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội?

Phải chăng vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất gửi Chính phủ nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ quan tâm đến khối doanh nghiệp?

Vậy vì sao nông dân, ngư dân cũng bị ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19 lại không được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề cập trong gói cứu trợ 6 điểm?

Phải chăng lúc này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nên trình Chính phủ một gói cứu trợ riêng cho lĩnh vực nông dân và nông thôn? 

Bộ Giáo dục khuyến cáo lưu học sinh bình tĩnh, cân nhắc việc về Việt Nam
Bộ Giáo dục khuyến cáo lưu học sinh bình tĩnh, cân nhắc việc về Việt Nam

Đến đây thì có một câu hỏi cần đặt ra là vì sao kiểu làm ăn manh mún này lại cứ tồn tại mà không có một chính sách tổng thể cho mọi đối tượng, mọi lĩnh vực?

Về tâm lý xã hội, một bộ phận người Việt vẫn còn mang nặng tâm lý đám đông, nói theo kiểu đường phố là “tâm lý bầy đàn”.

Thấy có tai nạn giao thông là xúm lại xem, nghe công an truy bắt “Tuấn khỉ” là kéo nhau theo dõi, thế nên chỉ mới bùng phát Covid-19 là tiểu thương gom hàng, tăng giá khẩu trang, có trường hợp sản xuất thuốc giả đã bị phát hiện,… 

Chỉ một thông tin có bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 là đua nhau tích trữ, vơ vét hàng hóa tại siêu thị. Một ông cán bộ bị nhiễm Covid-19 sau khi đi nước ngoài về là hàng loạt tin đồn được tung lên mạng xã hội.

Trong bối cảnh dân trí như thế, việc đưa thông tin về dịch Covid-19 trên các phương tiện truyền thông đại chúng đòi hỏi phải có sự cân nhắc, không gây hoang mang cho nhóm người có sự hạn chế về nhận thức, không tạo nên những cú sốc nếu không may xảy ra sự kiện bệnh nhân không qua khỏi.

Người Anh được thế giới gán cho lối sống “Phớt ăng lê”, thế nên các thông tin Covid-19 không gây xáo trộn tâm lý mạnh mẽ như người Việt.

Tuyên truyền chống dịch bệnh cần nhằm mục đích giúp người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, không chỉ bảo vệ mạng sống bản thân mà quan trọng là nâng cao nhận thức về các giá trị sống. 

Các giá trị sống là chung cho nhân loại, không phân biệt dân hay quan chức thế nhưng không phải người Việt nào cũng nhận thức đầy đủ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Người dân hết sức thông cảm với nỗi lo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều bình luận trên mạng xã hội mong ông Đam khỏe mạnh, vững vàng chỉ đạo trận chiến chống dịch nhưng ít thấy những phê phán lối sống không phù hợp của một vài quan chức mặc dù không thiếu thông tin chính xác về những hoạt động không thể xem là bình thường của họ.

Sống trong sợ hãi, lo âu sao bằng sống vui, sống bình thản ngay cả khi đại dịch có thể bùng phát.

Nếu mọi người đều nhận thức, rằng từ thứ dân đến hoàng đế chưa từng có người nào bất tử, có chăng chỉ là những huyền thoại như “Tứ bất tử” lưu truyền trong dân gian thì xã hội chắc chắn sẽ bình an hơn, con người sẽ bớt đi những hành động ích kỷ, coi thường pháp luật. 

(Còn nữa)

Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)