Có đại biểu ngủ gật, bỏ họp, không biểu quyết, Quốc hội ăn nói sao đây?

18/07/2019 07:16
Xuân Dương
(GDVN) - Người dân vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính hoặc hình sự, Đại biểu Quốc hội không thực hiện các điều khoản trong luật có bị coi là vi phạm pháp luật?

Ba năm trước, ngày 4/5/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có buổi tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, tại buổi họp một cử tri “Đề nghị Chủ tịch Quốc hội nhắc các đại biểu đừng nói chuyện riêng và đừng ngủ gật tại kỳ họp”. [1]

Một năm trước, ngày 16/10/2018, phát biểu ý kiến về chương trình kỳ họp 6 Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh:

“Đại biểu Quốc hội phải nêu gương, trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội, các bộ, ngành mời giao lưu, dự tiệc thì không tham dự”. [2]

Ngày 17/7/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp để đánh giá về kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 vừa kết thúc.

Sau đây là ý kiến của một số vị lãnh đạo Quốc hội:

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu: “Có những phiên biểu quyết, tổng số gần 500 đại biểu nhưng chỉ thu về được hơn 300 ý kiến biểu quyết. Như vậy là không ổn”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: “Rất khó giải thích với cử tri về việc đoàn đại biểu Quốc hội có tới 13 đại biểu xin vắng họp”. [3]

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Kỳ họp vừa qua (từ 20/5 đến 14/6) đại biểu vắng mặt rất nhiều. Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, thậm chí có ngày vắng tới 100 đại biểu.

Tôi đề nghị rút kinh nghiệm vì kỳ này đại biểu vắng nhiều nhất trong tất cả các kỳ họp từ trước đến nay”. [4]

Rác phát ngôn
Rác phát ngôn

Năm 2013, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), cho rằng nên tiết kiệm thời gian họp Quốc hội vì "mỗi phút ngồi hội trường, nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng, như vậy mỗi ngày họp mất khoảng 1 tỷ đồng". [5]

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng ý kiến của đại biểu Trần Quốc Tuấn là “không có cơ sở”.

Ngày 14/11/2018, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 73/2018/QH14 “Về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019”.

Phần ngân sách phân bổ cho Văn phòng Quốc hội năm 2019 là 1.650.440 triệu đồng (hơn 1.650 tỷ đồng), trong đó chi thường xuyên là 1.542,5 tỷ đồng, phần chi cho “đầu tư phát triển” là 107,940 tỷ đồng (Phụ lục 2).

Với khoản chi thường xuyên, chia cho 365 ngày thì bình quân mỗi ngày là 4,22 tỷ đồng.

Ngày 9/3/2018, báo Giáo dục và Thời đại thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có bài viết: “Giải pháp để ngăn chặn học sinh bỏ học”.

Tình trạng học sinh bỏ học là nỗi lo của cả xã hội chứ không chỉ ngành giáo dục.

Thế nhưng nỗi lo này có bằng nỗi lo khi Đại biểu Quốc hội bỏ họp?

Thống kê cho thấy cả nước có 4 tỉnh (tức là 4 đoàn Đại biểu Quốc hội) có số đại biểu Quốc hội từ 13 đại biểu trở lên là: Hà Nội - 30, Nghệ An - 13, Thành phố Hồ Chí Minh - 30, Thanh Hóa -14.

Liệu có chuyện trong phiên họp mà bà Lê Thị Nga đề cập, cả đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An (13 người) vắng mặt hay đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa (14 người) chỉ có 1 người dự họp?

Nếu điều đó không xảy ra thì chỉ còn khả năng một trong hai đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh vắng tới 13 đại biểu.

Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất mà cả hệ thống chính trị phải tuân thủ. Điều 82  Hiến pháp 2013 quy định “Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu, có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội”.

Vậy trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là gì?

Ai cố tình che mắt các đại biểu của dân?

Tại điều 26, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định trách nhiệm tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội của Đại biểu Quốc hội như sau:

“1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

2. Đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự các phiên họp, tham gia các hoạt động khác của Hội đồng, Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban mà mình là thành viên.

3. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập”.

Như vậy, việc gần 200 Đại biểu Quốc hội không tham gia biểu quyết – như ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu – là vi phạm khoản 1 điều 26 Luật Tổ chức Quốc hội.

Việc có ngày có tới 100 đại biểu bỏ họp cho thấy những người này đã vi phạm quy định “Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội” ghi trong Luật Tổ chức Quốc hội?

Đại biểu Quốc hội là người được ủy nhiệm thực hiện quyền lực của nhân dân trong quá trình lập pháp và quyết định những vấn đề lớn của đất nước.

Việc hàng trăm đại biểu bỏ họp hoặc không tham gia biểu quyết có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng các đạo luật, các chủ trương mang tầm vĩ mô của đất nước tạm chưa bàn đến, song chắc chắn các vị đại biểu này đã xem nhẹ sự ủy thác được nhân dân giao phó.

Người dân vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính hoặc hình sự, Đại biểu Quốc hội không thực hiện các điều khoản trong luật có bị coi là vi phạm pháp luật?

Nếu có thì vì sao chỉ bị nhắc nhở mà không bị xử lý?

Có đại biểu ngủ gật, bỏ họp, không biểu quyết, Quốc hội ăn nói sao đây? ảnh 2“Yêu dân” nên cho roi cho vọt, “ghét quan” nên cho ngọt cho bùi?

Muốn tránh tình trạng này, cách tốt nhất là tăng lượng đại biểu chuyên trách, giảm đến mức tối đa đại biểu là cán bộ trong bộ máy hành chính tức là đại biểu kiêm nhiệm, tiến tới chỉ có đại biểu chuyên trách, không kiêm nhiệm.

Việc Đại biểu Quốc hội cùng lúc sắm hai vai, vừa là người thực thi pháp luật, vừa là người làm luật cho thấy bất cập không chỉ về nhân sự Quốc hội mà dễ dẫn tới khả năng lồng ghép lợi ích của doanh nghiệp hoặc cơ quan hành pháp vào quá trình làm luật.

Một trong những ví dụ có thể thấy là khi Quốc hội xin ý kiến đại biểu về 3 nội dung của dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Chỉ có 44,21% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn, số còn lại phản đối hoặc không có ý kiến.

Phải qua quá trình họp đoàn, họp tổ có trao đổi và giải thích rõ hơn vấn đề này - như lời ông Nguyễn Hạnh Phúc - tỷ lệ đồng thuận mới đạt 77,27%.

Báo Nhandan.com.vn ngày 29/01/2018 đăng bài: “Khoảng 40% tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia gây ra”.

Ý kiến trên báo Đảng là như vậy nhưng vì sao vẫn có những đảng viên là Đại biểu Quốc hội phản đối cấm rượu bia khi lái xe?

Đổi mới thể chế chính trị là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, theo đó “Đổi mới tư duy về hình thái cấu trúc và tổ chức bộ máy là công việc căn bản của việc đổi mới chính trị; và, song hành với công việc đó là xác lập và vận hành cơ chế hoạt động của toàn hệ thống và kiểm soát quyền lực của các thành viên trong hệ thống chính trị”. [6]

Có thể thấy ý kiến đăng trên Tạp chí Cộng sản nêu trên đã nhấn mạnh đến “Đổi mới tư duy về hình thái cấu trúc và tổ chức bộ máy” và do đó, việc nghiên cứu đổi mới hình thái cấu trúc và tổ chức bộ máy Quốc hội là không thể chậm trễ.

Tuy nhiên, hầu như các kỳ họp Quốc hội thời gian gần đây tập trung vào phản biện các dự án luật (do Chính phủ trình) và chất vấn thành viên Chính phủ.

Người dân chưa thấy Quốc hội bàn về “hình thái cấu trúc và tổ chức bộ máy” của chính mình.

Để không còn tình trạng Đại biểu Quốc hội ngủ gật, tham gia tiệc tùng (trong kỳ họp) hay bỏ họp, không tham gia biểu quyết,… nên chăng công bố công khai danh sách những người đó cho nhân dân biết?

Cách tốt nhất là bỏ hẳn tình trạng “Hai vai”, đã là đại biểu Quốc hội thì không làm việc trong các cơ quan hành pháp và tư pháp.

Quốc hội là cơ quan ban hành luật, đổi mới thể chế chính trị nghĩa là cần tiến tới chính Quốc hội chứ không phải Chính phủ là nơi soạn thảo các dự luật.

Mặt khác, Quốc hội cần có quy chế xử lý nghiêm khắc nếu đại biểu Quốc hội không hoàn thành nhiệm vụ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtc.vn/mong-chu-tich-quoc-hoi-nhac-dai-bieu-dung-ngu-gat-d255854.html

[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/de-nghi-dai-bieu-quoc-hoi-khong-di-du-tiec-cac-bo-moi-trong-thoi-gian-ky-hop-1013966.html

 [3] https://www.baogiaothong.vn/hop-quoc-hoi-co-doan-dai-bieu-7-nguoi-thi-vang-den-5-d427542.html

[4] https://vnexpress.net/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-de-nghi-chan-chinh-viec-nhieu-dai-bieu-vang-hop-3953211.html

[5] https://vtc.vn/moi-ngay-hop-quoc-hoi-tieu-ton-1-ty-dong-d133528.html

[6] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2019/54003/Doi-moi-hinh-thai-cau-truc-co-che-van-hanh-va-kiem.aspx

Xuân Dương