Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh kiêm Hiệu trưởng có phù hợp?

25/05/2020 06:30
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giải thích thế nào về mối liên quan giữa việc ông Nguyễn Văn Thắng làm Hiệu trưởng và Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Hạ Long?

Báo chí đưa tin: “Ông Nguyễn Văn Thắng được Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh phân ông kiêm nhiệm chức danh hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long trước khi 100% thành viên Hội đồng trường nhất trí bầu”. [1]

Ông Nguyễn Văn Thắng hiện là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu đã ký quyết định về việc công nhận ông Nguyễn Văn Thắng là Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long.

Để có thể trả lời câu hỏi chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã tuân thủ pháp luật trong việc bổ nhiệm ông Thắng làm Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cần phân tích một số vấn đề đã và đang diễn ra cả về phía tổ chức Đảng lẫn cơ quan công quyền tại tỉnh này.

Thứ nhất, về mặt luật pháp:

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh kiêm Hiệu trưởng có phù hợp? ảnh 1Trung tâm Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) (Ảnh minh họa: Baoquangninh.com.vn)

Căn cứ vào điều 20 “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13” (Luật số 34/2018/QH14) thì:

Tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:

“a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật;

b) Đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học”.

Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Hạ Long do nguyên Hiệu trưởng Vũ Thị Thu Thủy (bà Thủy khi đứng chức danh này, đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh) ký thì:

“Hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật của Nhà trường, do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh bổ nhiệm; chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của Nhà trường theo Điều lệ Trường đại học, Quy chế này và các quy định của pháp luật”. [2]

Vậy lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giải thích thế nào về mối liên quan giữa việc ông Nguyễn Văn Thắng làm Hiệu trưởng và Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Hạ Long?

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu cho rằng “việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm nhiệm thêm chức vụ hiệu trưởng nói trên không làm ảnh hưởng tới các công tác điều hành khác tại tỉnh cũng như nhà trường bởi việc quản lý, điều hành trực tiếp tại nhà trường do một phó hiệu trưởng được phân công phụ trách”. [3]

Nếu đúng như ông Hậu khẳng định, nghĩa là ông Nguyễn Văn Thắng không “điều hành trực tiếp” nhà trường mà do một phó hiệu trưởng được phân công phụ trách thì bản thân ông Thắng đã tuân thủ quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Hạ Long, ngôi trường mà ông đang làm Hiệu trưởng, hay chưa?.

Có thể thấy với cương vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, ông Thắng không thể dành toàn bộ thời gian cho việc trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của Nhà trường theo Điều lệ Trường đại học, theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Hạ Long và một số quy định của pháp luật.

Thứ hai, về nguyên tắc tổ chức Đảng:

Việc trung ương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo về địa phương đảm nhận các chức vụ chủ chốt bao giờ cũng theo một số bước, trước hết là làm thủ tục nhân sự bên đảng tại địa phương, sau đó cấp ủy địa phương giới thiệu để Hội đồng nhân dân các cấp bầu vào các chức danh thuộc chính quyền.

Chưa thấy có trường hợp nào sau khi luân chuyển về địa phương, cán bộ vẫn làm việc ở trung ương và có cấp phó thay mình giải quyết công việc tại địa phương.

Phải chăng trường hợp ông Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh làm Hiệu trưởng Đại học Hạ Long là ngoại lệ cả về phía Đảng lẫn chính quyền?

Những thông tin mà báo chí đăng tải sau đây liệu có thể coi là tiền hậu bất nhất:

Như nội dung đã nêu ở phần đầu, “ông Nguyễn Văn Thắng được Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh phân ông kiêm nhiệm chức danh hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long trước khi 100% thành viên Hội đồng trường nhất trí bầu”. [1]

Điều này có đồng nghĩa với việc Tỉnh ủy Quảng Ninh đã trực tiếp bổ nhiệm lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học?

Ngược với bài báo đã dẫn, ông Trần Trung Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long - giải thích: “Trước đó, hiệu trưởng của trường do phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, chị Vũ Thị Thu Thủy, kiêm nhiệm…

Trước khi chị Thủy nghỉ hưu, Đảng ủy nhà trường đã thống nhất bầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng làm hiệu trưởng. Cán bộ cốt cán của trường đều rất vui và phấn khởi với kết quả này”. [3]

Với các đại học công lập, mục đ, khoản 2, điều 16 Luật số 34/2018/QH14 quy định:

Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn: “Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; …”.

Khoản 6 điều 9, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định:

“Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên”.

Vậy việc Đảng ủy Đại học Hạ Long “thống nhất bầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng làm hiệu trưởng” có trái Điều lệ Đảng và pháp luật hiện hành bởi Hội đồng trường mới là cơ quan có quyền quyết định hoặc đề xuất với “cơ quan quản lý có thẩm quyền” về việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học chứ không phải là quyền của Đảng ủy trường?.

Rất nhiều cuộc bổ nhiệm cán bộ được cơ quan chức năng khẳng định là “đúng quy trình” hoặc “đúng quy định” đã từng xảy ra nhưng chưa bao giờ dư luận chứng kiến một vị là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh (ông Đặng Huy Hậu) ký quyết định công nhận (tương đương với bổ nhiệm) cấp trên của mình là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Hiệu trưởng đại học.

Ông Đặng Huy Hậu còn cho biết “việc Ủy ban Nhân dân tỉnh có quyết định công nhận ông Nguyễn Văn Thắng kiêm nhiệm thêm chức vụ hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long là đúng quy định”. [3]

Vậy đây là quy định của riêng tỉnh Quảng Ninh hay là quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật vẫn đang có hiệu lực?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/quang-ninh-giai-thich-chuyen-chu-tich-tinh-kiem-nhiem-hieu-truong-dai-hoc-642989.html

[2]https://docs.google.com/viewer?a=v&pid=sites&srcid=bW9ldC5lZHUudm58cGhvbmd0Y2NiZGhobHxneDoxMGJmYmU0YzdmNzQwMjQz

[3] https://tuoitre.vn/chu-tich-tinh-kiem-hieu-truong-dai-hoc-tinh-noi-dung-quy-dinh-chuyen-gia-buon-cuoi-20200520215713817.htm

Xuân Dương