“Chạy địa phương, những cái đầu tàu và nỗi lo mất cán bộ"

12/06/2020 06:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có một nhận xét khá tế nhị, đó là tâm lý sợ “mất cán bộ” chỉ là tâm tư của một số “cán bộ” chứ không phải là của dân chúng hoặc đảng viên thường.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, những người sẽ làm công bộc của dân, Hồ Chủ tịch nói:

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.

Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi.

Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. [1]

Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết công tác chuẩn bị nhân sự khóa 13 “560 cán bộ diện Trung ương quản lý, 184 cán bộ cấp chiến lược đã được phê duyệt quy hoạch”. [2]

Do không tìm thấy số liệu cán bộ diện Trung ương quản lý khóa 12 nên giả thiết là tương đương khóa 13, nghĩa là cũng trên dưới 600 người.

Số cán bộ diện Trung ương quản lý (khóa 12) bị kỷ luật là gần 100 người (chiếm khoảng 17%), trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị (ông Hoàng Trung Hải) và 2 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (ông Đinh La Thăng, ông Lê Thanh Hải).

Số lượng, chức vụ và hình thức xử lý gần 100 cán bộ nêu trên thực sự là một cú sốc với toàn xã hội chứ không chỉ trong nội bộ Đảng.

Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo - đã yêu cầu trong năm 2020 phải sớm đưa ra xét xử 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp nhất.

Phiên họp thứ 17 Ban Chỉ đạo yêu cầu từ nay đến cuối năm tập trung điều tra, xử lý 5 vụ án lớn, nếu kế hoạch hoàn thành, số lượng cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật sẽ giữ nguyên hay tăng thêm?

Đặt câu hỏi này bởi gần đây, xuất hiện một luồng ý kiến lo lắng vì … mất cán bộ.

“Chạy địa phương, những cái đầu tàu và nỗi lo mất cán bộ" ảnh 1Tranh minh họa. Nguồn: hoinhabaovietnam.vn

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt, Đại biểu Quốc hội đoàn Lạng Sơn phát biểu: “Quá đau lòng khi chúng ta mất cán bộ nhiều quá”. [3]

Một đại biểu Quốc hội cũng là nhà báo có tiếng cho rằng “Các dự án yếu kém hàng nghìn tỷ đồng đắp chiếu, trùm mền. Không nhanh chóng tháo gỡ thì tiền càng đắp chiếu nằm đấy càng mất, càng thất bại, mất lao động, mất cả cán bộ và mất rất nhiều thứ…”. [3]

Ý kiến tương tự cũng đã có thể tìm thấy trong một số phát biểu khác.

Không nhanh chóng “tháo gỡ” thì mất cán bộ, mất nhiều thứ, thế có phải nếu nhanh chóng “tháo gỡ” thì sẽ chẳng mất cái gì?

Kết luận tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa 12 về kỷ luật cán bộ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng:

“Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân.

Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta.” [4]

Vậy vì sao giờ đây lại có chuyện sợ mất cán bộ?

Phải chăng vấn đề sợ mất cán bộ đang thực sự nóng ở giai đoạn “nước rút” này?

Có một nhận xét khá tế nhị, đó là tâm lý sợ “mất cán bộ” chỉ là tâm tư của một số “cán bộ” chứ không phải là của dân chúng hoặc đảng viên thường.

Dân chúng chỉ mong “lò nóng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cháy liên tục, càng nhiều “củi” bị cho vào lò càng tốt cho dân, cho nước.

Tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ, công chức, viên chức thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó có chuyện “chạy”.

Ông Nguyễn Phú Trọng từng điểm một loạt hình thức chạy: “Chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,…”, gần đây trong dân chúng có sự râm ran về một hình thức mới “Chạy địa phương”.

Các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc,… chọn các tập đoàn kinh tế tư nhân làm đầu tàu kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước chỉ giữ một vị trí khiêm tốn kể cả trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Tại Hàn Quốc, các tập đoàn kinh tế gia đình (Chaerbol) được cho là nắm giữ 80% nền kinh tế quốc gia này.

Chỉ riêng 5 Chaerbol lớn là Samsung, Hyundai, SK Group, LG và Lotte đã chiếm khoảng 50% giá trị thị trường chứng khoán Hàn Quốc trong đó Samsung Electronics Co. và Hyundai Motor Co. chiếm đến 1/5 nền kinh tế của đất nước kim chi.

Tại Mỹ, các hãng tư nhân như Boeing, Lockheed Martin,… là doanh nghiệp cung cấp chủ yếu khí tài chiến tranh cho Bộ Quốc phòng,…

Bên cạnh đó, các hãng hàng đầu thế giới như MicroSoft, Apple, Google,…đều không phải là doanh nghiệp nhà nước.

Tại Việt Nam, sau nhiều nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ khu vực chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng hạn Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, VietJet Air, Masan,…

Dẫu có nổi tiếng tại Việt Nam thì các doanh nghiệp trên cũng chưa trở thành tầm cỡ thế giới.

Tại sao có tình trạng này?

Có vẻ như chiến lược của Việt Nam lại không như các nước phát triển, nhiều thông tin cho thấy Việt Nam chọn địa phương làm đầu tàu kinh tế chứ không phải doanh nghiệp.

Và phải chăng hơn chục tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn làm “đầu tàu” là kết quả của quá trình “Chạy địa phương”?

Điểm qua báo chí có thể thấy cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Long An, Bắc Ninh, Bình Dương,… đều được gắn nhiệm vụ phải trở thành “Đầu tàu kinh tế” cả nước.

Cũng có ý kiến nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn với Nghệ An cũng được yêu cầu: “Nghệ An cần bứt phá mạnh mẽ, là đầu tàu ở khu vực Bắc Trung bộ”.

Các vụ việc nổi cộm khiến hàng loạt quan chức và cựu quan chức cấp tỉnh, huyện, sở (cả chính quyền và Đảng) tại các “đầu tàu” Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc,… bị kỷ luật liệu có làm các “Đầu tàu kinh tế” này chạy chậm hơn hoặc tạm dừng chờ “tháo gỡ”?

Không ít người nghi ngờ liệu Đà Nẵng có còn là “Thành phố đáng sống”?

Nhiều đầu tàu kinh tế như vậy, đoàn tàu kinh tế Việt Nam sẽ chạy theo hướng nào?

Một nghiên cứu của David Robson trình bày trong bài viết “Nên dựa vào cá nhân giỏi hay tập thể trung bình để thành công?” đưa ra kết luận khi làm việc tập thể:

“Mọi người không động não một cách hiệu quả - họ sẽ không đi chệch phương hướng của cả nhóm”.

Điều đặc biệt nguy hại khi “phương hướng của cả nhóm” lại do một “tập thể trung bình” thống nhất đưa ra và hậu quả là “Các thành viên trong nhóm nhanh chóng quy về đồng thuận mà không thực sự tìm tòi các khả năng khác” – kết luận của tác giả.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nêu hàng loạt câu hỏi với các Ủy viên Trung ương Đảng:

“Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp?

Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai?

Vướng mắc chính là ở chỗ nào?”. [5]

Một trong những ví dụ được đa số các tờ báo đề cập là kê khai tài sản.

Tính từ năm 2016, khi bắt đầu nhiệm kỳ trung ương khóa 12, số lượng người kê khai tài sản hàng năm xấp xỉ một triệu người, số trường hợp kê khai thiếu trung thực dao động từ 3 (năm 2016) đến 6 người (năm 2018), riêng năm 2019 “qua xác minh 46 người về kê khai tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ phát hiện 10 trường hợp vi phạm”.

Thế có nghĩa là số người vi phạm bị phát hiện đã “tăng gần gấp đôi”!

Thành tích ấn tượng này là do sự nghiêm túc của công tác thanh tra hay do số người thoái hóa, biến chất càng ngày càng nhiều?

Trong 04 năm 2016-2019, tổng số người có vi phạm kê khai tài sản đã bị xử lý là khoảng 25 người.

Cùng thời gian đó gần 100 cán bộ diện trung ương quản lý bị kỷ luật và hình như ít thấy nói về tài sản của họ mặc dù có vị cựu Bộ trưởng chỉ một vụ nhận hối lộ đã bỏ túi 3 triệu USD – tức là gần 70 tỷ đồng.

Vậy số cán bộ “bị mất” ấy có oan không, có đáng tiếc không, có thể “tân trang” để tiếp tục sử dụng không?

Nói đến “tân trang” bởi từ phát biểu của vị đại biểu Quốc hội [3], chỉ có thể hiểu là nếu nhanh chóng tháo gỡ các dự án đắp chiếu, trùm mền thì sẽ “không mất lao động, cán bộ và rất nhiều thứ khác”.

Liệu có còn cách hiểu nào khác, chẳng hạn sau “tháo gỡ” vẫn mất nhiều thứ?

Đây là một ý kiến đáng suy ngẫm nhưng thực ra nó đã được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất từ trước, bộ này đã đề xuất lấy ngân sách nhà nước mua lại các dự án BOT giao thông làm ăn bết bát.

Nếu điều này được thực hiện thì những cán bộ đã phê duyệt hoặc ký văn bản nghiệm thu các dự án liệu có nên bị làm khó dễ.

Tháo gỡ các dự án thua lỗ có phải chỉ cần cơ chế hay cũng phải có tiền?

Trường hợp phải bơm thêm tiền để “tháo gỡ” thì có phải để giữ được “cán bộ” ngân sách – tức là tiền thuế của dân - đành phải bỏ thêm nhiều tỷ đồng?

Nếu điều này là đúng thì nói theo cách dân gian, để giữ được “cán bộ”, để khỏi mất “cán bộ” phải bỏ tiền ra.

Và như vậy, có nên nhắc đến bài đồng dao không phải của trẻ con:

Tiền là tiên là phật

Là sức bật cho ông già

Là giỏ quà cho ông trẻ

Là miếng giẻ để lau chàm

Là cái vàm (vam) để mở khóa

Tiền … tuyệt quá.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.xaydungdang.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=6725&print=true

[2]https://vnexpress.net/184-nhan-su-duoc-quy-hoach-can-bo-cap-chien-luoc-4032725.html

[3]https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/dung-de-tiep-tuc-mat-can-bo-do-so-suat-van-dung-phap-luat-166567.html

[4]http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/bai-hoc-sau-sac-bai-hoc-dat-gia-trong-cong-tac-can-bo-539158.html

[5]https://moha.gov.vn/dmkstthc/baocao/tong-bi-thu-khac-phuc-tinh-trang-chay-chuc-than-quen-canh-hau-38066.html

Xuân Dương