Cán bộ và … cái trống

04/05/2020 06:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Ngay cả khi đã chọn đúng người, nghĩa là tất cả cán bộ quy hoạch cấp chiến lược đều “đạt chuẩn”, vừa có tài vừa có đức, liệu họ có phát huy được khả năng?

Nói về công tác cán bộ chuẩn bị cho Đại hội 13 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần phải cảnh giác với những người “mã bên ngoài” che đậy cái “sơ sài bên trong”.

Từ các thông tin đã công bố, có thể thấy các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị đã được ban lãnh đạo nhiệm kỳ 12 quy hoạch, về phía chính quyền trung ương là từ cấp Thứ trưởng hoặc tương đương trở lên, ở địa phương là các chức danh Bí thư tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng với vị trí lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội quan trọng như Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Hội Nhà báo,…

Trong một bài viết đăng trên báo điện tử Nhandan.com.vn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến tình trạng trước thềm đại hội Đảng các cấp:

“Vẫn còn cấp ủy chưa khẳng định được trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; có biểu hiện “trên nóng dưới lạnh”, “trên có chính sách, dưới có đối sách”; dù có điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nhưng chưa khai thác, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật”. [1]

(Ảnh minh hoạ: hoinhabaovietnam.vn)
(Ảnh minh hoạ: hoinhabaovietnam.vn)

Lời văn cho thấy “dưới” trong bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng là “cấp ủy” nghĩa là một số người/tập thể giữ vị trí lãnh đạo chứ không phải toàn thể đảng viên.

Một khi “trên có chính sách, dưới có đối sách” thì phải làm thế nào để nhận diện và loại bỏ sự “sơ sài bên trong” khi mà không ít cấp “dưới” đang âm thầm áp dụng? 

Nhân chuyện “sơ sài bên trong”, gần đây có chuyện một cơ quan quyết định dựng tượng một số lãnh đạo tiền nhiệm, sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi, quyết định cuối cùng là chỉ dựng một bức tượng tại trụ sở chính.

Nhân vật lịch sử được lựa chọn là đức vua Lý Thái Tông, vị Hoàng đế thứ hai triều Lý.

Xin không bàn luận về phác thảo tượng đài mà nhiều bài báo đã đề cập. 

Những điều nêu dưới đây là tư liệu lịch sử được ghi thành văn và vì vậy việc viện dẫn không nhằm nâng cao hay hạ thấp vai trò, uy tín của các bậc tiên hiền.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển II, trang 95 viết về vua Lý Thái Tông:

Năm Đinh Sửu (1037) “Dựng đền thờ Hoằng Thánh Đại Vương. Trước đây vua thấy phủ Đô hộ để nhiều án ngờ, quan sĩ sư không xét đoán được, muốn tỏ rõ sự linh thiêng sáng suốt để tiệt hết kẻ gian trá, bèn tắm gội đốt hương khấn Thiên Đế”… 

Tháng 2 năm Mậu Dần (1038) “Vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày.

Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?" Vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?". [2]

Cán bộ và Cái gốc
Cán bộ và Cái gốc

Có thể thấy vua Lý Thái Tông đã rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, cũng đã có những suy nghĩ về chuyện xử án, tuy nhiên Đại Việt Sử ký chỉ nêu một vài sự kiện:

Tháng 7 Năm Nhâm Ngọ (1042) “Xuống chiếu kẻ nào ăn trộm trâu của công thì xử 100 trượng, 1 con phạt thành 2 con”; “Trăm họ có người tố cáo được tha phú dịch cho cả nhà trong 3 năm, người ở kinh thành mà cáo giác thì thưởng cho bằng hiện vật thu được”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trang 98).

Vị vua thứ ba triều Lý là vua Lý Thánh Tông, Ngài là người quyết định đổi tên nước Đại Cồ Việt thành Đại Việt.

Về chuyện vua xử án, Đại Việt Sử ký Toàn thư viết:

“Giáp Thìn, mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện.

Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng:

"Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm". (Đại Việt Sử ký Toàn thư, trang 106)

Năm 1491, vua Lý Thánh Tông đã cho xây đình Quảng Văn tại khu vực ngày nay là vườn hoa Cửa Nam.

Trong đình đặt một chiếc trống gọi là trống Đăng Văn – “Đăng” nghĩa là trình bày, công bố, “Văn” là lời thỉnh nguyện, kiến nghị.

Mỗi khi tiếng trống vang lên thì một vị quan hiện diện để tiếp nhận các ý kiến của người bị oan ức.

Đình Quảng Văn cũng là nơi quan Câu Kê thay mặt triều đình giảng pháp luật, những điều khuyên răn của Vua đối với dân chúng. 

Xem thế để thấy đình Quảng Văn có thể xem là trụ sở đầu tiên của cơ quan tư pháp (tòa án) trong lịch sử Việt Nam.

Trước vận mệnh quốc gia, dân tộc, không thể “Cua cậy càng, cá cậy vây”
Trước vận mệnh quốc gia, dân tộc, không thể “Cua cậy càng, cá cậy vây”

Và trụ sở của cơ quan tư pháp đầu tiên ấy như bài ký Quảng Văn Đình viết năm 1493 của tác giả Bùi Xương Trạch mô tả: 

“Trụ cột trang trọng, đục chạm đơn giản, dù thấp mà không xấu, dù đẹp mà không xa hoa, quy mô đúng mực”.

Nhận xét về vua Lý Thánh Tông trong đối xử với tù nhân, với quan viên coi ngục và dân chúng, sử gia Ngô Sĩ Liên viết:

“Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính.

Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ.

Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực”. (Đại Việt Sử ký Toàn thư, trang 108).

Những thông tin chắt lọc trong sử liệu cho thấy, liên quan đến “trụ sở” Tòa án và chuyện xử án, vai trò của vua Lý Thánh Tông rõ nét hơn vua cha Lý Thái Tông.

Bốn năm trước, khi đề cập chuyện này trong bài: “Tiếng trống dân oan Quảng Văn Đình, tiếng trống Tổng Bí thư ở Ba Đình”, người viết không nghĩ mình lại phải nói đến chiếc trống Đăng Văn một lần nữa. [3]

Vậy phải chăng có sự “sơ sài” kiến thức “bên trong” của người nêu ý tưởng hay đơn giản là do các “nguyên khí quốc gia” hiến kế nên không thể không theo?

Trở lại chuyện quy hoạch cán bộ, ngay cả khi đã chọn đúng người, nghĩa là tất cả cán bộ quy hoạch cấp chiến lược đều “đạt chuẩn”, vừa có tài vừa có đức, liệu họ có phát huy được toàn bộ khả năng?

Người viết cho rằng sẽ không thể nếu không có đổi mới (hay cải cách?) thể chế kinh tế và thể chế chính trị.

Dễ nhận thấy nhất là sự không thành công nếu không nói là thất bại của mô hình tập đoàn (tổng công ty) kinh tế nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước thường là cỗ máy ngốn một lượng lớn ngân sách và tài nguyên thiên nhiên nhưng lại tạo ra tỷ lệ lợi nhuận thấp, thậm chí là thua lỗ.

Sự ưu đãi thể hiện qua các chế độ chính sách khiến giới lãnh đạo doanh nghiệp hưởng lương rất cao nhưng trách nhiệm lại rất thấp.

Chân đạp Hồng Quang, đầu mang Hắc Ám
Chân đạp Hồng Quang, đầu mang Hắc Ám

Thể chế kinh tế lạc hậu còn tạo ra sự bất bình đẳng đối với khối doanh nghiệp tư nhân và người buôn bán nhỏ lẻ.

Về chính trị, có những đạo luật Quốc hội đã cho ý kiến hàng chục năm nhưng cho đến nay vẫn chưa được ban hành.

Lý do rất đơn giản: “Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Luật Biểu tình và Luật về Hội không phải Quốc hội không quan tâm, mà vẫn đang phải chờ Chính phủ trình”. [4] 

Vấn đề ở chỗ Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, cơ chế nào khiến Quốc hội không thể tự soạn thảo luật mà phải chờ Chính phủ?

Với vài ví dụ nêu trên, có thể hình dung đội ngũ cán bộ chiến lược (khoảng 600 người) sẽ đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2021 sẽ đối diện không phải với bức tranh toàn màu hồng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà là rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những thay đổi toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, họ sẽ phải là người đi đầu trong công cuộc cải cách toàn diện cả kinh tế lẫn chính trị.

Họ không chỉ là những người đề ra quốc sách mà còn là thực hiện quốc sách đó với mục đích xây dựng một đất nước giàu mạnh, một thể chế chính trị công bằng, dân chủ, văn minh.

Thứ hai, họ phải là người tạo ra thời cơ cho đất nước cất cánh chứ không phải yên vị trên chiếc ghế quyền lực chờ đợi thời cơ ngẫu nhiên rơi xuống. 

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng nổ chính là thời cơ mà Tổng thống Donald Trump tạo ra để nước Mỹ yêu cầu các nhà đầu tư đưa dòng tiền trở về Mỹ. 

Trận đánh thăm dò tại Buôn Mê Thuột đã tạo thời cơ cho cuộc tổng tiến công năm 1975, thống nhất đất nước. 

Chuyến tàu đi tới tương lai sẽ không dành chỗ cho những người chậm chân và vì thế sẽ vô cùng sai lầm nếu những người được quy hoạch đang cố kìm nén sự vui mừng mà không quan tâm đến sự phán xét tương lai dành cho họ. 

Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, họ sẽ phải xây dựng lại nền “Văn hóa Việt Nam”, một nên văn hóa kế thừa truyền thống lịch sử nhưng buộc phải đoạn tuyệt với tâm lý “Sau lũy tre làng”, “Bóc ngắn cắn dài”,…

Cha ông để lại cho thế hệ hôm nay rừng vàng, biển bạc, chúng ta để lại cái gì cho con cháu mai sau?

Phải chăng là những thành phố chằng chịt dây điện, những dòng sông hấp hối, những cánh rừng “trọc đầu” và một vùng châu thổ ngập tràn nước mặn,…?

Nói tới điều này bởi ngày nay, không ít người vin vào chuyện đại bộ phận dân chúng không còn thiếu đói, hầu như nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh để cho rằng chúng ta đã sánh vai được với các cường quốc năm châu, rằng đất nước sẽ vĩnh viễn sạch bóng bọn xâm lược, rằng chúng ta đã chiến thắng đại dịch Covid-19 một cách ngoạn mục nên giờ là lúc được quyền ngẩng cao đầu nhìn thế giới?

Vấn đề là những thế hệ lãnh đạo đang chuẩn bị bước vào ngôi đền quyền lực có dám cởi bỏ chiếc vòng nguyệt quế trên đầu để trí tuệ vươn tới trời cao hay mãi mãi chỉ muốn trốn tránh vừng thái dương nhờ bóng râm của những chiếc lá phủ trên đầu.

Và với đội ngũ đã quy hoạch, có thể vĩnh viễn quên đi câu chuyện trống Đăng Văn?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/40447202-chuan-bi-va-to-chuc-that-tot-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-tien-toi-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang.html

[2]http://thuvienso.bvu.edu.vn/bitstream/TVDHBRVT/4546/1/Dai%20viet%20su%20ky%20toan%20thu.PDF

[3] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/tieng-trong-dan-oan-quang-van-dinh-tieng-trong-tong-bi-thu-o-ba-dinh-post168795.gd

[4] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/quoc-hoi-khong-lo-luat-bieu-tinh-luat-ve-hoi-592524.html

Xuân Dương