Cải cách giáo dục trước hết phải chăng là “cải cách tư duy giáo dục”?

02/06/2022 06:30
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trồng người là vì lợi ích hàng trăm năm vì thế chính sách giáo dục không thể chỉ có tầm nhìn giới hạn trong thời gian 5 – 10 năm hoặc vài kế hoạch 05 năm.

Năm 2019, Tạp chí Tuyengiao.vn đăng bài: “Thay đổi tư duy trong giáo dục để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. [1]

Bài viết dẫn ý kiến của Hiệu trưởng một đại học:

“Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thành công, phải bắt đầu từ đổi mới đào tạo giáo viên. Để đổi mới đào tạo giáo viên, phải thay đổi tư duy trong giáo dục”. [1]

Theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP (Nghị định 116) quy định “Chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm”.

Tổng số tiền hỗ trợ cho mỗi sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 (bao gồm sinh hoạt phí và học phí) vào khoảng từ 4.380.000 đồng đến 4.530.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ này tương đương lương bậc 3 của giáo viên hạng III sau 9 năm công tác! [2]

Hoạt động tuyển sinh của các cơ sở đào tạo sư phạm cho thấy Nghị định 116 đã có tác dụng thu hút thí sinh theo học ngành sư phạm, tuy nhiên mức lương khi đi dạy lại làm họ thất vọng bởi phải sau gần chục năm làm việc, lương của họ mới bằng khoản hỗ trợ của Nhà nước cho sinh viên.

Đổi mới tư duy trong giáo dục bằng cách “đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên” sẽ có tác động giúp cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo song theo người viết không phải là yếu tố quyết định.

Dù vậy người viết vẫn ủng hộ quan điểm phải “thay đổi tư duy trong giáo dục” và điều này là việc cần làm ngay.

Giáo dục là chìa khóa dẫn tới thành công. (Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn)

Giáo dục là chìa khóa dẫn tới thành công. (Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn)

Vậy “Thay đổi tư duy trong giáo dục cụ thể là cần thay đổi tư duy của ai, của những bộ phận nào?”.

Mới đây, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ông Cường cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể công tác chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong báo cáo về kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp sắp diễn ra. [3]

Báo Nhandan.vn đưa tin: “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử và các đại biểu Quốc hội theo hướng quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc, với khối lượng kiến thức phù hợp”. [4]

Thực tế thời gian qua, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giao khoa đã xuất hiện các vấn đề cần phải giải quyết. Ý kiến từ Quốc hội, được báo Đảng đưa tin cho thấy các cơ quan lập pháp đã chỉ rõ Chính phủ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo được đề nghị đánh giá cụ thể việc chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Sự “thay đổi tư duy trong giáo dục” nêu trên tạp chí Tuyengiao.vn cho thấy phạm vi đề xuất không chỉ trong ngành Giáo dục mà là toàn bộ hệ thống chính trị, nghĩa là những bộ phận cần thay đổi tư duy sẽ bao gồm:

Bộ phận đề ra chủ trương, đường lối về giáo dục;

Bộ phận hiện thực hóa các chủ trương, đường lối đã công bố;

Người thụ hưởng chính sách, đặc biệt là cha mẹ học sinh và bản thân người học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Trồng người là vì lợi ích hàng trăm năm vì thế chính sách giáo dục không thể chỉ có tầm nhìn giới hạn trong thời gian 5 – 10 năm hoặc vài kế hoạch 05 năm.

Phải mất 07 năm kể từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết 29 đến khi Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm (Nghị định 116) được thực thi.

Nghị quyết 29 nêu “Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp nêu: “Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị”.

Nhà giáo được xếp vào hàng “viên chức giáo dục” và cùng hưởng thang bảng lương như viên chức các ngành khác. Có thể thấy sự công bằng của chủ trương với người làm công ăn lương nhưng theo người viết, yếu tố đặc thù nghề nghiệp của nghề dạy học chưa được đề cao tương xứng.

Thu hút người theo học ngành Sư phạm chỉ là bước khởi đầu cho quá trình xây dựng đội ngũ nhà giáo, điều quan trọng hơn là tạo điều kiện để các thày cô yêu nghề, gắn bó với nghề bởi một chân lý đã được cả thế giới thừa nhận: “Giáo dục là chìa khóa dẫn tới thành công”.

Điều này không chỉ đúng cho mỗi cá nhân mà cho cả quốc gia, dân tộc, nhưng liệu có thể thành hiện thực khi mức lương giáo viên vừa tốt nghiệp đại học chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng?

Đổi mới tư duy của đội ngũ hiện thực hóa các chủ trương, đường lối giáo dục nói cụ thể là đổi mới tư duy lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo. Điều đáng tiếc là tại Việt Nam có quá nhiều bộ, ngành, địa phương có sự liên đới tới giáo dục và đào tạo vì vậy không thể đòi hỏi chỉ đổi mới tư duy của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hàng chục năm nay, một vấn đề tác động trực tiếp đến sự đổi mới và chất lượng giáo dục và đào tạo là xây dựng “Triết lý giáo dục của Việt Nam” thì đến nay vẫn còn nhiều tranh luận.

Ba vấn đề lớn của lần đổi mới này nhưng lại bị giới chuyên môn và dư luận đang phản ứng gay gắt là chuyện hình thành và dạy các môn tích hợp; việc đưa Lịch sử thành môn lựa chọn trong chương trình trung học phổ thông; sạn trong các bộ sách giáo khoa mới và nghi vấn có hay không lợi ích nhóm trong biên soạn, phát hành các bộ sách giáo khoa này.

Mới đây, Chính phủ đã kiện toàn Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022-2026. Phiên họp đầu tiên đưa ra 12 nhóm vấn đề nhưng không thấy nói đến xây dựng triết lý giáo dục của Việt Nam.

“Chuyên đề được thảo luận trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực là về công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá trong giáo dục phổ thông” [5] chứ không phải về chất lượng đào tạo sau đại học (đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ) mà dư luận đang bức xúc.

Dù ba năm đã trôi qua nhưng vấn đề nêu trên Tạp chí Tuyengiao.vn vẫn chưa hề mất tính thời sự, hy vọng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực sẽ có chuyên đề về đổi mới tư duy đội ngũ quản lý giáo dục và đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuyengiao.vn/khoa-giao/giao-duc/thay-doi-tu-duy-trong-giao-duc-de-gop-phan-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-125334

[2] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/nghi-dinh-116-nuoi-sinh-vien-su-pham-the-con-giao-vien-post225270.gd

[3]https://thanhnien.vn/de-nghi-chinh-phu-bao-cao-viec-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-post1459004.html

[4] https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/de-nghi-quy-dinh-mon-lich-su-la-mon-hoc-bat-buoc-o-cap-trung-hoc-pho-thong-698730/

[5]http://hoidongquocgiagiaoduc.moet.gov.vn/gioi-hieu/Pages/default.aspx?ItemID=5653

Xuân Dương