Bi hài, đề tài KHKT học sinh ngang tầm tiến sĩ, luận án TS nghiên cứu...cầu lông

07/05/2022 06:09
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đang gây nhiều ồn ào tranh luận có xứng tầm Tiến sĩ.

Ngày 4/5/2022, mạng xã hội Facebook lan truyền với tốc độ chóng mặt luận án tiến sĩ với tên đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" khiến dư luận "dậy sóng".

Luận án tiến sĩ nghiên cứu cầu lông gây xôn xao dư luận

Ngày 5/5/2022, tôi truy cập vào trang web http://luanvan.moet.edu.vn/ của Bộ Giáo dục thì thông tin về luận án này được lưu trữ với nội dung như sau:

Đề tài luận án: “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”.

Tên ngành: Giáo dục học; Mã ngành: 9140101; Tên cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Thể dục thể thao.

Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đang khiến dư luận "dậy sóng". (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đang khiến dư luận "dậy sóng". (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Kết quả nghiên đạt được một số thành tựu sau:

1. Thông tin khoa học và toàn diện về thực trạng phong trào Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La cho thấy, còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như:

Sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện Cầu lông; Thiếu cộng tác viên Cầu lông; Công tác xã hội hóa môn Cầu lông chưa hiệu quả; Thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế.

Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.

2. Quá trình nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, bao gồm:

Tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu Cầu lông; Phát triển môn Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức theo hướng xã hội hóa; Tạo nguồn cán bộ phát triển phong trào Cầu lông cho công chức, viên chức; Hoàn thiện hệ thống thi đấu Cầu lông cho công chức, viên chức; Mở rộng các hình thức tập luyện Cầu lông cho công chức, viên chức. Khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào Cầu lông của công chức, viên chức.

Trên cơ sở thực nghiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu đã thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn Cầu lông.

Kết quả thực nghiệm cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15.38 % đến 133.33 %). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác suất thống kê cần thiết.

Cùng ngày, tôi truy cập vào địa chỉ http://vkhtdtt.vn/ của Viện Khoa học thể dục thể thao để tìm toàn văn của luận án này thì trang web báo lỗi. Trước đó, trên trang web của Viện đã đăng tải luận án (cầu lông) với thông tin nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp viện vào ngày 19/1/2022.

Không thể truy cập trang web của Viện Khoa học thể dục thể thao. (Ảnh: Phan Thế Hoài)Không thể truy cập trang web của Viện Khoa học thể dục thể thao. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Luận án tiến sĩ có xứng tầm?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" chưa đủ tầm của một luận án tiến sĩ vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, tên đề tài "Nghiên cứu giải pháp... " là bất ổn trong cách đặt vấn đề, bởi luận án đưa ra 6 giải pháp nhằm phát triển môn Cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La chứ không phải nghiên cứu về những giải pháp đã có sẵn.

Ví dụ, giải pháp thứ nhất mà luận án đưa ra là: "Tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu Cầu lông" thì cá nhân/tổ chức cứ thế mà "tuyên truyền"... chứ nghiên cứu cái gì về "tuyên truyền" nữa?

Thường khi đưa ra một giải pháp nào đó, người ta thường xem xét tính khả thi, hiệu quả của giải pháp đến đâu, khác với việc nghiên cứu bản chất giải pháp đó.

Ví dụ, giải pháp thứ sáu của luận án: "Khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào Cầu lông của công chức, viên chức" - nghĩa là muốn công chức, viên chức tập luyện cầu lông thì phải "động viên, khích lệ, kiểm tra, đánh giá", không phải nghiên cứu cách thức sử dụng hành vi ngôn ngữ thế nào để động viên, khích lệ sao cho hiệu quả.

Có thể đổi tên đề tài cho ngắn gọn, chính xác như: "Giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La". Nhưng, nếu đổi đề tài như thế này thì phạm vi nghiên cứu vẫn quá hẹp, vì để rèn luyện sức khỏe thì phải luyện tập thể dục thể thao - không chỉ có môn cầu lông mà còn nhiều môn khác, phương pháp khác nữa.

Thứ hai, đối tượng nghiên cứu của luận án là công chức, viên chức, chứ không phải học sinh - sinh viên, vậy có phù hợp với chuyên ngành giáo dục học?

Bởi, "đối tượng nghiên cứu của giáo dục học chính là quá trình giáo dục, một quá trình hoạt động đặc biệt trong các hoạt động của xã hội loài người. Khoa học giáo dục bao gồm hệ thống các bộ môn: Lịch sử giáo dục; Giáo dục học; Giáo dục học chuyên biệt; Lý luận dạy học bộ môn.

Giáo dục học là một bộ môn của khoa học giáo dục nằm trong các khoa học xã hội. Giáo dục học có liên quan chặt chẽ với Tâm lý học; Tâm lý học lứa tuổi; Tâm lý học sư phạm; Sinh lý học lứa tuổi; Lôgic học; Phương pháp giảng dạy bộ môn…" [1]

Ngoài ra, viên chức cũng gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: giáo dục; y tế; thể thao; báo chí... Vậy, viên chức ngành thể thao, sức khỏe, kể cả giáo dục có nhất thiết phải tham khảo luận án này để học tập và rèn luyện sức khỏe hay không?

Liên quan đến luận án này, ngày 5/5/2022, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết thêm:

"Nghiên cứu sinh này cũng từng công bố các nghiên cứu như: 'Thực trạng phong trào Cầu lông công nhân viên chức lao động' trình bày tại Hội thảo quốc tế Thái Bình Dương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và 'Thực trạng nhu cầu, động cơ và hứng thú tập luyện Cầu lông của đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La'".

Tôi cho rằng, những đề tài này chỉ nên dừng lại ở việc báo cáo (ngắn gọn) trong các cuộc họp, hội nghị ở địa phương là đủ.

Thứ ba, cùng ngày, trả lời Báo VTC News về tính thực tiễn và chất lượng của luận án tiến sĩ này, ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) nói: "mạng xã hội đang làm quá lên". [3]

Tuy vậy, tôi thì không nghĩ như thế, bởi mạng xã hội cũng có nhiều thành phần, bao gồm chuyên gia, nhà khoa học... chứ không phải họ hùa theo đám đông đâu. Tôi đọc đi đọc lại 6 giải pháp mà tác giả đưa ra thì thấy rằng, hàm lượng khoa học luận án nhạt nhòa.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, đề tài trên quy mô nghiên cứu ở phạm vi hẹp, chưa đủ tầm luận án tiến sĩ, giống với báo cáo, tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ, theo VTC News.

Riêng tôi thì không đồng ý đề tài này có thể triển khai thành luận văn thạc sĩ (kể cả viết thành bài báo khoa học chuyên ngành). Bởi, yêu cầu đối với luận văn thạc sĩ được quy định tại khoản 2 Điều 26 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT như sau (trích):

a) Luận văn của chương trình theo định hướng nghiên cứu là một báo cáo khoa học, có đóng góp mới về mặt lý luận, học thuật hoặc có kết quả mới trong nghiên cứu một vấn đề khoa học mang tính thời sự thuộc chuyên ngành đào tạo;

b) Luận văn của chương trình theo định hướng ứng dụng là một báo cáo chuyên đề kết quả nghiên cứu giải quyết một vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoặc báo cáo kết quả tổ chức, triển khai áp dụng một nghiên cứu lý thuyết, một mô hình mới... trong lĩnh vực chuyên ngành vào thực tế.

Thay lời kết

Cuối tháng 3/2022, Bộ Giáo dục công bố 12 dự án giải Nhất thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, trong đó có nhiều đề tài ngang tầm tiến sĩ như:

"Điều trị béo phì bằng cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.) trên chuột nhắt trắng (Mus musculus)"; "Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (Ardisia gigantifolia)"...

Còn luận án tiến sĩ, có hàng chục đề tài rất đơn giản và na ná nhau như: "Nghiên cứu xây dựng một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất của Trường Đại học Phú Yên" [4];

"Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Hải Phòng" [5]; "Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho sinh viên các Trường Đại học tại Thành phố Vinh" [6]...

Thiết nghĩ, nếu ngành giáo dục không có giải pháp mạnh để chấn chỉnh việc đào tạo sau đại học thì tiến sĩ ngày nay cũng chẳng hơn kém "tiến sĩ giấy" mà nhà thơ Nguyễn Khuyến từng chua chát viết: "Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi!"

Tài liệu tham khảo:

[1] Hà Thị Mai, Giáo trình Giáo dục học đại cương, Trường Đại học Đà Lạt, 2013 (tài liệu lưu hành nội bộ giảng dạy sinh viên ngành sư phạm)

[2] //plo.vn/tac-gia-luan-van-ve-cau-long-da-cong-bo-nhieu-nghien-cuu-ve-mon-the-thao-nay-post678705.html

[3] //vtc.vn/luan-an-tien-si-mon-cau-long-gay-xon-xao-dai-dien-co-so-dao-tao-noi-gi-ar674884.html

[4] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.39&view=35040&fbclid=IwAR231Hy1kK5Bj3FYoyeoc9Cjk0vSd_lYnhlRVEWPTT4eFizdnO0Eo7SHJwI

[5] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.39&view=29640&fbclid=IwAR231Hy1kK5Bj3FYoyeoc9Cjk0vSd_lYnhlRVEWPTT4eFizdnO0Eo7SHJwI

[6] //luanvan.moet.edu.vn/?page=1.39&view=35384&fbclid=IwAR1TP_JH-utB5X2gh5mszJK64H2ltGyExWc5VxfReflgQwBsWPsVWkkbkOE

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài