Bàn thêm về “người có tài năng”

04/11/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Liệu trong tương lai, Bộ Nội vụ có đưa tiêu chuẩn “người có tài năng” với viên chức?

Tại nghị trường Quốc hội gần đây rộ lên tranh luận về “người có tài năng” khi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được đưa ra thảo luận.

Khái niệm “Người có tài năng” trong hoạt động công vụ được nêu tại dự thảo luật:

“Là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được”.

Quân vương - logic của nghịch lý

Như vậy, “Người có tài năng” chỉ giới hạn trong nhóm nhân sự bị điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức chứ không phải Luật Viên chức. 

Vì nhóm nhân sự này được phân chia thành hai nhóm con là “cán bộ” và “công chức” nên cần tìm hiểu đôi chút trước khi bàn luận.

Điều 4, Luật Cán bộ công chức năm 2008 quy định chi tiết thế nào là cán bộ, công chức, tiêu chuẩn chung phải “là công dân Việt Nam”.

Cán bộ là người “được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan…”; 

Công chức là người “được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan…”. 

Không phải tất cả những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức được thuộc hệ thống chính trị đều là “cán bộ, công chức”, trong đó có hàng triệu nhân sự thuộc hai ngành Giáo dục và Y tế.

Khái niệm “Người có tài năng” là gì? (Ảnh minh hoạ: ISTOCKPHOTO/GETTY IMAGES)
Khái niệm “Người có tài năng” là gì? (Ảnh minh hoạ: ISTOCKPHOTO/GETTY IMAGES)

Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích:

“Đưa ra khái niệm về “người có tài năng” trong tổng thể chung ngành, nghề, lĩnh vực rất khó.

Do đó, tại phương án trình Quốc hội lần này, trong phạm vi giới hạn của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chỉ quy định người có tài năng với đối tượng là cán bộ công chức và giao Chính phủ quy định khung chính sách và chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài vào làm việc trong cơ quan, hệ thống chính trị”. [1]

Đã là dự thảo luật thì ngôn ngữ phải tuyệt đối chính xác, tiếc rằng cách diễn giải trong dự thảo khiến người đọc buộc phải hiểu rằng muốn được đánh giá là “Người có tài năng” thì trước đó phải là “cán bộ, công chức”.

Điều này có mâu thuẫn gì không khi nhiều phát biểu cho rằng “Cần thu hút người có tài năng vào cơ quan nhà nước”?

Chưa là “cán bộ, công chức” thì chưa có tiêu chí để đánh giá tài năng, vậy dựa vào đâu để kết luận đó là “người có tài năng” mà tuyển dụng?

Phải chăng là dựa vào lý lịch, bằng cấp hoặc thành tích “chạy” mà dư luận đồn thổi?

Một khi “người có tài năng” chỉ giới hạn với “đối tượng là cán bộ công chức” sẽ phát sinh vấn đề là các đối tượng “có tài năng” khác không phải là “cán bộ, công chức” sẽ được điều chỉnh bởi luật nào hay không được xếp loại?

Các bộ luật khác liên quan đến con người như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Dạy nghề,… có cần phải điều chỉnh bổ sung khái niệm “người có tài năng” khi phần lớn nhân sự bị điều chỉnh bởi các luật này là viên chức chứ không phải công chức?  

Liệu trong tương lai, Bộ Nội vụ có đưa tiêu chuẩn “người có tài năng” với viên chức?

Những người chưa hoặc không phải là “cán bộ, công chức”, chẳng hạn sinh viên mới ra trường, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài có nguyện vọng về nước làm việc hoặc hàng triệu “viên chức giáo dục, y tế” muốn được đánh giá là “người có tài năng” thì bắt buộc phải chờ “định nghĩa” của ngành Nội vụ hay tìm cách trở thành “cán bộ, công chức”?

Được biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1016/QĐ-TTg “Phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2019, theo đó biên chế công chức trong các cơ quan tổ chức hành chính nhà nước là 258.163 người; Biên chế dự phòng là 749 người; Biên chế các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 người. Tổng cộng là 259.598 người (chưa tính các lực lượng vũ trang).

Hiền tài như lá thu, tiểu nhân như cỏ dại
Hiền tài như lá thu, tiểu nhân như cỏ dại

Phải chăng “người có tài năng” trong hoạt động công vụ chỉ tìm trong 259.598 người?

Chấp nhận khái niệm “người có tài năng” chỉ giới hạn trong nhóm cán bộ, công chức hoạt động công vụ thì các tiêu chí đã nêu có phải là đã hoàn thiện?

Còn nhớ nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận từng phát biểu:

“Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. [2]

Khi “chui” được vào nhà nước rồi thì – như lời vị Tổng giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội: “Họ làm việc làng nhàng, đi ra đi vào. Họ không vi phạm kỷ luật, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi”.

Từng có ý kiến cho rằng số cán bộ, công chức hiện nay khoảng 30% không làm được việc, thậm chí có bài báo còn viết: “Có nơi 80% chứ không phải 30% “cắp ô”, thưa Thủ tướng!”. [3]

Ý kiến cho rằng “Tư nhân tìm được nhân tài còn nhà nước không tìm ra được người yếu kém” phải chăng chỉ phản ánh hậu quả do lịch sử để lại?

Thế thì làm thế nào để phát hiện được “người có tài năng” khi họ đã yên vị là “cán bộ, công chức” chứ không phải trước khi họ vào biên chế?

Về vấn đề này, các vị đại biểu Quốc hội nếu tiếp tục tranh luận nên căn cứ vào những thông tin mới được công bố.

Quan gian, môi trường bẩn hay ...văn bản bị ô nhiễm nhằm che mắt Quốc hội?
Quan gian, môi trường bẩn hay ...văn bản bị ô nhiễm nhằm che mắt Quốc hội?

Từ 06/08/2019 đến 28/10/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hai lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho 95 học viên là cán bộ quy hoạch cấp chiến lược.

“PGS.TS Nguyễn Viết Thảo – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, 95 học viên của 2 lớp sẽ học tập tập trung tại Học viện trong 2 tháng rưỡi.

Các học viên sẽ nghiên cứu 46 chuyên đề, trong đó 37 chuyên đề do các chuyên gia trong nước và 9 chuyên đề do các chuyên gia quốc tế thực hiện”. [4]

“Chương trình học tập gồm 6 học phần với 44 chuyên đề (46?) về nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng; kinh tế, văn hóa-xã hội-môi trường; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kỹ năng lãnh đạo và quản lý”. [5]

Tuy có sự khác biệt về số lượng chuyên đề giữa hai nguồn tin nêu trên song có thể thấy chỉ trong vòng hai tháng rưỡi các học viên đã được học 44 (46) chuyên đề với 06 lĩnh vực (học phần) bao quát toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị. 

Kết quả đánh giá cuối khóa là 100% học viên đạt loại giỏi, xuất sắc. Trong đó có 15 học viên đạt điểm xuất sắc - từ 9 điểm trở lên (đạt 16%); 20 học viên được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. [5]

Có thể thấy với thời gian học không dài, với kết quả 100% giỏi, xuất sắc trong tất cả 06 học phần, đây đích thực là những người có tài năng mà các đại biểu Quốc hội nên nhìn vào khi tranh luận.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/948680/can-trong-dinh-nghia-nguoi-co-tai-nang-tranh-ke-ho-nguy-hiem

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bang-gia-chi-lot-duoc-vao-co-quan-nha-nuoc-163130.html

[3] https://dantri.com.vn/blog/co-noi-80-chu-khong-phai-30-cap-o-thua-thu-tuong-20170429055304234.htm

[4] https://vov.vn/chinh-tri/dang/can-bo-cap-chien-luoc-khoa-xiii-se-duoc-boi-duong-kien-thuc-gi-941615.vov

[5] http://baochinhphu.vn/Nhan-su/Be-giang-lop-boi-duong-can-bo-quy-hoach-cap-chien-luoc-khoa-XIII-cua-Dang/378407.vgp

Xuân Dương