Con một, áp lực và nỗi cô đơn

27/08/2011 10:21
Con một thường được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Nhưng thật ra, con một có thực sự "sung sướng" như mọi người nghĩ không?

Con một và sự kì vọng

 Bố mẹ nào sinh con ra cũng muốn con mình thành đạt và có cuộc sống ổn định. Đặc biệt đối với những gia đình chỉ có một đứa con duy nhất, họ chăm sóc và cố gắng dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho con, chính vì thế sự kì vọng đặt vào con cũng rất lớn.

Thùy (17t) cho biết: “Là con một nên ngày từ nhỏ bố mẹ đã đầu tư cho mình học tại những ngôi trường tốt nhất, từ mầm non cho tới khi vào cấp 3, nếu không phải là trường chuẩn quốc gia thì cũng phải là trường chuyên, lớp chọn. Mọi thứ mình muốn là bố mẹ đáp ứng ngay. Nhưng không phải vì thế mà cảm thấy vui. Bởi bố mẹ luôn buộc mình lúc nào cũng phải học và học. Ngay từ những năm học lớp 1, 2 mình đã bị ám ảnh bởi câu hỏi “Hôm nay đi học con được mấy điểm?”.

Nếu là 9 hay 10 thì không sao, nhưng nếu... nhỏ hơn 8 sẽ bị mắng ngay lập tức.

Năm nào Thùy cũng phải được học sinh giỏi. Thi cấp 3 nếu không đỗ Ams thì cũng phải đỗ Kim Liên. Nhiều lúc, Thùy cảm thấy mình học không phải vì cho bản thân mà học cho bố mẹ, học để bố mẹ có thể tự hào trước các đồng nghiệp cùng cơ quan. "Thực sự mình rất mệt mỏi. Nhiều hôm muốn đi chơi cùng bạn bè là bố mẹ lại không đồng ý và bắt ngồi vào bàn học”, Thùy nói.

Có những nỗi niềm của teen là con một không biết chia sẻ cùng ai. Ảnh minh họa.

Có những nỗi niềm của teen là con một không biết chia sẻ cùng ai. Ảnh minh họa.
Cũng trong hoàn cảnh như Thùy, Tâm (18t) chia sẻ: "Không những là con một tớ còn là đích tôn hẳn hoi. Ngày bé cứ nghe mọi người nói thế không hiểu gì nhưng thấy oai oai, mỗi lần đại gia đình sum họp là mình được ông bà, cô chú chiều nhất. Nhưng đến bây giờ, khi đã 18 tuổi, chuẩn bị bước vào lớp 12 rồi mà tớ vẫn chưa thể tự đi học một mình. Hôm nào bố mẹ cũng đưa đi rồi đón về. Bố mẹ kiểm soát tớ 24/24 từ việc ăn uống thế nào, chơi với bạn nào, đi đâu... Nhiều khi tớ phát ngượng với bạn vì đã lớn từng này rồi mà đi đâu cũng có bố mẹ đi kèm”.

Còn chưa kể đến những việc bắt buộc phải làm được như “con phải vào đại học Y để làm gương cho mấy em, như thế mới đúng là cháu đích tôn” hay “cháu của ông bà sau này phải là bác sĩ theo tryền thống gia đình nhé!”. Những áp lực này thực sự khiến Tâm cảm thấy bất lực vì cô bạn biết học lực của mình không đủ sức để thi đỗ vào đại học Y.

Tương tự, nhiều teen khác khi bị cha mẹ đặt quá nhiều kì vọng sẽ cảm thấy gánh nặng trên vai mình. Nhiều trường hợp vì không đáp ứng nổi những ước mong của cha mẹ mà teen đã bị tress trầm trọng.

Con một và nỗi cô đơn

Không phải bất cứ chuyện gì teen cũng có thể tâm sự với cha mẹ mình, nhất là chuyện điểm số và chuyện tình cảm. Nếu chúng mình có anh chị em thì vấn đề rất dễ được giải quyết, vì những người anh, người chị hay cả những đứa em bướng bỉnh cũng có thể là nơi để bạn chia sẻ xúc cảm của mình. Cùng độ tuổi và ở trong cùng hoàn cảnh như nhau sẽ dễ cảm thông và dễ hiểu nhau hơn.

Thu (19t) tâm sự: “Ngay từ nhỏ mình đã rất thích có anh hay chị. Nhìn các bạn hàng ngày có anh, chị đưa đi chơi công viên, sở thú hay chỉ là cùng nhau đến trường  mình rất ghen tị. Nhất là những lúc bố mẹ đi làm cả ngày, chỉ có mình ở trong nhà không có ai chơi cùng cả. Tuổi thơ của mình chỉ là đứng sau song sắt cửa và nhìn ra thế giới bên ngoài. Lớn lên cũng không có người để tâm sự vui buồn khiến mình nhiều khi cảm thấy cô đơn và bế tắc”.

Trong cuộc sống vốn có rất nhiều vấn đề xảy ra mà nhiều khi ta không thể lường trước được. Không phải bất cứ cái gì teen đều nói với bố mẹ, đơn giản vì cách suy nghĩ của người lớn và teen không giống nhau. Bố mẹ thường luôn cấm đoán còn với teen thì cáng cấm lại càng tò mò càng muốn biết nó là cái gì.

Hoài (16t) nói: “Hồi mới vào cấp 3, có một anh chàng khối trên có tình cảm với mình thế là chàng liền viết thư tỏ tình với mình. Thực ra mình cũng “cảm cúm” bạn ý rồi. Nhưng khi nhận được thư của bạn ấy mình rất vui nhưng không biết trả lời ra sao? Một hôm mẹ mình phát hiện ra bức thư và hậu quả là mình bị mắng một trận té tát. Mình chỉ biết lên phòng ngồi khóc mà không biết giải thích thế nào cho mẹ hiểu. Và từ lần đó trở đi mình không bao giờ dám kể cho mẹ biết chuyện trên lớp của mình nữa”.

Giá như Hoài có một người chị hay người anh trai làm "quân sư quạt mo" tư vấn tình cảm và tác động tới mẹ thì tình hình đã khác.

Con một và tình cảm bạn bè

Ngày bé, chúng mình chơi với nhau không hề để ý tới nhà bạn đó giàu hay nghèo, bạn có học giỏi hay không mà chỉ thấy vui là chơi. Nhưng khi chúng mình đã có nhận thức thì lại khác. Việc chọn người này hay người kia làm bạn đều có những lí do riêng cho mình. Việc có một người bạn thực sự đã là rất khó, thì với teen là con một, việc tìm được một người bên mình những khi vui buồn lại càng khó hơn.

Tú ( 19t) nói: “Nhiều bạn chơi với mình chỉ đơn giản vì mình là con một, bố mẹ mình luôn sẵn sàng cho mình tiền khi mình xin hay đáp ứng ngay lập tức những gì mình muốn. Thế nên có bạn luôn coi mình là hầu bao mỗi khi tụ tập quán xá, hay để trở thành chủ nhân của những món đồ mà mình sắm. Ban đầu với việc mượn sau đó là quên không trả và cuối cùng là “Thôi, mày cho tao luôn đi, dù sao thì nó cũng đã cũ rồi!”.

Nếu không phải là có những người bạn kiểu đó thì teen lại luôn phải nghe những tin đồn hay những lời nói sau lưng với ánh mắt không mấy thiện cảm kiểu như: “Con một mà, thảo nào kiêu thế!”, hay với những teen đạt thành tích học tập xuất sắc thì: “Tớ mà là con một thì tớ cũng học giỏi được như thế, có gì ghê gớm đâu!”.

 Bạn thấy không, có rất nhiều bạn đang ghen tị với bạn vì có anh chị em ruột trong nhà đấy. Mặc dù có hay đùn đẩy nhau nấu cơm, rửa bát, chạnh chọe nhau việc lau nhà để rồi giận nhau cả ngày không thèm nói chuyện, nhưng tối tối vẫn ôm nhau ngủ như thường đấy thôi, anh chị em còn là người bạn sẻ chia chuyện vui, nỗi buồn nữa. Hãy bằng lòng với tất cả những gì mình đang có, bởi rất nhiều người đang muốn có những thứ như bạn đấy!

Theo Mực tím