Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu nhắn nhủ: Làm khoa học cần thực chất, trung thực

18/05/2023 10:26
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Từ đích đến là bài báo đỉnh cao, giờ đây, GS Nguyễn Văn Hiếu đang dần chuyển mình sang hướng NC ứng dụng, tạo ra các sản phẩm thiết thực phục vụ cộng đồng.

Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu được biết đến là một gương mặt quen thuộc trong các bảng xếp hạng nhà khoa học có ảnh hưởng thế giới trong nhiều năm qua. Thầy là nhà khoa học Việt Nam duy nhất có tên trong bảng xếp hạng các nhà khoa học hàng đầu thế giới, lĩnh vực Khoa học vật liệu (do Research.com thực hiện vào năm 2023).

Nghiên cứu khoa học là thuộc tính của trường đại học không thể tách rời

Lớn lên từ mảnh đất Huế thương với truyền thống hiếu học, 9/11 anh chị em trong gia đình thầy Hiếu đều học đại học, 2 anh chị còn lại học nghề. Nỗ lực vươn lên từ gian khó, năm 2004, thầy Hiếu tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Twente, Hà Lan. Ngay sau đó, người con xứ Huế đã quyết tâm trở về Việt Nam để tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Việt Nam những năm đó, số du học sinh, những nhà nghiên cứu đã làm việc ở nước ngoài chọn quay trở về nước không có nhiều. Lựa chọn trở về Việt Nam, đồng nghĩa với việc chấp nhận mức thu nhập có phần eo hẹp, với muôn vàn khó khăn phía trước; trong khi đó, nếu ở lại nước ngoài, cơ hội phát triển và điều kiện về tài chính chắc chắn sẽ đảm bảo hơn nhiều. Dẫu vậy, thầy vẫn một lòng về nước để công tác.

Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu - Ảnh: NVCC

Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu - Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hiếu chia sẻ: “Các anh chị em trong gia đình tôi hầu hết đều theo nghề giáo. Do vậy, sau khi học xong tiến sĩ ở nước ngoài, tôi chỉ một lòng muốn trở về Việt Nam để làm công tác giảng dạy. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) là ngôi trường đầu tiên tôi công tác khi trở về quê hương”, Giáo sư Hiếu nhớ lại.

Những năm tháng miệt mài với luận án tiến sĩ ở nước ngoài đã dần hình thành trong chàng trai trẻ khi ấy niềm say mê với nghiên cứu. Khi trở về Việt Nam và trực tiếp công tác trong trường đại học, thầy Hiếu hiểu rõ vai trò của nghiên cứu khoa học - một thuộc tính của trường đại học không thể tách rời. Vì vậy, ngay sau khi về nước, chàng tiến sĩ trẻ Hiếu khi ấy đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, xây dựng phát triển nhóm nghiên cứu tại Việt Nam với khởi đầu từ “hai bàn tay trắng”.

Trải qua một chặng đường hơn 20 năm nghiên cứu với những gian truân khác nhau, đến nay, những thành quả nghiên cứu đã được cộng đồng khoa học thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Hiện thầy Hiếu tác giả và đồng tác giả của hơn 165 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus. Những công trình của thầy và cộng sự đã nhận được hơn 7800 lượt trích dẫn với chỉ số H-index 53 (Google Scholar) - thuộc top công bố khoa học có lượng trích dẫn hàng đầu trên toàn thế giới.

Năm 2010, thầy Hiếu nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ có kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc. Đến năm 2015, chàng tiến sĩ trẻ năm nào chính thức trở thành giáo sư trẻ nhất ngành Vật lý Việt Nam khi ấy. Và sở hữu giải thưởng Tạ Quang Bửu ở tuổi 44 (tức năm 2016).

Nói về môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay, Giáo sư Hiếu bày tỏ cái nhìn lạc quan và tin tưởng vào tiềm năng phát triển khoa học của nước nhà. Theo thầy, môi trường nghiên cứu trong nước hiện nay so với những năm 2004 - khi thầy mới về nước đã có những tiến bộ rất to lớn.

Khi ấy, những tiến sĩ trẻ gặp phải nhiều thách thức lớn khi thiếu kinh phí cho các dự án nghiên cứu. Thời điểm ấy, sự quan tâm về nghiên cứu khoa học ở các trường đại học nước ta cũng chưa thật sự sâu sắc. Do vậy, thầy cùng những đồng nghiệp khi ấy đã có những năm tháng “chật vật”, đấu tranh giữa ước mơ, hoài bão nghiên cứu và miếng cơm mưu sinh hàng ngày.

May mắn, năm 2009, Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted) ra đời đã trở thành nguồn “cứu tinh”, giúp những nhà khoa học trẻ Việt Nam khi ấy thực sự được sống với nghề.

“Đặc biệt, bây giờ những nhà nghiên cứu giỏi, tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài có trình độ cao về nghiên cứu khoa học luôn được chào đón với nhiều đãi ngộ hấp dẫn khi trở về Việt Nam. Thu nhập phụ thuộc vào năng lực nghiên cứu. Và quả thực, thu nhập của các bạn làm nghiên cứu ở Việt Nam không có quá nhiều chênh lệch với các bạn làm nghiên cứu ở một số nước phát triển trên thế giới hiện nay”, Giáo sư Hiếu nói.

Tuy nhiên, vị giáo sư cũng cho rằng, bên cạnh những điều kiện nghiên cứu thuận lợi như vậy, các nhà khoa học trẻ ngày nay cũng phải đối mặt với nhiều áp lực lớn. Đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong nghiên cứu khoa học: Các hướng nghiên cứu ngày càng khó, tốc độ nghiên cứu cũng ngày càng cao, mức độ cập nhật công nghệ lớn, sự cạnh tranh cao về công bố khoa học. Bởi vậy, đòi hỏi các nhà khoa học trẻ phải có năng lực tốt và tính cạnh tranh trong các nghiên cứu khoa học phải rất cao.

Người làm khoa học phải thật sự nghiêm túc, chỉn chu từ những chi tiết nhỏ

Từ một nhà khoa học, hiện tại, thầy Hiếu đảm nhận thêm công tác quản lý giáo dục trong trường đại học (thầy hiện là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa). Và những đức tính của một nhà khoa học đã trở thành “kim chỉ nam”, là nguồn nội lực quan trọng giúp vị giáo sư hoàn thành tốt công tác quản lý giáo dục.

“Khi làm công tác quản lý giáo dục, tôi phải học, phải đọc thêm rất nhiều. Tuy nhiên, những đức tính của một nhà khoa học như sự chuẩn mực, cẩn thận, chuẩn chỉ,... vẫn áp dụng được trong công tác đào tạo, quản lý giáo dục. Và tôi truyền cảm hứng ấy tới các giảng viên trong trường, để mỗi thầy cô giáo đều ý thức được ý nghĩa quan trọng của sự nghiệp đào tạo. Từ đó, có sự chuẩn chỉ trong mọi công tác đào tạo”, thầy nói.

Ngoài làm công tác phó hiệu trưởng, thầy Hiếu (ở giữa) còn đảm nhiệm thêm vị trí Trưởng nhóm nghiên phát triển và ứng dụng cảm biến nano tại Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: Fanpage nhà trường

Ngoài làm công tác phó hiệu trưởng, thầy Hiếu (ở giữa) còn đảm nhiệm thêm vị trí Trưởng nhóm nghiên phát triển và ứng dụng cảm biến nano tại Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: Fanpage nhà trường

Từ cương vị là nhà quản lý giáo dục, thầy Hiếu nhận thức rõ hơn sự cần thiết của khoa học ứng dụng trong trường đại học. Bởi vậy, đây cũng là một trong những lý do quan trọng đã thôi thúc thầy Hiếu quyết định dần chuyển hướng từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng. Điều này nhằm tạo ra môi trường thực hành, thực tập cho sinh viên ngay trong nhà trường.

Thầy Hiếu phân tích: “Kỳ thực, tỷ lệ sinh viên theo con đường hàn lâm như các thầy rất ít. Đa số các em khi tốt nghiệp xong sẽ đi làm cho các doanh nghiệp. Bởi vậy, nếu các thầy có hướng nghiên cứu ứng dụng, các nhóm đề tài triển khai cho doanh nghiệp ngay trong nhà trường sẽ tạo được cơ hội rất lớn cho sinh viên. Các em sẽ có thêm điều kiện thực hành, trải nghiệm, từ đó nâng cao hơn năng lực khi tốt nghiệp ra trường”.

Nhận định hướng nghiên cứu cơ bản cũng quan trọng, có lợi cho mình, cho trường, tuy nhiên để mang lại tác động cho cộng đồng, xã hội thì cần thời gian dài lâu hơn; Do vậy, vị giáo sư quyết tâm chuyển dần hướng nghiên cứu sang ứng dụng nhằm tạo ra các sản phẩm thiết thực phục vụ cộng đồng.

Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu là nhà khoa học Việt Nam duy nhất có tên trong bảng xếp hạng các nhà khoa học hàng đầu thế giới, lĩnh vực Khoa học vật liệu (do Research.com thực hiện vào năm 2023).

Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu là nhà khoa học Việt Nam duy nhất có tên trong bảng xếp hạng các nhà khoa học hàng đầu thế giới, lĩnh vực Khoa học vật liệu (do Research.com thực hiện vào năm 2023).

Tuy nhiên, theo thầy Hiếu, điều kiện để phát triển nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam đang còn gặp phải rất nhiều khó khăn. Ví như, để làm nghiên cứu ứng dụng thì còn có bài toán tìm doanh nghiệp. Các nhà khoa học không thể tự nghĩ ra bài toán và tự triển khai nghiên cứu được.

Nhưng hiện ở nước ta có rất ít doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI. Do đó, các bài toán từ doanh nghiệp đặt hàng cho nhà khoa học rất ít, hoặc nếu có thì cũng rất khó; cộng thêm thiếu thiết bị, thiếu công nghệ, thiếu chuyên gia, nên không phải ai cũng làm được.

Chưa kể, với vai trò là một giảng viên đại học, người làm khoa học còn phải tham gia giảng dạy, không có thời gian lăn lộn ngoài doanh nghiệp, đi thực địa để triển khai đề tài ứng dụng. Vậy nên, bối cảnh hiện nay ở Việt Nam chưa tạo ra được môi trường thật sự cho các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Nhắn gửi tới thế hệ nhà khoa học trẻ, Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu đặc biệt nhấn mạnh tới tính thực chất, trung thực trong làm nghiên cứu khoa học. Theo thầy, người làm khoa học phải thật sự nghiêm túc, chỉn chu từ những chi tiết nhỏ nhất. Không được thách thức mà làm khoa học hời hợt, chạy theo số lượng, làm khoa học theo kiểu “ăn xổi”.

“Thế hệ trẻ ngày nay các bạn đều có năng lực nghiên cứu rất tốt. Tuy nhiên, ngoài đam mê, chúng ta phải thực sự luôn nghiêm túc, đặt tính trung thực và liêm chính lên hàng đầu thì mới có thể phát triển được”, Giáo sư Hiếu nhấn mạnh.

Chia sẻ định hướng nghiên cứu sắp tới, Giáo sư Hiếu cho hay, thầy cùng các cộng sự của mình sẽ tiếp tục tập trung ứng dụng các thành tựu của trí tuệ nhân tạo AI vào các nghiên cứu của mình. Cụ thể, nhiều dự án có ý nghĩa quan trọng như phát triển hệ thống cảm biến thông minh quan sát môi trường, hay phân tích hơi thở người để chẩn đoán sớm người mắc bệnh trong y học,...

Kể từ khi Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua năm 2013, quy định ngày 18/5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các hoạt động chào mừng kỉ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ hàng năm được tổ chức trên toàn quốc. Đến năm 2023 cũng đã được tròn 10 năm.

Doãn Nhàn